Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

Lĩnh vực linh kiện điện tử Nhật hưởng lợi nhờ mạng 5G

Sự phát triển của mạng 5G tại Nhật góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của các công ty chuyên sản xuất linh kiện điện tử.

Bài viết liên quan
SV Bách khoa khối Nhật ngữ hoàn tất kỳ thi chuyển tiếp
Matsushita Konosuke: “Thánh kinh doanh” sở hữu 92 phát minh cải tiến và 8 bằng sáng chế đồ điện – điện tử
Ngành bán dẫn vực dậy, Nhật đẩy mạnh tìm kiếm kỹ sư điện – điện tử

SỨC TĂNG TRƯỞNG VƯỢT BẬC CỦA NGÀNH LINH KIỆN ĐIỆN TỬ NHẬT TRONG THỜI ĐẠI MẠNG 5G

Sau 4G, 5G là thế hệ kế tiếp của công nghệ truyền thông di động. Tốc độ đường truyền của 5G nhanh gấp 10 lần so với 4G, đưa con người tiến gần hơn tới kỷ nguyên internet vạn vật (internet of things, IoT).

Ở Nhật, mạng 5G đã manh nha phát triển từ năm 2008 và từng bước hoàn thiện trong hơn 10 năm sau đó. Năm 2020 đánh dấu một cột mốc quan trọng khi được coi là “5G nguyên niên” – tức năm phủ sóng mạng 5G trên toàn nước Nhật. Điều này đồng nghĩa với việc từ đây, mọi khía cạnh trong đời sống con người – từ sản xuất, nông nghiệp, y tế đến phòng chống thiên tai – đều có sự tham gia của 5G. Tính đến cuối tháng 3/2022, mạng 5G đã bao phủ hơn 90% dân số Nhật [1] – cao hơn rất nhiều so với độ phủ sóng của điện thoại thông minh (83,4%) hay mạng xã hội (73,8%) [2].

Không chỉ ngành viễn thông – di động được hưởng lợi, mạng 5G phổ biến còn kéo theo sự phát triển của nhiều ngành khác như ô tô (mảng xe tự động/ xe hơi điện [EV]), máy móc công nghiệp, thiết bị y tế, robot…

Đặc biệt, linh kiện điện tử là một trong những ngành phát triển mạnh nhất do nhu cầu đẩy mạnh sản xuất để cung ứng nguyên liệu cho các thiết bị IoT. Nhờ vậy, ngành này liên tiếp đạt doanh thu “khủng” trong những năm vừa qua.

Ngành sản xuất linh kiện điện tử phục vụ cho sản phẩm IoT đã và sẽ ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ. – Hình: Murata Manufacturing

Theo NIKKEI, chỉ trong năm tài khóa 2021 [3], tổng doanh thu sau thuế của bảy công ty sản xuất linh kiện điện tử lớn nhất tại Nhật tăng 56% so với năm trước, trong đó phân khúc chiếm doanh thu cao nhất là 5G và EV. Thống kê của TDK Corporation – một trong những công ty hàng đầu tại Nhật trong lĩnh vực này, cho biết doanh thu sau thuế của họ trong năm tài khóa 2021 là 177,5 tỷ yên (tương đương khoảng 31.500 tỷ đồng), tăng gấp 2,2 lần năm tài khóa 2020 [4].

Ước tính đến năm tài khóa 2025, tổng doanh thu toàn quốc của tụ điện gốm đa lớp (MLCC) dùng trong ô tô sẽ đạt mức tăng trưởng 8%/năm, theo dự báo của Murata Manufacturing. Các loại linh kiện cách nhiệt phục vụ vận hành tự động hóa như tụ điện màng mỏng (film capacitor) cũng sẽ ngày càng được ưa chuộng. Những dự báo đầy lạc quan về ngành này cho thấy đây sẽ là con gà “đẻ trứng vàng” cho các công ty trong những năm tới. Do đó, những công ty có nguồn vốn mạnh như TDK Corporation đã không ngần ngại chi ngân sách lên đến 50 tỷ yên (tương đương khoảng 8.816 tỷ đồng) để xây dựng nhà máy chuyên sản xuất linh kiện điện tử dùng cho EV tại tỉnh Iwate [5]. 

HẬU COVID-19, NHU CẦU TUYỂN KỸ SƯ ĐIỆN – ĐIỆN TỬ ĐA NĂNG TRỞ NÊN CẤP THIẾT

Giai đoạn hậu COVID-19, chuỗi cung ứng quốc tế có xu hướng thu hẹp lại, các công ty Nhật phải tiến hành chuyển đổi số trong khâu quản lý và tái cấu trúc chuỗi cung ứng để thích ứng với tình hình mới. Lúc này, thêm nhiều yêu cầu mới được đặt ra cho các kỹ sư điện – điện tử, đó là phải có sự am hiểu về digital, có thể tham gia vào từng công đoạn bao gồm R&D (nghiên cứu và phát triển), thiết kế mẫu mã cho đến chế tạo thành phẩm.

Đây là những tri thức, kỹ năng bậc cao và mang tính liên ngành, đòi hỏi người lao động phải nỗ lực trau dồi từ bậc Đại học và không ngừng tích lũy ngay cả khi ra trường. Giữa bối cảnh tuyển dụng khó khăn trong nước do tình trạng già hóa dân số, các doanh nghiệp Nhật tăng cường mở rộng tìm kiếm ứng viên tài năng ở các quốc gia lân cận mà một trong những điểm đến hàng đầu chính là Việt Nam.

Theo khảo sát năm 2022 của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Việt Nam là quốc gia dẫn đầu ASEAN trong việc thu hút các doanh nghiệp Nhật mở rộng đầu tư trong một-hai năm tới, với tỷ lệ khoảng 60% (tăng gần 5% so với năm 2021). Cũng từ JETRO, Nhật Bản đứng thứ hai (chỉ sau Mỹ) về mức độ thu hút nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Một trong những lý do thuyết phục doanh nghiệp Nhật chọn Việt Nam làm điểm đến là số lượng người nói tiếng Nhật tại Việt Nam đang dẫn đầu tại ASEAN. Bên cạnh đó, thị trường nội địa tiềm năng của Việt Nam lên tới gần 100 triệu dân là “đất lành” cho doanh nghiệp Nhật “đậu lại” làm ăn dài hạn 10-15 năm.

Việc đào tạo nguồn lực đáp ứng cả về lượng lẫn về chất là vấn đề sống còn đối với tương lai ngành sản xuất linh kiện điện tử tại Nhật. – Hình: ĐH Công nghệ Nagaoka

CHƯƠNG TRÌNH CHUYỂN TIẾP QUỐC TẾ (SANG NHẬT) NGÀNH KỸ THUẬT ĐIỆN – ĐIỆN TỬ: TẬP TRUNG ĐÀO TẠO NHÂN LỰC TRÌNH ĐỘ CAO

Chuyển tiếp Quốc tế (sang Nhật) là chương trình hợp tác quốc tế giữa Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM) và ĐH Công nghệ Nagaoka (NUT) trong mảng đào tạo nhân lực ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử. Điểm nổi bật của chương trình là sau 2,5 năm đầu học các môn chuyên ngành, ngôn ngữ và văn hóa Nhật tại Trường ĐH Bách khoa, SV có cơ hội sang NUT học 2 năm cuối. Nội dung đào tạo tại NUT thường xuyên được điều chỉnh để bám sát nhu cầu thị trường lao động nước này, bao gồm ba chuyên ngành như sau:

  • Thiết bị Quang sóng Điện tử: bán dẫn, thiết bị siêu dẫn, MEMS thông minh, quang điện tử, ứng dụng laser, màn hình tinh thể lỏng, điện tử ceramic
  • Công nghệ Thông tin: mạng lưới thông tin, hệ thống máy tính, hệ thống tìm kiếm, xử lý tín hiệu, xử lý hình ảnh, xử lý tín hiệu thần kinh, ngôn ngữ tự nhiên
  • Năng lượng: điều khiển năng lượng, điều khiển tự động, điện tử năng lượng, năng lượng điện từ, lực học plasma
sv chuyển tiếp quốc tế nhật bản
SV chương trình Chuyển tiếp Quốc tế ngành Kỹ thuật Kỹ thuật Điện – Điện tử sẽ được sang NUT để hoàn thành hai năm cuối. – Hình: OISP

Ngoài kiến thức học được trên lớp, chương trình còn xen kẽ những tiết thực hành, thực tập thực tế tại doanh nghiệp để SV làm quen với môi trường làm việc, trau dồi thêm những kiến thức và kỹ năng mà doanh nghiệp cần. Nhờ đó SV có thể dễ dàng tham gia vào thị trường lao động tại Nhật hoặc công ty Nhật tại Việt Nam sau khi ra trường, phát huy được thế mạnh của bản thân trong thời đại bùng nổ 5G.

Bài: INAKO


[1] https://shindengen.co.jp/column/vol5
[2] Theo Sách trắng về công nghệ thông tin năm 2022 của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản
[3] Năm tài khóa ở Nhật thường được tính từ ngày 1/4 của năm đó đến hết tháng Ba của năm tiếp theo.
[4] https://nikkei.com/article/DGXZQOUC10BMI0Q2A510C2000000
[5] https://news.yahoo.co.jp/articles/7222e8343997b87d1f48524a83bd36ab85195851

Bài trước

Bài tiếp