Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

Synopsys đầu tư mạnh cho phát triển nhân sự thiết kế chip tại Việt Nam

Đối tượng được hưởng lợi bao gồm giảng viên và sinh viên Kỹ thuật Điện – Điện tử, Kỹ thuật Máy tính của Trường ĐH Bách khoa cùng hai trường thành viên khác thuộc ĐHQG-HCM.

Bài viết liên quan
Tăng trưởng mạnh lĩnh vực bán dẫn, Việt Nam cần nhiều kỹ sư vi mạch
Ngành bán dẫn vực dậy, Nhật đẩy mạnh tìm kiếm kỹ sư điện – điện tử

Nhà cung cấp công cụ thiết kế vi mạch hàng đầu thế giới vừa ký Biên bản ghi nhớ với Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP) vào cuối tháng 8/2022 vừa qua nhằm hỗ trợ phát triển trung tâm thiết kế vi mạch (chip) tại Việt Nam.

Sự hợp tác này nhằm mục đích trau dồi tài năng thiết kế vi mạch tiên tiến và tạo điều kiện phát triển công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

Synopsys đầu tư mạnh cho phát triển nhân sự thiết kế tại Việt Nam
Tiến sĩ Robert Li (trái) ký Biên bản ghi nhớ (MoU) với TS. Nguyễn Anh Thi. – Hình: Khoa học Phát triển

CUNG CẤP PHẦN MỀM THIẾT KẾ BÁN DẪN

Synopsys (Mỹ) hiện là một trong ba công ty dẫn đầu toàn cầu về lĩnh vực phần mềm tự động hóa thiết kế điện tử (electronic design automation EDA software) chuyên dụng trong sản xuất vi mạch, IP bán dẫn[1], đồng thời cung cấp danh mục dịch vụ và công cụ kiểm tra bảo mật ứng dụng rộng nhất trong ngành.

Hai công ty còn lại là Cadence và Mentor Graphics, đều của Mỹ.

Bộ ba tập đoàn nêu trên kiểm soát tới 70% thị trường EDA toàn cầu.

Toàn bộ hệ sinh thái ngành bán dẫn như tam giác khổng lồ. Cả ba cùng nhau đảm bảo chuỗi cung ứng được vận hành trơn tru cho toàn ngành bán dẫn.

  1. Một góc là các hãng đúc chip với tên tuổi tiêu biểu như TSMC (Đài Loan)
  2. Góc thứ hai là các công ty sở hữu các bản quyền trí tuệ, làm ra và bán các thiết kế chip có thể tái sử dụng, tên tuổi tiêu biểu có thể kể đến là ARM (Anh Quốc)
  3. Góc cuối cùng là các công cụ EDA

Tưởng chừng các phần mềm EDA chỉ quan trọng đối với những hãng thiết kế chip, nhưng ngay cả các nhà sản xuất chip cũng cần đến chúng để xác minh xem một thiết kế có thể sản xuất được hay không. Các hãng đúc chip không thể chỉ sản xuất thử một hai con chip đơn lẻ làm mẫu được, họ phải đầu tư nhiều tháng cho việc sản xuất thử và mỗi lần hàng trăm con chip sẽ được chế tạo. Đó sẽ là một sự lãng phí khủng khiếp nếu trong thiết kế có lỗi nào đó. Vì vậy, các nhà sản xuất chip cũng cần một loại phần mềm EDA đặc biệt để xác thực các thiết kế này.

Thông qua Biên bản ghi nhớ, Synopsys cung cấp phần mềm thiết kế chip và nhiều tài nguyên khác để thiết lập trung tâm thiết kế chip.

ĐÀO TẠO NHÂN TÀI LĨNH VỰC THIẾT KẾ VI MẠCH

Chú trọng phát triển lâu dài và bền vững, ngoài việc cung cấp công nghệ thiết kế chip đẳng cấp thế giới, Synopsys còn ươm mầm và nuôi dưỡng các nhà thiết kế chip tương lai của Việt Nam thông qua chương trình đào tạo chuyên sâu cho các giảng viên Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Công nghệ Thông tin (ĐHQG-HCM) các ngành có liên quan đến thiết kế vi mạch như Kỹ thuật Điện – Điện tử, Kỹ thuật Máy tính.

Từ đó, các giảng viên sẽ truyền đạt lại các xu hướng thiết kế vi mạch mới nhất cho sinh viên của mình.

Ông Robert Li, Phó Chủ tịch kinh doanh của Synopsys khu vực Đài Loan và Nam Á, cho rằng thách thức lớn nhất hiện nay của ngành sản xuất chip là thiếu nhân lực.

“Trong những năm gần đây, Synopsys đã giới thiệu nhiều công nghệ tiên tiến cho các đối tác Việt Nam để giúp họ tăng cường năng lực thiết kế vi mạch và rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường. Chúng tôi hy vọng sự hợp tác với SHTP sẽ không chỉ mang lại công nghệ mới cho các đối tác của chúng tôi tại Việt Nam, mà còn ươm mầm tài năng trẻ và giúp thúc đẩy sự phát triển của ngành bán dẫn Việt Nam”, ông Robert Li nói.

Synopsys có hai văn phòng tại TP.HCM và hai tại Đà Nẵng với hơn 400 nhân viên, có kế hoạch tăng thêm từ 300 đến 400.

Synopsys đầu tư mạnh cho phát triển nhân sự thiết kế tại Việt Nam
Văn phòng Synopsys tại Việt Nam. – Hình: Synopsys Vietnam

Theo TS. Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý SHTP, ngoài dự án hợp tác mới với Synopsys cùng hai dự án thiết kế bán dẫn đang hoạt động với Microchip Technology (nghiên cứu và thiết kế vi mạch bán dẫn) và với SNST & Finger Vina (thiết kế vi mạch điện tử tích hợp), SHTP cũng đang thu hút sự quan tâm và tìm kiếm cơ hội đầu tư của các nhà thiết kế sản xuất chip khác trên thế giới.

Vì vậy, trong thời gian tới, nhu cầu về nhân sự thiết kế vi mạch sẽ rất lớn, đòi hỏi TP.HCM phải có bước chuẩn bị đầu tư đào tạo nhân lực chất lượng cao lĩnh vực này.

CHƯƠNG TRÌNH TIÊN TIẾN NGÀNH KỸ THUẬT ĐIỆN – ĐIỆN TỬ: ĐÁP ỨNG NHU CẦU KỸ SƯ VI MẠCH TRÌNH ĐỘ CAO

Chương trình Tiên tiến ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử của Trường ĐH Bách khoa (mã trường: QSB, mã ngành: 208) là dự án quốc gia do Bộ Giáo dục & Đào tạo chủ trì, triển khai thí điểm từ năm 2006 tại 10 ĐH trọng điểm của Việt Nam, nhằm quốc tế hóa chương trình đào tạo ĐH trong nước trên cơ sở chuyển giao chương trình đào tạo tiên tiến của các ĐH uy tín trên thế giới.

Nội dung lấy mẫu từ chương trình Điện – Điện tử đang vận hành tại Khoa Điện & Kỹ thuật Máy tính (The Department of Electrical & Computer Engineering – ECE) thuộc University of Illinois Urbana-Champaign (UIUC), Mỹ (UIUC xếp thứ sáu trong bảng xếp hạng các trường đào tạo kỹ thuật hàng đầu Hoa Kỳ, theo US. News & World Report 2022). Chương trình khai thác và sử dụng tối đa nguồn học liệu tiên tiến từ ECE-UIUC và học liệu mở từ Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT OpenCourseWare) của Mỹ.

Chương trình được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh với các giảng viên được tuyển chọn từ Trường ĐH Bách khoa và đã qua tu nghiệp tại ECE-UIUC hoặc nước ngoài. Mỗi năm, sẽ có các giáo sư từ ECE-UIUC sang tham gia giảng dạy một số môn.

Đáp ứng nhu cầu kỹ sư vi mạch trình độ cao, từ năm 2021, chương trình Tiên tiến ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử mở thêm phân ngành thứ tư là Hệ thống Mạch – Phần cứng (bên cạnh ba phân ngành Hệ thống Năng lượng, Hệ thống Thông tin, Hệ thống Tự động).

Các kỹ sư hệ thống mạch – phần cứng có thể phát triển và sử dụng hiệu quả các thiết bị và phần mềm tự động hóa phục vụ cho việc tổng hợp và kiểm tra hệ thống với sự hỗ trợ của máy tính. Các môn học trong lĩnh vực này bao gồm: Cấu trúc máy tính, Các công cụ thiết kế trên máy tính, Phương pháp xác thực và kiểm nghiệm thiết kế, Thiết kế vi mạch (VLSI System, Digital IC, Analog IC Design), Thiết kế hệ thống nhúng, Linh kiện bán dẫn, Trí tuệ nhân tạo…

Nhiều thế hệ sinh viên tốt nghiệp chương trình Tiên tiến đã và đang làm việc như những chuyên gia trong lãnh vực vi mạch tích hợp tại các công ty như Intel, Samsung và trong lãnh vực thiết kế phần cứng tại các công ty như Synopsys, Marvell, Ampere, Faraday.

THI CA tổng hợp


[1] Lõi IP bán dẫn (semiconductor intellectual property core) là lõi sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực vi mạch, một phần của hệ thống hoặc chip vi mạch, có khả năng tái sử dụng cho nhiều thiết kế khác nhau nhằm giảm thời gian và chi phí thiết kế vi mạch.

Bài trước

Bài tiếp