Tư vấn tuyển sinh: (028) 7300.4183/ 7301.4183 – 03.9798.9798 tuvan@oisp.edu.vn
Select Page

Tăng trưởng mạnh lĩnh vực bán dẫn, Việt Nam cần nhiều kỹ sư vi mạch

Intel, Samsung và nhiều tập đoàn bán dẫn lớn của thế giới đang tăng cường sản xuất tại Việt Nam. Số lượng 1.000 kỹ sư vi mạch hiện tại của TP.HCM không đủ đáp ứng.

Bài viết liên quan
Phạm Minh Ngọc Thảo: từ chối 4 đại học lớn để về đội Bách khoa
► Nguyễn Lê Hoàng Vương: “lén” thi Bách khoa, thành “sắn lùi” của Khoa Điện
► Bùi Đức Minh: chủ động học hỏi và đồng hành với những gã khổng lồ
► Tự sự của một con nghiện bug chân chính

CHẤT BÁN DẪN: XƯƠNG SỐNG KỶ NGUYÊN ĐIỆN TỬ

Chất bán dẫn được xem là chỉ số báo hiệu sức khỏe kinh tế toàn cầu. – Hình: Google Images

Chất bán dẫn (semiconductor) dùng làm nền tảng cho máy tính và các thiết bị điện tử khác. Nó có đặc tính nằm giữa chất dẫn điện và chất không thể dẫn điện. Điều này giúp nó trở thành phương tiện lý tưởng để kiểm soát dòng điện và các thiết bị điện hằng ngày. Chất bán dẫn được dùng trong chip điện tử, chế tạo linh kiện điện thoại, máy tính, xe, máy bay, thiết bị IoT…

Theo Công ty dữ liệu Statista, ba tập đoàn công nghệ dẫn đầu doanh số chất bán dẫn của thế giới lần lượt là Samsung (Hàn Quốc), Intel (Mỹ) và TSMC (Đài Loan).

Trong những thập niên gần đây, mức trung bình dao động về doanh số bán chip trong mỗi ba tháng có tương quan đáng kể với hiệu suất của nền kinh tế toàn cầu. Tín hiệu báo động từ ngành bán dẫn xuất hiện trong bối cảnh lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu đã khiến các nhà sản xuất chip như Samsung Electronics phải cân nhắc các kế hoạch đầu tư trở lại.

Chất bán dẫn đang ngày càng quan trọng hơn khi sự phụ thuộc vào các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số ngày một tăng. Đại dịch COVID-19 bùng phát càng tô đậm vai trò của loại vật liệu này bởi rất nhiều công việc và hoạt động học tập được thực hiện từ xa thông qua máy móc và thiết bị điện tử.

Quá trình sản xuất chip được chia làm ba công đoạn chính gồm:
1. Thiết kế (gồm nghiên cứu và phát triển), sở hữu trí tuệ và phần mềm. Tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực này là Nvidia (Mỹ).
2. Thiết kế và sản xuất chip, với tên tuổi dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực này là TSMC (Đài Loan).
3. Lắp ráp, thử nghiệm đóng gói và hoàn thiện các vật liệu để chip có thể sẵn sàng lắp đặt, sử dụng trong các thiết bị điện tử.

VIỆT NAM – “NHÂN TỐ X” TRONG CUỘC ĐUA BÁN DẪN TOÀN CẦU

Tăng trưởng mạnh lĩnh vực bán dẫn, Việt Nam cần nhiều kỹ sư vi mạch - chương trình Tiên tiến - ngành Kỹ thuật Điện - Điện tử
Việt Nam đang trở thành một phần quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu trong ngành bán dẫn. – Hình: Google Images

Cuộc chạy đua bán dẫn toàn cầu đang nóng lên khi làn sóng chuyển giao dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam đang thu hút nhiều sự chú ý. Mới đây, Việt Nam tiếp tục trở thành tâm điểm của ngành bán dẫn khi Samsung (Hàn Quốc) tuyên bố kế hoạch sản xuất linh kiện bán dẫn từ tháng 7/2023.

Các chuyên gia đánh giá, với vai trò và tầm ảnh hưởng của của mình trên thị trường toàn cầu, hành động mới nhất của Samsung sẽ thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành bán dẫn Việt Nam trong tương lai.

Hãng nghiên cứu Tâm Mưu (Trung Quốc) nhận định thế giới đang cạnh tranh khốc liệt trong ngành công nghiệp bán dẫn và các nước Đông Nam Á đang được hưởng lợi khi thu hút nhiều tập đoàn quốc tế đến đầu tư. “Trong đó, Việt Nam đang trở thành một phần quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu trong ngành bán dẫn với nhiều khu công nghiệp chuyên về kiểm nghiệm và đóng gói chip, có khả năng cạnh tranh với Trung Quốc”.

Theo báo cáo của công ty nghiên cứu Technavio (Anh Quốc), thị trường chất bán dẫn tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng thêm 1,65 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2025 với tốc độ tăng trưởng kép vào khoảng 6,52%/năm. “Sự gia tăng về nhu cầu tiêu dùng là nguyên nhân trực tiếp giúp các nhà máy bán dẫn ở Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, thu hút nguồn vốn FDI của nhiều doanh nghiệp nước ngoài trong thời gian qua”, Technavio nhận định.

Ngoài Samsung, Việt Nam còn là nơi đặt nhà máy lắp ráp và kiểm định lớn nhất của Intel (Mỹ). Intel Products Vietnam (IPV) được đầu tư 1,5 tỷ USD, có hơn 2.800 nhân viên và là công ty công nghệ cao lớn nhất của Mỹ tại Việt Nam. Tính đến năm 2021, IPV đã vận chuyển hơn 3 tỷ sản phẩm đến với khách hàng của Intel trên toàn cầu.

Hồi cuối tháng 5/2022, Intel đã vinh danh IPV vì những sáng tạo trong việc cải tiến quy trình xử lý chất nền (substrate) tại nhà máy lắp ráp và kiểm định, giúp Intel bổ sung thành công hàng triệu con chip ra thị trường, góp phần quan trọng giúp công ty vượt qua cuộc khủng hoảng chip toàn cầu.

Ông Kim Huat Ooi, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc IPV cho biết: “Sáng kiến này giúp Intel hoàn thành quá trình lắp ráp chip nhanh hơn 80% và hỗ trợ những nhà cung cấp chất nền đang đối mặt việc thiếu hụt nguồn cung”. Hướng tiếp cận mới của nhà máy IPV giúp hãng bổ sung hàng triệu chip mỗi năm, mở ra triển vọng tăng hơn hai tỷ USD lợi nhuận cho Intel.

Ngoài hai “ông lớn” Samsung và Intel, nhiều công ty bán dẫn lớn của thế giới cũng đang đặt nhà máy tại Việt Nam, như USI Electronics (Đài Loan), Renesas Electronics (Nhật Bản).

Dù có nhiều tiềm năng, các chuyên gia cũng chỉ ra những thách thức với ngành bán dẫn Việt Nam. Theo Technavio, một trong những rào cản lớn nhất hiện nay là thiếu lao động có tay nghề cao. Lấy ví dụ về sự thiếu hụt của ngành chip trong nước, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) cho biết thành phố là một trong những nơi dẫn đầu cả nước về lĩnh vực bán dẫn nhưng chỉ có khoảng 1.000 kỹ sư vi mạch. “Con số này không đủ đáp ứng nhu cầu trong lĩnh vực này mà cần phải có thêm hàng chục nghìn người để có lực lượng lao động chất lượng cao trong ngành công nghiệp này”, ông Thi nói.

Tăng trưởng mạnh lĩnh vực bán dẫn, Việt Nam cần nhiều kỹ sư vi mạch - chương trình Tiên tiến - ngành Kỹ thuật Điện - Điện tử
Số lượng 1.000 kỹ sư vi mạch hiện tại của TP.HCM là không đủ đáp ứng cho nhu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. – Hình: Google Images

CHƯƠNG TRÌNH TIÊN TIẾN NGÀNH KỸ THUẬT ĐIỆN – ĐIỆN TỬ: ĐÁP ỨNG NHU CẦU KỸ SƯ VI MẠCH TRÌNH ĐỘ CAO

Chương trình Tiên tiến ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử của Trường ĐH Bách khoa (mã trường: QSB, mã ngành: 208) là dự án quốc gia do Bộ Giáo dục & Đào tạo chủ trì, triển khai thí điểm từ năm 2006 tại 10 ĐH trọng điểm của Việt Nam, nhằm quốc tế hóa chương trình đào tạo ĐH trong nước trên cơ sở chuyển giao chương trình đào tạo tiên tiến của các ĐH uy tín trên thế giới.

Nội dung lấy mẫu từ chương trình Điện – Điện tử đang vận hành tại Khoa Điện & Kỹ thuật Máy tính (The Department of Electrical & Computer Engineering – ECE) thuộc University of Illinois Urbana-Champaign (UIUC), Mỹ (UIUC xếp thứ sáu trong bảng xếp hạng các trường đào tạo kỹ thuật hàng đầu Hoa Kỳ, theo US. News & World Report 2022). Chương trình khai thác và sử dụng tối đa nguồn học liệu tiên tiến từ ECE-UIUC và học liệu mở từ Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT OpenCourseWare) của Mỹ.

Chương trình được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh với các giảng viên được tuyển chọn từ Trường ĐH Bách khoa và đã qua tu nghiệp tại ECE-UIUC hoặc nước ngoài. Mỗi năm, sẽ có các giáo sư từ ECE-UIUC sang tham gia giảng dạy một số môn.

Đáp ứng nhu cầu kỹ sư vi mạch trình độ cao, từ năm 2021, chương trình Tiên tiến ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử mở thêm phân ngành thứ tư là Hệ thống Mạch – Phần cứng (bên cạnh ba phân ngành Hệ thống Năng lượng, Hệ thống Thông tin, Hệ thống Tự động).

Các kỹ sư hệ thống mạch – phần cứng có thể phát triển và sử dụng hiệu quả các thiết bị và phần mềm tự động hóa phục vụ cho việc tổng hợp và kiểm tra hệ thống với sự hỗ trợ của máy tính. Các môn học trong lĩnh vực này bao gồm: Cấu trúc máy tính, Các công cụ thiết kế trên máy tính, Phương pháp xác thực và kiểm nghiệm thiết kế, Thiết kế vi mạch (VLSI System, Digital IC, Analog IC Design), Thiết kế hệ thống nhúng, Linh kiện bán dẫn, Trí tuệ nhân tạo…

Nhiều thế hệ sinh viên tốt nghiệp chương trình Tiên tiến đã và đang làm việc như những chuyên gia trong lãnh vực vi mạch tích hợp tại các công ty như Intel, Samsung và trong lãnh vực thiết kế phần cứng tại các công ty như Synopsys, Marvell, Ampere, Faraday.

THI CA tổng hợp từ VNE, TTO, Technavio

Bài trước

Bài tiếp