Quốc hội dành cả ngày hôm nay (7-6) để giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học”
TTO – Quốc hội dành cả ngày hôm nay (7-6) để giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học”.
Mặc dù dư luận đã cho thấy mức độ bức xúc đối với hiện trạng giáo dục đại học (GDĐH) của Việt Nam lâu nay, nhưng những con số được đưa ra trong báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được GSTSKH Đào Trọng Thi đọc sáng nay vẫn làm nhiều người ngạc nhiên.
Tăng trưởng chóng mặt
Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh phát biểu ý kiến – Ảnh: TTXVN |
Tính đến 30-9-2009, cả nước có 440 cơ sở GDĐH (180 trường đại học, 232 trường cao đẳng, 28 cơ sở đào tạo thuộc khối quốc phòng, an ninh). Vậy mà chỉ từ năm 1998-2009 đã có 304 trường ĐH, CĐ được thành lập. Nhờ đó 35/63 tỉnh, thành phố có thêm trường ĐH, CĐ mới; kết quả là có 62/63 tỉnh, thành có ít nhất một trường ĐH hoặc CĐ, trong đó 40 tỉnh, thành có trường ĐH và 60 tỉnh, thành có trường CĐ.
Tổng quy mô đào tạo ĐHCĐ năm học 2008 – 2009 là 1.719.499 sinh viên, tỉ lệ sinh viên/số dân năm 1997 là 80 sinh viên/vạn dân thì đến năm 2009 là 195 sinh viên/vạn dân và năm 2010 có thể đạt 200 sinh viên/vạn dân.
Từ năm 1987-2009 số sinh viên cả nước tăng 13 lần nhưng số giảng viên chỉ tăng ba lần, do đó tỉ lệ sinh viên/giảng viên quá cao so với quy định (trong năm học 2008 – 2009 là 28 SV/GV). Theo kết quả khảo sát của đoàn giám sát tại một số trường thì tỉ lệ này còn lên đến trên 40 sinh viên/giảng viên.
Ở các trường ngoài công lập, số giảng viên cơ hữu thấp hơn số giảng viên thỉnh giảng, thậm chí không ít trường số giảng viên thỉnh giảng gấp hai lần số giảng viên cơ hữu; cá biệt có trường chỉ có 53 giảng viên cơ hữu trong khi số giảng viên thỉnh giảng là 375 (Trường ĐHDL Đông Đô). Không ít trường hợp danh sách giảng viên thỉnh giảng của một số trường trùng nhau, tập trung vào một số GS, Phó GS, TS. Nhiều giảng viên dạy tới 1.000 tiết/năm trong khi quy định là 260 tiết/năm.
Đứng mặt đất, mơ trên trời
Các cơ sở giáo dục đại học tăng đến chóng mặt! |
Vẫn theo báo cáo giám sát, nhiều trường mới được thành lập đã tuyển sinh với quy mô lớn vượt quá năng lực đào tạo (đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, phòng học, trang thiết bị thực hành, thư viện…), dẫn tới hệ quả là chất lượng đào tạo không được đảm bảo. Kết quả khảo sát cho thấy quy mô và cơ cấu ngành nghề đào tạo của hầu hết các trường ĐH, CĐ mới thành lập đều do các trường tự đề xuất theo nguyện vọng chủ quan của mình.
Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2001-2010 có một số chỉ tiêu không thực hiện được và không khả thi như: vào năm 2010 có ít nhất 50% số giảng viên đạt trình độ Thạc sĩ, TS; số sinh viên các trường ngoài công lập đạt 30%; diện tích chỗ ở bình quân cho một sinh viên là 3m2…
Tuy nhiên, Chính phủ lại ban hành quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2006-2020 (trong đó có những chỉ tiêu được nêu ra ở mức quá cao, không sát với tình hình thực tế ở nước ta, như: đến 2010 có 40% giảng viên ĐH và 30% giảng viên CĐ là ThS; 25% giảng viên ĐH và 5% giảng viên CĐ là TS; đến 2015 có 50% giảng viên ĐH và 10% giảng viên CĐ là TS trong khi thực tế hiện nay (năm 2009) tỉ lệ giảng viên ĐH, CĐ cả nước có trình độ TS mới đạt 10,16%).
Theo kết quả xếp hạng trong tháng 3-2010 đối với các trường ĐH trên thế giới của tổ chức Đại học Quốc tế (International College and University) công bố trên trang điện tử www.4icu.org, một số trường ĐH của Việt Nam có thứ hạng như sau : ĐH Quốc gia Hà Nội xếp thứ 569, ĐH Quốc gia TP.HCM : 609, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội: 1.364, Trường ĐH Kinh tế quốc dân: 1.806. |
“Một số cơ sở GDĐH sau nhiều năm thành lập vẫn chưa có địa điểm xây dựng trường (Trường ĐHDL Đông Đô, ĐHDL Văn Hiến, ĐHDL Hùng Vương,…) hoặc phải tự xoay xở trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng (Trường ĐH Đại Nam) cũng như không thể mở rộng diện tích, giảng đường, phòng thí nghiệm do diện tích xây dựng quá chật hẹp (Trường ĐH Công nghệ thuộc ĐHQGHN…)” – bản báo cáo chỉ rõ.
Về suất đầu tư, định mức kinh phí trung bình mà ngân sách cấp để duy trì hoạt động thường xuyên của các trường công lập tính theo đầu sinh viên là 6.000.000 đ/SV/năm, nhưng do các trường tuyển sinh vượt số lượng SV trong chỉ tiêu có kinh phí nên suất đầu tư thực tế từ ngân sách nhà nước chỉ đạt 2,5 triệu đồng – 3 triệu đồng/năm; nếu gộp cả học phí theo mức tối đa trong hàng chục năm qua là 1.800.000đ/năm thì suất đầu tư mới đạt khoảng 200 USD/năm.
Ở hầu hết các trường ngoài công lập, suất đầu tư/SV cao nhất là bằng học phí, thường dao động 4.000.000-7.000.000đ/năm. Nếu so sánh với mức học phí 5.000-7.000 USD/năm của Trường ĐH RMIT (Úc) mở ở TP Hồ Chí Minh thì kinh phí đào tạo giữa các trường ĐH, CĐ nước ta với trường nước ngoài có độ chênh lệch rất lớn.
LÊ KIÊN
Theo Tuoitre Online