Theo số liệu thống kê về hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh đại học, năm nay thí sinh vẫn đổ xô vào khối ngành kinh tế. Điều này đã trở nên bình thường.
TT – 1. Theo số liệu thống kê về hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh đại học, năm nay thí sinh vẫn đổ xô vào khối ngành kinh tế. Điều này đã trở nên bình thường.
Tuy nhiên điều bình thường trên lại trở nên bất thường khi sự chọn lựa của thí sinh vào khối ngành này hiện vẫn còn nặng tâm lý phong trào, chịu sự áp đặt của bố mẹ, bị thu hút bởi sự hào nhoáng của ngành nghề, tâm lý sính bằng cấp hoặc chưa được hướng nghiệp đầy đủ và thiếu thông tin về thị trường lao động.
Hệ quả của vấn đề này có thể dẫn đến chênh lệch cung – cầu và sẽ khó tìm việc; việc học tập và làm việc sau khi ra trường của các thí sinh sẽ khó khăn hơn khi ngành “hot” chưa chắc phù hợp với đam mê, sở thích, năng lực, tính cách, điều kiện… của nhiều thí sinh; chưa kể sau bốn năm ra trường chưa chắc còn “hot”…
2. Khi nền kinh tế phát triển, các quan hệ kinh tế ngày càng đa dạng, phong phú thì các quan hệ xã hội sẽ phát triển tương ứng và nảy sinh nhiều vấn đề. Điều này đòi hỏi phải có đội ngũ các chuyên gia về khoa học xã hội giỏi, những người làm công tác xã hội chuyên nghiệp để có thể dự báo, dự đoán và giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế.
Đây là yếu tố rất quan trọng để một quốc gia phát triển tốt đẹp, bền vững. Tuy nhiên qua hồ sơ đăng ký tuyển sinh năm nay và tình hình tuyển sinh các năm trước cho thấy số lượng hồ sơ đăng ký, điểm chuẩn vào các ngành khoa học xã hội ngày càng giảm đi.
3. Động lực phát triển kinh tế là khoa học công nghệ, trong đó các ngành khoa học cơ bản như toán, lý, hóa… đóng vai trò rất quan trọng bởi vì nó là nền tảng, cơ sở cho sự phát triển các ngành khoa học khác. Tuy nhiên cũng giống như các ngành khoa học xã hội, số lượng hồ sơ đăng ký, điểm chuẩn vào các ngành này ngày càng giảm. Thậm chí ở một số trường buộc phải đóng cửa ngành này.
Trước những bất thường đã trở nên quen thuộc này, câu hỏi vĩ mô về phân tích và dự báo nhu cầu nhân lực, quản lý giáo dục (mở trường, mở ngành, chỉ tiêu tuyển sinh, kiểm định chất lượng, hướng nghiệp…) lại càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
TRẦN MINH ĐỨC