Tư vấn tuyển sinh: (028) 7300.4183/ 7301.4183 – 03.9798.9798 tuvan@oisp.edu.vn
Select Page

Đưa giáo dục kỹ năng sống vào chương trình chính khóa

Xung quanh vấn đề “Tiên học lễ, hậu học văn” trong nhà trường và tình trạng coi nhẹ “học lễ”, nặng về “học văn”, ông Phùng Khắc Bình, vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên – Bộ GD-ĐT, cho rằng:

TTCT – Trao đổi với TTCT xung quanh vấn đề “Tiên học lễ, hậu học văn” trong nhà trường và tình trạng coi nhẹ “học lễ”, nặng về “học văn”, ông Phùng Khắc Bình, vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên – Bộ GD-ĐT, cho rằng:

Học sinh học được rất nhiều từ các hoạt động ngoại khóa và các tiết học kỹ năng sống – Ảnh: V.Hà

– Thực chất việc cung cấp kiến thức và dạy học sinh làm người là hai vấn đề phải song hành, đan xen nhau, không phải là công việc riêng rẽ tách biệt. Vì thế, giáo dục của thời kỳ đổi mới, trong chương trình giáo dục phổ thông, ngoài các môn học như giáo dục công dân, đạo đức, các hoạt động ngoại khóa nhằm “chăm sóc tinh thần” cho học sinh, vấn đề dạy người phải được lồng ghép trong quá trình dạy học, trong tất cả các môn học chính khóa.

Học sinh học toán, lý không phải để giải được những bài tập toán, lý mà để học cách tư duy, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Học văn không phải để viết được một văn bản trơn tru, mạch lạc mà qua đó để biết cảm nhận cái đẹp, hướng đến những điều lành mạnh trong cuộc sống, gián tiếp giáo dục học sinh làm theo lẽ phải, thay đổi bản thân theo hướng tích cực. Nếu làm được điều đó, mỗi môn học một ít, như mưa dầm thấm lâu, học sinh phổ thông mới có thể có sự tích lũy, hình thành thói quen, hành vi phù hợp, hoàn thiện nhân cách.

* Nhưng trên thực tế, áp lực thi cử, áp lực thành tích đã khiến nhiều nhà trường, nhiều thầy cô chỉ quan tâm đến việc cung cấp kiến thức khoa học thuần túy?

– Trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành Bộ GD-ĐT đã có những yêu cầu đối với các cơ sở giáo dục, thầy cô giáo trong việc lồng ghép một cách linh hoạt những nội dung giáo dục nhân cách, hành vi ứng xử, hoặc khơi gợi năng lực tư duy, sáng tạo, kỹ năng vận dụng, làm việc theo nhóm hoặc tự giải quyết vấn đề của học sinh.

Tuy nhiên, có những nơi thầy cô giáo làm tốt việc này, có những nơi còn chưa làm được. Việc lồng ghép các nội dung giáo dục không phải làm chương trình nặng hơn mà khiến các bài học, môn học uyển chuyển, gần gũi hơn với học sinh. Vấn đề quan trọng là giáo viên phải có phương pháp dạy học.

* Có nghĩa tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống và khoảng trống về kỹ năng sống của học sinh hiện nay là do giáo viên chưa có phương pháp để chuyển tải đến học sinh những yêu cầu về giáo dục mà Bộ GD-ĐT đã đề ra?

– Tôi nghĩ không hẳn như vậy. Việc giáo dục nhân cách, đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh phải bằng nhiều kênh khác nhau. Nếu chỉ giao phó hoàn toàn cho nhà trường sẽ rất khó. Tôi cho rằng với những diễn biến tiêu cực trong giới học sinh, sinh viên như hiện nay, cần có một chương trình mục tiêu cấp quốc gia liên quan đến giáo dục đạo đức học sinh. Trên cơ sở chương trình tổng thể đó, mỗi bộ, ngành, đoàn thể, trong đó có ngành GD-ĐT, sẽ có trách nhiệm phải làm những công việc cụ thể khác nhau.

* Vậy theo ông, với trách nhiệm của ngành GD-ĐT, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá học sinh trong nhà trường, sẽ có những động thái tích cực nào nhằm nâng cao hiệu quả của việc “học lễ” tương xứng với việc “học văn”?

– Bắt đầu từ năm học 2010-2011, Bộ GD-ĐT sẽ đưa nội dung giáo dục kỹ năng sống vào chương trình học chính khóa trong các nhà trường phổ thông, từ bậc tiểu học đến THPT. Nội dung này sẽ được lồng ghép vào một số môn học phù hợp và chuyển tải trong các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Hiện nay, chúng tôi đã triển khai thí điểm việc này ở một số nơi, tổ chức tập huấn giáo viên, diễn đàn thảo luận, trao đổi kinh nghiệm trong việc thí điểm ở bảy tỉnh, thành phố, sắp tới sẽ tổ chức rộng rãi hơn nữa để khi triển khai đại trà các cơ sở giáo dục, giáo viên có thể thực hiện tốt, tránh tình trạng dạy lồng ghép thiếu hiệu quả những nội dung giáo dục khác như đã xảy ra ở nhiều nơi.

 

Bài trước

Bài tiếp