Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết, theo thống kê HS từ lớp 1 tiếp tục học lên trong 12 năm, từ 1997 đến năm 2009, số HS "rơi rụng" qua mỗi cấp học chiếm tỉ lệ không nhỏ.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết, theo thống kê HS từ lớp 1 tiếp tục học lên trong 12 năm, từ 1997 đến năm 2009, số HS "rơi rụng" qua mỗi cấp học chiếm tỉ lệ không nhỏ.
Cụ thể, cứ 100 HS vào lớp 1 thì lên lớp 6 hụt mất 8 em. Còn tỷ lệ HS lớp 6 vào lớp 10 chỉ đạt 62,2%. Số HS lớp 10 vào lớp 12 lại hụt hơn 7%. Tỷ lệ HS lớp 12 thi đậu tốt nghiệp cả nước là 77,8%. Tiếp tục vào "cuộc đua ĐH’, chỉ có 41% số HS đã tốt nghiệp thi đậu ĐH, còn gần 60% ở ngoài "cửa vũ môn".
Ông Nhân tính toán, tỷ lệ HS lớp 1 vào ĐH, CĐ của cả nước đạt 23,4%. Địa phương có tỷ lệ HS lớp 1 vào ĐH cao nhất là 42%. Còn tỉnh thấp nhất chỉ có 8% HS lớp 1 vào được ĐH.
Đây là con số đòi hỏi các nhà quản lý cần có tính toán để có phân luồng phù hợp – Phó Thủ tướng nói.
Thí sinh làm thủ tục dự thi ĐH tại Trường ĐH Xây dựng năm 2009. Ảnh: Phạm Hải |
Giành giật thí sinh
Những năm gần đây, chỉ tiêu tuyển sinh cứ tăng đều đều 10% hàng năm, nhưng tỷ lệ học sinh (HS) tốt nghiệp lớp 12 không tăng, thậm chí giảm.
Thống kê của Bộ GD-ĐT, so với tổng chỉ tiêu toàn khối ĐH, CĐ năm 2009, các trường chỉ tuyển được 93%, tức là chưa dùng hết "vốn" (509.106 chỉ tiêu).
Năm nay, dù chưa có quyết định chính thức nhưng Bộ GD-ĐT dự kiến tăng 10% chỉ tiêu tuyển mới hệ ĐH, CĐ (khoảng 571.000 sinh viên). Hệ TCCN cũng dự kiến tăng 10% so với năm 2009 (tổng chỉ tiêu tuyển mới là 460.000).
Như vậy, tổng chỉ tiêu tuyển mới vào các hệ đào tạo sẽ lên tới khoảng 1,5 triệu.
Trong khi đó, tổng “nguồn cung” gồm học sinh tốt nghiệp THPT năm 2010 và thí sinh trượt ĐH, CĐ, trường nghề từ những năm trước vào khoảng 1,1 triệu.
Mùa tuyển sinh năm 2007, đã có 18 trường ĐH, CĐ bị phạt từ 40 -60 triệu đồng vì tuyển vượt chỉ tiêu được giao. Cũng trong năm 2007, Bộ phát hiện 34 trường ĐH, CĐ tuyển vượt trên 20% chỉ tiêu và đã trừ chỉ tiêu tuyển mới năm 2008 của các trường này. Thế nhưng, danh sách các trường tuyển vượt chỉ tiêu năm 2008 do Bộ GD-ĐT công bố vẫn… tiếp tục tăng, trên 40 trường. Đến năm 2009, con số này tạm dừng ở mức…38.
Một chuyên gia tuyển sinh Bộ GD-ĐT cho biết, sự mất cân đối giữa "cung" và "cầu" sẽ dẫn đến hệ lụy nhiều trường không tuyển đủ chỉ tiêu được giao. Biểu hiện rõ nhất các trường chấp nhận "xé rào" dù biết sẽ "bị" phạt tiền hay khấu trừ vào năm sau.
Chỉ tiêu hay uy tín?
Hiện tượng này khiến những người làm công tác trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) lo "méo mặt".
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) Phạm Như Nghệ lo lắng, với việc mở rộng quy mô trường và loại hình đào tạo, nếu vẫn tăng cơ học chỉ tiêu 10% mỗi năm thì các trường TCCN sẽ không có nguồn tuyển.
Hội thảo “định hướng và phân luồng học sinh phổ thông” diễn ra ở TP.HCM giữa tháng 1 đã bàn nhiều cách làm sao "hút" được học sinh vào các trường nghề trước thực tế: HS không học nổi lớp 10, bỏ học. HS thi rớt ĐH, CĐ, chờ năm sau thi lại.
Nhiều ý kiến đề xuất, cần tư vấn với phụ huynh vì ngoài lựa chọn tự thân của thí sinh, "vào đại học" vẫn là định hướng nghề nghiệp phổ biến của phụ huynh với con em mình.
Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Huỳnh Công Minh cho rằng, để phụ huynh, học sinh có niềm tin khi chọn học trung cấp thì các trường phải có cơ sở vật chất khang trang, đầy đủ.
Còn ông Bùi Ninh Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Thánh Tôn (Q.7) chất vấn các trường, có cần thiết nhận học sinh cho đủ chỉ tiêu, hay sàng lọc đầu vào để còn tạo uy tín trước?
Thống kê của Bộ GD – ĐT, hàng năm có xấp xỉ 600.000 học sinh tốt nghiệp THCS nhưng vì nhiều lý do không tiếp tục học lên THPT. Số học sinh này, nếu không được đào tạo nghề để trở thành lao động có kỹ năng mà đi thẳng ra thị trường lao động không chỉ là sự lãng phí về vốn con người, mà có thể còn tạo thêm gánh nặng cho xã hội.
Tại hội nghị thi và tuyển sinh tổ chức ngày 9/1, Thứ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ rà soát, xem xét lại tất cả chỉ tiêu tổng thể của các hệ đào tạo, bao gồm cả chỉ tiêu ĐH, CĐ, TCCN và cân đối với tỷ lệ tốt nghiệp THPT, trung cấp nghề.
Đồng thời, trao đổi với các bộ, ngành (Bộ GD-ĐT, Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội…) để tính toán chỉ tiêu năm 2010 và những năm tiếp theo.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hệ thống các trường ĐH, CĐ cả nước đến nay có 376 trường; còn hệ thống các trường đào tạo TCCN lên đến 512 trường.
Kiều Oanh – Minh Quyên
Theo VietNamnet.vn