Notice: Trying to get property 'slug' of non-object in /home/oisphttps/domains/oisp.hcmut.edu.vn/public_html/wp-includes/category.php on line 160

Notice: Trying to get property 'parent' of non-object in /home/oisphttps/domains/oisp.hcmut.edu.vn/public_html/wp-includes/category.php on line 153

Notice: Trying to get property 'parent' of non-object in /home/oisphttps/domains/oisp.hcmut.edu.vn/public_html/wp-includes/category.php on line 153

Notice: Trying to get property 'term_id' of non-object in /home/oisphttps/domains/oisp.hcmut.edu.vn/public_html/wp-includes/category.php on line 153
Lớp học của “má” Nga | Trường Đại học Bách khoa - Văn phòng Đào tạo Quốc tế

Lớp học của “má” Nga

TT – 8g sáng. Gần 30 em học sinh có gương mặt hao hao nhau đã ngồi ngay ngắn trong lớp học tại nhà “má” Nga. Bên ngoài, nhiều ông bố, bà mẹ len lén nhìn con mình đang khó nhọc luyện nói từng chữ

TT – 8g sáng. Gần 30 em học sinh có gương mặt hao hao nhau đã ngồi ngay ngắn trong lớp học tại nhà “má” Nga. Bên ngoài, nhiều ông bố, bà mẹ len lén nhìn con mình đang khó nhọc luyện nói từng chữ.

Cô giáo Nga bên lớp học đơn sơ của mình- Ảnh: THÙY TRANG

Mỗi khi nghe con mình phát âm được hai chữ “ba, mẹ” tương đối tròn trịa, có người vội vàng vén tay áo lau những giọt nước mắt hạnh phúc, có người nở nụ cười mãn nguyện.

Chị Tâm, mẹ bé Thùy Nguyên, sụt sùi khi con mình đột nhiên khoanh tay lễ phép nói từng tiếng: “Thưa mẹ, con đi học mới về”. Chị xúc động tâm sự: “Thùy Nguyên là con gái út nhưng lại tật nguyền, đau lòng khi thấy con không được bình thường như những đứa trẻ khác. Nhưng từ khi cho con vào học ở lớp cô Nga thì tôi thật sự ấm lòng, con không những biết lễ phép dạ thưa mà còn giúp mẹ làm một số việc nhỏ trong nhà…”.

Ấm cúng như trong gia đình

Lớp học của cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh Nga chỉ toàn những học sinh bị thiểu năng trí tuệ. Hơn 10 năm qua đã có rất nhiều học trò được “ra trường” và hòa nhập với cuộc sống đời thường. “Cha mẹ các em chỉ cần con mình giao tiếp được, hiểu và làm được những việc bình thường trong gia đình, không còn ngây ngô khờ khạo nữa là tốt rồi” – cô Nga tâm sự.

Lớp học đặc biệt đó ở phường 8, TP Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) toàn những học trò có hành vi ngây ngô khác thường nhưng lại nề nếp và ấm cúng. Cô giáo cũng cho các em kiểm tra, thi học kỳ nghiêm túc như thường thấy ở các trường lớp bình thường.

Cô Quỳnh Nga giải thích rằng cho thi học kỳ không phải để đánh giá năng lực các em, mà chủ yếu để các em ý thức được mình cũng là học sinh. Lớp học được tổ chức rất nghiêm túc, có lớp trưởng, lớp phó, tổ trưởng. Mỗi buổi sáng, tổ trưởng phải báo cáo sĩ số tổ của mình để thi đua cùng các tổ khác.

Dạy chữ cho những học trò đặc biệt này chỉ là thứ yếu. Cô Nga nói mục tiêu quan trọng nhất khi cô mở lớp học này chính là dạy cho trẻ thiểu năng trí tuệ tự tin giao tiếp với bạn bè, người thân và xã hội; nhận biết, gọi tên và hiểu được những vật dụng, sự việc xảy ra xung quanh mình hằng ngày dù là ít ỏi.

Cô tâm sự: “Khi chưa đi học, nhiều em không biết cây chổi, cái dao, cái chén… dùng để làm gì, gọi tên thế nào. Nhưng học xong chắc chắn các em sẽ tự biết giúp cha mẹ những việc nhỏ trong gia đình, biết hỏi và trả lời những câu thông thường”.

Cô Nga tổ chức không khí lớp học ấm cúng như trong gia đình, bạn bè là người thân. Những bông hoa, viên kẹo là phần thưởng quý giá từ lớp học tình thương cô dành cho các em. Mỗi tháng cô còn tổ chức sinh nhật, tặng quà cho những học sinh có sinh nhật trong tháng. Những phần quà hết sức bình dị được mua từ số tiền ít ỏi của các em đóng góp.

Thùy Nguyên và Tống Long đã biết trò chuyện với nhau – Ảnh: THÙY TRANG

Học để viết được tên cha mẹ

Rồi cô giáo cầm tay dạy trò tập thể dục, nâng từng bước chân, động tác. Dạy từng bài học vỡ lòng lặp đi lặp lại xuyên suốt trong học kỳ. Cô Nga tâm sự: “Chỉ có vài chữ thôi nhưng có khi các em phải học đến hàng tháng trời mới nhớ. Dạy chữ cho các em chỉ là thứ yếu, quan trọng là cho các em đến lớp có tiếp xúc với bạn bè, dạy các em nhận biết được cuộc sống xung quanh dù là ít ỏi”.

Mặc dù đã học viết chữ từ rất lâu rồi nhưng đối với trẻ thiểu năng trí tuệ, hiểu và nhớ chữ cái được xem là một cực hình. Nhìn các em đánh vật với những con chữ đơn giản, mới hiểu cô giáo Nga đã kiên trì, nhẫn nại như thế nào trong hơn 10 năm qua.

Chính các em cũng dần ý thức mình học được gì từ “má” Nga. Có em khoe hồn nhiên: “Con được đi học, đi thi, con viết được tên cha tên mẹ…!”. Có em gồng mình, trợn mắt một cách khó nhọc mới bật ra được từ dạ thưa.

Có những buổi tan học, cô giáo Nga nhìn thấy cảnh người cha, người mẹ đi làm về vẫn còn đầm đìa mồ hôi đến lớp đón con. Người mẹ ôm con vào lòng rồi bất ngờ sụt sùi khóc. Khóc vì lần đầu tiên người mẹ được nghe đứa con tật nguyền ngọng nghịu “mẹ… mẹ ơi!”.

Chỉ sau một học kỳ của năm, chị Tâm, anh Sơn và nhiều phụ huynh đã bất ngờ khi thấy con mình “linh hoạt” hơn trước. Về nhà bé Mỹ Tiên, Thùy Nguyên… đã biết đọc biết viết, biết cộng, trừ, nhân, chia và còn biết dạ thưa rất lễ độ. Dù các em không nhanh nhẹn, tinh anh như những đứa trẻ bình thường nhưng cô giáo Nga tin rằng những biến chuyển nho nhỏ đó cũng đem lại niềm vui hạnh phúc cho gia đình các em.

Anh Ba Thọ thì ngẩn người ra khi nhìn thấy con mình líu lo khoe đủ thứ chuyện trong lớp chứ không còn thụ động, khờ khạo như trước nữa. Nhìn cảnh cha mẹ đón con trong niềm hạnh phúc, cô Nga lặng lẽ nở nụ cười hài lòng rồi quay trở vào sắp xếp lại bàn ghế chuẩn bị cho ngày hôm sau.

Đi tìm học trò

Cô Nga kể vào năm 1992, khi làm giáo viên phổ cập của Trường tiểu học Chu Văn An, phường 8, thị xã Vĩnh Long (nay là thành phố Vĩnh Long), cô phát hiện nơi đây có rất nhiều hộ nghèo.

Cuộc sống của trẻ em nghèo trong phường chủ yếu là đi nhặt rác, bán vé số, thậm chí lang thang bụi đời để kiếm bữa qua ngày, chưa từng biết đến con chữ. Còn có những em bị thiểu năng trí tuệ, tật nguyền hoặc bị bệnh bẩm sinh, sức khỏe yếu nên không được đi học.

Và cô tình nguyện mở lớp riêng cho những đứa trẻ bất hạnh đó từ năm 1999 đến nay.

Để duy trì lớp học này cô phải lặn lội đi vận động từng nhà. Ban đầu chỉ có 15 em, nhưng bây giờ đã có gần 30 em vì những bậc cha mẹ ở các địa phương khác nghe tiếng cũng mang con đến gửi. Cô Nga không từ chối bất cứ trường hợp nào và cũng không thu học phí.

Thậm chí có lần Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Long đề nghị hỗ trợ kinh phí cho cô duy trì lớp học đặc biệt này nhưng cô cũng từ chối. Cô bảo nhiều mạnh thường quân thương mấy đứa trẻ bất hạnh này nên gửi tặng gạo, tiền. Bấy nhiêu đó cũng đủ lo cho các em nên không phải nhờ phụ huynh các em đóng góp nữa.

Khi nói chuyện về lớp học, trong mắt cô giáo Nga ánh lên niềm tự hào xen lẫn xúc động: “Cả cuộc đời tôi gần như gắn bó với những đứa trẻ khuyết tật này. Mong sao việc giáo dục và dạy dỗ của tôi sẽ giảm bớt phần nào gánh nặng tinh thần cho cha mẹ các bé”.

Phần thời gian và sức khỏe dành cho những đứa trẻ thiệt thòi hình như đã lấy đi của cô thời gian cho hạnh phúc riêng tư. Hỏi vì sao không lập gia đình, cô Nga cười: “Có lẽ tôi không tìm thấy niềm vui nào lớn hơn niềm vui khi được dạy dỗ, trò chuyện với học trò của mình cũng nên”.

Cô giáo của người nghèo

Cô Nga cần mẫn chỉ bảo từng nét chữ cho học sinh – Ảnh: THÙY TRANG

Ông Trần Hoàng Túy, trưởng Phòng giáo dục TP Vĩnh Long, nói ông rất xúc động và cảm kích tấm lòng tận tụy với nghề của cô giáo Nga. Hơn 10 năm qua, cô lặng lẽ giúp nhiều đứa trẻ bị thiểu năng trí tuệ hòa nhập với cuộc sống, biết đọc, biết viết.

“Nếu không có tấm lòng vì thế hệ trẻ, không có cái tâm sáng của cô giáo Nga thì có lẽ những đứa trẻ ấy sẽ không biết chữ và chắc chắn rất khó khăn trong cuộc sống hằng ngày” – ông Túy nói.

Ngoài lớp học tình thương, cô Nga còn mở thêm lớp xóa mù chữ cho những người từ 15-35 tuổi. Cô nhận dạy tất cả những ai muốn vào học, chủ yếu là những người bán vé số, chạy xe ba gác, những người làm công…

Hiện nay cô vẫn duy trì lớp học này vào các buổi tại nhà riêng của cô, người học không phải đóng tiền mà còn được hỗ trợ tập, sách và đồ dùng học tập.

THÙY TRANG

Theo Tuoitre Online

Bài trước

Bài tiếp