Học phí mới sẽ áp dụng từ ngày 1-7 ra sao, tình trạng lạm thu học phí ở nhiều trường đại học, đề thi tốt nghiệp theo hướng mở sẽ được chấm như thế nào… là những vấn đề được chất vấn tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 5 của Bộ GD-ĐT dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa ngày 18-5.
Ảnh tư liệu |
Không xử lý được trường thu học phí cao?
Chưa tổ chức thi “hai trong một” Về lộ trình tiến tới một kỳ thi quốc gia “hai trong một”, ông Trần Văn Nghĩa cho hay: “Kết quả, phương thức tổ chức… của hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2010 sẽ tiếp tục được phân tích, đánh giá để làm cơ sở cho Bộ GD-ĐT hoàn thiện đề án kỳ thi quốc gia “hai trong một” trình Chính phủ trong thời gian tới”. Ông Nghĩa khẳng định bộ vẫn tiếp tục chủ trương này nhưng thừa nhận “đó là một công việc rất phức tạp” và chưa đưa ra mốc thời gian cụ thể. |
Bộ GD-ĐT cho biết mức học phí mới sẽ áp dụng từ năm học 2010-2011. Trả lời câu hỏi “Tăng học phí đối với giáo dục đại học nhưng bộ sẽ có biện pháp gì để các trường cải thiện chất lượng đào tạo?”, ông Bùi Hồng Quang, phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch – tài chính (Bộ GD-ĐT), cho biết bộ “sẽ sớm có văn bản hướng dẫn việc tăng học phí phải gắn với việc nâng chất lượng đào tạo”. Bộ GD-ĐT sẽ kiểm tra, thanh tra thường xuyên.
Về việc một số trường lạm thu học phí, ông Phạm Ngọc Trúc, phó chánh thanh tra giáo dục, cho hay: nghe các phóng viên phản ánh một số trường hợp mới biết, một số trường khác do ngành quản lý nên sẽ trao đổi với các bộ rồi mới có kết luận(?!).
Đề thi tốt nghiệp tiếp tục mở
Ông Trần Văn Nghĩa, phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, khẳng định như trên. Ông cho biết: đối với đề thi tốt nghiệp THPT và đề thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2010, Bộ GD-ĐT có định hướng cụ thể là sẽ ra đề theo hướng giảm những câu học vẹt, học thuộc lòng; phải tăng khả năng sáng tạo, vận dụng kiến thức. Tất nhiên, đề thi có mức độ yêu cầu phải phù hợp với học sinh có trình độ từ trung bình trở lên.
Ông Nghĩa cũng cho hay ngay từ khi làm đề thi, các thầy cô trong ban đề thi sẽ xây dựng hướng dẫn chấm phù hợp với hướng mở của đề.
Tuy nhiên, ông Nghĩa nhìn nhận “quan trọng nhất là khâu chấm trực tiếp. Theo quy định, trước khi bước vào chấm chính thức, các hội đồng thi đều phải phổ biến hướng dẫn chấm đến từng cán bộ chấm thi, phải chấm thử ít nhất 15 bài thi để thống nhất cách chấm. Có những nội dung nào trong bài làm của thí sinh vượt quá hướng dẫn chấm thì hội đồng cần chấm chung, thảo luận đi đến thống nhất ý kiến đánh giá”.
“Trên thực tế, năm ngoái chúng tôi đã tiến hành chấm thẩm định ở nhiều địa phương, kết quả chấm thẩm định cơ bản trùng khớp với kết quả chấm ban đầu. Điều đó cho thấy những câu mở trong đề thi không có vấn đề gì khi chấm thi, kết quả vẫn đánh giá năng lực và kiến thức của thí sinh một cách chính xác, công bằng” – ông Nghĩa nói.
THANH HÀ
Theo Tuoitre Onine