Tư vấn tuyển sinh: (028) 7300.4183/ 7301.4183 – 03.9798.9798 tuvan@oisp.edu.vn
Select Page

Tham nhũng giáo dục đe dọa phát triển

60%-70% số phụ huynh cho biết phải trả thêm tiền khi cho con nhập học và 50% tiết lộ phải bỏ ra 10% thu nhập để đóng phí khi con đến trường 60%-70% số phụ huynh cho biết phải trả thêm tiền khi cho con nhập học và 50% tiết lộ phải bỏ ra 10% thu nhập để đóng phí khi con đến trường

Ngày 28-5, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng (PCTN) phối hợp với Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức đối thoại về PCTN lần thứ 7 với chủ đề “PCTN trong lĩnh vực giáo dục”.

40% số người được hỏi cho rằng tham nhũng ở mức đại học cao hơn mức tiểu học. Trong ảnh: Thí sinh nộp đơn thi đại học. Ảnh: TẤN THẠNH

 

Phụ huynh buộc phải chấp nhận tham nhũng

 
Đại sứ Thụy Điển tại VN Rolf Bergman nói: “Tham nhũng trong giáo dục ảnh hưởng đến mọi người dân và là mối đe dọa cho sự phát triển bền vững”. Theo Đại sứ Bergman, tham nhũng đã ngăn cản sự phát triển, gây nguy hại đến từng cá nhân trong xã hội, làm tăng gánh nặng cho doanh nghiệp và trên hết là gây nhiều mất mát cho ngành giáo dục VN.
 
Các bằng chứng cho thấy có dấu hiệu tham nhũng trong tuyển sinh đại học, gian lận trong thi cử, xin cho con vào các lớp học trái tuyến, chuyển trường, xin điểm hoặc cộng điểm thi… Ông Vũ Tiến Chiến, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, nhận định: “Một số vụ việc tham nhũng, tiêu cực xảy ra trong lĩnh vực giáo dục đã gây hậu quả xấu về nhiều mặt, ảnh hưởng đến uy tín của các nhà giáo và những cán bộ quản lý giáo dục, làm tổn hại đến đạo đức và truyền thống tốt đẹp của dân tộc”.
 
Đại diện Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) cho rằng theo nhận thức của người dân, giáo dục đang được cải thiện nhưng ít lạc quan hơn về sự cải thiện trong vấn đề tham nhũng. Lòng tin đối với hệ thống giáo dục chính thống dường như bị xói mòn… “Có đến 7 trong số 10 người được hỏi đều cho rằng có dấu hiệu tham nhũng từ mức độ nhỏ đến mức độ nghiêm trọng, 40% cho rằng tham nhũng ở mức đại học cao hơn mức tiểu học”- đại diện UNDP nói.
 
Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại VN, bà Victoria Kwakwa, cho rằng người dân buộc phải chấp nhận tham nhũng, coi đó như một “hiện tượng tiêu cực trong xã hội” mà mình phải theo. “Dù biết các khoản chi phí ngoài luồng là cực kỳ phi lý nhưng phụ huynh học sinh vẫn chấp nhận vì tương lai của con em họ. Điều đó làm trầm trọng thêm tình trạng tham nhũng trong ngành giáo dục”- bà Kwakwa nhận xét.   
 
Lạm thu đã trở thành phong trào
 
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT và Thanh tra Chính phủ, 60%-70% số phụ huynh được hỏi cho biết họ phải trả thêm tiền khi cho con nhập học và 50% tiết lộ họ phải bỏ ra 10% thu nhập (nhiều người là 25%) cho các mức đóng phí khi con họ đến trường. Ông Trần Quang Quý, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết: Xác định công tác PCTN là nhiệm vụ trọng tâm, bộ đã có nhiều hoạt động nhằm ngăn chặn và phòng ngừa tham nhũng trong hoạt động giảng dạy như triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; ban hành và thực hiện quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân; quy định về đạo đức nhà giáo; quy định về dạy thêm học thêm…
 
Nhờ vậy, đã hạn chế và từng bước đẩy lùi tiêu cực làm phát sinh tham nhũng trong giáo dục. “Tuy nhiên, cũng còn nhiều hạn chế, bất cập đang xảy ra tại lĩnh vực hoạt động này. Tình trạng học thêm, thu tiền ngoài quy định đã trở thành phong trào”- ông Quý thừa nhận.
 
Trong báo cáo “Tham nhũng và chống tham nhũng trong giáo dục: Hiện trạng và giải pháp”, ông Quý cho biết 60% phụ huynh phải “nhờ vả” để con được vào học đúng tuyến, 33% giáo viên thừa nhận họ có nhận tiền của phụ huynh. Trung bình mỗi phụ huynh phải đóng khoảng 500.000 đồng/tháng cho con em họ học thêm và giáo viên được thu nhập thêm ngoài lương gần 2 triệu đồng/tháng nhờ tình trạng này. 
 
Giáo viên cần mức lương ổn định
 
Đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ, Anh Quốc và Tổ chức Liên Hiệp Quốc chỉ ra sự cần thiết của việc thiết lập một hệ thống đánh giá tham nhũng trong khuôn khổ hoạt động của ngành giáo dục, đào tạo.
 
Đại diện Đại sứ quán Úc khuyến nghị VN nhanh chóng ban hành luật tiếp cận thông tin với một cơ chế chặt chẽ hơn nữa để ngăn chặn tham nhũng. Đại diện Đại sứ quán Thụy Sĩ cho rằng cần bảo đảm tính độc lập của hệ thống tư pháp, sớm đưa ra quy chế để bảo vệ người tố cáo tham nhũng, tiếp nhận thông tin do báo chí và các cơ quan Chính phủ cung cấp…
 
Bà Victoria Kwakwa cho rằng muốn tạo bước “đại nhảy vọt” trong giáo dục, giải quyết quy trình đói nghèo cho cả một thế hệ VN trong tương lai cần phải triển khai phương thức quản lý tài chính, nếu không, tham nhũng càng trở nên nghiêm trọng.
 
Theo Đại sứ Đan Mạch tại VN Peter Lysholt Hansen, giáo viên nhận hối lộ là do lương của họ quá thấp, không đáp ứng được chi tiêu. “Để giáo viên có một mức lương ổn định, bảo đảm cuộc sống là cách PCTN”- ông Hansen nói.
Bích Diệp
Theo nld.com.vn

Bài trước

Bài tiếp