Gần đây, VietNamNet liên tục nhận được phản ánh của cán bộ Trường ĐH Bách khoa Hà Nội trước khi đi học tập ở nước ngoài phải "chịu" một số quy định được cho là tréo ngoe: "nộp lại 5% học bổng" "đặt cược 1.000 USD", rồi "giữ nốt 40% lương hàng tháng". Xung quanh những phản ánh này, ông Nguyễn Trọng Hoan, Trưởng phòng và bà Nguyễn Thanh Hằng, phó phòng Tổ chức cán bộ, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã có giải thích.
Gần đây, VietNamNet liên tục nhận được phản ánh của cán bộ Trường ĐH Bách khoa Hà Nội trước khi đi học tập ở nước ngoài phải "chịu" một số quy định được cho là tréo ngoe: "nộp lại 5% học bổng" "đặt cược 1.000 USD", rồi "giữ nốt 40% lương hàng tháng". Xung quanh những phản ánh này, ông Nguyễn Trọng Hoan, Trưởng phòng và bà Nguyễn Thanh Hằng, phó phòng Tổ chức cán bộ, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã có giải thích.
Từ ký "quỹ 1.000 USD"…
Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Trường ĐH Bách khoa Hà Nội: Đưa quy định "đặt cược" để níu cán bộ quay về trường…" Ảnh: K.O |
Ông Nguyễn Trọng Hoan cho biết: Việc ký quỹ "1.000 USD" trường thực hiện theo một văn bản quy định của nhà nước từ năm 2000.
Quy định này xuất phát từ lý do, một số cán bộ được cử đi học tập công tác ở nước ngoài không quay về hoặc về rồi lại bỏ đi nơi khác làm.
Mục đích của việc ký quỹ này được hiểu nôm na là "đặt cược", nếu không về thì sẽ không được hoàn trả.
Khoản 1.000 USD được giữ lại rất thấp so với kinh phí ngân sách nhà nước cấp. Ví như ở trường, 1 suất đi đào tiến sĩ diện 322, một năm cũng nhận được 20.000 USD. Thời gian đi học khoảng 3-4 năm thì chi phí cho 1 tiến sĩ đào tạo ở nước ngoài trong 4 năm lên tới gần 100.000 USD…
Sau văn bản năm 2000, các văn bản quy định tiếp theo cũng vẫn nói đến việc bồi hoàn kinh phí đào tạo đó, nhưng không đặt ra vấn đề ký quỹ 1.000 USD nữa và cũng không có văn bản bác bỏ.
Bản thân nhà trường thấy, việc ký quỹ 1.000 USD/cán bộ đi học nước ngoài chẳng có ý nghĩa gì nên năm 2009 đã ban hành văn bản bỏ việc ký quỹ này. Theo quy định của nhà nước thu quỹ này thì nhà trường phải nộp ra kho bạc nhà nước chứ không hưởng lợi gì. Gốc và lãi sẽ hoàn trả lại giảng viên sau khi hoàn thành khóa học đúng hạn trở về.
– Quy định ký "quỹ 1.000 USD" được thực hiện từ năm nào? Áp dụng cho những đối tượng nào (học bổng nhà nước hay cán bộ tự kiếm…)? Thực tế, có ý kiến cho rằng: Để có được cơ hội đi học, họ đã phải tốn kém rất nhiều chi phí (gồm chi phí thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, chi phí gửi hồ sơ, nộp lệ phí xét tuyển hồ sơ tại các trường…). Họ không được hưởng trợ cấp của trường hay nhà nước nên việc giữ quỹ là không hợp lệ?
Ông Nguyễn Trọng Hoan: Từ năm 2000. Nếu như họ đi học mà không về nữa thì khoản ký quỹ đó nhà trường sẽ thu lại. Không những thế, họ sẽ phải bồi hoàn thêm chi phí đào tạo theo quy định…
Quy định áp dụng cho những học bổng ngân sách nhà nước và học bổng hiệp định của trường với các trường nước ngoài có liên kết với trường.
Thực tế, chưa có cán bộ nào đi học từ nguồn học bổng tự túc.
Ví như, muốn có học bổng thì phải là cán bộ của trường. Thông qua quan hệ song phương, hợp tác giữa trường mình (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội – PV) với trường đối tác hoặc giữa các đơn vị cán bộ công tác với đơn vị kia… thì mới có được những học bổng. Chứ không phải cán bộ tự kiếm học bổng.
Theo tôi, thực hiện quy định này gây ảnh hưởng về mặt tâm lý thôi. Nếu không về thì sẽ mất khoản 1.000 USD ký gửi. Còn về thì nhà trường sẽ hoàn trả lại theo quy định của nhà nước là phải trả cả gốc và lãi.
Bà Nguyễn Thanh Hằng, Phó phòng Tổ chức cán bộ: Hiện, cán bộ của trường đi học sẽ tìm tất cả các nguồn học bổng ở nhiều nơi: có thể lên mạng tìm học bổng của chính phủ các nước, các trường hoặc từ các GS đầu ngành… Trước đây, cán bộ nhận học bổng đi học là phải có quyết định của Bộ GD-ĐT. Đến năm 2009 thực hiện phân cấp thì trường mới bắt đầu ra quyết định cho tất cả các bộ đi học.
Từ khi có quy định về ký quỹ thì nhà trường quy định, tất cả các cán bộ đi học đều phải ký cam kết thực hiện. Việc ký quỹ nhà trường làm rất vất vả và mất thời gian.
Ông Nguyễn Trọng Hoan: Bởi vậy nên nhà trường đã bỏ quy định ký quỹ này vào tháng 10/2009.
Sang giữ lương để… níu cán bộ quay về trường
– Nhưng ngay sau đó, nhà trường có ban hành thông báo của Hội nghị liên tịch với 5 điều cán bộ đi học tập ở nước ngoài phải thực hiện, trong đó có quy định "Cán bộ thuộc biên chế hay hợp đồng dài hạn của trường khi đi học tập, kể cả nghiên cứu sinh sau Tiến sĩ ở nước ngoài vẫn được trường đóng Bảo hiểm xã hội và trả lương (40% mức lương hiện hưởng) theo quy định của nhà nước. Nhưng số tiền đó sẽ được trả một lần sau khi cán bộ hoàn thành khóa học trở về trường nhận công tác". Vậy, việc giữ nốt phần lương ít ỏi đó căn cứ trên cơ sở nào?
Thực ra, theo quy định của nhà nước, khi cán bộ được cử đi học nước ngoài, vẫn được hưởng 40% lương, ngoài các khoản phải chi trả để đi học và sinh hoạt ở nước ngoài. Từ trước đến nay vẫn áp dụng như vậy.
Vấn đề nhà trường đặt ra là: Trong thời gian gần đây số lượng cán bộ của trường được cử đi học rất nhiều.
Tuy nhiên, rất nhiều người sau khi học xong đã không quay về trường làm việc mà họ ở lại nghiên cứu thêm một thời gian nữa, hoặc ở lại quá thời hạn cho phép.
Thậm chí, có một số người sau khi đã học xong không về trường công tác hoặc về rồi đi chỗ khác làm việc…
Vì vậy, nhà trường thấy vẫn phải trả lương cho họ trong quá trình đi học. Họ không về thì cũng là thiệt hại cho trường. Do đó, nhà trường mới có quy định như vậy.
– Bản thân ông có thấy quy định này là bất hợp lý chỗ nào không? Vì như phản ánh, có những người chấp nhận đi học để nâng cao nghiệp vụ mà không được nhận đồng nào từ ngân sách nhà nước cũng như của trường…
Bà Nguyễn Thanh Hằng: Trường đã đưa ra quy định đó, nhưng thực tế chưa thực hiện đối với bất cứ trường hợp nào. Quy định là để cán bộ ít nhiều phải có trách nhiệm với trường.
Ông Nguyễn Trọng Hoan: Thực ra, triển khai quy định này cũng có thiệt thòi cho cán bộ. Nhưng đến nay, chưa áp dụng đối với trường hợp nào.
– Vậy, quy định giữ lại 40% lương này nhà trường sẽ áp dụng cho những cán bộ đi học tập ở nước ngoài từ năm 2010 hay cả những người đã đi từ năm 2009 trở về trước?
Ý định của trường sẽ triển khai năm 2010. Còn những trường hợp áp dụng quy định ký gửi "quỹ 1.000 USD" nhà trường đều có thông báo không thuộc diện áp dụng quy định này.
-Thưa ông, mỗi năm, nhà trường cử bao nhiêu cán bộ đi học tập ở nước ngoài?
Ông Nguyễn Trọng Hoan: Hiện nay, mỗi năm có trung bình 70 người di học thì có 50 người đi học nghiên cứu sinh thời gian từ 3-4 năm. Số còn lại đi học thạc sĩ khoảng 2 năm. Và tính trong khoảng thời gian 4 năm thì có từ 200 người hiện đang đi học ở nước ngoài.
Nhiều người học xong bỏ… trường
– Số đi quá hạn hoặc không về công tác tại trường hàng năm có nhiều không?
Bà Nguyễn Thanh Hằng: Số đó khoảng hơn 20 người.
Ông Nguyễn Trọng Hoan: Đợt mới nhất, chúng tôi vừa đưa ra kỷ luật là khoảng 30 người. Thực ra, số quá hạn thì nhiều, nhưng sau đó, họ phản hồi và có lý do chính đáng thì chúng tôi không tính.
Bà Nguyễn Thanh Hằng: Ở trường có đặc điểm, cán bộ cử đi theo đúng quyết định đến thời hạn này phải về nhưng chưa về, cũng như chưa có phản hồi với trường vì lý do gì. Nếu như đến hạn nhưng họ chưa bảo vệ được luận án tiến sĩ thì phải làm đơn xin gia hạn… thì trường đều có ý kiến hỏi lại để hoàn tất thủ tục. Việc làm này của trường là có lợi cho họ không bị thiệt.
– Chúng tôi cũng nhận phản ánh, đã có thời gian nhà trườngthực hiện quy định: Cán bộ đi học phải nộp 5% tổng giá trị học bổng nhận được. Sau đó không triển khai nữa là vì sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Trọng Hoan: Tôi không nhớ thực hiện vào thời gian nào. Nhưng bản thân tôi cũng đi học giai đoạn 1989 – 1994 và cũng phải nộp 5% tổng giá trị học bổng theo quy định của trường. Quy định này cũng đã bỏ từ lâu rồi.
Nếu bất cập sẽ dừng?
– Đã hai lần quy định ban hành rồi bãi bỏ những ràng buộc về tài chính như: "người đi học phải nộp 5% tổng giá trị học bổng" và "ký quỹ 1.000 USD". Vậy, quy định giữ 40% và chỉ trả 1 lần sau khi về liệu có là phương án tối ưu?
Bà Nguyễn Thanh Hằng: Thực ra, chính bộ phận Phòng Tổ chức cán bộ là nơi làm về chế độ chính sách, mặc dù không trực tiếp dự họp hội nghị liên tịch của trường, nhưng khi nhận được thông báo có quy định như vậy thì chính bản thân chúng tôi cũng hơi lăn tăn ở chỗ: 40% lương thực tế đó là quyền lợi của cán bộ được nhận trong quá trình đi học.
Thế nhưng, căn cứ thực tế công tác quản lý thì nhà trường muốn cán bộ cũng phải có trách nhiệm.
Khi không còn thực hiện quy định "ký quỹ 1.000 USD", việc giữ 40% lương này, một mặt cán bộ có trách nhiệm với trường, mặt khác bù vào vấn đề "ký quỹ".
Tinh thần là như thế nhưng chúng tôi vẫn chưa thực hiện.
– Cách quản lý "quỹ 1.000 USD" là trường gửi Kho bạc Nhà nước rồi sau đó trả lại cán bộ cả gốc và lãi sau khi họ quay trở lại trường làm việc. Còn cách quản "40% lương" sẽ thế nào?
Bà Nguyễn Thanh Hằng: Tài vụ của trường giữ lại, sau khi kết thúc khóa học trở về trường công tác sẽ hoàn trả. Phòng Tổ chức Cán bộ có nhiệm vụ, khi cán bộ cử đi thì sẽ có thông báo cắt 60% lương thực nhận, chỉ chuyển cho họ 40% – đây là quy định của nhà nước.
– Việc trường ký quyết định cho 70 cán bộ đi học nước ngoài mỗi năm, rồi lại ban hành một số quy định "khấu trừ", "đặt cược" rồi "giữ lương" để níu chân cán bộ quay về trường công tác. Xem ra trường đã quá lo lắng, còn những người đã xác định đi và không về thì việc mất một khoản "đặt cược" sẽ chẳng là vấn đề? Còn trường thực hiện không đúng quy định?
Ông Nguyễn Trọng Hoan: Thực ra, đây cũng không hẳn là giải pháp níu kéo, vì nếu cán bộ không về thì đúng là khoản giữ lại chẳng có ý nghĩa gì đối với họ.
Nhưng khi xem xét thực tế thì trường cứ phải trả "một khoản tiền vô lý" rồi họ học xong lại không về. Còn đối với người về thì việc giữ lại cũng không hay lắm.
Bà Nguyễn Thanh Hằng: Trước khi cán bộ của trường được cử đi học nước ngoài đều phải ký cam kết và chấp nhận.
Như đã giải thích, việc quản lý "quỹ 1.000 USD" rất vất vả. Phòng đảm nhận mất nhiều thời gian, nhưng nếu có vấn đề gì thì ai là người chịu trách nhiệm? Do vậy, quy định này đã hủy vì có nhiều vấn đề bất cập trong quá trình triển khai. Sau khi nhận được thông báo mới này (giữ 40% lương…PV) chúng tôi nghĩ sẽ động chạm vào một số quy định của nhà nước nên sẽ không làm được đâu.
Hiện tại, nhà trường đã đưa ra phương án này. Nếu có những ý kiến trái chiều, chúng tôi sẽ xem xét lại, bất cập sẽ dừng. Thực tế là chúng tôi cũng chưa triển khai.
Ông Nguyễn Trọng Hoan: Cũng phải xem lại người cung cấp thông tin. Nếu họ là đối tượng bị áp dụng rồi hoặc biết thông tin và lo lắng… có phản ánh đến báo chí kết nối với nhà trường để có thông tin chính thống thì tôi nghĩ hợp lý.
Nhưng cũng có thể có những đối tượng do bất mãn mà đưa thông tin gây nhiễu thì phải xem lại vì thực tế trường chưa thực hiện quy định mới "giữ lương 40%" của trường hợp nào.
– Cảm ơn ông, bà!
-
Kiều Oanh (thực hiện)
Theo Vietnamnet.vn