Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
tuvan@oisp.edu.vn

Hội nghị SV Bách khoa Quốc tế 2024: đẩy mạnh hoạt động giáo dục kỹ năng – thể chất cho SV

Tăng cường chất và lượng hoạt động giáo dục kỹ năng – thể chất cho sinh viên Bách khoa Quốc tế là một trong những mục tiêu lớn mà Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM) hướng tới trong chiến lược quốc tế hóa giáo dục.

Bài viết liên quan
Hội nghị Sinh viên Bách khoa Quốc tế 2023: nhiều sự “chuyển mình” để phục vụ sinh viên tốt hơn
Hội nghị Sinh viên Bách khoa Quốc tế 2022: VPĐTQT công bố nhiều kế hoạch mới
Hội nghị Sinh viên Bách khoa Quốc tế 2021

Gần 300 sinh viên (SV) đại diện tất cả SV Bách khoa chương trình đào tạo quốc tế các khóa (gọi chung là SV OISP) đã tham dự Hội nghị SV OISP 2024, diễn ra vào Chủ Nhật 14/4/2024.

Mở đầu chương trình, PGS. TS. Trương Quang Vinh – Phó Giám đốc Văn phòng Đào tạo Quốc tế, lần lượt giải đáp thắc mắc về cơ sở vật chất, chính sách học phí – học bổng, thủ tục đăng ký môn học, giảng viên nước ngoài, hoạt động SV, ngày công tác xã hội…

Trong tương lai, nhà trường sẽ tăng cường đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ đào tạo, hoàn thiện mô hình hỗ trợ SV, đồng thời đa dạng hóa các hoạt động thể thao – học thuật. 

PGS. TS. Trương Quang Vinh – Phó Giám đốc Văn phòng Đào tạo Quốc tế, lần lượt giải đáp thắc mắc của SV OISP.

PGS. TS. Trần Thiên Phúc – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, chia sẻ: Nhà trường tiên phong triển khai chiến lược quốc tế hóa giáo dục đại học từ sớm, cụ thể là vào những năm 2000. Trong 5-10 năm tới, Bách khoa tiếp tục cải tiến chương trình đào tạo; nâng cao chất lượng và quốc tế hóa đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục; thu hút cũng như tăng cường dịch vụ hỗ trợ SV quốc tế.

PGS. TS. Trần Thiên Phúc – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, chia sẻ về chiến lược quốc tế hóa của nhà trường.

PGS. TS. Đặng Đăng Tùng – Giám đốc Văn phòng Đào tạo Quốc tế, trình bày tổng quan về hệ sinh thái thực tập SV, hoạt động hướng nghiệp, chính sách vinh danh – học bổng… Đặc biệt, năm nay Văn phòng Đào tạo Quốc tế sẽ triển khai đề án Giáo dục Kỹ năng & Thể chất giai đoạn 2024-2028 nhằm giúp SV trang bị các kỹ năng cần thiết, phù hợp với xu hướng xã hội, doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy SV tham gia các hoạt động rèn luyện thể chất, nâng cao sức khỏe. 

Một số hoạt động tiền đề cho đề án đã được khởi động: cải tạo, nâng cấp các sân thể thao, ra mắt nhiều cuộc thi bồi dưỡng, ươm mầm năng khiếu thể thao (mới nhất là sự thành lập của CLB OISP Judo Dojo). Bên cạnh đó, nhà trường còn đẩy mạnh hoạt động phát triển kỹ năng mềm dành cho SV qua chuỗi hội thảo, tập huấn, tọa đàm… định kỳ như Làm chủ thời gian, Làm chủ cuộc đời, Kỹ năng thuyết trình quốc tế.

PGS. TS. Đặng Đăng Tùng – Giám đốc Văn phòng Đào tạo Quốc tế, thông tin về kế hoạch giáo dục thể chất & đào tạo kỹ năng dành cho SV OISP.

Về mảng cơ sở vật chất, Văn phòng Đào tạo Quốc tế đã hoàn thành nhiều hạng mục quan trọng trong năm 2023, bao gồm nâng cấp sân thể dục thể thao B11; cải tạo phòng nghỉ giảng viên, tòa nhà B9-B10, khuôn viên hồ nước cổng chính; thay mới hệ thống cửa phòng học; hoàn thiện căn-tin C6, Hội quán C6 và hoàn thành Hội trường BKA (B2).

Ngoài ra, kế hoạch sửa chữa nhà vệ sinh; thay mới bàn ghế phòng học, cải tạo trạm y tế, sân cầu lông B11, căn-tin B4; thay mới dàn máy tính, máy chiếu, micro; nâng cấp mạng và hệ thống camera sẽ được tiến hành trong năm 2024.

Không khí phiên hỏi – đáp trực tiếp cực kỳ sôi nổi. Nhiều SV mạnh dạn góp ý cũng như đặt câu hỏi thẳng thắn về giờ học online tập trung, thủ tục đăng ký thực tập, quy định sử dụng sân thể thao hay tiết sinh hoạt SV hàng tuần. Tất cả ý kiến đều được Đoàn Chủ tọa ghi nhận đầy đủ và phản hồi rõ ràng. 

PGS. TS. Bùi Hoài Thắng – Trưởng Phòng Đào tạo, phản hồi ý kiến của SV.

Tin: XUÂN MAI – Hình: ĐOÀN KHỐI OISP

Hội nghị SV OISP do Văn phòng Đào tạo Quốc tế – Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM) tổ chức hàng năm nhằm:
  • Ghi nhận ý kiến, lắng nghe nguyện vọng của người học, từ đó cải tiến – nâng cao chất lượng đào tạo cùng dịch vụ hỗ trợ của nhà trường
  • Giải đáp thắc mắc của SV
  • Chia sẻ định hướng phát triển của nhà trường nói chung và Văn phòng Đào tạo Quốc tế nói riêng

Bài trước

Bài tiếp