Góp ý nâng cao chất lượng giáo dục đại học
Khoa Quản Lý Công Nghiệp, Đại Học Bách Khoa Tp. HCM
Khách hàng thường được nhắc đến trong trong môi trường kinh doanh, nơi họ là thước đo cuối cùng cho chất lượng của sản phẩm hay dịch vụ. Trong khi xã hội, các ngành, và doanh nghiệp chuyển mình, lấy khách hàng làm tiêu chí quan trọng nhất đánh giá chất lượng của sản phẩm và dịch vụ và từ đó xây dựng các thương hiệu Việt Nam chất lượng cao (CLC), thì các trường đại học của ta vẫn đứng ngoài cuộc. Khái niệm văn hóa khách hàng xem ra còn xa lạ hay nhạy cảm với các trường vì nhiều người còn cho rằng kinh doanh, mua bán, cạnh tranh, lợi nhuận, khách hàng là các khái niệm của thị trường, không thích hợp đưa vào trong môi trường sư phạm. Theo chúng tôi, đây là quan điểm lạc hậu, chính nó đã góp phần làm cho chất lượng giáo dục của chúng ta không được cải thiện và ngày càng xa lạ với thực tiễn xã hội. Cũng như các doanh nghiệp, sản phẩm đào tạo của các trường đại học chỉ có ý nghĩa hay đạt chất lượng khi người sử dụng hay khách hàng chấp nhận và lựa chọn. Không qua được bộ lọc này các trường không thể nói mình có sản phẩm chất lượng.
Vậy “khách hàng” của các trường đại học là ai? Họ tiêu dùng “sản phẩm” gì?
Theo chúng tôi, khách hàng của các trường đại học chính là toàn xã hội, mà cụ thể và quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay là cộng đồng các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp. Có ý kiến cho rằng sinh viên mới là các khách hàng chính của các nhà trường. Thực tế sinh viên là một phần “sản phẩm” của các trường chứ không phải là khách hàng cuối cùng vì mục đích tự thân của đào tạo ở trường đại học là phục vụ xây dựng và phát triển xã hội.
Có ba nhóm “sản phẩm” mà các doanh nghiệp “mua” từ các trường đại học. Đầu tiên là lực lượng các sinh viên tốt nghiệp ra trường – những người sẽ tham gia hoạt động ở mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Một Nguồn Nhân Lực chất lượng cao, mang tầm quốc tế là nền tảng quan trọng cho bất cứ kế hoạch xây dựng và phát triển nào. Nhóm sản phẩm thứ hai là các chương trình huấn luyện và tư vấn trực tiếp cho các doanh nghiệp. Cuối cùng là các nghiên cứu khoa học (trong giai đoạn hiện nay có lẽ chủ yếu là các nghiên cứu ứng dụng), các ứng dụng và các công nghệ mới. Hiện nay chất lượng của cả ba nhóm sản phẩm này đều chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội, của “khách hàng”.
Thử đi tìm lời giải – liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp?
Thử nhìn vào cơ cấu tổ chức của các trường đại học hiện nay sẽ thấy chỉ có các phòng ban như: đào tạo, tổ chức – hành chánh, quản lý sinh viên, hội đồng khoa học, nghiên cứu khoa học, quan hệ quốc tế, các khoa. Rất hiếm khi thấy có bộ phận Quan hệ Doanh Nghiệp hay đại loại như vậy. Chương trình đào tạo vẫn được thay đổi, cập nhật nhưng công việc này đều do các hội đồng khoa học của Trường hay Bộ với thành phần chủ yếu là các nhà khoa học. Rõ ràng với cơ cấu tổ chức và vận hành không thay đổi từ nhiều năm và “rất không hướng khách hàng” (customer-oriented) như vậy, chúng ta đã tạo nên những lối mòn và đặt trên đó các rào cản đẩy các chúng ta xa với xã hội, với doanh nghiệp.
Xây dựng văn hóa, thay đổi cơ cấu tổ chức và vận hành hành theo hướng “mang khách hàng vào bên trong” sẽ là một bước đột phá quan trọng để nâng cao chất lượng hiện nay của các trường. Sẽ có rất nhiều rào cản nhưng có lẽ rào cản lớn nhất là nhận thức của cán bộ trong các trường. Nghe có vẻ nghịch lý nhưng quả thực trường đại học là nơi tiếp nhận nhiều thông tin mới nhất nhưng đôi khi cũng lại là nơi bảo thủ nhất.
Bước đầu tiên của quá trình mang khách hàng vào bên trong có lẽ là việc thiết lập một mối quan hệ chặt chẽ giữa các trường và cộng đồng doanh nghiệp. Đây là việc làm mà hầu hết các trường đại học trên thế giới dù công hay tư, dù lớn hay nhỏ đều thực hiện và được coi là một hoạt động quan trọng, thường xuyên và dài hạn. Việc làm này mang lại những giá trị cụ thể gì cho hai phía và cho xã hội nói chung?
Nhà trường nhận được nhiều lợi ích cụ thể trong quan hệ với doanh nghiệp. Thứ nhất, chất lượng đào tạo chính qui (sinh viên), dịch vụ (đào tạo và tư vấn cho doanh nghiệp), và nghiên cứu ứng dụng sẽ tăng lên nhiều do lý thuyết được gắn kết với thực tiễn. Thứ hai, tỷ lệ sinh viên ra trường tìm được việc làm đúng theo chuyên ngành đào tạo tăng cao. Thứ ba, trình độ của đội ngũ giảng viên sẽ được cải thiện đáng kể. Thứ tư, cơ hội gia tăng thu nhập của nhà trường và giảng viên (đến từ việc các dịch vụ và nghiên cứu được doanh nghiệp chấp nhận). Thứ năm, cơ hội được các ngành và các doanh nghiệp tài trợ hay liên kết trong các dự án nghiên cứu cơ bản, ứng dụng, và sản xuất thử nghiệm. Cuối cùng, vị trí và uy tín của các trường sẽ tăng lên cao trong cộng đồng doanh nghiệp và xã hội. Ở Mỹ và các nước công nghiệp phát triển các doanh nghiệp là những nhà tài trợ quan trọng nhất cho hoạt động của các trường đại học.
Về phía cộng đồng doanh nghiệp, họ cũng nhận được những lợi ích quan trọng. Thứ nhất, thông qua quan hệ chặt chẽ với các trường, họ được trang bị lý luận và được cập nhật các thông tin mới nhất với quản lý và khoa học công nghệ. Hiện nay một bộ phận các doanh nghiệp còn chưa nhận thức đúng về vai trò của lý luận/ lý thuyết đối với hoạt động thực tiễn. Ở giai đoạn trước đây, khi thị trường, cạnh tranh còn ở mức độ kém phát triển, thành đạt của nhiều doanh nghiệp dựa phần lớn vào các lợi thế cạnh tranh thô (tài nguyên thiên nhiên, vị trí đất, nhân công rẻ, kinh nghiệm cá nhân, bảo hộ của nhà nước), nhưng khi thị trường phát triển ở trình độ cao với quá trình toàn cầu hóa mạnh mẽ thì rất cần sự chuyển đổi về chất của lợi thế cạnh tranh và lúc này nếu không được trang bị tốt về lý luận và lý thuyết hiện đại các doanh nghiệp sẽ bị đào thải. Lợi ích thứ hai mà các doanh nghiệp nhận được là ở đội ngũ sinh viên chất lượng cao có lý luận và thực tế. Thứ ba, thông qua các dự án tư vấn hay nghiên cứu với các trường, doanh nghiệp sẽ nhận được các giải pháp khả thi cho các vấn đề kinh doanh, sản xuất và phát triển của mình. Thứ tư, liên kết với các trường cũng là một các để các doanh nghiệp thể hiện sự đóng góp của mình cho xã hội và từ đó xây dựng hình ảnh và quan hệ với cộng đồng. Cuối cùng, tất cả các giá trị trên sẽ liên kết để gia tăng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Trên phương diện xã hội, nguồn lực của xã hội được sử dụng và phân bố một cách tối ưu khi liên kết trên được thiết lập. Xã hội sẽ có những người lao động giỏi chuyên môn, những trường đại học và doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh cao là nền tảng cho một xã hội tri thức.
Một vài đề xuất
Tính khả thi của mô hình liên kết trên là một câu hỏi lớn. Bên cạnh các rào cản về nhận thức, còn có các rào cản về cơ chế. Không chỉ các rào cản từ phía các trường mà còn có các rào cản từ phía doanh nghiệp – họ còn chưa tin vào năng lực thực sự của các trường. Vậy có làm được không?
Thực tế ở Khoa Quản Lý Công Nghiệp, ĐH Bách Khoa Tp.HCM, từ 1998 dưới sự tài trợ của tổ chức Phát Triển Công Nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO), chúng tôi đã xây dựng và vận hành một Văn Phòng Hỗ Trợ Các Doanh Nghiệp Vừa và Nhỏ (gọi tắt theo tên tiếng Anh là SSO). Văn phòng này đóng vai trò cầu nối giữa các hoạt động của nhà trường với doanh nghiệp. Nó cung cấp các dịch vụ về đào tạo ngắn hạn, tư vấn cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Hai năm đầu chúng tôi có tài trợ của UNIDO để hoạt động, nhưng từ đầu năm 2000 tài trợ này chấm dứt và chúng tôi đã tự vận hành hoạt động của SSO. Buổi đầu có nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi đã vượt qua bằng việc áp dụng triệt để văn hóa hướng khách hàng. Chúng tôi liên tục tham khảo ý kiến các doanh nghiệp để cải tiến chất lượng dịch vụ và phát triển các sản phẩm (các khóa huấn luyện mới) phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp. Và kết quả là chúng tôi đã nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình và đáng trân trọng của cộng đồng doanh nghiệp. Trong quá trình vận hành văn phòng chúng tôi nhận thức được rất rõ giá trị/ lợi ích mà liên kết với doanh nghiệp mang lại. Trình độ giảng viên tăng lên rõ rệt khi tham gia giảng dạy và tư vấn cho doanh nghiệp. Tương tác qua lại giữa doanh nghiệp và giảng viên, khoa và nhà trường tạo ra một môi trường học thuật và làm việc lành mạnh. Chúng tôi rút ra được một kết luận rất quan trọng. Doanh nghiệp hiện nay có nhu cầu chất xám rất lớn nhưng chưa có được những nhà cung cấp có chất lượng. Chính từ thực tiễn này mà chúng tôi rất tự tin vào sự thành công của các liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp. (Tác giả là Trưởng Văn Phòng SSO từ tháng 9/2000 đến 6/2002).
Như vậy nhu cầu và sự hưởng ứng của doanh nghiệp là có thực. Vấn đề chính hiện nằm ở phía các trường. Rút kinh nghiệm từ thực tế SSO, tôi đề nghị một số các việc cần làm:
• Các trường cần phổ biến văn hóa khách hàng trong nhà trường và biến nó thành các tiêu chí phục vụ cụ thể. Chẳng hạn hiện nay trong kế hoạch công tác của trường chưa thể hiện rõ sự cân đối trong bố trí nguồn lực giữa 3 nhóm sản phẩm: đào tạo chính qui, nghiên cứu ứng dụng, và dịch vụ cho doanh nghiệp (thường mới tập trung ở sản phẩm 1 và 2). Do vậy trong tiêu chí đánh giá giảng viên cũng chỉ tập trung ở hai nhóm đầu. Mặt khác bố trí công việc còn chưa đi đôi với bố trí nguồn lực. Ví dụ: đầu mỗi học kỳ đều có giao số tiết giảng dạy cho từng giáo viên (phục vụ mục tiêu đào tạo) nhưng không có cân đối cụ thể với thời gian giảng viên phải bỏ ra để làm nghiên cứu hay dịch vụ. Mặc dù trong mục tiêu có thể nhắc đến hai yếu tố này. Điều này dẫn đến việc các giảng viên chỉ tập trung giảng dạy còn nếu bỏ thời gian nghiên cứu hay làm dịch vụ thì không được công nhận thỏa đáng. Ở các trường đại học của Mỹ đều có qui định rõ việc này. Chẳng hạn các trường lớn chuyên làm nghiên cứu (research school) thì tỷ lệ là 60/30/10 (60% nguồn lực cho nghiên cứu, 30% cho giảng dạy, 10% cho dịch vụ), còn các trường cân bằng (balance school) thì 40/40/20 hay chuyên về giảng dạy (teaching school) thì 20/60/20 …
• Tạo cơ chế mở cho phép các giảng viên được cộng tác chặt chẽ với các doanh nghiệp. Có thể qui định cụ thể thời gian giảng viên dành cho các dịch vụ với doanh nghiệp và coi đây là đóng góp của giảng viên.
• Mời doanh nghiệp tham gia giảng dạy một số chuyên đề hay phần của chuyên đề. Tổ chức thường kỳ các chương trình giao lưu doanh nghiệp và sinh viên, doanh nghiệp với giảng viên. Mời doanh nghiệp tham gia góp ý cho các chương trình đào tạo. Thường xuyên lấy ý kiến doanh nghiệp về chất lượng sinh viên ra trường và kỳ vọng của họ đối với các “sản phẩm” của nhà trường.
• Thành lập bộ phận phụ trách Quan hệ với Doanh Nghiệp. Bộ phận này đóng vai trò như một trung gian kết nối nhà trường và doanh nghiệp. Công việc cụ thể của bộ phận này có thể là: (1) lấy thông tin về nhu cầu nhân sự, nhu cầu đào tạo, huấn luyện, các vấn đề về quản lý và khoa họ kỹ thuật mà doanh nghiệp đang quan tâm, (2) cung cấp thông tin cho doanh nghiệp về những dịch vụ và sản phẩm mà nhà trường hiện có hoặc dự kiến phát triển, (3) kết hợp với các khoa, trung tâm trong trường thiết kế các dịch vụ (tư vấn, đào tạo, nghiên cứu) phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp, (4) tổ chức cho sinh viên đến doanh nghiệp thực tập một cách hiệu quả nhất, (5) giới thiệu sinh viên cho doanh nghiệp và giới thiệu doanh nghiệp cho sinh viên, (6) thực hiện các công việc hành chính như soạn thảo hợp đồng, bản nghi nhớ, các nguyên tắc làm việc, phương thức thanh toán, tổ chức các khóa huấn luyện, cấp chứng chỉ.
Cuối cùng, xây dựng và phát triển quan hệ trên nền tảng văn hóa khách hàng là công việc dài hạn mà những đề xuất trên đây chỉ là những nét chấm phá. Sự thành công của từng mô hình cụ thể còn tùy thuộc rất nhiều vào sự cam kết và nỗ lực của các trường.
Bài này đã đăng trên báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật số ____, ngày 22 tháng 2 năm 2004
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=21066&ChannelID=13