Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

Ôn thi đại học kiểu mới: Chủ động và ngắt quãng

Trong khi mọi người đang háo hức đón năm mới với biết bao dự định, chắc hẳn sĩ tử 2k4 đang lo lắng vì chỉ còn khoảng nửa năm nữa thôi, các bạn sẽ bước vào kỳ thi đại học quan trọng. Để có thời gian thư giãn và vui chơi dịp tết nhưng vẫn không quên bài vở, cùng xem qua hai phương pháp ôn thi dưới đây và thử áp dụng trong thời gian tới nhen.

Bài viết liên quan
Thiết lập to-do list để thi cuối kỳ nhàn tênh
Tiếp thu kiến thức nhanh chóng nhờ phương pháp ghi chép thần thánh

ACTIVE RECALL (Chủ động gợi nhớ)

Ôn thi đại học hiệu quả: Chủ động và ngắt quãng

Khi bạn học một điều gì đó mới mẻ, não bộ của bạn đã ghi nhớ kiến thức và cất ở một ngăn nào đó trong đầu. Active Recall yêu cầu sự chủ động kích thích trí nhớ để tìm lại thông tin mà không dựa vào sự trợ giúp của các gợi ý. Theo các kết quả nghiên cứu, người học càng dồn nhiều nỗ lực vào việc chủ động nhớ lại kiến thức thay vì thu nạp và hệ thống lại thông tin, họ sẽ ghi nhớ kiến thức đó càng lâu dài.

Một cách ôn thi thường gặp nhất là các bạn học sinh sẽ đọc lại và ghi chú các kiến thức quan trọng sao cho ngắn gọn, dễ theo dõi. Tuy nhiên, cách này chỉ phù hợp để học các kiến thức mới, chứ không giúp ích nhiều trong việc ôn tập lại. Đồng thời, cách ôn tập này làm não bộ không hoạt động giống với lúc làm bài kiểm tra, khi mà người học phải tự mình nhớ lại kiến thức mà không có sự hỗ trợ, gợi ý của tài liệu.

Do đó, bạn nên luyện tập gợi nhớ chủ động, tích cực tạo ra thử thách cho não bộ của mình để nhớ kiến thức lâu hơn và sắc bén hơn.

SPACED REPETITION (Kỹ thuật lặp lại ngắt quãng)

Ôn thi đại học hiệu quả: Chủ động và ngắt quãng

Kỹ thuật lặp lại ngắt quãng của Hermann Ebbinghaus dựa vào nguyên lý Đường cong của sự lãng quên. Đường cong thể hiện rằng não bộ sẽ nhớ thông tin ngay khi vừa nạp kiến thức, tuy nhiên thời gian càng dài thì ta sẽ càng quên nhiều hơn. Spaced repetition sử dụng chiến thuật lặp lại cách quãng, ngay khi não bộ của mình bắt đầu quên điều gì đó, mình ôn lại ngay gối đầu và nhờ vậy nhớ được lâu hơn.

Nếu ngày nào chúng ta cũng ôn tập với kiến thức y như nhau thì dễ cảm thấy mệt mỏi, chán nản, đồng thời không cho não cơ hội nghỉ ngơi. Khi lặp lại ngắt quãng, ta sẽ luyện cho não có khả năng gọi lại kiến thức đã phai mờ.

Có thể thấy, Active Recall và Spaced Repetition là bộ đôi kết hợp hoàn hảo giúp kiến thức được củng cố chắc chắn và người học có thể ghi nhớ lâu hơn.

ÁP DỤNG VÀO QUÁ TRÌNH ÔN THI

Ôn thi đại học hiệu quả: Chủ động và ngắt quãng

Để kết hợp và tối ưu hóa hai phương pháp trên, các bạn học sinh có thể tham khảo một số cách sau:

Đặt câu hỏi
Trong quá trình ôn tập, thay vì ngồi đọc lại để nhớ, hãy giả dụ mình là người ra đề, đặt ra một bộ câu hỏi và tự trả lời ở bên cạnh. Bạn hoàn toàn luyện tập tư duy chủ động khi áp dụng phương thức này, biết được kiến thức quan trọng và những kiến thức nào mình hay quên để có thể củng cố thêm.

Dùng Flashcard
Tận dụng các công cụ online để tạo flashcard, một mặt ghi khái niệm, từ mới, kiến thức… bên kia ghi giải thích, ví dụ, hoặc đáp án. Bạn không cần phải lưu lại hết mà chỉ tập trung vào những kiến thức khó nhớ hoặc quan trọng. Bạn càng thử thách não bộ thì sẽ càng nhớ được lâu hơn.

Vẽ Mindmap
Phương pháp này rất tốt cho việc nhớ những kiến thức phức tạp, có liên quan chéo với nhau. Tuy nhiên, hãy tập vẽ mindmap mà không mở tài liệu như lúc học kiến thức mới. Đây là cách ứng dụng Active Recall để luyện cho não bộ cách gợi nhớ và hệ thống kiến thức.

Vậy chúng ta sẽ áp dụng Spaced Repetition như thế nào? Hãy ôn tập bằng cách lặp lại các hoạt động trên, cách quãng 1 ngày, 3 ngày, 5 ngày hoặc lâu hơn, tùy thuộc vào mỗi người sẽ có quãng thời gian khác nhau. Bên cạnh đó, việc lặp lại ngắt quãng sẽ giúp ta tự nhận biết được kiến thức nào khó nhớ, từ đó có thể ôn tập kỹ lại trước kỳ thi.

[Bài viết tổng hợp từ The Present Writer]

ĐẬU ĐẬU thực hiện

Bài trước

Bài tiếp