Học trọn tuyệt chiêu thi ĐGNL tốt từ các thủ khoa toàn quốc

Kỳ thi Đánh giá năng lực (ĐGNL) ĐHQG-HCM đợt 1 đang tới rất gần. Đây là giai đoạn hàng chục ngàn sĩ tử 2k4 tất bật ôn thi. Làm sao để vượt qua vũ môn thành công, đồng thời đạt được kết quả như ý? Cùng OISP khám phá bí kíp thần sầu của bốn chàng thủ khoa Bách khoa Quốc tế những năm vừa qua.

Bài viết liên quan
▶ Thủ khoa Địa chất Dầu khí K2006: luôn đặt tính chính xác lên hàng đầu
Nguyễn Ngọc Duy Hưng: từ chàng trai rụt rè đến thủ khoa IELTS
Thủ khoa OISP vinh dự thượng cờ Lễ Khai giảng Trường ĐH Bách khoa năm 2014

1. HỆ THỐNG KIẾN THỨC BÀI BẢN

Bạn Nguyễn Hồ Tiến Đạt (thủ khoa toàn quốc kỳ thi ĐGNL năm 2021 với điểm số 1.103/1.200, sinh viên K2021 chương trình Chất lượng cao ngành Khoa học Máy tính) trải lòng: “Có khá nhiều phương pháp ghi chép hữu ích, chẳng hạn lập sơ đồ tư duy, kẻ bảng so sánh hay liệt kê ý chính dưới dạng gạch đầu hàng. Riêng mình, mình chọn phương án học tới đâu, tốc ký tới đó và trình bày sao cho dễ đọc, dễ hiểu nhất.

Để ghi nhớ tốt hơn, mình tìm cách liên hệ kiến thức với những điều quen thuộc hoặc đọc tới đọc lui, nghe đi nghe lại thông tin cần học cho đến khi hiểu rõ mới thôi. Cụ thể, với các môn Lý, Hóa, Sinh, mình sẽ kết nối các kiến thức, định luật trong sách giáo khoa với một số hiện tượng thực tế trong đời sống. Mình cũng gom nhóm những sự kiện cùng chủ đề thuộc hai môn Sử, Địa với nhau. Ví dụ, những sự kiện lịch sử trong một thời đại có thể nối tiếp nhau, tạo thành câu chuyện sống động hay các tính chất địa lý của một vùng, miền nhất định đều bắt nguồn từ nguyên nhân nào đó”.

2. TỰ LÊN DANH SÁCH CÂU HỎI ÔN TẬP

Bạn Trần Công Huy Hoàng (thủ khoa toàn quốc kỳ thi ĐGNL năm 2020 với điểm số 1.118/1.200, sinh viên K2020 chương trình Chất lượng cao ngành Khoa học Máy tính) chia sẻ:

“Đối với mình, ôn thi ĐGNL là một quá trình dài, không phải chuyện ngày một ngày hai. Từ trước tới nay, mình luôn tâm niệm học tập phải gắn với thấu hiểu bản chất chứ không thể chỉ áp dụng công thức một cách máy móc. Mình luôn cố gắng nghe giảng đầy đủ ở tất cả môn học.

Bên cạnh đó, thay vì chăm chăm thuộc lòng lý thuyết, mình soạn ra danh sách câu hỏi quan trọng và buộc bản thân trả lời trong một khoảng thời gian nhất định. Phương pháp này giúp mình ghi nhớ kiến thức hiệu quả, đồng thời rèn luyện kỹ năng phản xạ khi đi thi. Ngoài ra, bạn cũng đừng quên làm nhiều bài tập để nắm vững cách áp dụng lý thuyết vào thực tế nha!”

3. LUYỆN BÀI MỘT CÁCH CHỌN LỌC

Theo bạn Huỳnh Thiện Khiêm (thủ khoa đầu vào chương trình Chất lượng cao bằng phương thức ĐGNL năm 2018 với điểm số 993/1.200, sinh viên K2018 chương trình Chất lượng cao ngành Khoa học Máy tính), ý nghĩa kỳ thi ĐGNL nằm ở cái tên của nó. Đó là đánh giá năng lực chứ không phải đánh giá lúc thi bạn biết được gì. Bài thi không chú trọng kiến thức thuộc lòng mà xem xét khả năng tư duy của thí sinh ở mọi lĩnh vực, nhất là thái độ cởi mở tiếp thu kiến thức, cho dù bạn có hứng thú với chúng hay không. Đây cũng chính là điều bậc đại học cần ở mỗi sinh viên.

“Nếu thi học khối A0 (không chuyên Văn, Sử, Địa), thí sinh phải học chắc kiến thức từ sách giáo khoa cũng như coi kỹ phương pháp làm bài. Nếu siêng luyện đề thi thử của ĐHQG-HCM và ôn tập nghiêm túc, bạn có thể đạt khoảng 70% điểm số.

Với các môn tự nhiên, bạn nên bắt đầu bằng việc ôn những câu hỏi mức độ trung bình. Nếu có thời gian, hãy luyện các dạng bài khó hơn. Mình không khuyên các bạn cày những dạng bài siêu khó ngay bây giờ vì kỳ thi ĐGNL hiếm khi hỏi những câu quá khó. Các môn xã hội cũng tương tự. Tuy nhiên, đề sẽ hỏi ngoài khá nhiều. Do đó, bạn cần đọc thêm sách báo”.

4. CHUẨN BỊ TÂM THẾ trước KHI BƯỚC VÀO PHÒNG THI

Bạn Nguyễn Phú Nghĩa (thủ khoa toàn quốc kỳ thi ĐGNL năm 2019 với điểm số 1.108/1.200, sinh viên K2019 chương trình Chất lượng cao ngành Khoa học Máy tính) bộc bạch: “Với mình, điểm thi ĐGNL là sự kết hợp của hai yếu tố: quá trình ôn luyện và tâm lý phòng thi. Để đảm bảo tinh thần vững vàng, mình đã chuẩn bị từ trước. Do là đứa dễ bị phân tâm bởi tiếng ồn nên mình hay giải đề thi thử trong môi trường có tiếng ồn để tập quen dần”.

“Ở giai đoạn nước rút, mình hạn chế giải đề thi thử, tập trung ôn lại kiến thức và thư giãn sương sương như nghe nhạc, coi phim hoặc chơi game với bạn bè trước khi lên thớt” – bạn Nguyễn Hồ Tiến Đạt bổ sung.

5. PHÂN BỔ THỜI GIAN LÀM BÀI PHÙ HỢP

Bạn Huỳnh Thiện Khiêm nhấn mạnh, thí sinh cần canh giờ làm bài hợp lý. “Thời gian làm xong 120 câu trắc nghiệm là 150 phút, không hề dư dả. Mình nghĩ các bạn nên làm lướt câu dễ ở từng phần, sau đó xử lý câu khó của phần bạn hiểu rõ, tiếp theo giải quyết câu khó ở phần bạn chưa chắc và cuối cùng là ráng lấy điểm từ các câu lạ. Đặc biệt, bạn cần dành khoảng 30 phút để kiểm tra bài thi vì việc dò lại 120 câu hỏi sẽ tốn kha khá thời gian đó”.

Bài: XUÂN MAI Đồ họa: QUỐC HUY

Bài trước

Bài tiếp