Nhật Bản phát triển AI để bảo tồn văn hóa truyền thống

Công nghệ càng tân tiến, nhân loại càng trăn trở trước nỗi lo văn hóa truyền thống sẽ dần bị mai một. Song Nhật Bản đang chứng minh với thế giới điều ngược lại: Truyền thống có thể sống mãi cùng AI (trí tuệ nhân tạo).

Bài viết liên quan
BrSE (kỹ sư cầu nối) – nghề hot dành cho dân lập trình giỏi ngoại ngữ
Lộ trình chinh phục tiếng Nhật chương trình Chất lượng cao Tăng cường tiếng Nhật
Chất lượng cao Tăng cường tiếng Nhật: Một mũi tên trúng hai đích
Nhật Bản mở đường thu hút kỹ sư Việt

NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG SỐNG VỚI THỜI GIAN

Khi làn sóng số hóa ngày một lan tỏa khắp thế giới, việc phân lọc và đào thải những cái cũ không còn phù hợp với thời đại mới đã trở thành xu hướng tất yếu. AI (trí tuệ nhân tạo) – đứa con cưng của công nghệ hiện đại càng lớn mạnh chừng nào thì quá trình ấy càng diễn tiến mạnh mẽ và sớm muộn sẽ làm thay đổi diện mạo của hành tinh chúng ta. Giữa thời điểm chuyển giao “vàng thau lẫn lộn”, những kỹ sư AI trên khắp nước Nhật lại mang trên vai một sứ mệnh mới – đó là cuộc chiến bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống trước sự tàn phá của thời gian. 

1. Dự án AINU-GO AI – “giải cứu” ngôn ngữ thiểu số có nguy cơ biến mất cao nhất tại Nhật

Tuy là một quốc gia khá thuần nhất về chủng tộc song Nhật Bản vẫn tồn tại những tộc người thiểu số sống rải rác ở vùng đảo Hokkaido và Okinawa. Những cư dân này vốn sở hữu ngôn ngữ riêng của mình như tiếng Ainu, Yaeyama, Yonaguni… nhưng do sự phổ biến của quốc ngữ (tiếng Nhật), số lượng cư dân dùng phương ngữ dần dần suy giảm qua các năm. Trong số đó, tiếng Ainu đã được UNESCO cảnh báo là ngôn ngữ có nguy cơ biến mất cao nhất ở Nhật (năm 2009). Tình hình ấy vẫn không mấy cải thiện khi Cục Văn hóa Nhật Bản công bố một thống kê vào năm 2017 cho thấy trên toàn quốc chỉ còn có năm người nói phương ngữ này.

lớp học tiếng Ainu
Một lớp học tiếng Ainu được tổ chức tại Bảo tàng – Công viên Ainu Quốc gia Upopoy. – Hình: The Foundation for Ainu Culture

Tháng 10/2020, nhóm nghiên cứu ĐH Kyoto công bố thành quả nghiên cứu của dự án bảo tồn tiếng Ainu mang tên AINU-GO AI. Cụ thể, dựa trên những dữ liệu âm thanh của 10 cư dân bản địa với độ dài 40 tiếng do các bảo tàng dân tộc – văn hóa Ainu cung cấp, AI có thể nhận biết được 94% âm vị (phân đoạn nhỏ nhất của âm thanh) và 80% từ, đồng thời tái hiện tiếng Ainu gần giống như người bản địa.

2. Ứng dụng đọc hiểu cổ văn miwo – chìa khóa giải mã thảo thư [1]

Thư pháp là nét văn hóa độc đáo của các nước dùng Hán văn, trong đó có Nhật Bản với những áng văn cổ, tranh ukiyo [2] hay các biển hiệu hàng trăm năm tuổi được lưu truyền lại. Tuy nhiên, người hiện đại sẽ dễ “đầu hàng” trước thảo thư bởi chúng rất khó đọc và tra cứu nghĩa. 

thảo thư nhật bản
Trang sách cổ được viết bằng thảo thư. – Hình: Google Images

Nhưng với miwo – một ứng dụng thông minh do Trung tâm Dữ liệu mở Nhân văn học ROIS-DS phát triển, người hiện đại có thể đọc và cảm thụ những tầng sâu ý nghĩa trong các áng bút tích do tiền nhân để lại. Cách dùng ứng dụng khá đơn giản, chỉ cần chụp hình đoạn chữ cổ bằng điện thoại, AI sẽ phân tích và hiển thị chữ hiện đại tương ứng bên trên.

3. Dự án bảo tồn kịch sân khấu sagiryu kyogen – viên ngọc quý của văn hóa dân gian tỉnh Yamaguchi

Noh và kyogen là bộ đôi nghệ thuật kịch nổi tiếng của Nhật Bản. Khác với kịch noh đậm màu sắc ước lệ và thẩm mỹ, kịch kyogen thiên về châm biếm thông qua các đoạn đối thoại hài hước và động tác giàu tính biểu trưng của nhân vật. Tại Yamaguchi – một tỉnh miền Tây Nam Nhật Bản, sagiryu kyogen là trường phái nổi tiếng nhất của kịch kyogen, sở hữu bề dày lịch sử 400 năm và được coi là viên ngọc quý của văn hóa dân gian xứ sở tại. Song việc tìm người kế thừa tinh hoa dòng kịch này luôn là một thách thức to lớn với người dân.

Lớp học sagiryu kyogen
Lớp học sagiryu kyogen dành cho trẻ em. – Hình: UNESCO Japan

Laboro ProBono – một dự án thiện nguyện của Laboro.AI – là nỗ lực của người dân tỉnh này nhằm bảo tồn viên ngọc sáng ấy. Với ý tưởng sáng chế ra một ứng dụng phổ cập sagiryu kyogen, dự án sẽ sử dụng AI để lưu trữ và mô hình hóa động tác của diễn viên, từ đó nhận diện lỗi sai và hiển thị điểm số để người tập tự điều chỉnh tư thế của mình. Dự kiến ứng dụng này có thể được đưa vào các tiết ngoại khóa từ bậc tiểu học đến trung học hoặc những mô hình du lịch kết hợp trải nghiệm văn hóa.

4. Giữ hương vị rượu sake chuẩn từ giai đoạn ủ men

Men koji thường được ví như linh hồn của rượu sake, do vậy tay nghề của những thợ ủ men ngày xưa rất được coi trọng. Hương vị rượu làm ra ngon hay dở, có đạt chuẩn hay không thường được quyết định ở công đoạn này.

Song những năm gần đây, công đoạn ủ men cũng bắt đầu có sự hỗ trợ của máy móc, đơn cử như máy ủ men tự động không thông gió của Fujiwara Techno-Art, nhằm giúp cho chất lượng rượu ổn định hơn. Thiết bị này còn có thể đưa ra những lời khuyên hữu ích trong công đoạn đòi hỏi kỹ thuật cao như ủ ướt [3].

AI VÀ SỨ MỆNH TẠO RA VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG MỚI

Sự nhập cuộc của các kỹ sư AI Nhật Bản vào hoạt động bảo tồn văn hóa không dừng lại ở việc lưu giữ những giá trị cũ mà còn tạo ra những giá trị mới sẽ trở thành truyền thống ở tương lai. Tham vọng ấy chính là nguồn cảm hứng ra đời của hàng loạt sản phẩm văn hóa “cổ – kim kết hợp” vô cùng độc đáo.

Những ví dụ minh chứng cho điều đó có thể tìm thấy ở triển lãm “Tsugu” Kori-show Project – ISETAN diễn ra tại Tokyo, Nhật Bản vào năm 2022. Tsugu trong tiếng Nhật có nghĩa là “gắn kết”, thể hiện sự giao thoa giữa văn hóa truyền thống với công nghệ hiện đại và sức sáng tạo được khơi gợi ở mọi khía cạnh của cuộc sống.

vải dệt kasuri
Chiếc khăn với tên gọi Unknown kasuri (Ẩn số kasuri) là thành quả của AI sau khi “học hỏi” kỹ thuật dệt vải dựa trên đồ án 2.500 loại vải dệt kasuri [4] trên khắp nước Nhật. Từ quy luật dệt chung, AI đã biến tấu ra sản phẩm vải dệt mới chưa từng có ở các đồ án trước nay. – Hình: PR TIMES
Hoa văn jomon
Hoa văn trên những tác phẩm mỹ thuật thời Jomon [5] được in bằng máy in 3D (ứng dụng kỹ thuật AI) lên những vật dụng sinh hoạt hàng ngày (khạp, khay), đã tái hiện lịch sử văn hóa Nhật Bản một cách đầy tinh tế. – Hình: PR TIMES

Qua những ví dụ trên, ta có thể thấy được những nỗ lực của ngành AI Nhật Bản trước sứ mệnh bảo vệ văn hóa dân tộc. Bài học từ nước Nhật giúp chúng ta nhận ra rằng tiến lên phía trước không có nghĩa là từ bỏ quá khứ, mà ngược lại, quá khứ và tương lai vẫn có thể song hành. Đó sẽ là tấm gương để các kỹ sư AI trẻ của Việt Nam lĩnh hội và tạo ra những thành tựu văn hóa giá trị trong tương lai.

Từ năm 2020, Chương trình Chất lượng cao Tăng cường Tiếng Nhật – Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM) triển khai đào tạo ngành Khoa học Máy tính cho những bạn say mê nền kỹ thuật tiên tiến của Nhật. Bên cạnh đào tạo chuyên môn, chương trình còn giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa Nhật, giúp sinh viên hiểu thêm về bản sắc xứ sở hoa anh đào, từ đó khơi gợi và thúc đẩy các kỹ sư tương lai phát triển những sản phẩm IT góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống.

INAKO tổng hợp


[1] Thảo thư được hiểu nôm na là chữ viết tay, thường được dùng trong tốc ký, viết thư hay nghệ thuật thư pháp.

[2] Tranh ukiyo là loại tranh được in hàng loạt từ bản vẽ khắc gỗ, thịnh hành ở Nhật từ giữa thế kỷ thứ XVI đến giữa thế kỷ thứ XX.

[3] Ủ ướt là công đoạn diễn ra sau khi trộn men và ủ khô, khi đó hỗn hợp men cơm rượu sẽ được thêm nước vào để lên men hoàn toàn, đến khi nếm thấy vị cay và nước trong là có thể đem đi chưng cất.

[4] Kasuri là kỹ thuật tạo thắt nút, buộc dây hoặc nhuộm chàm cho sợi vải để khi dệt sẽ tạo ra hoa văn trên vải. Quá trình thắt và nhuộm lặp đi lặp lại nhiều lần với vị trí buộc dây thay đổi và các màu nhuộm khác nhau sẽ tạo thành những tác phẩm ngẫu nhiên và độc nhất vô nhị.

[5] Thời kỳ Jomon là thời tiền sử ở Nhật Bản, kéo dài từ khoảng năm 14.000 TCN đến năm 400 TCN.

Bài trước

Bài tiếp