Matsushita Konosuke: “Thánh kinh doanh” sở hữu 92 phát minh cải tiến và 8 bằng sáng chế đồ điện – điện tử

Đến nay, những giai thoại về “thánh kinh doanh” Matsushita Konosuke (Nhật Bản) – cha đẻ của đế chế điện tử Panasonic – vẫn là nguồn cảm hứng cho những bạn trẻ đam mê điện – điện tử.

Bài viết liên quan
“Cán đích” JLPT N1 với chương trình Tăng cường tiếng Nhật
Nhật Bản mở đường thu hút kỹ sư Việt
Ngành bán dẫn vực dậy, Nhật đẩy mạnh tìm kiếm kỹ sư điện – điện tử
Giải mã sức hút của nghề kỹ sư điện – điện tử tại Nhật

Matsushita Konosuke
Matsushita Konosuke được xem là một trong 12 nhân vật kiệt xuất kiến tạo nên nước Nhật hùng cường.  –  Hình: Google Images

CƠ DUYÊN ĐẾN VỚI NGHỀ ĐIỆN TỪ NĂM MƯỜI TUỔI

Matsushita Konosuke ra đời năm 1894 tại tỉnh lẻ Wakayama, là con trai út trong gia đình có tám anh chị em. Sinh kế của nhà Matsushita bấy giờ đều phụ thuộc vào công việc kinh doanh của cha ông. Tuy nhiên, khi chiến tranh Nhật – Nga nổ ra trên diện rộng năm 1904, nền kinh tế Nhật Bản hứng chịu đòn giáng nặng nề khiến cho nhiều gia đình rơi vào cảnh khốn cùng, nhà Matsushita cũng không ngoại lệ. Mới mười tuổi, ông buộc phải thôi học để theo dòng người lên Osaka kiếm sống. Ở chốn thị thành này, lần đầu tiên ông được chiêm ngưỡng tàu điện lộ thiên và bắt đầu trỗi dậy tò mò về động cơ điện. Đó cũng là cơ duyên thôi thúc ông xin vào học nghề tại Công ty Đèn điện Osaka.

Matsushita Konosuke thời trẻ
Matsushita thời trẻ. –  Hình: Google Images

Sau sáu năm làm việc cần mẫn, Matsushita được thăng đến cấp quản lý. Song ông không thỏa mãn với cuộc sống làm công ăn lương qua ngày mà ngày càng tỏ rõ niềm đam mê đối với phát minh. Nhiều lần ông đề xuất cấp trên cho nghiên cứu bóng đèn kiểu mới có hai chuôi nhưng đều bị bác bỏ. Thời đó, ổ cắm điện vẫn chưa ra đời, mỗi hộ gia đình chỉ được dùng một thiết bị điện bằng đường dây dẫn trực tiếp từ ngoài vào nên rất bất tiện, bởi lẽ đó Matsushita tin rằng bóng đèn chuôi đôi của ông có thể giúp người dân dùng được nhiều thiết bị điện cùng lúc hơn. Vậy là ông quyết định nghỉ việc để theo đuổi ý tưởng này tới cùng. Nhận được tiền trợ cấp thôi việc cộng với tiền tiết kiệm được khoảng 100 yên (bằng gấp đôi lương của giáo viên tiểu học mới ra trường), ông bèn cùng vợ là bà Mumeno, em vợ Iue Toshio (người sáng lập ra Công ty Điện tử Sanyo sau này) và hai đồng nghiệp cùng nghỉ việc tại Công ty Đèn điện Osaka để bắt tay vào sản xuất sản phẩm mới. 

Song việc kinh doanh bấy giờ gặp nhiều trở ngại hơn Matsushita tưởng. Sau 10 ngày đi vòng quanh các cửa hàng đồ điện và đại lý phân phối ở Osaka, Matsushita bán được 100 bóng đèn nhưng số tiền thu về chỉ vỏn vẹn 10 yên. Đa phần lý do sản phẩm không được giá là bởi tâm lý e ngại của các chủ cửa hàng và đại lý về độ bền của sản phẩm cũng như uy tín của nơi sản xuất. Lô hàng đầu tiên do nhóm Matsushita sản xuất thua lỗ, hai người bạn đồng nghiệp bắt đầu chán nản nên quyết định dừng hợp tác để rẽ sang con đường riêng. 

phát minh cải tiến điện – điện tử của Matsushita Konosuke
Đèn chuôi đôi (trái) và tấm cách điện quạt máy (màu đen) là những phát minh cải tiến đầu tiên của Matsushita Konosuke. –  Hình: Google Images

Song thất bại trên vẫn không làm Matsushita nản chí. Ông bèn chuyển qua chế tạo tấm cách điện cho quạt máy và lô hàng lần này bán được 160 yên. Sau đó các đơn đặt hàng nhanh chóng tăng lên giúp cho việc kinh doanh của Matsushita ngày càng phát đạt. Tháng 3/1918 đánh dấu một cột mốc mới khi xưởng chế tạo đồ điện Matsushita (Matsushita Electric) chính thức ra đời.

NHỮNG PHÁT MINH LÀM THAY ĐỔI CUỘC SỐNG CỦA NGƯỜI DÂN NHẬT

Từ khi Matsushita Electric hình thành và phát triển thành Panasonic Holdings Corporation như ngày nay, Matsushita Konosuke chưa bao giờ ngừng tìm tòi nhằm tạo ra những sản phẩm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân đương thời. 

Sản phẩm đầu tiên ra mắt dưới tên Matsushita Electric là đèn xe đạp hình viên đạn. So với loại đèn xe gồ ghề và chỉ hoạt động được khoảng ba giờ, sản phẩm mới không chỉ gọn nhẹ mà còn tăng thời gian chiếu sáng lên gấp mười lần nên được Matsushita đặt rất nhiều kỳ vọng. Song trái với mong đợi của ông, các đại lý tỏ ra không mấy mặn mà và từ chối thu mua vì chưa hiểu rõ giá trị của sản phẩm. Matsushita không bỏ cuộc mà tiếp tục liên hệ với các cửa hàng bán lẻ – nơi giao dịch trực tiếp với khách hàng – để xin ký gởi miễn phí và nhờ họ để đèn chiếu sáng 24/24 trước cửa hàng. Sản phẩm của ông mau chóng gây chú ý và trở thành mặt hàng bán chạy toàn quốc.

Năm 1927, Matsushita Electric tiếp tục tung ra thị trường đèn pin cầm tay hình vuông gắn với thương hiệu NATIONAL. Tên thương hiệu được Matsushita lấy cảm hứng từ tên hãng xe hơi Volkswagen (dịch nghĩa là “xe hơi quốc dân”) của Đức, gởi gắm niềm mong mỏi sản phẩm của công ty sẽ trở thành sản phẩm vì quốc dân. Về sau, dòng thương hiệu này còn “kết nạp” thêm những thành viên mới đều là mặt hàng best-seller của công ty như đèn chuôi đôi cải tiến, bóng đèn tròn, ắc quy, pin khô…  

phát minh điện – điện tử của Matsushita Konosuke
Đèn xe đạp (trái) và đèn pin cầm tay do Matsushita Konosuke sáng chế được lưu giữ tại Panasonic Museum (Osaka, Nhật Bản). –  Hình: Google Images

Đầu thập niên 30, phong trào tập thể dục theo radio nở rộ tại Nhật nhưng các loại radio thông thường có tuổi thọ rất ngắn và dễ mất sóng, điều này thôi thúc Matsushita sáng chế ra loại radio ba bóng dễ bắt sóng và có độ bền cao. Sản phẩm không chỉ thành công về doanh số tiêu thụ mà còn tạo tiếng vang khi thắng giải cuộc thi Japan’s Public Broadcasting Station do đài truyền hình NHK phát động.

Không chỉ dừng ở việc cải tiến sản phẩm đã có, Matsushita còn cho thấy tầm nhìn xa trông rộng khi khẳng định việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới sẽ đóng vai trò quan trọng trong tương lai. Nhận thấy thiết bị điện gắn động cơ có tiềm năng rất lớn, ông bèn thành lập thêm công ty con chuyên nghiên cứu dòng sản phẩm này. Quả vậy, sau Thế chiến thứ hai, nhu cầu sử dụng thiết bị điện trong mỗi hộ gia đình tăng cao đã giúp những sản phẩm của Matsushita đón đầu xu thế và được đón nhận rộng rãi. 

Năm 1955 được coi là cột mốc lịch sử mới khi tên thương hiệu PanaSonic gắn với dòng loa vành loe kép full-range 8P-W1 của Matsushita Electric ra mắt tại thị trường Mỹ. Thông qua sự lan tỏa mạnh mẽ của PanaSonic, cái tên Matsushita Konosuke và những sản phẩm do ông phát minh dần trở thành huyền thoại toàn cầu trong lĩnh vực điện – điện tử. 

Trong 94 năm cuộc đời, Matsushita đã thực hiện tổng cộng 92 dự án cải tiến và nhận được tám bằng sáng chế. Tương truyền ông say mê nghiên cứu phát minh đến độ có thể làm việc quên ăn quên ngủ và trên gối nằm luôn kè kè một sản phẩm đang mày mò nào đó. Ngay cả khi đã trở thành ông chủ lớn có hàng chục ngàn công nhân dưới trướng, chỉ cần dành được một chút thời gian nhàn rỗi ông sẽ lấy đồ để trên gối ra để vẽ phác đồ hoặc tìm cách cải tiến chúng.

TRÁI TIM NÓNG VÀ NHÂN CÁCH LỚN

Bên cạnh niềm đam mê dành cho đồ điện – điện tử, Matsushita Konosuke luôn đau đáu việc đào tạo thế hệ thừa kế tương lai cũng như nghiên cứu những phương sách mang lại sự phồn vinh cho con người. Do đó ông quyết định thành lập PHP – Peace and Happiness through Prosperity (1946) – đơn vị xuất bản các đầu sách và tạp chí nghiên cứu khoa học, tổ chức hội thảo, hội nghị về kinh tế – chính trị; và The Matsushita Institute of Government and Management (1980) – học viện danh giá hàng đầu Nhật Bản chuyên đào tạo những người mang hoài bão lớn, mong muốn trở thành nhà lãnh đạo tương lai trong các lĩnh vực.

Ngoài ra, Matsushita còn là nhà tài trợ của JAPAN PRIZE – giải thưởng được ví như giải Nobel của Nhật vinh danh những nhà khoa học có đóng góp to lớn cho hòa bình và sự phồn vinh của nhân loại. Đến nay, giải thưởng vẫn được vận hành hàng năm dựa trên số tiền quỹ khổng lồ mà Matsushita để lại.

Với người Nhật, Matsushita Konosuke là một trong những người hùng đã xây dựng nên nước Nhật văn minh – hiện đại với khối gia sản vật chất và tinh thần lớn lao không đong đếm xuể. Tài năng và nhân cách của ông đến nay vẫn luôn là tấm gương sáng để hậu thế noi theo.

Từ năm 2007, Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM) triển khai đào tạo chương trình Tăng cường Tiếng Nhật ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử theo mô hình bán du học Nhật. Sinh viên được học 2,5 năm đầu tại Trường Đại học Bách khoa và 2 năm cuối tại Nagaoka University of Technology (Nhật), với nội dung giảng dạy bám sát thực tiễn, tích lũy những tri thức quý báu trong lĩnh vực điện – điện tử của Nhật. Đây chính là cơ hội cho những bạn trẻ có đam mê đối với điện – điện tử và mong muốn lĩnh hội tài năng, kinh nghiệm của những thế hệ đi trước tại xứ mặt trời mọc.

INAKO tổng hợp

Bài trước

Bài tiếp