Lần đầu “chạm mặt” Bách khoa hồi cấp hai khi dự lễ tốt nghiệp của anh hai, Nguyễn Thị Cẩm Tú đã “bén duyên” với ngôi trường kỹ thuật hàng đầu miền Nam và trở thành một trong những sinh viên ưu tú của ngành Quản lý Công nghiệp – chương trình Chất lượng cao.
Bài viết liên quan
▶ Lê Ngọc Duyên Phương: Luôn tự hào là một “củ sắn lùi” của Bách khoa
▶ Quản lý Công nghiệp – Màu sắc riêng trong ngành quản trị
▶ Quản lý công nghiệp – Ngành kinh tế trong trường kỹ thuật
Nguyễn Thị Cẩm Tú, sinh viên K2017 chương trình Chất lượng cao ngành Quản lý Công nghiệp
|
* Thân chào Cẩm Tú. Bạn hãy giới thiệu đôi nét về bản thân nha!
Chào mọi người, mình là Nguyễn Thị Cẩm Tú, một cô gái thuộc chòm sao Xử Nữ. Mình là sinh viên chương trình Chất lượng cao ngành Quản lý Công nghiệp K2017. Mình từng đảm nhận chức Phó Bí thư Đoàn khối – Liên chi Hội Sinh viên OISP. Hiện tại, mình là Phó Chủ tịch Hội Sinh viên trường. Sở thích của mình là du lịch và học hỏi những điều giá trị.
Bạn bè nhận xét mình là một cô nàng ít nói và ấm áp. Mình nghĩ hai đặc tính này đúng tầm 99% vì một khi tập trung làm điều gì đó, mình rất ít khi nói chuyện cùng ai. Mình thực sự yêu những khoảng thời gian “được ít nói” đó, bởi mình có thể lắng nghe nhiều hơn và quan sát từng ngóc ngách của cuộc sống.
Còn nói về tính cách ấm áp, chắc đa phần do mình “hơi bao đồng” một chút. Ngoài việc đầu tư cho bản thân, mình rất thích chia sẻ đủ thứ tá lả trên đời với mọi người cũng như quan tâm, lo lắng cho người khác. Nhiều khi, mình vô tình làm đối phương hiểu lầm về mối quan hệ nữa đó. Tuy nhiên, mình nghĩ cứ yêu thương nhau thôi, có gì mà ngần ngại (“love to be loved” mà). Vì vậy, mình rất sẵn lòng nếu có bạn tân sinh viên nào đó muốn mình tư vấn trọn gói bốn năm đại học nghen :D.
* Bạn bén duyên với chương trình Chất lượng cao ngành Quản lý Công nghiệp như thế nào?
Mình ấn tượng với Bách khoa từ những năm cấp Hai, khi đi dự lễ tốt nghiệp của anh hai mình. Với mình, Bách khoa vừa là trường học vừa không phải trường học vì quá rộng lớn. Từ đó về sau, Bách khoa luôn là một trong những cái tên mình không thể bỏ qua khi định hướng nghề nghiệp tương lai.
Mình biết đến ngành Quản lý Công nghiệp thông qua lời giới thiệu của một người chị K2016 học cùng trường THPT. Mình cảm thấy chương trình thực sự hấp dẫn bởi đây là sự kết hợp hài hòa giữa hai khối kiến thức quản lý và kỹ thuật trong ngôi trường kỹ thuật hàng đầu miền Nam.
Bên cạnh đó, không chỉ chú trọng bổ sung kiến thức nền tảng, mình còn mong muốn trau dồi bộ kỹ năng mềm trong bốn năm đại học. Thế nên, mình vô cùng thích thú khi nhận thấy Khoa Quản lý Công nghiệp rất quan tâm đến vấn đề này.
Ngày xưa, mình trúng tuyển vào Bách khoa theo diện Ưu tiên xét tuyển của ĐHQG-HCM, chương trình Đại trà. Tuy nhiên, mình quyết định chuyển sang chương trình Chất lượng cao chủ yếu vì môi trường học tập năng động cũng như cơ hội tiếp xúc thường xuyên với tiếng Anh chuyên ngành. Một phần nhỏ lý do bắt nguồn từ việc được học ở cơ sở Lý Thường Kiệt vừa gần nhà mình, vừa tiện đi lại.
Bên cạnh việc học ở trường, mình còn tham gia nhiều lớp học, workshop bên ngoài và học thêm ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Trung). Thế nên, được học tập ở địa điểm thuận lợi, gần trung tâm thành phố là một điểm cộng rất đáng cân nhắc.
* Được biết bạn vừa bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp với điểm số ấn tượng 9.13. Chia sẻ một chút về trải nghiệm đặc biệt này đi nào!
Mình may mắn nhận được rất, rất nhiều sự quan tâm từ cô giáo chủ nhiệm. Cô liên tục nhắc nhở mình chuẩn bị luận văn càng sớm càng tốt. Vì vậy, từ lúc sắp đi thực tập tốt nghiệp, mình đã chủ động tìm hiểu và tham khảo khá nhiều luận văn của các anh chị khóa trên, đồng thời len lỏi khắp LinkedIn để đọc những bài chia sẻ bổ ích về vấn đề mình quan tâm.
Thế nên, mình trung thành với đề tài nghiên cứu về đặc điểm thương hiệu nhà tuyển dụng có thể ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động thu hút nhân tài. Trong bối cảnh hiện nay, thị trường lao động trình độ cao tại TP.HCM đang có sự cạnh tranh quyết liệt vì các công ty nước ngoài không chỉ mạnh về thương hiệu mà còn mang đến nhiều chế độ đãi ngộ hấp dẫn.
Vậy là mình cùng ăn, cùng ngủ với kỳ thực tập tốt nghiệp, đề cương luận văn và cuối cùng là luận văn tốt nghiệp. Ban đầu, mình thực sự bối rối khi tìm hiểu những khái niệm liên quan đến đề tài và phương pháp nghiên cứu. Tất cả thực sự rất messy nếu mình không có kỹ năng tìm kiếm và đọc hiểu tài liệu.
Điều may mắn là mình được các thầy cô của khoa hướng dẫn tận tình, đồng thời kịp thời bổ sung kiến thức từ môn Phương pháp nghiên cứu trong kinh doanh do giáo sư người Canada Khaled Wahba và cô Bùi Huy Hải Bích giảng dạy. Môn học đã giúp mình rèn luyện kỹ năng nghiên cứu và định hình những bước đi tiếp theo. Bên cạnh đó, mình vô cùng hài lòng khi đã lựa chọn thực hiện luận văn tốt nghiệp ở bộ môn Tiếp thị và Quản lý.
Tại đây, các giảng viên không ngại đưa ra những lời góp ý cực kỳ thẳng thắn. Mình là đứa nhạy cảm nên đôi khi cũng cảm thấy buồn bã, tủi thân một chút. Thế nhưng, đó đồng thời cũng là nguồn động lực to lớn thúc đẩy mình không ngừng cố gắng. Mình luôn hiểu rằng, mỗi lời nhận xét xác đáng đều là sự đóng góp tích cực để bài viết của mình thêm hoàn thiện.
Trong quá trình làm luận văn, mình gặp phải vô số khó khăn. Nhiều lúc tưởng chừng mình sẽ dừng lại. Nhưng cô giáo hướng dẫn luôn quan tâm, nhắc nhở mình từng chút một. Mình mất hơn hai tháng để thu thập số liệu bằng kỹ thuật phỏng vấn bậc thang cứng (Hard Laddering Interview).
Mỗi lần phỏng vấn tốn tầm 45-60 phút. Mình vô cùng biết ơn bạn bè, anh chị đã dành thời gian hỗ trợ mình hoàn thành luận văn. Vào những ngày cuối cùng, mình và những người bạn chung hội đồng ráng thức khuya để tập dượt thuyết trình và phản biện cho nhau. May mắn thay, tất cả tụi mình đều đạt được thành tích khá tốt. Mình thực sự trân trọng những người đã đồng hành với mình trong hành trình gian nan nhưng đầy ý nghĩa này!
* Đâu là những trải nghiệm học tập đáng nhớ nhất của bạn dưới mái trường Bách khoa?
Với mình, những tháng ngày liên tục làm bài tập nhóm ở tất cả môn chuyên ngành vô cùng đáng nhớ. Mình nghĩ, đây cũng chính là điểm khác biệt lớn nhất giữa ngành Quản lý Công nghiệp và những ngành học khác ở trường ta. Là một sinh viên Quản lý Công nghiệp, mình hầu như không thể tách rời nhóm học tập của mình. Kể từ khi học kỳ mới bắt đầu, tụi mình sẽ bước vào vòng tuần hoàn học nhóm – thuyết trình nhóm – viết báo cáo. Có những môn mình chỉ vừa nhận đề tài đầu tiết, đến hết tiết đã phải thuyết trình ngay. Do đó, có lẽ đa số lớp mình đã không còn sợ thuyết trình nữa rồi.
Hơn nữa, mình cũng cực kỳ trân quý những buổi sinh hoạt lớp với cô Lê Thị Thanh Xuân (giáo viên chủ nhiệm lớp mình năm Ba, năm Tư). Mình và bạn bè cùng lớp luôn được cô uốn nắn kỹ năng giao tiếp một cách tận tình, bằng các góp ý cụ thể từ những điều nhỏ nhặt nhất (ví dụ cách phản hồi thông tin). Ngoài ra, cô luôn quan tâm đến cả lớp, không thiếu ngày nào cả. Có ai nghĩ lên đại học rồi vẫn được cô chủ nhiệm yêu thương đến thế không chứ? ^^
* Vậy hẳn cô Thanh Xuân là giảng viên truyền cảm hứng nhiều nhất cho bạn trên giảng đường đại học?
Cô Thanh Xuân không chỉ là giáo viên chủ nhiệm của lớp mà còn là giảng viên hướng dẫn mình làm luận văn tốt nghiệp. Mình may mắn được đồng hành với cô trong hai môn Quản lý Nhân sự (Human Resource) và Đạo đức Kinh doanh và Trách nhiệm Xã hội (Business Ethics & Corporate Social Responsibility).
Thông qua hai môn học này, mình nhận thức rõ ràng hơn về phương pháp duy trì một doanh nghiệp bền vững. Một doanh nghiệp bền vững không chỉ suốt ngày chạy theo doanh số mà còn phải thể hiện trách nhiệm xã hội trong từng hành động. Để thành công, doanh nghiệp không thể vận hành “như một cái máy” mà cần chú trọng yếu tố con người. Trong thời đại chuyển đổi số, máy móc không thể thay thế con người 100%. Con người hoàn toàn có thể cải thiện bản thân để không bị máy móc thay thế.
Trong quá trình giảng dạy, thông qua những buổi talkshow cởi mở, cô Xuân đã mang đến nhiều cơ hội để tụi mình trò chuyện với các vị lãnh đạo doanh nghiệp có tâm, có tầm. Nhờ đó, mình dần hình thành cái nhìn bao quát hơn về doanh nghiệp, cách thức vận hành bền vững cũng như tích lũy được những bài học thực tiễn trong hoạt động kinh doanh.
* Kể về những kỳ thực tập, kiến tập tại các doanh nghiệp, công ty lớn của bạn đi.
Sinh viên chương trình Chất lượng cao ngành Quản lý Công nghiệp tụi mình có vô vàn cơ hội kiến tập, thực tập tại các công ty, tập đoàn lớn. Vì cộng đồng cựu sinh viên Quản lý Công nghiệp Bách khoa trải rộng khắp nơi nên ngoài chuyến field trip hồi đầu năm Nhất, tụi mình còn có dịp tham quan nhiều đơn vị như: INTEL, khu công nghiệp Long Hậu, Vạn Hạnh Mall, VinaOne Steel, Juki Vietnam… trong những môn cơ sở ngành.
Đi rồi mới thấy thực tế muôn hình vạn trạng ở các doanh nghiệp. Theo mình, để đạt được giá trị cuối cùng trong chuỗi giá trị, thay vì hoạt động riêng lẻ, tự phát, mỗi nhân viên phải là một cá thể sẵn sàng hợp tác, từ đó tạo thành một dây chuyền liên tục, nhịp nhàng. Muốn làm được điều này, mỗi người cần chủ động trang bị kiến thức và không ngừng trau dồi kỹ năng.
* Theo bạn, tiếng Anh có tầm quan trọng như thế nào trong quá trình học tập và làm việc của một sinh viên theo ngành Quản lý Công nghiệp?
Tầm quan trọng dễ nhận thấy nhất của tiếng Anh trong học tập là bạn có thể đọc – hiểu và bổ sung những tài liệu nghiên cứu chuyên ngành bằng tiếng Anh vào các bài tập lớn hay luận văn tốt nghiệp. Với trình độ tiếng Anh vững vàng, bạn sẽ dễ dàng tự học và khám phá nhiều miền đất tri thức mới mẻ, thú vị.
Không chỉ dừng lại ở đó, tiếng Anh còn là lợi thế cạnh tranh đặc biệt của sinh viên mới ra trường khi xin việc tại các công ty đa quốc gia (MNCs) hoặc những doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) trong nước. Hiện nay, đa số công ty đều đẩy mạnh quốc tế hóa bằng cách tích cực tìm kiếm khách hàng mới trên thị trường toàn cầu. Đồng thời, nhiều công nghệ tiên tiến của thế giới cũng đã và đang được áp dụng rộng rãi vào quá trình sản xuất ở Việt Nam. Tiếng Anh giúp chúng ta hòa nhập nhanh chóng và đón đầu xu thế phát triển trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
* Cảm ơn Cẩm Tú vì những dòng chia sẻ đầy tâm huyết trên. Chúc bạn luôn vui vẻ, lạc quan và gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống!
Bài: XUÂN MAI – Hình: Nhân vật cung cấp
Để cung ứng đội ngũ lao động giỏi ngoại ngữ, trình độ cao, có khả năng quản lý trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, Trường Đại học Bách khoa đã triển khai chương trình Chất lượng cao ngành Quản lý Công nghiệp từ năm 2014.
Đặc biệt, trong hai năm cuối đại học, sinh viên có thể chuyển tiếp sang một trong hai đại học đối tác của Trường Đại học Bách khoa là Macquarie University (Úc) hoặc University of Illinois Springfield (Mỹ) nếu thỏa mãn điều kiện về khả năng tài chính, kết quả học tập và trình độ tiếng Anh. Mời quý vị phụ huynh và các em học sinh tìm hiểu thêm thông tin chi tiết về chương trình này tại đây. LIÊN HỆ TƯ VẤN VP Đào tạo Quốc tế (OISP) – Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM) ⓐ Kiosk OISP, Trường ĐHBK, 268 Lý Thường Kiệt, Q.10 ⓟ (028) 7300.4183 – 03.9798.9798 ⓔ tuvan@oisp.edu.vn |