Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
tuvan@oisp.edu.vn

Hoàng Phạm Minh Trí: Học Bách khoa mà thiếu deadline là chưa… trọn vẹn

SV Bách khoa nghe tới deadline là sợ, vậy mà anh chàng SV K2021 chương trình Tiên tiến, ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử lại không thể sống thiếu deadline. Phải chăng sự kỳ dị này đã giúp Trí ẵm được học bổng Khuyến khích học tập loại 1 (loại cao nhất) trị giá gần 40 triệu đồng của nhà trường ngay từ năm Nhất?

Bài viết liên quan
Tăng trưởng mạnh lĩnh vực bán dẫn, Việt Nam cần nhiều kỹ sư vi mạch
SYNOPSYS đầu tư mạnh cho phát triển nhân sự thiết kế chip tại Việt Nam
Nguyễn Đào Anh Nhật: Vô tình chạm ngõ Bách khoa nhờ “mối duyên bi hài” 

* Hello Trí, bạn hãy cho độc giả Bách khoa Quốc tế biết thêm về mình nào!

Chào mọi người, mình là Trí, bạn bè hay gọi nhanh là Trí Hoàng. Mình tự thấy mình khá là hài hước và bạn bè cũng rất thích mình cười nữa, tại nhìn giống oppa Hàn Quốc ớ (haha). Có vẻ kỳ dị nhưng mình cực kỳ thích chạy deadline. Nói nhỏ hoy nà, với mình, hôm nào thiếu deadline thì chưa trọn vẹn là một ngày. Ngoài việc học ra, mình dành khá nhiều thời gian còn lại cho công việc gia sư, cho hoạt động Đoàn – Hội và cho một nửa của mình nữa. Mục tiêu của mình là có thể tự trang trải được một phần kinh tế cho chuyện học thông qua công việc làm thêm cũng như nguồn học bổng.

Được truyền đam mê ĐIỆN – ĐIỆN TỬ TỪ Thầy cấp ba

* Mình thấy Trí khá là hướng ngoại á, khác với số đông bạn sinh viên kỹ thuật hơi trầm lặng. Trí có thể chia sẻ lý do tại sao Trí lại chọn học ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử, chương trình Tiên tiến không?

Ôi không, không phải cứ sinh viên kỹ thuật là sẽ hướng nội, là sẽ trầm lặng đâu. Ngày xưa mình cũng có định kiến đó, nhưng từ khi vào Bách khoa – lại còn là Bách khoa Quốc tế nữa – thì mới thấy coi dzậy mà hỏng phải dzậy. Các bạn xung quanh mình ai cũng thân thiện, hoạt bát và giỏi giang hết. Đặc biệt, các bạn nữ cũng rất tài năng luôn, giúp uốn nắn đấng nam nhi tụi mình bớt đi phần khô khan.

Trí Hoàng và team BCH trong sự kiện chào đón tân sinh viên K2022
“Nhìn vẻ ngoài thân thiện của tụi mình nè, các bạn sẽ không còn nghĩ là dân kỹ thuật cứng nhắc, hướng nội nữa đâu ha :D”. (Trí ngồi thứ ba từ trái qua).

Mình biết đến ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử từ năm đầu tiên của cấp Ba. Thầy dạy mình trong suốt ba năm phổ thông cũng là cựu sinh viên Bách khoa. Từ khi học với thầy, mình luôn được thầy kể về chuyện nghề, nào là cơ hội nghề nghiệp, kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực. Những trải nghiệm của thầy đã truyền cảm hứng cho mình rất nhiều trong việc lựa chọn ngành, nghề khi chuẩn bị thi đại học. Bản thân mình cũng là người thích khám phá, tìm tòi những thiết bị, linh kiện điện tử nên khi được bắt trúng tần số thì mình đã đặt viết chọn liền Kỹ thuật Điện – Điện tử tại Bách khoa để hiện thực hóa ước mơ của mình. 

Trong quá trình tìm hiểu, mình cũng nhận ra tầm quan trọng của tiếng Anh chuyên ngành, cơ hội hội nhập quốc tế và gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu trong lĩnh vực này. Vậy nên, không một chút do dự, mình đã chốt rằng sẽ chiến đấu với chương trình Tiên tiến, được giảng dạy bằng tiếng Anh để rút ngắn khoảng cách cơ hội phát triển chuyên môn của mình.  

Đến sau này, khi được các thầy cô Bách khoa trực tiếp dạy dỗ và dìu dắt, mình càng tự hào hơn khi ngày trước đã đưa ra một lựa chọn rất đúng đắn. Khi học chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, lượng kiến thức đã rất sát với thực tế và tài liệu chuyên ngành, vì không phải dịch từ tiếng Anh ra tiếng Việt. Đương nhiên, những kiến thức đó cũng luôn được thầy cô cập nhật liên tục để phù hợp với xu hướng công nghệ hiện đại, bám sát với thực tiễn công việc. Không chỉ vậy, các thầy cô còn siêu dễ thương và thân thiện nữa. Mấy lúc mình không hiểu bài, mình hỏi ngay tại lớp hoặc thậm chí gửi e-mail cũng được phản hồi cực kỳ nhanh và chi tiết luôn nè. Việc học trở nên cực kỳ dễ dàng khi mình chủ động

hiện thực hóa ước mơ bằng tự chủ việc học

* Nghe Trí kể có vẻ việc học của Trí cũng khá suôn sẻ. Tuy vậy, không biết việc chuyển đổi môi trường học tập từ phổ thông lên đại học, Trí có gặp trở ngại gì không? Và bạn đã thích nghi như thế nào?

Òa, có vẻ ai cũng thấy sự khác biệt rõ rệt giữa phổ thông và đại học rồi. Lên đại học mà vẫn học theo cách của phổ thông chắc sẽ khó thích nghi lắm. Ở cấp Ba thầy cô vẫn sẽ dành nhiều thời gian quan tâm và để ý từng cá nhân trong lớp. Hơn nữa, mình cũng sẽ được học chung với bạn bè cùng một lớp nên việc hiểu nhau, chia sẻ với nhau cũng dễ (tỷ như ngủ gật trong lớp có người bao che ^^).

Song, ở đại học, bạn chính là người làm chủ việc học của mình và không ai phải có trách nhiệm với việc học của bạn, trừ bạn. Thế nên, giảng viên cũng chỉ là người sẽ hướng dẫn và hỗ trợ việc học của bạn mà thôi. Khó mà có thể đòi hỏi giảng viên phải biết tên, nhớ tên và chăm sóc cho từng bạn. Ấy mà mình vẫn hay gặp một vài thầy cô có thể làm được điều đó nên mình rất quý trọng luôn.

Trở lại vấn đề nè, ở Bách khoa, tụi mình ít “được” điểm danh lắm, vì ngay cả lúc bạn đến lớp chăm chỉ thì không có gì đảm bảo là bạn sẽ qua môn (ahihi). Do vậy, chính mỗi bạn phải tự mình quyết định việc học của mình như chịu khó tự đọc trước bài mới trước khi đến lớp qua các tài liệu được cung cấp sẵn, tự tìm trên mạng, ghi chú các vấn đề chưa rõ để tận dụng thời gian ở lớp trao đổi với thầy cô, chăm học nhóm với bạn bè xung quanh. À, quan trọng nhất là đừng quên đăng ký môn học theo thời hạn và theo lộ trình học nha. Việc chớp cơ hội học chung lớp với hội cạ cứng sẽ giúp bạn có thêm ý chí, thêm động lực học tập tốt hơn á. 

* Mọi người ai nấy cũng “mắt chữ A, mồm chữ O” với thành tích học tập xuất sắc của Trí (học bổng Khuyến khích học tập loại 1). Trí hãy chia sẻ mẹo học tập hiệu quả cho các bạn nha.

Chắc mọi người đã nghe quá nhiều phương pháp như là đi học đầy đủ, nghe thầy giảng bài, về nhà làm bài đầy đủ nên thôi mình sẽ không nói ở đây đâu. Thật ra mình cũng chẳng có bí quyết gì cả, chỉ là mình may mắn gặp được những đứa bạn đại học chất như nước cất. Từ đó, mình có cơ hội được học hỏi mọi người. “Học thầy không tày học bạn” là đây nè. Mỗi bạn có một điểm mạnh, hiểu một vấn đề khác nhau nên khi gộp lại thì mình có cái nhìn tổng thể và hiểu bài hơn. Khi mình không hiểu bài, những người bạn cũng là những người thầy tuyệt vời lắm á.

Nhóm bạn thân của Trí trong đợt học GDQP-AN
Hình bên phải là hội cạ cứng của Trí (đeo băng đội trưởng) trong đợt học Giáo dục Quốc phòng – An ninh.

Hỏi nhỏ xíu nà, các bạn có thấy giống mình không khi thầy cô giảng hăng say nhiệt tình nhưng mình lại không hiểu gì cả? Hay thậm chí chỉ cần rớt cây viết, cúi xuống mấy giây lượm cây viết lên thì đầu đã thành tờ giấy trắng (vì đã bỏ lỡ một lượng kiến thức đáng kể :-(). Mấy khi như vậy, những người bạn luôn là cứu cánh đối với mình. Mình học từ bạn không chỉ kiến thức ở trường mà còn học cả thói quen tốt nữa. Bạn bè cũng là động lực giúp mình có ý chí đi học hơn, chứ mình lười lắm…

rèn luyện kỹ năng mềm để phát triển bản thân

* Được biết, Trí còn tham gia năng nổ các hoạt động sinh viên. Làm cách nào mà Trí có thể vừa học tốt, vừa nhiệt tình tham gia được hay vậy?

Hic, thiệt sự là mình không dám nhận mình năng nổ. Một năm vừa qua để lại cho mình nhiều tiếc nuối. Mình vẫn chưa cố gắng cống hiến hết sức mình do chưa sắp xếp được thời gian để tham gia nhiều hoạt động hơn cùng đồng đội. Nếu có một lời khuyên cho các bạn thì mình nghĩ ai cũng nên tham gia câu lạc bộ một lần. Chắc chắn mình nói như vậy sẽ có ý kiến trái chiều, rằng phí thời gian, không được lợi ích gì hay thời gian không có để mà học thì thời gian đâu mà tham gia. Tuy vậy, liệu bạn đã thử tham gia hết mình với một hoạt động nào chưa? Mình thường đặt lên bàn cân bài toán chi phí (cost) và lợi ích (benefit) để đưa ra quyết định có hay không làm một việc gì đó. Một lợi ích dễ thấy nhất chính là kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm được cải thiện đáng kể và nạp thêm rất nhiều kiến thức mới về thế giới xung quanh. Bạn không thể chỉ biết làm việc với lượng kiến thức chuyên môn của mình mà không hợp tác hay giao tiếp bất kỳ ai. Do vậy, dù xuất sắc đến đâu, bạn cũng phải giao tiếp được. Và những kỹ năng đó phải rèn luyện, tích lũy qua một thời gian dài chứ không phải ngày một, ngày hai là có thể áp dụng theo lý thuyết sách vở. Sinh viên Bách khoa Quốc tế tụi mình đã được tiếp cận những lý thuyết này trong môn Kỹ năng Mềm ở học kỳ Pre-University.  Những hoạt động sinh viên sẽ giúp tụi mình rèn luyện chúng tốt hơn. 

* Chặng đường phía trước còn khá dài, Trí đã xác định được hướng đi cho mình trong tương lai chưa? 

Trong năm vừa rồi, trường cũng tổ chức một số hội thảo chuyên ngành và ngày hội việc làm, tạo điều kiện cho sinh viên tụi mình được tiếp cận với thực tế doanh nghiệp từ sớm. Thông qua đó, mình cảm thấy khá hứng thú với mảng điện tử viễn thông và chip vi mạch. Tuy vậy, thiệt lòng là chỉ vừa qua năm Hai được mấy tháng, mình chỉ mới học một số môn cơ sở ngành thôi nên cũng chưa hoạch định rõ ràng hướng đi của bản thân, chỉ mới nghĩ đến thôi. Với sự phát triển của thị trường bán dẫn tại Việt Nam, mình tin rằng cơ hội nghề nghiệp của kỹ sư vi mạch sẽ rộng mở hơn. Trong thời gian vài năm tới, mình cũng có kế hoạch sẽ tham gia nghiên cứu khoa học, các hội thảo chuyên ngành với anh chị cựu sinh viên đang hoạt động trong lĩnh vực này để mở mang tầm nhìn và xác định rõ hướng đi của mình hơn. Hy vọng lúc đó mình lại có thêm thành tựu gì khác để được dịp tỉ tê với Bách khoa Quốc tế rõ ràng hơn nghề nghiệp mình đang kỳ vọng nha (hihi).

Chương trình Tiên tiến là đề án quốc gia do Bộ Giáo dục & Đào tạo chủ trì, triển khai thí điểm từ năm 2006 tại 10 đại học trọng điểm của Việt Nam, nhằm quốc tế hóa chương trình đào tạo ĐH trong nước trên cơ sở chuyển giao chương trình đào tạo tiên tiến của các ĐH uy tín trên thế giới. Tại Trường ĐH Bách khoa, ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử được chọn triển khai chương trình này.
Nội dung lấy mẫu từ chương trình Điện – Điện tử đang vận hành tại Khoa Điện & Kỹ thuật Máy tính (The Department of Electrical & Computer Engineering – ECE) thuộc University of Illinois Urbana-Champaign (UIUC), Mỹ (UIUC xếp thứ sáu trong bảng xếp hạng các trường đào tạo kỹ thuật hàng đầu Hoa Kỳ, theo US. News & World Report 2022). Chương trình khai thác và sử dụng tối đa nguồn học liệu tiên tiến từ ECE-UIUC và học liệu mở từ Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT OpenCourseWare) của Mỹ.
Chương trình đào tạo theo học chế tín chỉ, giảng dạy 100% bằng tiếng Anh với các giảng viên được tuyển chọn từ Trường ĐHBK và đã qua tu nghiệp tại ECE-UIUC hoặc nước ngoài. Mỗi năm, sẽ có các giáo sư từ ECE-UIUC sang tham gia giảng dạy một số môn.

TÚ TÚ thực hiện – Hình: Nhân vật cung cấp

Bài trước

Bài tiếp