Mùa giải thứ ba ghi nhận nhiều giải pháp nghiên cứu sáng tạo góp phần làm giảm thiểu môi trường, hướng tới sống xanh và có khả năng ứng dụng vào đời sống.
Cuộc thi sáng tạo, khởi nghiệp cho sinh viên lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật Bach Khoa Innovation được tổ chức thường niên kể từ năm 2018 tại Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) nhằm thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên Bách khoa nói riêng và trên địa bàn TP.HCM nói chung.
Năm nay, cuộc thi ghi nhận nhiều ý tưởng liên quan tới giải pháp làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hướng tới sống xanh. Một số sản phẩm nổi bật như thảm tiết kiệm điện (Magical Steps), giấy đá vôi sinh học (Stone Paper).
Sống xanh, sống thân thiện với môi trường và tiến dần đến sử dụng nguồn năng lượng tái tạo từ mặt trời, gió, thủy triều thay cho năng lượng hóa thạch như xăng, dầu… được cho là chủ đề xuyên suốt trong thế kỷ thứ XXI. Những ai hiểu rõ trọng tâm của chủ đề này sẽ mở ra tương lai tươi sáng cho chính mình và nhiều người khác.
Magical Steps – thảm điện tiết kiệm, là một dự án hướng tới năng lượng sạch như thế. Theo các thành viên dự án, ý tưởng chỉ được nhen nhóm và thành hình khoảng hai ngày trước Tết và đã vượt qua được vòng đầu tiên (top 50). Sản phẩm của nhóm tận dụng cơ chế tạo lực bằng bước chân để tạo và tích điện thông qua một tấm thảm.
Thật may mắn, trong thời gian phôi thai ý tưởng, nhóm đã đăng ký tham gia Câu lạc bộ Khởi nghiệp Xanh Bách khoa (BKGI). Và nhờ đó, nhóm đã nhận được hỗ trợ tối đa từ các thầy cô trong Ban Chủ nhiệm để hoàn thành các mục nghiên cứu và chuẩn bị cho cuộc thi.
Từ việc bổ sung kiến thức chuyên ngành, cách thức hoạt động và điều hành nhóm cho đến góp ý các mẫu báo cáo và PowerPoint trình bày, nhóm đều nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình từ TS. Bùi Văn Tiến, bất kể là sáng sớm hay đêm muộn.
Nhóm còn chia sẻ rằng, bước qua những khoảng thời gian bị deadline dí ngập đầu, tinh thần cả nhóm dường như đã được nâng lên một tầm cao mới với sức chịu đựng bền bỉ hơn, đồng thời các thành viên trong nhóm cũng thấu hiểu và hợp tác ăn ý với nhau hơn.
Một ý tưởng khác cũng không kém phần ý nghĩa đó là Stone Paper – giấy thế hệ mới. Ý tưởng này đến từ những quan sát thường ngày của các bạn sinh viên. Trưởng nhóm Stone Paper chia sẻ, việc dùng bột gỗ để sản xuất giấy với số lượng lớn đã và đang ảnh hưởng xấu đến môi trường, bởi sản lượng cây xanh cần khai thác để làm bột gỗ là quá nhiều. Nếu có một nguyên liệu nào đó cũng có thể làm ra giấy mà không tổn hại đến thiên nhiên thì sẽ tốt hơn. Và đó là lý do để nhóm tìm đến với bột đá vôi từ các loại vỏ sò nằm rải rác đầy ở các bờ biển.
Những “mẻ” giấy đầu tiên cho chất lượng khả quan như mong đợi. Nhờ đó, nhóm đã tự tin bước tiếp vào Vòng 2.
Thành công của nhóm đến từ một phần là sự quyết tâm, niềm đam mê và tinh thần đoàn kết của các thành viên. Phần còn lại là nhờ vào sự dẫn dắt của TS. Võ Thanh Hằng và PGS. TS. Nguyễn Đình Quân (Ban Chủ nhiệm BKGI) trong công tác chuyên môn, chuẩn bị số liệu và kỹ năng thuyết trình. BKGI đã tổ chức nhiều buổi tập huấn cho các thành viên dự án Stone Paper, theo sát và giải đáp khúc mắc cho nhóm trong suốt quá trình nghiên cứu, phát triển sản phẩm.
BKGI LÀ GÌ? Bach Khoa Green Innovation hay BKGI là một câu lạc bộ non trẻ chưa tròn 1 năm tuổi, được thành lập như một mái nhà chung cho những ai đam mê nghiên cứu khoa học. Dưới sự dẫn dắt chính của Chủ nhiệm CLB là TS. Võ Thanh Hằng, BKGI đang và sẽ là nơi ươm mầm cho những bạn muốn phát triển trên con đường làm khoa học. Hiện tại, định hướng của BKGI là sẽ hỗ trợ các bạn sinh viên trong các dự án nghiên cứu, hướng dẫn sinh viên tham gia các cuộc thi khoa học và khởi nghiệp. Cụ thể, tại cuộc thi Bach Khoa Innovation 2021 hơn 10 đội có thành viên đến từ BKGI, và có tới chín đội đã vượt qua Vòng 1. Nếu bạn cảm thấy hứng thú và muốn thử thách mình trong các cuộc thi khoa học, tại sao không ghé thử BKGI? |
Bài viết liên quan
▶ Top 20 cuộc thi Bach Khoa Innovation 2021
▶ Dự án Air Mask đoạt Giải Nhất Bach Khoa Innovation 2020
Tin, ảnh: PHẠM NGỌC MINH THƯ