Cùng chia sẻ đam mê bảo vệ môi trường, bốn đội thi Bách khoa Quốc tế xuất thân từ CLB Khởi nghiệp Xanh Bách khoa (BKGI) đã xuất sắc lọt vào top 10 cuộc thi Sinh viên với quyền sở hữu trí tuệ 2021 (S&IP) và đang nỗ lực tranh tài nhằm chinh phục giải thưởng danh giá nhất.
CHIẾT XUẤT THẢO DƯỢC ĐỂ CẢI THIỆN SỨC KHỎE TINH THẦN
Căng thẳng và mất ngủ là những vấn đề sức khỏe tinh thần vô cùng phổ biến. Hiện nay, hai tình trạng này chỉ có thể được giải quyết tạm thời bằng các loại thuốc an thần hoặc thực phẩm chức năng.
Tuy nhiên, không chỉ có giá thành khá mắc, thuốc an thần còn dẫn đến hàng loạt tác dụng phụ (nôn ói, nhức đầu, đau bao tử, liệt cơ…) và khiến bệnh nhân phụ thuộc vào thuốc. Đặc biệt, dây chuyển sản xuất nhóm thuốc này cũng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trong khi đó, các loại thực phẩm chức năng lại có hiệu quả thấp, hương vị kém hấp dẫn và đòi hỏi người bệnh phải sử dụng lâu dài.
Băn khoăn về câu chuyện này, nhóm MED TECH gồm sáu chàng trai, cô gái, trong đó có bốn sinh viên chương trình Chất lượng cao là Nguyễn Long Hoàng, Nguyễn Hoàng Phong (đều là K2017 ngành Công nghệ Thực phẩm), Trần Tường Vy (K2020 ngành Kỹ thuật Hóa học) và Lâm Hiền Xương (K2020 ngành Kỹ thuật Hàng không), đã ngày đêm tìm kiếm giải pháp phù hợp.
Sau một khoảng thời gian nghiên cứu nghiêm túc, cả nhóm phát hiện ra rằng cây lục lạc lá ổi dài (Crotalaria assamica Benth., một loại dược liệu phân bố chủ yếu ở những vùng khí hậu ôn đới và cận ôn đới của nước ta như: Tây Nguyên, Lâm Đồng, Lạng Sơn…) chứa nhiều hoạt tính mạnh mẽ giúp an thần, giải tỏa lo âu, chống khuẩn và kháng oxy hóa.
Nhận được sự hỗ trợ tận tình của TS. Võ Thanh Hằng (giảng viên Khoa Môi trường & Tài nguyên, Chủ nhiệm BKGI) và PGS. TS. Nguyễn Đình Quân (Trưởng Phòng Thí nghiệm Nhiên liệu sinh học & Biomass) cùng nhiều cô chú, anh chị khác, nhóm MED TECH đã phát triển thành công sản phẩm trà giải lo âu assamica.
Với tinh thần nhiệt huyết, sáu bạn trẻ đã cùng nhau trồng thí điểm và thu hoạch 1.000m2 cây lục lạc lá ổi dài tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, hướng tới đảm bảo tiêu chuẩn organic (sản xuất theo phương pháp hữu cơ). Quy trình chiết xuất tinh chất thiên nhiên từ loài dược liệu này được vận hành nhờ công nghệ AI tiên tiến với mức chi phí tối ưu. Hiệu quả của trà giải lo âu assamica đã được chứng minh qua các thử nghiệm chuyên sâu trên ba cấp độ, đồng thời cam kết không gây ra tác dụng phụ. Đặc biệt, sản phẩm còn tích hợp hệ thống tem NFC để người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc và tìm hiểu cách sử dụng.
MED TECH đang tiếp tục thử nghiệm sản phẩm, đồng thời tích cực tìm kiếm những nhà đầu tư thiên thần để hợp tác sản xuất đại trà. Trong tương lai, nhóm sẽ đưa trà giải lo âu assamica đi tranh tài trong nhiều cuộc thi khác nhằm học hỏi kinh nghiệm từ đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học cũng như kết nối với các mentor và doanh nhân. Hiện đã có hai công ty ngỏ ý mong muốn nhóm sinh viên Bách khoa chuyển giao công nghệ sản xuất sản phẩm.
Vừa qua, nhóm MED TECH đã trở thành Quán quân cuộc thi Bach Khoa Innovation 2021 và lọt vào top 5 cuộc thi S&IP 2021.
TẠO RA DÒNG ĐIỆN TỪ MỖI BƯỚC CHÂN
Khởi nguồn với câu hỏi “Dòng điện có thể hình thành từ những bước chân?”, nhóm BK TENG, trong đó có ba sinh viên Bách khoa Quốc tế là Đỗ Nguyễn Chi Mai, Bùi Đức Nghị (cùng là K2018 chương trình Chất lượng cao ngành Quản lý Công nghiệp) và Trần Duy Khang (K2020 chương trình Chất lượng cao ngành Kỹ thuật Máy tính), đã nghiên cứu, chế tạo máy phát điện nano ma sát (Triboelectric NanoGenerator).
Hoạt động dựa trên nguyên tắc chuyển đổi dao động cơ học (lực ma sát từ bước chân) thành điện năng, thiết bị sở hữu ưu điểm bền bỉ, mềm dẻo, đơn giản, gọn nhẹ, có thể vận hành ở nhiều chế độ và mang đến hiệu suất cao. Đặc biệt, với khả năng hấp thu năng lượng từ các nguồn dao động cơ học tần số thấp, không ổn định như: gió, sóng biển, chuyển động của con người, sản phẩm hứa hẹn khắc phục những nhược điểm của các máy phát điện hiện tại.
Để hiện thực hóa ước mơ đưa máy phát điện nano ma sát đi vào cuộc sống, nhóm tám bạn trẻ ấp ủ dự định “trình làng” thảm thu hồi điện từ bước chân có diện tích 1m2 trong khuôn viên Trường ĐH Bách khoa.
Dự án độc đáo này đã nhận được nhiều phản hồi tích cực. Các mentor và ban giám khảo cuộc thi S&IP 2021 nhận định rằng đây là hướng nghiên cứu mới mẻ và tiềm năng, có thể góp phần giải quyết bài toán năng lượng nan giải hiện tại.
Mới đây, nhóm BK TENG đã giành giải Ba cuộc thi GBA Business Challenge 2021 và lọt vào top 5 cuộc thi S&IP 2021.
Thảm thu hồi điện từ bước chân được kỳ vọng sẽ khuyến khích người sử dụng tích cực hoạt động thể chất (đi bộ, chạy bộ) sau những giờ học tập, làm việc căng thẳng, từ đó hạn chế những mối nguy hiểm tiềm tàng đối với sức khỏe như: thoái hóa cột sống, béo phì, đột quỵ… Hơn nữa, thiết bị cũng giúp tiết kiệm một khoản tiền điện đáng kể để nhà trường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp máy móc, thành lập quỹ học bổng…
Nhận được sự cố vấn từ Chủ nhiệm BKGI Võ Thanh Hằng, TS. Bùi Văn Tiến (giảng viên Khoa Công nghệ Vật liệu) và mentor Nguyễn Duy Vũ (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng Công nghệ xây dựng, Trường ĐH Bách khoa), nhóm BK TENG sẽ tiếp tục phấn đấu giành được giải Nhất cuộc thi S&IP 2021, đồng thời đăng ký tham gia các cuộc thi khác như: Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka, Dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng, Nâng cao nhận thức về Hóa học xanh trong sinh viên… Mục tiêu của nhóm là hoàn thiện dự án qua mỗi cuộc thi và thiết kế sản phẩm mẫu phục vụ nhà trường trước khi đầu tư sản xuất đại trà.
Mới đây, nhóm BK TENG đã lọt vào top 5 cuộc thi Tìm kiếm Ý tưởng kinh doanh mới (GBA Business Challenge 2021) do Hiệp hội Doanh nghiệp Đức và Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức phối hợp tổ chức.
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NHỜ TÁI CHẾ RÁC THẢI NHỰA IN 3D
Ô nhiễm rác thải nhựa là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội hiện đại. Mong muốn tái chế nguồn rác thải nhựa, từ đó góp phần bảo vệ môi trường, nhóm TraToMa (trong đó có hai sinh viên Bách khoa Quốc tế là Huỳnh Ngô Vũ – K2019 ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử và Hoàng Đặng Ngọc Lâm – K2020 ngành Kỹ thuật Hóa học) đã tìm tòi thiết kế máy đùn sợi nhựa từ rác thải in 3D. Mục tiêu của dự án là tái chế rác thải, phế phẩm từ các công ty in 3D, phòng thí nghiệm 3D để sản xuất sợi nhựa bền tốt với chi phí phải chăng.
Sau chiến thắng đầu tiên với giải “Mitsui Chemicals Award” tại Vòng Chung kết cuộc thi Tech Planter Vietnam 2021, nhóm TraToMa hy vọng nhận được những góp ý quý báu từ ban giám khảo cuộc thi S&IP 2021 nhằm tiếp tục cải tiến máy đùn sợi nhựa 3D về tính năng và mẫu mã. Trải qua một thời gian dài thử nghiệm dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của TS. Võ Thanh Hằng (giảng viên Khoa Môi trường & Tài nguyên) và ThS. Huỳnh Hữu Nghị (Trưởng Phòng Thí nghiệm CAD/ CAM, Khoa Cơ khí), nhóm bạn ngày càng tích lũy được nhiều kinh nghiệm và tiến gần hơn tới cột mốc ra mắt sản phẩm thực tế.
Nếu dự án được áp dụng đại trà, nước ta sẽ có thể tự chủ công nghệ sản xuất sợi nhựa trong quá trình in 3D thay vì phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ đối tác Trung Quốc hoặc châu Âu. Trong tương lai, khi dự án bắt đầu hoàn thiện, nhóm TraToMa dự định thành lập công ty nghiên cứu nhiều loại vật liệu khác (chẳng hạn vỏ lon, phế phẩm nông nghiệp) để đa dạng hóa chất liệu của các sợi nhựa, hướng tới chinh phục thị trường in 3D trong nước và quốc tế.
Để biết thêm thông tin chi tiết về dự án, bạn hãy tham khảo bài viết Tái chế rác thải nhựa tạo sợi 3D: Sinh viên Bách khoa Quốc tế thẳng giải cuộc thi Tech Planter 2021.
TẬN DỤNG NĂNG LƯỢNG MẶT TRỜI NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG PHƯƠNG PHÁP SẤY KHÔ
Hiện nay, sấy tự nhiên (phơi nắng) và sấy bằng năng lượng điện, than, củi là những phương pháp sấy khô thực phẩm, nông sản, hải sản phổ biến nhất. Phương pháp sấy tự nhiên truyền thống tuy tiết kiệm chi phí nhưng thường hao tốn thời gian, không đảm bảo an toàn thực phẩm và phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Trong khi đó, các phương pháp sấy khô nhờ điện, than, củi lại đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn và gây ô nhiễm môi trường.
Nhận thấy vấn đề này, nhóm AgriSS (trong đó có năm sinh viên chương trình Chất lượng cao là Huỳnh Ngọc Thiện – K2017 ngành Khoa học Máy tính, Trần Ngọc Phụng – K2018 ngành Kỹ thuật Hóa học, Ngô Hoàng Bảo Trân – K2018 ngành Kỹ thuật Hóa học, Nguyễn Song Thảo Nguyên – K2019 ngành Kỹ thuật Hóa học, Thôi Mỹ Huệ – K2018 ngành Quản lý Công nghiệp) đã thiết kế máy sấy nhà kính năng lượng mặt trời thông minh (Smart Greenhouse Solar Dryer). Bằng cách tích hợp bốn tính năng ưu việt là sấy trục xoay, khử vi sinh vật, giám sát – điều khiển từ xa và phân tích dữ liệu, từ đó đưa ra dự báo, thiết bị ghi điểm nhờ:
- Khả năng sấy được nhiều nguyên liệu trên diện tích lớn, đồng thời giảm thiểu sự tiêu hao điện năng, nhiên liệu
- Chất lượng sản phẩm tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và không phụ thuộc vào thời tiết
- Không tạo ra khí thải gây ô nhiễm môi trường
Sau khi đạt giải Ba cuộc thi Dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng 2021, nhóm AgriSS đã chiêu mộ một số thành viên mới từ Khoa Khoa học Máy tính và Quản lý Công nghiệp nhằm đẩy mạnh cải thiện máy sấy. Sáu thành viên cùng nhau lắp đặt thêm tấm pin năng lượng mặt trời để người dùng có thể sử dụng máy bất cứ nơi đâu mà không phụ thuộc vào nguồn điện. Đặc biệt, nhóm đang phát triển app điện thoại và website riêng quảng bá dự án.
Hiện tại, nhóm đã lọt vào top 10 cuộc thi S&IP 2021 và giành được giải Khuyến khích cuộc thi Bach Khoa Innovation 2021. Các bạn trẻ cho biết, họ sẽ tiếp tục hoàn thiện sản phẩm và mang đến những trải nghiệm tuyệt vời cho người sử dụng. Trong tương lai, nhóm sẽ tham gia nhiều cuộc thi khác trước khi chính thức tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp để sản xuất đại trà.
Mời bạn tìm hiểu thêm về dự án thiết thực này tại đây nhé!
Sinh viên với quyền sở hữu trí tuệ (S&IP) là cuộc thi thường niên do Trung tâm Sở hữu Trí tuệ và Chuyển giao Công nghệ (IPTC) trực thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM phối hợp với Khu Công nghệ Phần mềm (ITP) cũng Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức, dưới sự chỉ đạo của Cục Sở hữu Trí tuệ và Đại học Quốc gia TP.HCM. Mục đích của cuộc thi là tìm kiếm và ươm mầm những ý tưởng sáng tạo hoặc dự án kinh doanh triển vọng của sinh viên. Hiện tại, các đội thi lọt vào top 10 đang tích cực tranh tài để chọn ra những dự án xuất sắc nhất. Top 5 chung cuộc sẽ được công bố vào ngày 22/10/2021. |
XUÂN MAI thực hiện