SV BK-OISP đạt giải “Bài báo xuất sắc” tại SEATUC 2022

Dương Tuấn Hảo và Nguyễn Trường Thọ (cùng là sinh viên K2017 chương trình Chất lượng cao ngành Kỹ thuật Dầu khí) đã trở thành chủ nhân của “Bài báo xuất sắc” tại Hội nghị SEATUC 2022[1].

Bài viết liên quan
Nghiên cứu ảnh hưởng của nhiệt độ khí: sinh viên Bách khoa Quốc tế công bố bài báo ở VSOE 2021
Sinh viên Bách khoa Quốc tế công bố nghiên cứu hiệu suất đường ống tại VSOE 2021
Cải tiến cellulose bùn thải giấy, nhóm SV Bách khoa đạt giải Ba Asian Entrepreneur Award 2021
Thiết kế hệ thống quét 3D linh hoạt, sinh viên Bách khoa công bố bài báo quốc tế

Ý TƯỞNG LỚN GẶP NHAU KHI LÀM ĐỒ ÁN VÀ LUẬN VĂN

Bài báo Integrated Production Modeling for Handling Produced Water Issues in the X Oilfield (tên tiếng Việt là Xây dựng mô hình khai thác tích hợp để xử lý vấn đề nước vỉa cho mỏ X[2]) là kết quả quá trình phối hợp nhịp nhàng của Tuấn Hảo và Trường Thọ, dưới sự hướng dẫn của TS. Mai Cao Lân – Trưởng Bộ môn Khoan & Khai thác Dầu khí thuộc Khoa Kỹ thuật Địa chất & Dầu khí, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Ban đầu, Hảo và Thọ tiến hành tính toán, xây dựng mô hình theo hướng độc lập, chưa có sự liên kết với nhau. Tuy nhiên, trong quá trình hướng dẫn đồ án và luận văn tốt nghiệp, TS. Mai Cao Lân nhận thấy nội dung nghiên cứu của hai thành viên có nhiều điểm tương đồng, vì vậy, đã định hướng hai bạn cùng thực hiện một công trình nghiên cứu hoàn chỉnh nhằm giải quyết bài toán thực tiễn tại mỏ X.  

Bên cạnh đó, Hảo và Thọ từng học chung lớp Kỹ năng Mềm (trong học kỳ Pre-University) vào năm Nhất nên có thể phần nào hiểu được cách làm việc của nhau. Ngoài ra, đôi bạn cũng thực tập tại Tổng công ty thăm dò và khai thác dầu khí (PVEP) – nơi họ được tiếp cận nguồn dữ liệu về hệ thống thu gom, vận chuyển tại mỏ X. Đây chính là lý do nhóm bạn nhanh chóng nhất trí bắt tay triển khai đề tài.

SV BK-OISP đạt giải “Bài báo xuất sắc” tại SEATUC 2022
Nhóm nghiên cứu họp trực tuyến hàng tuần để kịp thời cập nhật tiến độ.

TÌM RA GIẢI PHÁP NHỜ TIẾP CẬN VẤN ĐỀ TỪ NHIỀU HƯỚNG

Vùng mỏ X (với hơn 30 giếng, cụm giàn đầu giếng[3] và một tàu chứa FPSO[4]) đã được khai thác từ lâu. Công suất thiết kế ban đầu của tàu FPSO chỉ đáp ứng nhu cầu khai thác cho mỏ X. Khi kết nối mỏ Y vào hệ thống, lượng nước cần xử lý trên tàu FPSO tăng lên đáng kể, dẫn tới tình trạng quá tải. Do đó, việc vừa hạn chế áp lực cho hệ thống xử lý trên tàu vừa gia tăng sản lượng khai thác của hai mỏ là điều rất cần thiết.

SV BK-OISP đạt giải “Bài báo xuất sắc” tại SEATUC 2022
Hệ thống xử lý của tàu bị quá tải khi nhận dòng sản phẩm từ mỏ khác

Để hiện thực hóa điều này, nhóm bạn nảy ra ý tưởng mô hình hóa tích hợp toàn bộ hệ thống đồng thời mô phỏng các kịch bản có thể xảy ra. Hảo và Thọ phân chia nhiệm vụ cụ thể rồi tiến hành giải quyết độc lập. Mỗi thành viên, với hướng tiếp cận khác nhau, đã so sánh kết quả, phân tích ưu – nhược điểm của từng phương pháp, từ đó đảm bảo tính logic, chính xác cho đề tài.

SV BK-OISP đạt giải “Bài báo xuất sắc” tại SEATUC 2022
Trường Thọ đảm nhận phần nghiên cứu mô hình vỉa cùng mô hình giếng.
SV BK-OISP đạt giải “Bài báo xuất sắc” tại SEATUC 2022
Tuấn Hảo phụ trách xây dựng lại mô hình thiết bị bề mặt và mô hình hệ thống giếng.

Tuấn Hảo và Trường Thọ may mắn gặp nhiều cơ hội thuận lợi suốt quá trình nghiên cứu. “Thứ nhất, mỗi đứa đều sở hữu thế mạnh riêng về một số mảng chuyên ngành nhất định. Khi kết hợp với nhau, tụi mình đã tạo ra mô hình hệ thống khai thác mỏ dầu khí tương đối hoàn chỉnh. Thứ hai, nhóm có cơ hội tiếp cận sớm với các phần mềm. Vì vậy, việc tìm tòi, nghiên cứu suôn sẻ hơn. Thứ ba, thầy Lân luôn theo sát tụi mình. Thầy hướng dẫn các bước cần thiết, quan tâm tới kết quả hàng tuần và kịp thời định hướng khi nhóm hiểu sai vấn đề. Cuối cùng, bạn bè cùng lớp là yếu tố không thể thiếu. Nhờ tham khảo ý kiến từ các bạn, hai đứa đã có cái nhìn toàn diện hơn và tìm được hướng giải quyết hợp lý” – Trường Thọ chia sẻ.

CÀNG HOÀN THIỆN MÔ HÌNH, CÀNG TRAU DỒI BẢN THÂN

Mô hình tích hợp hóa của nhóm đã được ứng dụng trong điều kiện thực tế ở mỏ X. Hiện tại, mỏ đang phát triển ổn định với dòng sản phẩm nội – ngoại mỏ đạt năng suất cao. Sắp tới, đôi bạn sẽ nghiên cứu sâu hơn về mô hình thành phần, mô hình tích hợp, đồng thời kiểm chứng nhiều lần, đưa ra các đề xuất khả thi, từ đó lựa chọn phương án tối ưu.   

“Trong quá trình cộng tác với bạn Thọ, dưới sự dẫn dắt của thầy Lân, mình đã trau dồi kỹ năng viết báo rất nhiều. Mình đặc biệt chú trọng nội dung và hình thức bài báo. Khi viết một câu nào đó, mình luôn suy nghĩ ý nghĩa câu từ, tự hỏi liệu người đọc có thể nắm bắt trọn vẹn ý tưởng của mình không” – Tuấn Hảo tâm sự. 

Trường Thọ bày tỏ: “Thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học, mình đã cải thiện kỹ năng làm việc nhóm. Tinh thần trách nhiệm phải được đề cao, dù trong những nhiệm vụ đơn giản nhất. Khi bắt đầu một công việc nào đó, chúng ta cần kiên trì với mục tiêu đã đề ra, tuân thủ nghiêm túc và hoàn thành đúng hạn”. Nói về dự định tương lai, anh chàng sẽ tìm kiếm học bổng du học và tập trung theo đuổi mảng công nghệ mỏ (reservoir engineering).

Chương trình Chất lượng cao ngành Kỹ thuật Dầu khí (mã trường: QSB, mã ngành 220) được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Nội dung đào tạo liên tục được cập nhật, có sự tham khảo từ chương trình tương ứng của ĐH đối tác uy tín. Đây là chương trình đào tạo chính quy, bằng do Trường ĐH Bách khoa cấp, địa điểm học tại Cơ sở Q.10.

Bên cạnh đó, nhà trường còn có chương trình Chuyển tiếp Quốc tế hợp tác với ĐH Adelaide (dẫn đầu Úc và đứng thứ 10 toàn cầu về đào tạo Kỹ thuật Dầu khí, theo QS World University Rankings by Subject 2022). Chương trình cũng giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, sinh viên học 2-2,5 năm đầu tại Trường ĐH Bách khoa; 2-2,5 năm cuối chuyển tiếp sang Úc, bằng do ĐH Adelaide cấp.

Bài: XUÂN MAI – Hình: Nhân vật cung cấp


[1] SEATUC (South-East Asian Technical University Consortium Symposium) là hội nghị thường niên do các đơn vị thành viên của SEATUC (bao gồm Viện Công nghệ Shibaura, Nhật Bản và bảy ĐH kỹ thuật công nghệ từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Việt Nam) luân phiên tổ chức. Năm nay, SEATUC lần thứ XVI diễn ra theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của hơn 200 sinh viên và nghiên cứu sinh.

Bài báo của nhóm được chọn đăng trong Proceedings SEATUC 2022 (ấn phẩm của hội nghị).

[2] Mỏ X là mỏ dầu ngoài khơi Việt Nam với hơn 30 giếng, có trữ lượng khá lớn.

[3] Giàn đầu giếng (Wellhead Platform) là cấu trúc ngoài khơi, nơi tập kết các dòng dầu khí từ nhiều giếng khác nhau, sau đó theo đường ống chung vận chuyển về giàn xử lý trung tâm hoặc tàu FPSO.

[4] Tàu chứa FPSO (Floating Production Storage and Offloading) là loại tàu nổi có nhiệm vụ tiếp nhận hỗn hợp hydrocarbon được khai thác từ các giàn, sau đó xử lý sản phẩm, lưu trữ và vận chuyển đến điểm tiếp nhận.

Bài trước

Bài tiếp