Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

Thủ khoa đầu ra Bách khoa từng tiếc vì bỏ lỡ hoạt động ngoại khóa

Ngô Đức Tuấn – K2017 CT Chất lượng cao ngành Kỹ thuật Máy tính, tiếc nuối hai năm đầu tại Bách khoa đã chưa trải nghiệm nhiều hoạt động SV, CLB.

Bài viết liên quan
Lễ Tốt nghiệp tháng 4/2022 đáng nhớ của SV Bách khoa Quốc tế
Khi bạn chỉ thiếu 0,08 điểm nữa thì thành 10 phẩy
Nghiên cứu phương pháp nhận diện vật thể 3D, SV OISP được đăng bài trên tạp chí Q1
Đội tuyển Trường ĐH Bách khoa đạt giải Ba Cuộc đua số 2020

Ngô Đức Tuấn - K2017 chương trình Chất lượng cao ngành Kỹ thuật Máy tính, tốt nghiệp thủ khoa tháng 4/2022

NGÔ ĐỨC TUẤn

• Thủ khoa đầu vào chương trình Chất lượng cao K2017 với mức điểm 29,30/30,00
• Thủ khoa đầu ra toàn trường tháng 4/2022 với luận văn đạt điểm tối đa 10,00/10,00
• Huy chương Vàng tốt nghiệp chương trình Chất lượng cao ngành Kỹ thuật Máy tính với GPA 9,62/10,00 và IELTS 7.0/9.0
• Bài báo nghiên cứu được đăng trên PeerJ Computer Science (tập san khoa học nhóm Q1)
• Giải Nhất Hội nghị Khoa học & công nghệ sinh viên OISP 2020
• Giải Nhì Hội nghị Khoa học & công nghệ sinh viên OISP 2021
• Giải Ba Cuộc đua số 2020
• Học bổng Honda Award 2020
• Học bổng Khuyến khích học tập OISP liên tục tám học kỳ
• Danh hiệu Sinh viên OISP xuất sắc bốn năm liền

Sở hữu thành tích học tập xuất sắc và luôn duy trì phong độ ổn định suốt bốn năm tại Trường ĐH Bách khoa, Ngô Đức Tuấn là cái tên được nhiều thầy cô và bạn bè trong Khoa Khoa học & Kỹ thuật Máy tính hết lời khen ngợi.

MÊ BÁCH KHOA TỪ CẤP HAI; “xém đuối” Ở HỌC KỲ ĐẦU bách khoa

Đức Tuấn cho biết đã có mong muốn sau này sẽ trở thành sinh Trường ĐH Bách khoa từ lúc học THCS. Tuy nhiên, khi đứng trước lựa chọn nguyện vọng, Đức Tuấn cũng từng “lao xao” như bao học sinh cấp ba. Đến lúc có điểm thi ĐH, anh chàng vẫn còn phân vân giữa máy tính, điện tử và cơ khí. Thẳng thắn chia sẻ, Tuấn nói khi đó mình chưa biết gì về máy tính và lập trình cả, rồi “quyết định chọn máy tính vì thấy này ‘hot’ và muốn thử thách chính mình”.

Học kỳ đầu tiên ở Bách khoa diễn ra không mấy suôn sẻ. Tuấn gặp nhiều khó khăn do lượng kiến thức mới và nhiều, giáo trình và tài tham khảo đều bằng tiếng Anh trong khi vốn tiếng Anh của bản thân khi đó còn hạn chế. “Có lúc mình cảm giác theo không kịp” – Đức Tuấn thổ lộ.

Đến học kỳ thứ hai, Tuấn chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ từ các giảng viên cũng như bạn bè trong lớp, nhờ đó dần dà lấy lại nhịp. Theo Tuấn, việc học tập có kế hoạch là vô cùng quan trọng. “Ôn lại kiến thức cũ và đọc bài mới trước khi lên lớp; phân bổ thời gian học tập các môn một cách hợp lý, không để kiến thực bị dồn ứ, học nhồi nhét vào cuối kỳ”.

Chương trình học ở Trường ĐH Bách khoa rất nặng, có những học kỳ có đến năm-sáu môn chuyên ngành. Do đó, việc học nhóm được Tuấn đánh giá cao vì giúp chia tải lượng kiến thức khổng lồ của các môn chuyên ngành và giúp giải quyết khối lượng bài tập, bài tập lớn một cách hiệu quả.

Ngô Đức Tuấn tại Lễ Tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa tháng 4/2022. – Hình: THI CA

HÀNH TRÌNH CÔNG BỐ NGHIÊN CỨU TRÊN TẠP CHÍ Q1

Định hướng theo con đường nghiên cứu từ sớm nên khi đã tích lũy được kha khá kiến thức cơ sở ngành, Ngô Đức Tuấn mạnh dạn lập hội bạn cùng chí hướng để xây dựng và phát triển các đề tài khoa học.

“Nghiên cứu khoa học giúp mình áp dụng kiến thức đã học vào ứng dụng thực tế, rèn luyện kỹ năng viết báo cáo khoa học, kỹ năng thiết kế file trình chiếu, kỹ năng trình bày, kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh” – Tuấn cắt nghĩa.

Tại Hội nghị Khoa học & công nghệ sinh viên OISP 2020, và đạt giải Nhất với đề tài “Study and Implement SLAM Algorithm in Autonomous Mobile Robot” (Nghiên cứu và thực hiện giải thuật SLAM ứng dụng trong robot tự hành). Áp dụng thành quả nghiên cứu vào cuộc thi xe tự hành Cuộc đua số 2020, Đức Tuấn cùng ba người bạn đồng môn đã thắng giải Ba chung cuộc.

Ngô Đức Tuấn - K2017 chương trình Chất lượng cao ngành Kỹ thuật Máy tính, tốt nghiệp thủ khoa tháng 4/2022
Ngô Đức Tuấn (thứ hai từ phải qua) cùng nhóm bạn nghiên cứu nhận giải Nhất tại Hội nghị Khoa học & công nghệ sinh viên OISP 2020. – Hình: OISP

Không ngừng hoàn thiện bản thân, Ngô Đức Tuấn rủ Bùi Việt Minh Quân (K2017 chương trình Tài năng ngành Khoa học Máy tính) nghiên cứu đề tàI “GAC3D: Improving Mmonocular 3D Object Detection with Ground-Guide Model and Adaptive Convolution” (GAC3D: Cải tiến phương pháp nhận diện vật thể 3D trên ảnh đơn bằng mô hình ground-guide và phép tích chập adaptive). Đây cũng là đề tài luận văn tốt nghiệp đạt điểm tối đa 10/10 của Ngô Đức Tuấn.

Các nghiên cứu trước đây sử dụng công nghệ LiDAR mang lại kết quả có độ chính xác cao nhưng chi phí triển khai rất lớn và thiếu tính thực tiễn. Tuấn và Quân đã phát triển một giải pháp mới nhằm cải tiến khả năng phát hiện các đối tượng khác nhau của xe tự hành trong không gian 3D thông qua hình chụp từ camera thông thường. Ưu điểm của giải pháp mới này là chi phí lắp đặt camera và hệ thống tính toán tương đối thấp nên có thể triển khai thực tế đại trà.

Một điểm mới khác trong nghiên cứu này là nhóm còn thử nghiệm hệ thống trên thiết bị nhúng. Điều này mở ra tiềm năng ứng dụng giải pháp phát hiện thời gian thực với độ chính xác cao, từ đó hỗ trợ hệ thống quan sát của robot và xe tự hành.

Trong quá trình thực hiện đề tài, Tuấn gặp phải khó khăn đặc thù trong lĩnh vực thị giác máy tính, đó là việc cần thiết phải có nguồn tài nguyên máy tính khá lớn mà không phải lúc nào phòng thí nghiệm cũng có thể thể đáp ứng được. Thành thử nhóm phải luôn tận dụng thời gian để chạy các thí nghiệm.

Vào học kỳ cuối của năm thứ Tư, Tuấn và Quân tiếp tục cải tiến nghiên cứu thành bài báo khoa học và công trình này đã chấp thuận đăng trên PeerJ Computer Science – tập san đầu ngành khoa học máy tính và được xếp loại Q1 (nhóm các tập san khoa học có chỉ số trích dẫn thuộc top 25%).

Ngô Đức Tuấn - K2017 chương trình Chất lượng cao ngành Kỹ thuật Máy tính, tốt nghiệp thủ khoa tháng 4/2022
Trích đoạn bài báo khoa học của Ngô Đức Tuấn trên tập san PeerJ Computer Science. – Hình chụp màn hình trên website

TS. Nguyễn Đức Dũng – giảng viên hướng dẫn chuyên môn của dự án, nhận xét: “Trong quá trình nghiên cứu, Tuấn và Quân đã phối hợp với nhau rất tốt. Dù theo học hai chương trình đào tạo khác nhau, thậm chí theo đuổi hai phân ngành khác nhau, nhưng hai bạn vẫn hợp tác ăn ý và chia sẻ công việc vô cùng khoa học. Bên cạnh thái độ làm việc chuyên nghiệp, nhóm cũng luôn chủ động trao đổi và thảo luận với các thầy. Đây là hai sinh viên có kỹ năng cực kỳ tốt và luôn phấn đấu cải tiến bản thân. Thành quả của các em là kết quả tất yếu của quá trình phấn đấu lâu dài và bền bỉ”.

TIẾC VÌ BỎ LỠ CÁC HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHÓA

Theo Tuấn, việc cân bằng giữa học tập, tham gia nghiên cứu khoa học và tham gia các câu lạc bộ, hoạt động ngoại khóa ở Trường ĐH Bách khoa là một thử thách lớn.

“Lúc tốt nghiệp rồi, mình mới cảm thấy nuối tiếc hai năm đầu ĐH, do quá tập trung vào việc học mà bỏ lỡ các hoạt động ngoại khóa ưa thích cũng như chưa kịp tham gia nhiều câu lạc bộ của trường” – Tuấn kể.

“Một trong số những kỷ niệm đáng nhớ nhất của mình khi học tập dưới mái trường Bách khoa chính là những ngày tháng học quân sự ở Thủ Đức. Đó là quãng thời gian hiếm hoi mà mình được tạm rời xa màn hình máy tính để ‘nhập hội quốc phòng’ cùng bạn bè ở Ký túc xá Khu B”.

Nói về dự định tương lai, Tuấn sẽ tiếp tục theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học và mong muốn trở thành một nhà nghiên cứu độc lập trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Đức Tuấn và mẹ tại Lễ Tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa tháng 4/2022. – Hình: NGỌC TRÂM

THI CA tổng hợp

Bài trước

Bài tiếp