Lý Giới An: Google Developer Student Clubs là nhà!

Dành cả thanh xuân Bách khoa để tham gia CLB Google Developer Student Clubs, nhờ đó mà anh chàng SV K2018, chương trình Chất lượng cao, ngành Khoa học Máy tính từ ít nói, sợ đám đông đã trở thành một thủ lĩnh cứng cựa với bề dày thành tích học thuật.

Bài viết liên quan
SV Bách khoa đoạt giải Solution Challenge 2020 của Google
SV Bách khoa lọt vào top 50 Google Solution Challenge 2021 
Võ Ngọc Khánh Linh: Nếu không trau dồi tiếng Anh, bạn đang gạt bỏ cơ hội trước mắt

Các thành tích nổi bật
  • Hiện là kỹ sư phần mềm (Associate Software Engineer) cho Zalopay – tập đoàn công nghệ VNG
  • Một trong năm sinh viên đạt học bổng Virtual Micro-Internship 2022 của New Zealand
  • Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Việt Nam vào năm 2018
  • Bằng khen của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh vào năm 2018
  • Top 15 cuộc thi Bách Khoa Innovation 2020
  • Thực hiện dự án game trên nền tảng web cho OISP Camp 2021 với hơn 1.500 người dùng là tân sinh viên
  • Sáng lập và chủ trì dự án rút gọn đường link

CHỌN CHƯƠNG TRÌNH CHẤT LƯỢNG CAO ĐỂ TỰ KHẮC PHỤC YẾU ĐIỂM CỦA BẢN THÂN

Lý Giới An làm việc tại VNG

Đam mê công nghệ thông tin từ nhỏ, Lý Giới An (hình trái) đã chọn bến đỗ đại học là ngành Khoa học Máy tính, chương trình Chất lượng cao của Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) làm nơi khai sáng tương lai. 

Nói về lựa chọn này, An chia sẻ trước đây bản thân thực sự không giỏi ngoại ngữ. Nhận thức được tầm quan trọng của tiếng Anh trong lĩnh vực máy tính, An quyết định chọn chương trình Chất lượng cao vốn giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh để buộc bản thân phải nỗ lực rèn luyện, trau dồi ngoại ngữ. 

Dân Bách khoa học chuyên môn rất nặng là lẽ đương nhiên, nhưng không vì vậy mà chỉ cắm đầu vào học tập để rồi bỏ qua các hoạt động ngoại khóa. An kể, trước khi lên đại học, An đã nghe các tiền bối khuyên nên tìm một câu lạc bộ để gắn bó thời đại học, trau dồi các kỹ năng mềm cần thiết và làm cho CV của mình có-độ-nặng-nhất-định. An cắt nghĩa, học chế Bách khoa theo dạng tín chỉ, sinh viên tự đăng ký môn học và ở mỗi môn thì sẽ được học cùng những tập thể đồng môn khác nhau, thành thử sẽ khó mà kiếm cho mình được hội bạn thân cùng tiến nếu không đầu quân vào câu lạc bộ.

TRỞ THÀNH NHÂN TỐ TÍCH CỰC CỦA GDSC-HCMUT

Chapter Co-lead GDSC-HCMUT Lý Giới An

Gần cuối năm hai, cái tên Google Developer Student Clubs (GDSC) có mặt tại Việt Nam và được triển khai tại một số đại học lớn, trong đó có Trường Đại học Bách khoa. Lúc đó, An chỉ thấy có Google Developer nên đoán vội chắc hẳn có liên quan đến lĩnh vực máy tính. Thời gian đầu, An không bỏ lỡ bất kỳ info seminar (buổi chia sẻ thông tin) nào của câu lạc bộ. Nhờ vậy, An nhận ra đây đích thực là ngôi nhà mình đang tìm kiếm.

Nói thêm về GDSC, đây là hệ sinh thái cộng đồng các sinh viên đam mê công nghệ do Google thành lập. Tại đây, các thành viên có cơ hội tham gia các buổi webinar, talkshow chia sẻ về ngành, nghề và cập nhật các công nghệ mới. Không chỉ thế, các thành viên GDSC còn có dịp giao lưu, kết nối với anh em GDSC đến từ nhiều đại học khác nhau trên toàn quốc, vùng và toàn cầu.

Giải thưởng lớn nhất mà GDSC hướng tới là cuộc thi Solution Challenge – hướng tới các giải pháp công nghệ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trên khắp thế giới. Trong đó, GDSC của Trường Đại học Bách khoa (GDSC-HCMUT) đã hai lần có nhóm dự thi lọt vào top 10 (cuộc thi chỉ trao 10 giải cao nhất đồng hạng cho 10 đội thi) và top 50 lần lượt vào các năm 2020 và 2021.

Tại GDSC-HCMUT, An là một trong những thành viên hiếm hoi tham gia tới tận bốn nhiệm kỳ. Với An, mỗi nhiệm kỳ đều mang lại cho bản thân nhiều bài học bổ ích và bài học lớn nhất chính là giúp bản thân phát triển qua từng ngày. Từ một thành viên “phó thường dân”, sau đó đến Trưởng Ban Phát triển (Head of Development) và hiện tại là đồng Chủ nhiệm (Chapter Co-leader) câu lạc bộ nhiệm kỳ 2022-2023. 

Không bó mình trong phạm vi GDSC-HCMUT thế, ở năm đầu đại học, An tự tin xung phong vào Ban Tổ chức OISP Camp 2018 và lăn xả học làm truyền thông. Dù mọi thứ kết thúc không trọn vẹn vì chưa sắp xếp được quỹ thời gian nhưng An đã học hỏi được nhiều kỹ năng mềm và kiến thức ngoài chuyên ngành. Đó cũng là lần đầu tiên An tham gia tổ chức hoạt động, sự kiện. Nhờ đó, từ một chàng trai sợ đám đông, ít nói năm nào, nay Giới An đã lột xác trở thành một thủ lĩnh cứng cựa với bề dày thành tích học thuật. Vậy nên đừng bỏ lỡ cơ hội ứng tuyển vào Ban Tổ chức OISP Camp, bạn nha!

Tỏa sáng tại vng và nhận ra giá trị của việc tham gia câu lạc bộ 

Việc tham gia năng nổ tại GDSC-HCMUT đã cho An hành trang vững chãi bước vào công việc thực tế. Ngay khi gia nhập VNG, An đã sớm trở thành “em út” nổi trội và đã từng cùng chị Trần Xuân Ngọc Thảo (Giám đốc Thương hiệu Doanh nghiệp & Cộng đồng [Corporate Branding & Community]) và Nguyễn Lâm Thảo Tâm (MC, diễn viên) chia sẻ những câu chuyện giúp Gen Z hiểu được chính mình và cùng nhau học cách phát triển bản thân trong khuôn khổ chương trình Zét Talk.

Các bạn GDSC đang đang làm chung ở VNG
Các thành viên GDSC-HCMUT đang làm việc tại VNG: (từ trái qua) Lý Giới An, Võ Ngọc Khánh Linh, Nguyễn Đình Sáng.

An tâm sự, khi mới vào công ty, nhờ được gắn mác “em út” nên được các anh chị chăm lo vô cùng tỉ mỉ. Chính vì thế, không hiểu chỗ nào thì An đều mạnh dạn hỏi cho ra lẽ (ahihi). Sau một năm trải nghiệm công việc thực tế, An nghiệm ra rằng kinh nghiệm hoạt động câu lạc bộ, kinh nghiệm thực hiện các dự án khoa học và kỹ năng mềm chính là những thứ đã giúp mình có thêm lợi thế khi đi làm. An nhấn mạnh, kỹ năng mềm thực sự rất quan trọng. “Khi vừa bước vào một môi trường mới, dù chuyên môn giỏi đến mấy mà kỹ năng giao tiếp kém, kém hòa đồng thì bạn sẽ khó lòng hòa nhập nhanh chóng cùng tập thể. Thay vào đó, nếu giao tiếp tốt, tự tin, bạn sẽ tiến bộ lên rất nhanh, kể cả chưa có kỹ năng chuyên môn tốt trước đó”. 

Đi cùng xu thế trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, kỹ thuật phần mềm… ngành Khoa học Máy tính tại Trường ĐH Bách khoa mở ra hướng đào tạo nhân lực chất lượng cao bằng tiếng Anh (mã ngành: 206, mã trường: QSB).

Chương trình Chất lượng cao, ngành Khoa học Máy tính giảng dạy hoàn toàn 100% bằng tiếng Anh và là chương trình bậc Đại học đầu tiên trên cả nước đạt kiểm định quốc tế danh giá của Mỹ – ABET – vào năm 2014 (năm 2020, chương trình đào tạo ngành Khoa học Máy tính được tái kiểm định và tiếp tục đạt chứng nhận này). Sinh viên chương trình Chất lượng cao có cơ hội trao đổi tín chỉ qua các đại học đối tác nếu đạt yêu cầu về điều kiện tài chính, học tập và tiếng Anh, đồng thời có lợi thế cạnh tranh cao hơn khi ứng tuyển vào các doanh nghiệp Mỹ hoặc khi thi các chứng chỉ nghề nghiệp của các tổ chức Hoa Kỳ.

TÚ TÚ thực hiện – Hình: Nhân vật cung cấp

Bài trước

Bài tiếp