Võ Ngọc Khánh Linh: Nếu không trau dồi tiếng Anh, bạn đang gạt bỏ cơ hội trước mắt

Không chỉ là thành viên trụ cột của CLB Google Developer Student Clubs, Võ Ngọc Khánh Linh (K2018 chương trình Chất lượng cao ngành Quản lý Công nghiệp) còn giành chiến thắng trong các cuộc thi uy tín và nhận được nhiều giải thưởng danh giá. Cô nàng Sư Tử này là ai mà lại “đa-zi-năng” đến vậy?

LÝ LỊCH TRÍCH “XÉO”
Võ Ngọc Khánh Linh, sinh viên K2018 chương trình Chất lượng cao, ngành Quản lý Công nghiệp

  • Giải Ba cuộc thi Bách Khoa Innovation 2019
  • Top 20 sinh viên toàn trường nhận học bổng trao đổi Temasek Foundation International Specialists’ Community Action and Leadership Exchange (TFSCALE) tại Singapore, 2019
  • Giải Ba tại Hội nghị Khoa học và Công nghệ OISP lần thứ 6, 2020
  • Đội đầu tiên của Việt Nam giành chiến thắng tại cuộc thi Solution Challenge tổ chức bởi Google trên toàn thế giới, 2020
  • 1 trong 25 startup Việt được vinh danh cho giải thưởng thường niên Tuổi Trẻ Golf Tournament for Startup 2020
  • Học bổng Fujikura 2020 – Sinh viên Năm tốt cấp trường, năm học 2020-2021
  • Top 4 Sinh viên Tiêu biểu – BK Youth Award 2020 
  • Giải thưởng Outstanding Talent Student – OISP GALA 2020
  • Top 10 toàn quốc cuộc thi HSBC Business Case Competition 2021
  • * Xin chào Khánh Linh, bạn hãy giới thiệu đôi nét về bản thân nhé!

    Mình là Võ Ngọc Khánh Linh, sinh viên chương trình Chất lượng cao ngành Quản lý Công nghiệp khóa K2018. Hiện tại, mình là Head of Marketing của CLB Google Developer Student Clubs – HCMUT nhiệm kỳ 2020-2021 và đang là Product Operations Fresher (mảng vận hành game) tại VNG Corporation. 

    Mình thích đi ăn, chơi game, xem review đồ điện tử và sưu tập các bản thiết kế nội thất 3D. Ước mơ của mình là thành lập một công ty sản xuất hàng tiêu dùng và nội thất thông minh (smart home devices) dành cho người Việt trong 10-15 năm mới.

    TRAU DỒI TIẾNG ANH LÀ MỘT TRONG NHỮNG MỤC TIÊU QUAN TRỌNG NHẤT 

    * Bạn đã “phải lòng” chương trình Chất lượng cao ngành Quản lý Công nghiệp như thế nào? 

    Từ nhỏ, mình đã rất ấn tượng với bởi sự tiện dụng của các thiết bị điện tử trong cuộc sống thường ngày. Do đó, mình luôn mong muốn học tập và làm việc trong một môi trường quan tâm đến sự phát triển liên tục của công nghệ – kỹ thuật. 

    Tuy nhiên, mình nhận thấy bản thân không giỏi các môn tự nhiên như bạn bè nên không thể theo học những ngành thuần về kỹ thuật được. Bên cạnh đó, mình cũng rất hứng thú với kinh tế và quản trị. Vì vậy, một ngành học thiên về yếu tố quản lý trong môi trường kỹ thuật – công nghệ như ngành Quản lý Công nghiệp ở Trường Đại học Bách khoa chính là sự lựa chọn vô cùng phù hợp với mình.

    Khánh Linh (hàng đứng, thứ tư từ trái qua) đi trao đổi văn hóa tại Singapore trong chương trình TFSCALE.

    Về lý do chọn học chương trình Chất lượng cao, mình nghĩ rằng trong thời kỳ hiện đại hóa sâu rộng ngày nay, việc trau dồi tiếng Anh sẽ giúp chúng ta phát triển bản thân và có thêm nhiều cơ hội nghề nghiệp. Chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh của nhà trường chắc chắn tạo điều kiện thuận lợi để mình tiếp xúc với tiếng Anh chuyên ngành ngay từ sớm và đều đặn mỗi ngày.

    Đúng như mong muốn, giá trị lớn nhất mà mình nhận được từ chương trình Chất lượng cao ngành Quản lý Công nghiệp là chương trình kết hợp hài hòa giữa yếu tố kinh tế lẫn kỹ thuật. Giáo trình tiếng Anh cung cấp rất nhiều thông tin bổ ích. 

    Điều này đặc biệt quan trọng vì một trong những mục tiêu lớn nhất ở thời đại học của mình là trau dồi trình độ tiếng Anh, nhất là tiếng Anh chuyên ngành. Việc học bốn năm hoàn toàn bằng tiếng Anh sẽ giúp mình hoàn thành mục tiêu đó.

    Bài viết liên quan
    Lê Ngọc Duyên Phương: Luôn tự hào là một “củ sắn lùi” của Bách khoa
    Quản lý Công nghiệp – Màu sắc riêng trong ngành quản trị
    Quản lý công nghiệp – Ngành kinh tế trong trường kỹ thuật

    * Tiếng Anh có tầm quan trọng như thế nào đối với việc học tập hiện tại và công việc của bạn trong tương lai? 

    Đối với mình, việc không trau dồi tiếng Anh cũng giống như bản thân tự gạt bỏ rất nhiều cơ hội đang hiển hiện trước mắt. Với trình độ tiếng Anh vững vàng, chúng ta có thể dễ dàng tiếp thu kiến thức phong phú từ sách báo, khóa học ở ngoài trường, trò chuyện với bạn bè quốc tế cũng như thử sức trong nhiều ngành nghề khác nhau. Hiện nay, các công ty Việt Nam lẫn tập đoàn đa quốc gia đều yêu cầu ứng viên thông thạo tiếng Anh, nhất là một số ngành cần giao tiếp nhiều như ngành Quản lý Công nghiệp. 

    * Động lực nào giúp bạn vừa học giỏi vừa hoạt động CLB năng nổ? 

    Mình chỉ đơn giản nghĩ rằng việc chăm chỉ đào sâu kiến thức chuyên ngành sẽ mang đến cho mình các kỹ năng cứng (kỹ năng chuyên môn) trong khi hoạt động Đoàn Hội/ ngoại khóa có thể tạo nên trải nghiệm đáng nhớ cũng như xây dựng những kỹ năng mềm hữu ích. Do đó, nếu chủ động cân bằng cả hai hoạt động này, mình sẽ phát triển bản thân tốt hơn và có thêm nhều cơ hội nghề nghiệp tuyệt vời.

    * Quá trình hoạt động CLB đã khiến bạn thay đổi và trưởng thành ra sao? 

    Trong suốt hai năm hoạt động trong CLB Google Developer Student Clubs (DSC), mình đã thay đổi rất nhiều. Từ một đứa không nề nếp, thiếu kỹ năng mềm, mình trở thành một người kỷ luật, làm việc theo kế hoạch, có tác phong tốt và tích lũy được nhiều kiến thức hơn. CLB mở ra cơ hội để mình tiếp xúc với những sinh viên ưu tú, tài năng, cầu tiến và có tư duy tốt. Đây chính là động lực thúc đẩy mình nỗ lực hết sức trong quá trình học tập và làm việc.

    Võ Ngọc Khánh Linh (hàng dưới cùng, thứ ba tư trái qua) tươi cười rạng rỡ bên các thành viên CLB Google Developer Student Clubs trong buổi họp mặt cuối năm.

    * Chia sẻ bí quyết cân bằng việc học và cuộc sống của bạn nha!

    Thật ra, hơn hai năm đầu đại học, mình tự thấy bản thân không cân bằng tốt lắm cả hai mảng này vì thiếu kỹ năng quản lý công việc và thời gian. Cho đến mấy tháng gần đây, khi đại dịch COVID-19 ngày càng phức tạp, mình mới nhận thấy vấn đề và cố gắng sắp xếp lại việc học cũng như tăng cường chăm sóc bản thân.

    Điểm mấu chốt là chúng ta cần lên kế hoạch học tập – làm việc cụ thể, tránh để deadline tồn đọng quá nhiều. Bên cạnh đó, mình cũng cân bằng số lượng hoạt động đang và sẽ tham gia vì nếu nhận lấy quá nhiều nhiệm vụ thì sức khỏe và việc học cũng bị ảnh hưởng. Quan trọng nhất, mình phải đảm bảo ngủ ít nhất 4 tiếng/ngày.

    THỜI ĐẠI HỌC “EXPANSIVE”, “CHALLENGING” VÀ “GRATEFUL”

    * Trải nghiệm đáng nhớ nhất của bạn ở Bách khoa nói chung và OISP nói riêng là…

    Có lẽ, trải nghiệm học tập đáng nhớ nhất diễn ra vào cuối năm nhất. Trong khoảng thời gian này, mình vừa ôn thi cuối kỳ, vừa chuẩn bị cho vòng Chung kết cuộc thi Bách Khoa Innovation, vừa tham gia chiến dịch Tiếp Sức Mùa ThiMùa Hè Xanh. Trước khối lượng công việc lớn trong thời gian gấp rút, mình đã chỉ ngủ được khoảng 2 tiếng/ngày. Thậm chí, vào những hôm gần sát cuộc thi Bách Khoa Innovation, mình còn thức trắng để kịp làm xong slide báo cáo.

    Vào giai đoạn đó, quả thật, mình chịu đựng rất nhiều áp lực từ chuyện học hành, thi cử cho đến việc tham gia những cuộc thi học thuật, hoạt động tình nguyện. Tuy nhiên, mình vẫn luôn trân trọng tất cả khó khăn ấy bởi mình đã học hỏi rất nhiều, trau dồi kỹ năng, tích lũy kiến thức, làm quen bạn mới, có thêm những kỷ niệm quý giá. Mình tin rằng, mọi thứ mình có được ngày hôm nay đều nhờ vào những thử thách khó khăn như thế.

    Khánh Linh và đồng đội nhận giải Ba cuộc thi Bách Khoa Innovation 2019.

    * Cơ duyên nào đưa bạn đến với nghiên cứu khoa học? Hoạt động này giúp bạn phát triển bản thân như thế nào?

    Mình đến với nghiên cứu khoa học nhờ cơ duyên tham dự cuộc thi Bách Khoa Innovation hồi năm Nhất. Sau khi đạt giải cuộc thi này, mình muốn tìm hiểu sâu hơn về đối tượng người dùng để tiếp tục phát triển sản phẩm. Do đó, mình đã tham gia nghiên cứu khoa học cùng các bạn trong lẫn ngoài cuộc thi.

    Nghiên cứu khoa học giúp mình rèn luyện và cải thiện nhiều kỹ năng mà trước đây mình vẫn còn yếu, chẳng hạn kỹ năng nghiên cứu, kỹ năng thu thập – phân tích dữ liệu, kỹ năng viết báo cáo, kỹ năng thuyết trình… Đặc biệt, các đề tài nghiên cứu cũng góp phần giúp sản phẩm của nhóm mình đạt giải tại cuộc thi quốc tế Google Solution Challenge 2020, từ đó tạo ra sự lan tỏa nhất định đến cộng đồng cũng như nhận về những đánh giá mang tính xây dựng.

    * Bật mí một chút về người truyền nhiều cảm hứng nhiều nhất cho bạn trong cuộc sống đi!

    Bà nội là tấm gương mà mình phấn đấu noi theo từ nhỏ đến lớn. Bà từng là kỹ sư Hóa tốt nghiệp từ Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HN). Trong mắt mình, tuy thuộc lớp người thuộc thế hệ cũ nhưng bà luôn là người phụ nữ rất độc lập, thông minh, cầu tiến, có tư duy cởi mở trước cái mới. Bà là một trong những nguồn động lực lớn lao thúc đẩy mình thi đậu vào trường ta.

    * Ba tính từ có thể mô tả ngắn gọn thời sinh viên độc nhất vô nhị của bạn là… 

    Expansive, challenging và grateful chính là ba tính từ có thể miêu tả ngắn gọn về thời sinh viên của mình ở Bách khoa. Mình xin phép dùng từ tiếng Anh vì chưa thể tìm thấy từ tiếng Việt nào thể hiện trọn vẹn nhất suy nghĩ của mình.

    Expansive: Mình chọn từ này bởi nó đề cập đến sự mở rộng về mọi mặt trong cuộc sống, kể từ khi mình bắt đầu học đại học đến tận bây giờ. Mình đã được mở mang kiến thức chuyên ngành lẫn trái ngành, mở rộng kỹ năng, mở rộng mối quan hệ, và quan trọng nhất là mở rộng tư duy. Trong suốt ba năm vừa qua, tư duy của mình đã thay đổi rất nhiều, về mọi thứ, từ việc sinh hoạt cá nhân, chăm sóc sức khỏe tới chuyện học hành thi cử, cuộc sống hàng ngày.

    Challenging: Đối với mình, môi trường đại học là nơi kết quả học tập của bản thân phụ thuộc vào mức độ chủ động trong việc học và tìm kiếm trải nghiệm chứ không phải phụ thuộc vào sách vở hay giáo trình. Do đó, trong thời đại học, mình luôn cố gắng tham gia nhiều cuộc thi học thuật/ hoạt động trao đổi nhất có thể, từ đó nắm bắt mọi cơ hội để tự học hoặc học hỏi từ những người xung quanh. Theo mình, mấu chốt của việc tham gia các cuộc thi không phải là giành được danh tiếng, giải thưởng mà là chấp nhận thử thách để kiểm tra xem bản thân có thể tự học những gì, áp dụng ra sao, nỗ lực đến đâu và cần cải thiện điều gì.

    Grateful: Có một điều chắc chắn, đó là mình sẽ không thể có được ngày hôm nay nếu không gặp gỡ những con người tuyệt vời trên giảng đường đại học, từ thầy cô đến bạn bè. Tất cả mọi người đã góp phần giúp mình mở mang kiến thức, thay đổi tư duy, định hướng nghề nghiệp… mỗi ngày.

    Khánh Linh (thứ ba, từ phải qua) tham dự Gala Golf Tournament for Start-up do báo Tuổi Trẻ tổ chức.

    * Bạn sẽ dành lời khuyên nào cho các tân sinh viên và thí sinh yêu thích ngành Quản lý Công nghiệp của Bách khoa?

    Vì ngành Quản lý Công nghiệp rất rộng nên các “tân binh” của chúng ta nên xác định rõ ngay từ đầu mình thích mảng nào (tài chính, marketing, sản xuất…) trong ngành Quản lý Công nghiệp, từ đó lựa chọn môn học phù hợp và tập trung tích lũy kiến thức, nâng cao kỹ năng.

    Các bạn có thể chủ động tham gia nhiều khóa học online trên các nền tảng Coursera, Udacity, Linkedin Learning, Harvard Online, Stanford Online, Google Digital Garage… hoặc theo đuổi những khóa ngắn hạn ngoài trường nhằm chủ động đào sâu kiến thức chuyên ngành. 

    Hãy chủ động thử sức trong các cuộc thi lớn nhỏ nhé! Đừng tự ti rằng bản thân chưa có đủ kiến thức. Cuộc thi nào cũng mang đến cơ hội, môi trường để bạn học hỏi nhiều điều bổ ích thay vì trở thành đấu trường khốc liệt để phân định thắng thua. Mình tin rằng, với mindset này, các bạn sẽ nhận được nhiều giá trị tinh thần tuyệt vời bên cạnh giải thưởng từ chính cuộc thi đó.

    Gửi các bạn thí sinh đang chuẩn bị bước vào cánh cửa đại học, cách đây bốn năm, mình cũng vô cùng băn khoăn về quyết định chọn trường, điều chỉnh nguyện vọng cùng hàng trăm thứ khác. Bởi mình biết rằng quyết định này sẽ ảnh hưởng lớn đến tương lai của mình trong nhiều năm tháng về sau. Từ lúc đậu vào chương trình Chất lượng cao ngành Quản lý Công nghiệp của Bách khoa, mình chưa bao giờ hối hận về lựa chọn của bản thân. Mong rằng các bạn sẽ đưa ra những quyết định phù hợp nhất với định hướng, sở thích cá nhân và luôn hết lòng theo đuổi nhé!

    Bài: XUÂN MAI – Hình: Nhân vật cung cấp

    Từ năm 2014, Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) triển khai chương trình Chất lượng cao ngành Quản lý Công nghiệp nhằm cung ứng nguồn nhân lực vững chuyên môn, giỏi ngoại ngữ và có năng lực quản lý tốt.
  • Mã trường: QSB
  • Mã ngành: 223
  • Để hiểu rõ hơn về chương trình này, kính mời quý vị phụ huynh và các em học sinh tìm hiểu thêm thông tin chi tiết tại đây.

    LIÊN HỆ TƯ VẤN
    VP Đào tạo Quốc tế (OISP) – Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM)
    ⓐ Kiosk OISP, Trường ĐHBK, 268 Lý Thường Kiệt, Q.10
    ⓟ (028) 7300.4183 – 03.9798.9798
    ⓔ tuvan@oisp.edu.vn

    Bài trước

    Bài tiếp