Sinh viên chương trình Tăng cường tiếng Nhật kể chuyện du học Nhật Bản

Hành trình du học và tiếp cận với văn hóa xứ sở mặt trời mọc như thế nào? Cùng lắng nghe đôi lời tâm sự của sinh viên chương trình Tăng cường Tiếng Nhật sau một khoảng thời gian sinh sống, học tập tại đây.

Bài viết liên quan
Giải mã sức hút của nghề kỹ sư điện – điện tử tại Nhật
Lý do nên du học Nhật Bản
Hiện thực hóa giấc mơ làm việc tại Nhật với chương trình Tăng cường Tiếng Nhật ngành Điện – Điện tử
► Học Tăng cường Tiếng Nhật ngành Điện – Điện tử: Giấc mơ du học trong tầm tay

NHẬT BẢN – VÙNG ĐẤT ĐỂ HỌC HỎI VÀ TRƯỞNG THÀNH

Châu Tuấn Kiên (sinh viên khóa 11, năm 2016 chương trình Tăng cường Tiếng Nhật ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử) hiện là học viên cao học của Khoa Điện, Điện tử và Công nghệ thông tin, ĐH Công nghệ Nagaoka, đồng thời là thành viên Ban chấp hành Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Nhật.

Anh chàng trải lòng: “Nước Nhật là vùng đất để mình trải nghiệm những điều mới lạ và trưởng thành mỗi ngày. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là khi sang bên này, lần đầu tiên mình chiêm ngưỡng màn trình diễn pháo hoa quy mô lớn ở cự ly gần, kéo dài tới 1-2 tiếng. 

Sinh viên Bách khoa Quốc tế kể chuyện du học Nhật Bản
Tuấn Kiên tham quan Viện Hải dương Thành phố Joetsu.
Tuấn Kiên (hàng ngồi, đầu tiên từ trái qua) cùng các sinh viên Việt Nam khác tại lễ hội Gidai sai do ĐH Công nghệ Nagaoka tổ chức.

Mình lựa chọn Nhật Bản làm điểm đến du học vì: thứ nhất, mình muốn học hỏi phong cách làm việc chuyên nghiệp, chu đáo, ân cần của người Nhật; thứ hai, ở xứ sở hoa anh đào, mình có thể tiếp thu kiến thức chuyên môn bài bản cũng như tiếp cận máy móc, công nghệ tiên tiến nhất; thứ ba, đất nước này có nhiều học bổng, chương trình miễn giảm học phí cùng những chính sách hỗ trợ học tập khác. So với các quốc gia Âu, Mỹ thì cơ hội nhận học bổng và xin miễn giảm học phí ở Nhật cao hơn đáng kể.

Từ tháng 3/2019, mình chuyển tiếp sang ĐH Công nghệ Nagaoka để học tiếp hai năm cuối. Giữa năm Ba, Khoa tiến hành phân ngành (Hệ thống năng lượng và Điều khiển tự động, Linh kiện điện tử và Quang điện tử, Công nghệ thông tin và Viễn thông). Sau đó, tụi mình nhận lab và được giao đề tài nghiên cứu. Trong quá trình này, sinh viên cần tự học, tự tìm tòi và quản lý thời gian hiệu quả. Giảng viên đóng vai trò hướng dẫn chứ không cầm tay chỉ việc từ A đến Z.

Hiện tại, việc học của mình vẫn ổn. Mình không có bí quyết cao siêu gì cả, chỉ đơn giản là cố gắng chú tâm vào công việc của bản thân. Do muốn ở lại xây dựng sự nghiệp nên mình đang tranh thủ tìm việc trước tháng Năm. 

Ở Nhật, sinh viên sẽ chủ động tìm việc từ khi còn ngồi trên giảng đường ĐH. Lúc vừa tốt nghiệp, họ ra đi làm liền, nhờ đó, sẽ không có bất cứ khoảng thời gian thất nghiệp hay gián đoạn nào. Sau khi tìm thấy công việc phù hợp, mình dự định tập trung ôn thi JLPT N1, đồng thời trau dồi tiếng Anh”.

QUÊ HƯƠNG THỨ HAI GHI DẤU NHỮNG TRẢI NGHIỆM ĐẦU ĐỜI

Nguyễn Hữu Thọ (sinh viên khóa 12, năm 2017 chương trình Tăng cường Tiếng Nhật ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử, thành viên Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam, chi hội Niigata) bày tỏ: “Với mình, Nhật Bản như quê hương thứ hai vậy. Đất nước này đã đem tới hàng tá trải nghiệm đầu đời, từ chuyện mua xe hơi để di chuyển, trượt tuyết thả ga tới những chuyến du lịch đầy hứng khởi. Sau một năm gắn bó với nước Nhật, mình nhận thấy bản thân đã trưởng thành hơn rất nhiều.

Có thể cảm nhận rõ nét nền văn hóa Nhật Bản đặc trưng thông qua những bài hát và anime xuất hiện khắp mọi ngóc ngách nơi đây (nhà ga, tàu điện, cửa hàng điện tử…). Một khi đã nhắc tới văn hóa thì không thể bỏ qua vấn đề mà hầu như mọi du học sinh đều từng gặp phải, đó là sốc văn hóa. Lúc mới qua, bạn sẽ dễ bị sốc trước phong cách giao tiếp, cung cách ứng xử cùng các luật bất thành văn của người bản xứ.

Tuy vậy, không quá khó để hòa nhập vô cuộc sống ở Nhật. Theo mình, khó khăn lớn nhất có lẽ là khí hậu đặc thù với lượng tuyết rơi cực lớn vào mùa Đông. Điều này gây cản trở quá trình đi lại hàng ngày. Giải pháp của mình là thi/ đổi bằng lái và di chuyển bằng xe hơi.

Sinh viên Bách khoa Quốc tế kể chuyện du học Nhật Bản
Hữu Thọ (thứ tư từ trái qua) chụp hình kỷ niệm với các đồng môn sau khi vượt qua vòng thi chuyển tiếp sang ĐH Công nghệ Nagaoka.
Sinh viên Bách khoa Quốc tế kể chuyện du học Nhật Bản
Hữu Thọ (thứ ba từ trái qua) và bạn bè ghé thăm cảng Kobe.
Sinh viên Bách khoa Quốc tế kể chuyện du học Nhật Bản
Hữu Thọ (hàng xa màn hình, thứ hai từ phải qua, áo cam) cùng hội bạn tại thủy cung Osaka.

Hồi mới qua Nhật, mình đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ Văn phòng Đào tạo Quốc tế và ĐH Công nghệ Nagaoka trong việc xin visa và hoàn tất thủ tục nhập học. Nói về môi trường học thuật tại trường đối tác, giảng viên luôn tạo điều kiện tối đa về mọi mặt, nhất là kiến thức chuyên ngành và trang thiết bị nghiên cứu. Sau giờ học, sinh viên có thể gởi e-mail thảo luận với thầy cô về những thắc mắc của mình. Đặc biệt, ngoài các môn học chuyên ngành, chương trình đào tạo còn tích hợp những môn học thiên về kinh tế, chính trị, góp phần nâng cao kỹ năng tìm kiếm việc làm.

Hiện tại, mình vừa kết thúc chương trình cử nhân và chuẩn bị học lên thạc sỹ. Điều khác biệt ở ĐH Công nghệ Nagaoka so với những ngôi trường khác là sinh viên có hai lựa chọn khi muốn học tiếp. Một là vượt qua vòng phỏng vấn lên bậc thạc sỹ sau khi hoàn thành đồ án tốt nghiệp như bình thường. Hai là đi thực tập ba tháng rồi học lên cao. Mình theo hướng thứ hai, đó là thực tập lấy kinh nghiệm để bổ trợ công việc tương lai”.

Chương trình Tăng cường Tiếng Nhật là chương trình đào tạo hợp tác quốc tế giữa Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM) và ĐH Công nghệ Nagaoka, Nhật Bản:
  • 2,5 năm đầu học tại Trường ĐH Bách khoa theo chương trình Đại trà (tiếng Việt), tối học tiếng Nhật, địa điểm học tại Cơ sở Q.102 năm cuối chuyển tiếp sang ĐH Công nghệ Nagaoka, học tập hoàn toàn bằng tiếng Nhật, bằng do trường đối tác cấp
Năm 2022, chương trình Tăng cường Tiếng Nhật tuyển 20 sinh viên ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử (mã trường: QSB, mã ngành: 108).

Chương trình không yêu cầu chứng chỉ tiếng Nhật đầu vào. Đây là cơ hội tuyệt vời cho những bạn trẻ mong muốn trải nghiệm môi trường giáo dục chất lượng cao với chính sách hỗ trợ chu đáo. Chi phí tiết kiệm 50% so với du học toàn phần cũng như kinh tế hơn so với du học ở Úc, Mỹ, châu Âu. Thêm vào đó, chương trình còn đem tới cơ hội học tiếp lên bậc thạc sỹ, tiến sỹ. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể sinh sống, làm việc tại Nhật với mức thu nhập tốt.

XUÂN MAI thực hiện – Hình: TUẤN KIÊN, HỮU THỌ

Bài trước

Bài tiếp