Trần Lê Hiển: Theo đuổi ngành Điện – Điện tử để thỏa trí tò mò

Không chỉ là thành viên cốt cán của CLB OSA, anh bạn sinh viên K2017 chương trình Tiên tiến ngành Điện – Điện tử còn sở hữu thành tích học tập đáng nể. Cùng OISP lắng nghe Trần Lê Hiển trải lòng về đời sống sinh viên Bách khoa nha!

Bài viết liên quan
Trò chuyện ngày Tết với cựu sinh viên chương trình Tiên tiến K2015
Thủ khoa Điện – Điện tử K2010 học giỏi để đỡ đần cho mẹ

TRẦN LÊ HIỂN
• Sinh viên K2017 chương trình Tiên tiến ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử
• Cố vấn CLB Đại sứ sinh viên Bách khoa Quốc tế (OSA)
• Học bổng Khuyến khích học tập 4 học kỳ liên tiếp (182-201) (riêng học kỳ 201, Hiển đạt mức học bổng cao nhất với 100% giá trị học phí)
• 40 ngày Công tác xã hội

CHỌN ĐIỆN – ĐIỆN TỬ ĐỂ THỎA MÃN TRÍ TÒ MÒ

Vốn là một người luôn hiếu kỳ về thế giới xung quanh, nhất là cách thức hoạt động của máy tính và các thiết bị điện, mình đã quyết định theo đuổi ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử để thỏa mãn trí tò mò của bản thân. Hơn nữa, mình mong muốn được làm việc và gắn bó với lĩnh vực này trong tương lai.

Theo mình, chương trình Tiên tiến ngành Điện – Điện tử vô cùng thú vị. Khi mới vào trường, mình được học các môn Kỹ năng Mềm và Kỹ năng Xã hội trong học kỳ Pre-University. Những kiến thức ấy cực kỳ hữu ích cho các môn học chuyên ngành, đồng thời góp phần bổ trợ quá trình học tập – nghiên cứu về sau. Trong khi đó, các môn học chuyên ngành cung cấp kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực mà mình đã lựa chọn. 

Một giá trị quan trọng khác mà mình nhận được từ chương trình này chính là tiếng Anh. Việc giao tiếp và thảo luận bài giảng trên lớp hoàn toàn bằng tiếng Anh giúp mình trau dồi kỹ năng giao tiếp, mở rộng vốn từ và làm chủ ngoại ngữ này.

Trí tò mò chính là động lực to lớn thôi thúc mình học hành nghiêm túc và đạt kết quả cao trong học tập. Mình luôn cố gắng học hỏi để hiểu biết cách thức vận hành của thế giới xung quanh, cải thiện cuộc sống của bản thân và giúp đỡ mọi người. 

Bí quyết cân bằng việc học và hoạt động CLB của mình là phân chia thời gian cho từng hoạt động trong ngày một cách hiệu quả. Đối với mình, việc học luôn được ưu tiên hàng đầu. Khi việc học thuận lợi thì những hoạt động khác cũng trôi chảy theo.

TRƯỞNG THÀNH HƠN TỪ KHI VÔ BÁCH KHOA

Trải qua những năm tháng sinh hoạt trong CLB OSA cũng như tham gia nhiều hoạt động sinh viên khác, mình cảm thấy bản thân trưởng thành hơn rất nhiều so với lúc mới vô Bách khoa. Mình đã rèn luyện những kỹ năng mềm cần thiết suốt quá trình học tập, nghiên cứu và tham gia phong trào. 

Bên cạnh đó, mình còn quen biết nhiều người bạn tốt và các tiền bối nhiệt tình. Họ luôn sẵn sàng giúp đỡ mình về mọi mặt. Mối quan hệ tốt đẹp với bạn bè, anh chị chính là lợi thế đặc biệt của mình trong khoảng thời gian tươi đẹp vừa qua.

Một trong những trải nghiệm học tập tuyệt vời nhất của mình tại Trường Đại học Bách khoa chính là các thầy cô luôn tận tình hỗ trợ sinh viên trong việc học. Thầy cô lúc nào cũng khuyến khích tụi mình chăm chỉ lên lớp và tích cực đặt thêm câu hỏi. Trong mỗi bài học, thầy cô đều giảng giải rất chi tiết, dễ hiểu. Nhờ đó, mình có cơ hội lấy được điểm cao trong nhiều môn học.

Trần Lê Hiển (hàng đứng, thứ ba từ phải qua) cùng OSA đạt danh hiệu CLB xuất sắc tại Lễ Tuyên dương Sinh viên năm tốt 2020. – Hình: OISP

NHỮNG NGƯỜI TRUYỀN CẢM HỨNG

Có thể nói, ở Bách khoa, mỗi người thầy, người cô đều truyền cảm hứng cho sinh viên tụi mình. Tuy nhiên, mình nhớ nhất là thầy Nguyễn Trung Hiếu ở phòng lab 203B3. Thầy luôn gợi lên trong mình trí tò mò, say mê về môn học. 

Thầy lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ khi mình cần đến sự trợ giúp trong các môn thầy dạy hoặc những môn liên quan. Thầy và mình đã trao đổi rất nhiều về môn học và một số chủ đề khác nữa. Nhờ sự hỗ trợ của thầy, mình dần có thêm nhiều kiến thức trong quá trình học tập và nghiên cứu tại phòng lab.

Bên cạnh đó, hồi năm Nhất đại học, mình may mắn quen biết hai tiền bối Nguyễn Minh Tường và Chang Ngự Quyền (cựu sinh viên chương trình Tiên tiến ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử, chuyên ngành Viễn thông). Thành tích học tập của hai anh rất đáng hâm mộ. Hai anh đã nhiệt tình chia sẻ toàn bộ kinh nghiệm học tập quý giá cho thế hệ đàn em thông qua cuốn “bí kíp” độc nhất vô nhị ở đường link này.

Nhờ vào những kiến thức được học và sự chia sẻ từ hai anh, mình đã tích lũy thêm rất nhiều kiến thức bổ ích. Sau này, khi hoàn thành chương trình đại học, mình cũng sẽ truyền lại kinh nghiệm của bản thân để giúp đỡ các bạn sinh viên khóa sau.

BA TÍNH TỪ MÔ TẢ THỜI SINH VIÊN

Vui vẻ, đầy năng lượng và áp lực. Những năm tháng học tập tại Bách khoa là khoảng thời gian quý giá và hạnh phúc nhất vì mình đã và đang theo đuổi lĩnh vực mà mình yêu thích. Môi trường học tập – nghiên cứu ở trường mang đến cho mình nguồn năng lượng vô cùng tích cực. Thầy cô và bạn bè xung quanh rất lạc quan, nhiệt tình và sẵn sàng giúp đỡ mình bất cứ khi nào mình gặp phải khó khăn.

Tuy nhiên, môi trường đại học cũng cực kỳ áp lực vì mình phải chạy đua với cả đống deadline môn học, đồ án, công việc CLB hay đôi lúc căng thẳng khi bạn bè đồng trang lứa đạt được nhiều thành tích đáng nể. Những áp lực đó đã luôn thôi thúc mình học tập chăm chỉ, làm việc miệt mài và hoạt động năng nổ nhằm phát triển bản thân cũng như hỗ trợ cộng đồng.

Trần Lê Hiển (áo đỏ, bên trái, gần cây thông Noel) cùng CLB OSA trang trí toà nhà A4 đón Giáng sinh. – Hình: OSA

Bài viết liên quan
Điện tử Viễn thông: Học gì và làm gì?
Thích vi mạch, học Điện – Điện tử hay Kỹ thuật Máy tính?
Ngành Điện – Điện tử: Đa dạng cơ hội nghề nghiệp, thu nhập cao

THÍCH ĐIỆN – ĐIỆN TỬ: HÃY MẠNH DẠN CHỌN BÁCH KHOA

Nếu yêu thích lĩnh vực này, bạn hãy đặt nguyện vọng vào chương trình Tiên tiến ngành Điện – Điện tử của Trường Đại học Bách khoa nha! Mình nghĩ các bạn sẽ không hối hận với quyết định này đâu. Bởi ở nơi đây, môi trường học thuật vô cùng chất lượng và các môn học cực kỳ hấp dẫn. Thầy cô trong khoa sẽ hỗ trợ các bạn hết mình. Vậy nên đừng chần chừ, e ngại nữa nha.

Đối với các bạn tân sinh viên chương trình Tiên tiến, lời đầu tiên, mình xin chúc mừng các bạn đã vượt qua vũ môn thành công và đậu vào ngành học cũng như ngôi trường mà bạn mong muốn. 

Hãy giữ vững niềm đam mê mãnh liệt với Điện – Điện tử. Chắc chắn bạn sẽ gặp phải rất nhiều thử thách chông gai trên con đường học tập – nghiên cứu Kỹ thuật Điện – Điện tử và có thể thỏa sức lý giải từng thắc mắc của bản thân về mọi thứ liên quan đến chuyên ngành. Chúc các bạn có được khoảng thời gian tuyệt vời khi học tập dưới mái trường Bách khoa.

Chương trình Tiên tiến ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử của Trường Đại học Bách khoa (mã trường: QSB, mã ngành: 208) được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Nội dung đào tạo được tham khảo từ chương trình Điện – Điện tử đang vận hành của Khoa Điện & Kỹ thuật Máy tính thuộc ĐH Illinois Urbana-Champaign. Trong quá trình học tập, sinh viên được tiếp cận nguồn học liệu chất lượng cao từ ECE-UIUC và Học viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ).

Nếu dự tính du học, thí sinh có thể tìm hiểu chương trình Chuyển tiếp Quốc tế ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử. Với chương trình này, sau hai năm học tập ở Bách khoa, sinh viên sẽ chuyển tiếp qua một trong các trường đối tác (ĐH Adelaide, ĐH Griffith) theo nguyện vọng.

XUÂN MAI thực hiện

Bài trước

Bài tiếp