SV quốc tế xuất sắc nhất bang Nam Úc: CT Chuyển tiếp Quốc tế là lựa chọn hoàn hảo

Trần Huỳnh Minh Tuấn (cựu SV K2014 chương trình Chuyển tiếp Quốc tế ngành Kỹ thuật Dầu khí) là chủ nhân Giải thưởng SV quốc tế xuất sắc nhất bang Nam Úc cùng hàng loạt danh hiệu khác. Điều gì đã bồi đắp nên thành công rực rỡ của anh chàng này tại xứ sở chuột túi? Cùng OISP khám phá trong bài viết dưới đây nhé!

Bài viết liên quan
Bùi Nguyễn Bảo Trâm: Đậu Y, học Bách, thích thử thách tới cùng
Nguyễn Hoài Tân – Sinh viên ưu tú ngành Kỹ thuật Dầu khí, chương trình Chất lượng cao K2016
Thủ khoa Địa chất Dầu khí K2006: Luôn đặt tính chính xác lên hàng đầu

TRẦN HUỲNH MINH TUẤN
  • Học bổng OISP dành cho tân SV có thành tích đầu vào cao (điểm thi ĐH 2014 khối A1 đạt 24,50)
  • Học bổng Khuyến khích Học tập OISP các học kỳ 151, 152, 161
  • Học bổng của Society of Petroleum Engineers (SPE) cho SV có thành tích học tập xuất sắc năm học 2015-2016
  • Giải Nhất Cúp Bóng đá Mùa Hè xanh 2017 (đội tuyển OISP thi đấu cấp trường)
  • Giải Nhì Cúp Bóng đá OISP 2016 và giải Ba Cúp Bóng đá OISP 2017 (đội tuyển Kỹ thuật Dầu khí)
  • Giải thưởng của Australian School of Petroleum cho SV chuyển tiếp có thành tích học tập xuất sắc
  • Giải thưởng của Australian School of Petroleum dành cho nhóm Honours trình bày xuất sắc nhất
  • Hoàn thành xuất sắc dự án Honours của Công ty Dầu khí Santos về mô phỏng vỉa và xây dựng mô hình dự báo khai thác
  • Được chọn thực tập với vai trò kỹ sư khai thác tại Công ty Dầu khí Santos (11/2018-2/2019)
  • Chủ tịch Hội SV Việt Nam tại Trường ĐH Adelaide
  • Hai lần đạt giải Nhất Cúp Bóng đá Khoa Kỹ thuật, Máy tính và Khoa học Tính toán (2017, 2018)
  • Giải thưởng SV quốc tế xuất sắc nhất Nam Úc (Study Adelaide International Student Awards)
  • Nghiên cứu sinh tiến sỹ tại The University of Adelaide
  • QUYẾT ĐỊNH ĐÚNG ĐẮN VỚI CHƯƠNG TRÌNH CHUYỂN TIẾP QUỐC TẾ

    Khi còn học lớp 12, mình thường đắn đo trước nhiều câu hỏi như: Mình nên theo học ngành nào? Đâu là ngôi trường phù hợp nhất với mình? Liệu tấm bằng đại học có giúp mình tìm được công việc tốt và thuận lợi thăng tiến trong sự nghiệp? Làm thế nào để săn được học bổng du học?

    Sau một khoảng thời gian suy nghĩ và cân nhắc kỹ lưỡng, mình đã đưa ra một trong những quyết định đúng đắn nhất cuộc đời. Đến tận bây giờ, mình vẫn luôn cảm thấy tự hào khi tự giới thiệu bản thân rằng mình là Trần Huỳnh Minh Tuấn, cựu sinh viên K2014 ngành Kỹ thuật Dầu khí của Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM). 

    Hiện tại, mình đã có hơn một năm kinh nghiệm làm kỹ sư dầu khí tại Úc và đang là nghiên cứu sinh tiến sỹ tại University of Adelaide danh tiếng (top 8 đại học hàng đầu nước Úc và top 100 của thế giới).

    Đối với một đứa thích du học như mình, chương trình Chuyển tiếp Quốc tế của Trường Đại học Bách khoa thực sự là một sự lựa chọn hoàn hảo. Hai năm đầu, mình học tập tại Việt Nam và hai năm cuối chuyển tiếp sang trường đối tác ở Úc. Trong hai năm đầu, tụi mình không chỉ được học các môn đại cương và các môn chuyên ngành bằng 100% tiếng Anh mà còn được thầy cô khuyến khích trau dồi nhiều kỹ năng mềm cùng tư duy phản biện. 

    Nhờ đó, vốn từ vựng của mình được cải thiện nhanh chóng. Bên cạnh đó, nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích như: cắm trại, thi đấu thể thao, câu lạc bộ, cuộc thi startup/ ý tưởng sáng tạo. Hai năm đầu tiên ở Việt Nam là khoảng thời gian vô cùng đáng nhớ. Đây cũng chính là giai đoạn chuyển đổi quan trọng giúp mình tập sống tự lập và có thể dễ dàng thích nghi với cuộc sống sinh viên trước khi ra nước ngoài du học.

    GẶT HÁI NHỮNG THÀNH QUẢ NGỌT NGÀO ĐẦU TIÊN

    Đầu năm 2017, mình chuyển tiếp sang University of Adelaide ở thành phố Adelaide (bang Nam Úc) để hoàn thành hai năm cuối đại học. Chương trình 2 + 2 đã góp phần giảm đi gánh nặng tài chính cho gia đình mình, đồng thời mang đến bước đệm vững chắc giúp mình bắt kịp các môn học chuyên ngành ở Úc.

    Trần Huỳnh Minh Tuấn (giữa) nhận giải thưởng Sinh viên quốc tế xuất sắc nhất Nam Úc vào năm 2018.

    Môi trường học tập nơi đây rất thân thiện, cởi mở. Mình được thực hiện các dự án nghiên cứu với những sinh viên đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Các thầy cô luôn ủng hộ và giúp đỡ du học sinh nhiệt tình. Trong suốt quá trình học tập tại xứ sở chuột túi, trình độ tiếng Anh, kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm và quản lý thời gian của mình được nâng cao đáng kể. Bên cạnh thời gian tự học và nghe giảng trên lớp, mình còn đi làm part-time nhiều ngành nghề khác nhau, đồng thời tích cực tham gia hàng loạt hoạt động sinh viên nhằm phát triển bản thân và tích lũy kinh nghiệm.

    Cuối năm 2018, mình tốt nghiệp loại Giỏi (First Class Honours) và may mắn đạt được một vài giải thưởng khác nhau như: StudyAdelaide’s International Student Award, Cooper Energy/ Playford Trust Scholarship, Adelaide Graduate Award…. 

    Đặc biệt, mình đã nhận học bổng tiến sỹ toàn phần từ University of Adelaide. Nhờ đó, mình có thể tự tin theo đuổi đam mê nghiên cứu và giảng dạy của bản thân. Trong chương trình này, nghiên cứu sinh phải thực hiện một đề tài nghiên cứu cụ thể trong vòng 3-3.5 năm, đồng thời hoàn thành 3-4 bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín.

    BA BÍ QUYẾT HỌC TẬP

    Theo mình, để đạt được thành tích học tập tốt, sinh viên cần trang bị kỹ năng tự học. Ở môi trường đại học, không ai ép buộc bạn học hành chăm chỉ hoặc soạn sẵn đề cương cho bạn ôn tập. Người học phải chủ động lập ra kế hoạch chi tiết, đồng thời thúc đẩy bản thân tự giác thực hiện nhằm đạt được mục tiêu của mình. 

    Sinh viên ở bất cứ ngành nghề nào cũng cần rèn luyện tính tò mò đối với thế giới xung quanh và biết cách đặt ra những câu hỏi đúng. Trong thời đại 4.0, việc tự học trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết khi bạn có thể tiếp cận nhiều nguồn tài liệu, từ đó tích lũy kiến thức cơ bản lẫn nâng cao. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa đủ. 

    Muốn học tập – làm việc hiệu quả, sinh viên cần mài giũa kỹ năng tự đánh giá (đánh giá bản thân, đánh giá tiến trình, kết quả và phương pháp mà bạn đang áp dụng). Từ đó, nhìn nhận vấn đề sâu sắc, phân tích toàn diện, phát huy ưu điểm và khắc phục nhược điểm khi đối mặt với mọi thách thức.

    Bài viết liên quan
    Dầu khí – khát nguồn nhân lực chất lượng cao
    Cơ hội nghề nghiệp đa dạng cho kỹ sư dầu khí
    Dầu khí Bách khoa: Đẩy mạnh hoạt động phân khúc hạ nguồn và năng lượng bền vững

    CƠ HỘI NGHỀ NGHIỆP RỘNG MỞ Ở XỨ SỞ CHUỘT TÚI

    Úc là một trong những quốc gia có dân số thấp trong khi nền kinh tế vô cùng phát triển. Do đó, đất nước xinh đẹp này luôn thiếu hụt lực lượng lao động trong ngành kỹ thuật và du học sinh quốc tế chính là nguồn nhân lực chất lượng cao thiết yếu của nơi đây. So với các tiểu bang lớn khác như Victoria hay New South Wales, tiểu bang Nam Úc cởi mở hơn với nhiều chương trình khuyến khích định cư dành cho sinh viên quốc tế, đặc biệt là những bạn trẻ tốt nghiệp loại Khá, Giỏi. 

    Trần Huỳnh Minh Tuấn (thứ hai, từ phải qua) rạng rỡ chụp hình cùng bạn bè quốc tế tại tòa nhà Chính phủ Úc.

    Nhờ môi trường học tập lý tưởng cùng khả năng định cư cao, trong những năm gần đây, Nam Úc luôn là một trong những điểm đến hàng đầu của sinh viên nước ngoài hoặc sinh viên từ những tiểu bang khác. 

    Không chỉ dừng lại ở đó, thị trường việc làm tại Úc cũng rất đa dạng và chứa đựng nhiều tiềm năng phát triển, nhất là những ngành cần nguồn nhân lực trình độ tay nghề cao như: kỹ thuật, y tế, công nghệ thông tin. Ở đây, cơ hội nghề nghiệp dành cho sinh viên ngành Kỹ thuật Dầu khí luôn phong phú và rộng mở. 

    Bên cạnh các lĩnh vực truyền thống (khai thác dầu, khai thác khí), các bạn trẻ có thể làm việc trong những lĩnh vực liên quan như: địa nhiệt (geothermal), năng lượng hydrogen, thu hồi và lưu trữ carbon (carbon capture & storage), khai khoáng (mining) và dữ liệu thông tin (data analysis, data science).

    Hiện tại, mình đang nghiên cứu về một công nghệ bơm ép thủy lực mới, hướng đến quá trình khai thác dầu khí một cách bền vững và thân thiện hơn với môi trường (sustainable hydraulic fracturing). Mỗi khi rảnh rỗi, mình thường đọc thêm sách báo chuyên ngành về nhiều chủ đề khác nhau cũng như tự học một số ngôn ngữ lập trình nhằm phục vụ công việc phân tích và báo cáo dữ liệu.

    Nếu có câu hỏi có bất cứ câu hỏi nào liên quan đến lĩnh vực triển vọng này, bạn hãy liên hệ với mình qua:

    Bài, hình: TRẦN HUỲNH MINH TUẤN

    Nhằm cung ứng nguồn nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực dầu khí, Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) đã triển khai chương trình Chất lượng cao và Chuyển tiếp Quốc tế ngành Kỹ thuật Dầu khí (mã trường: QSB, mã ngành: 220) từ năm 2013 đến nay, cụ thể:
  • Chương trình Chất lượng cao ngành Dầu khí: giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, số lượng tín chỉ và nội dung môn học được tham khảo từ chương trình đào tạo của các đại học Mỹ, Úc uy tín như Texas Tech University, University of California San Diego (Mỹ), The University of Adelaide (Úc)… Sinh viên được khuyến khích nghiên cứu khoa học từ sớm, tiếp xúc thường xuyên với những tài liệu chuyên ngành mới nhất cũng như tham gia thực tập, kiến tập ở các công ty, tập đoàn dầu khí hàng đầu Việt Nam.
  • Chương trình Chuyển tiếp Quốc tế ngành Dầu khí: hợp tác đào tạo cùng The University of Adelaide (Úc). Nội dung giảng dạy là sự kết hợp hài hòa của khoa học địa chất (vỉa tích hợp, mô hình vỉa, mô hình địa chất, kỹ thuật khoan và khai thác…) với khoa học quản lý thông qua việc thực hiện các dự án nghiên cứu thực tế

  • Chương trình đào tạo trong 4 năm, chia thành 2 giai đoạn với 8 học kỳ chính khóa:
  • Giai đoạn 1 (2-2,5 năm đầu), sinh viên học tập tại Cơ sở Lý Thường Kiệt dưới sự giảng dạy của đội ngũ giảng viên giỏi thuộc Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí.
  • Giai đoạn 2 (2 năm cuối), sinh viên chuyển tiếp sang The University of Adelaide nếu thỏa mãn điều kiện về tài chính, tiếng Anh và kết quả học tập.

  • LIÊN HỆ TƯ VẤN
    VP Đào tạo Quốc tế (OISP) – Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM)
    ⓐ Kiosk OISP, Trường ĐHBK, 268 Lý Thường Kiệt, Q.10
    ⓟ (028) 7300.4183 – 03.9798.9798
    ⓔ tuvan@oisp.edu.vn

    Bài trước

    Bài tiếp