Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
tuvan@oisp.edu.vn

Du học sinh làm trợ giáo – dễ hay khó?

Ở Việt Nam, khi nhắc đến từ “trợ giảng” hay “trợ giáo”, chúng ta vẫn thường nghĩ đến những bạn đã tốt nghiệp cử nhân hoặc thạc sỹ. Tuy nhiên, tại một số trường đại học ở nước ngoài, công việc “trợ giáo” luôn mở rộng cửa chào đón các bạn sinh viên học tập tốt tại trường. Cùng trò chuyện với anh bạn du học sinh trẻ tuổi đang làm trợ giáo tại ngôi trường danh giá – Đại học Queensland, Brisbane, Úc.

ĐÔI NÉT VỀ ANH CHÀNG TRỢ GIÁO

Thành tích tại Đại học Queensland:

  • 5 học kỳ liên tiếp nhận được Dean’s Commendation for Academic Excellence;
  • Là thành viên của EAIT Scholars (top 25 học sinh có thành tích cao nhất tại trường);
  • Top 5 trợ giảng có điểm đánh giá cao nhất trường (SETutor 5/5);

Hiện tại, Dương Bá Lượng đang làm việc tại trường, ở vị trí trợ giáo của PGS. TS. Dan Kim (Khoa Kỹ thuật, Kiến trúc và Công nghệ Thông tin).

* Chào em, trợ giáo là một thuật ngữ khá mới mẻ đối với chúng ta, em có thể giải thích thêm về vai trò này?

Trợ giáo có nghĩa là trợ lý của giáo sư. Đối với chương trình giáo dục đại học tại Úc và Mỹ, trong một tuần, một môn học sẽ có khoảng ba phiên học, bao gồm buổi học hội giảng (lecture), buổi học hướng dẫn (tutorial) và buổi học thực hành (practical hoặc workshop). 

Giáo sư của môn học đó sẽ điều phối lecture (tức course coordinator), còn tutorial và practical sẽ được các trợ giảng hỗ trợ dưới sự chỉ đạo của giáo sư. Ngoài ra, có một dạng trợ giáo khác là thay đổi/ thiết kế lại môn học dựa vào bảng báo cáo đánh giá khoá học của học sinh trong mùa trước (hay chúng em thường hay gọi là SECaT), chấm bài tập, bài thi… Vậy nên, cách dễ nhất là gọi chung cho tất cả vị trí trên là tutor (hay ngắn gọn là trợ giáo).

Một buổi học thực hành tại Đại học Queensland, Úc

* Hiện tại, em đang là sinh viên và việc học cũng khá nhiều áp lực. Vậy công việc tutor tại một trường đại học ở Úc có khó khăn với em không?

Thực sự em rất hạnh phúc khi được đảm nhận vị trí này. Công việc không chỉ không gây khó khăn cho em mà còn giúp em rèn luyện nhiều kiến thức và kỹ năng. Trong khoảng hơn hai năm đi làm, mỗi ngày thức dậy đều là một niềm vui đối với bản thân. Trong thời điểm đại dịch COVID-19, các giáo sư và tutor chúng em đang dốc toàn lực để điều chỉnh nội dung chương trình học.

Để thích nghi với tình hình dịch bệnh, chúng em đã thay đổi rất nhiều nội dung môn học và bài tập nhằm giúp sinh viên tiếp thu đầy đủ kiến thức và kỹ năng cho dù họ đang ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới. Với những kỹ năng mềm đã được tích lũy ở OISP, em rất tự tin trong việc lên kế hoạch nhóm, thực thi dự án và viết báo cáo dự án. Những bản báo cáo đều được viết theo tiêu chuẩn mà em đã được học từ EAP Module trong OISP nên mọi chuyện không khó khăn lắm.

Một buổi thử nghiệm thiết lập máy tính cho buổi học chính thức

* Sau hai năm làm tutor, em đã học được kinh nghiêm và kỹ năng nào từ vị trí này?

Lúc bắt đầu với vị trí này, điều đầu tiên em học được chính là SỰ CHUYÊN NGHIỆP. Dường như trong vô thức, em đã tạo nên một chuẩn mực trong công việc, khi mà lên lớp, em luôn tự tin giao tiếp với hàng chục/ hàng trăm sinh viên. Hơn nữa, em nhận ra sự kết nối mật thiết giữa học trò và thầy cô. Trong quá trình điều hành các lớp hướng dẫn và thực hành, sinh viên rất nghiêm túc và làm việc hết mình để hiểu ngọn ngành vấn đề, và họ không ngần ngại hỏi những gì mà họ cảm thấy không rõ hay chưa hiểu.

Điều thứ hai em cảm nhận được khi làm việc tại Úc chính là SỰ ĐỘC LẬP. Cho dù đó là công việc cá nhân hay làm việc nhóm, các sinh viên, trợ giáo hay là giáo sư đều tự hoàn thành tốt công việc của mình mà không cần đến bất cứ sự trợ giúp nào. Nếu đó là một công việc nghiên cứu, họ thường đến thư viện của trường và đào sâu tìm hiểu. Sau đó, sinh viên sẽ liên lạc với tutor để xin những lời khuyên cho những vấn đề ấy.

Điều cuối cùng mà em học được đó chính là SỰ TRUNG THỰC. Đó không chỉ là tính trung thực trong công việc mà còn là tính trung thực trong học thuật. Em đánh giá rất cao những kiến thức được truyền thụ từ những người đi trước. Dựa vào đó, chúng ta có thể tìm thấy nguồn cảm hứng, ý tưởng và áp dụng vào môn học hiện tại. Tất nhiên, bạn phải ghi tên họ vào bài làm như một lời tri ân. Mà đôi khi, đó lại chính là một tiêu chuẩn. Nếu em không trung thực thì làm sao em có thể làm gương cho học sinh của mình được?

Lượng (thứ tư từ trái qua) trong dự án CROISSANT, nuôi thú ảo bằng việc tập thể dục và ăn uống lành mạnh

* Vượt qua tất cả khó khăn, công việc này mang cho em những cơ hội cụ thể nào?

Rất nhiều luôn ạ. Em đã được gặp gỡ nhiều người và tiếp thu những nền văn hoá ở nhiều nơi trên thế giới.

Đầu tiên phải kể đến, đó là em có thể theo đuổi đam mê nghiên cứu của mình và làm việc với rất nhiều giáo sư, tiến sĩ giỏi của trường. Đó là một niềm vinh dự và cơ hội để em tích lũy kiến thức mỗi ngày.

Thứ hai, nhờ vào những chương trình trao đổi của Đại học bang Queensland, em được tạo điều kiện để nghiên cứu và học thêm tiếng Trung với các sinh viên của Đại học Quốc gia Đài Loan. Không dừng lại ở đó, lúc làm việc cùng các bạn, em càng cảm thấy bản thân tích cực hơn và học hỏi nhiều điều từ các sinh viên giỏi. Đây là nguồn động lực thúc đẩy em tìm tòi và phát triển kiến thức của mình.

Ngoài ra, trường còn tổ chức nhiều workshop về kỹ năng mềm, kỹ năng quản lý và sử dụng phần mềm và cả những khoá học miễn phí cho nhân viên của trường nữa. Vì vậy, em có dịp gặp gỡ và kết giao với nhiều bạn bè, đồng nghiệp quốc tế.

Khi đảm nhận công việc này, em như đang đi trên lối đi bộ của toà Forgan Smith (toà đầu tiên của trường – hình bên trái). Lối đi tuy nhìn sâu hút nhưng luôn có ánh sáng và cơ hội.

* Em có lời khuyên nào cho các tân sinh viên sắp chuyển tiếp hoặc đang học tại trường không? Em sẵn sàng tư vấn cho tân sinh viên về các môn học chứ?

Tất nhiên rồi. Vì em đang theo mảng mạng máy tính và an toàn thông tin nên nếu các bạn học về mảng này sẽ gặp em nhiều lắm ạ. Các bạn đang sống trong thời kỳ thông tin bùng nổ mạnh mẽ và phát triển liên tục. Do đó, khi quyết định đi du học, các bạn cần phải tìm hiểu kỹ lưỡng mọi thứ về đất nước đó, nhất là văn hóa.

Theo em, thời gian đầu học tập ở Đại học Bách khoa chính là giai đoạn tiền đề để các bạn tìm hiểu và định hướng con đường du học của mình. Mong các bạn hãy rút kinh nghiệm từ câu chuyện của em. Do yêu thích nước Mỹ nên ngay từ năm Nhất, em đã tự làm hồ sơ qua Mỹ một thời gian. Tuy nhiên, sau đó, em cảm thấy bản thân chưa thực sự phù hợp với phong cách sống bên đó. Thế nên, em quyết định chuyển hướng sang Úc. May mắn là các anh chị OISP đã luôn đồng hành cùng em trong giai đoạn khó khăn ấy. Nhờ vậy, em mới tự tin có được ngày hôm nay.

Cuối cùng, em muốn nhắn nhủ đến các bạn rằng “Nếu bạn có niềm đam mê hay ước mơ về một thứ gì đó, hãy cố gắng theo đuổi cho dù bạn thất bại bao nhiêu lần đi chăng nữa. Quyết tâm ấy sẽ giúp bạn mạnh mẽ hơn trong hành trình chạm tới đam mê của mình.”

“WHAT DOESN’T KILL YOU MAKE YOU STRONGER!” chính là câu châm ngôn em luôn tự nhắc nhở bản thân.

* Cảm ơn em về cuộc trò chuyện này. Em là một chàng trai rất tích cực và giàu năng lượng. Chúc em gặt hái được nhiều thành công trên con đường học vấn và sự nghiệp tương lai nhé!

Bài: HOÀNG ANH
Hình: DƯƠNG BÁ LƯỢNG

Bài trước

Bài tiếp