Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
tuvan@oisp.edu.vn

Giá trị của giấc mơ du học

Có nên bỏ lại sau lưng tất cả ở Việt Nam để đi du học? Liệu điều đó có đáng hay không? Câu trả lời là ĐÁNG nếu như bạn biết rõ được mục đích của việc du học là gì và lên kế hoạch cẩn thận, kỹ lưỡng.

Bài viết liên quan
Các bước lập kế hoạch du học
Hành trang lên đường: Du học sinh cần chuẩn bị những gì?
Các chi phí không thể tránh khỏi khi du học Úc

Hình: Freepik

Du học là xu hướng mới trong lĩnh vực giáo dục, đang được nhiều bạn trẻ và gia đình ưu tiên lựa chọn trong những năm gần đây. Bằng cách trải nghiệm và khám phá thế giới, người trẻ có thể tiến xa trên con đường hội nhập văn hóa quốc tế.

Du học giống như việc bạn đầu tư rất nhiều tiền của vào một món hàng xa xỉ. Bạn phải đắn đo suy nghĩ xem mình sẽ sử dụng món hàng ấy cho mục đích nào, nó mang đến những lợi ích gì, có tôn lên giá trị bản thân hay không. Nếu bạn hấp tấp chọn mua nhưng rồi “cả thèm chóng chán” thì đến một lúc nào đó, món hàng ấy cũng hóa thành vô dụng và bạn chẳng nhận được gì từ nó cả.

Việc quyết đinh đi du học cũng vậy. Bạn mua nó với mục đích gì? Bạn đã lên kế hoạch chi tiết hay chưa? Mục đích và kế hoạch giống như chiếc la bàn, giúp bạn xác định chính xác vị trí của mình và nhắc nhở bạn tìm ra đích đến mỗi khi bạn lầm đường lạc lối. Đừng vội vàng từ bỏ mọi thứ ở Việt Nam để đi sang một đất nước xa lạ nếu chỉ đem lòng yêu thích nhất thời, không có một mục tiêu dài hạn hay dự định cụ thể.

DU HỌC ĐỂ LÀM GÌ?

Dựa trên những thông tin mình thu thập được từ một số buổi trò chuyện với những người trong cuộc, nhìn chung, các bạn sinh viên mong muốn đi du học vì hai mục đích chính:

Đi du học để nâng cao kiến thức, thử thách bản thân cũng như giao lưu văn hoá với bạn bè thế giới

Thông thường, tùy thuộc vào ngành học, các du học sinh sẽ lựa chọn trao gửi giấc mơ du học ở những quốc gia tiên tiến như: Mỹ, Úc, New Zealand, Canada, Anh, Nhật… Đây là những đất nước có nền giáo dục uy tín bậc nhất thế giới với hàng loạt ngôi trường danh giá. Các bạn có thể thỏa sức học tập – nghiên cứu về mọi lĩnh vực bản thân yêu thích mà không hề tồn tại bất cứ giới hạn nào cả.

Hình: Freepik

Tuy nhiên, vào một số thời điểm, khối lượng kiến thức bài vở, bài tập (assignments), bài tập lớn/ nhóm (group projects) quá lớn, vấn đề sốc văn hóa, rào cản ngôn ngữ hoặc rắc rối cá nhân nào đó sẽ tạo nên áp lực quá lớn, khiến bạn tạm thời chùn bước, thậm chí bỏ cuộc. Ngoài ra, trong quá trình sinh sống ở một đất nước xa lạ, đôi lúc bạn sẽ đánh mất hứng thú với việc học, đi làm thêm “chui” quá nhiều hoặc bị sao lãng bởi tiệc tùng, bè bạn…

Có thể thấy rằng, chuyện đi du học như một con dao hai lưỡi. Một bên là vươn ra biển lớn, hai là tụt dốc không phanh. Vì vậy, trước khi ra nước ngoài học tập, bạn cần nhận thức đúng đắn về mục đích của mình, từ đó lập ra kế hoạch cụ thể và toàn tâm toàn ý theo đuổi đến cùng.

Đi du học để được định cư ở nước ngoài

Ở lại làm việc sau khi du học là con đường định cư hợp pháp bên cạnh diện định cư nhờ sự bảo lãnh của người thân hoặc đầu tư kinh doanh. Thế nhưng, không phải mọi quốc gia đều cấp thị thực để sinh viên quốc tế ở lại sau khi tốt nghiệp.

Nếu có nguyện vọng định cư ở một quốc gia nào đó ngay từ đầu, trước khi du học, bạn cần tìm hiểu thông tin cặn kẽ về vấn đề này. Hãy chắc chắn rằng đất nước bạn đang hướng đến sẽ cho phép du học sinh ở lại sau khi hoàn thành khóa học.

Hình: Freepik

Chẳng hạn, hiện tại, nước Úc vẫn đang triển khai chính sách thu hút người dân nhập cư thông qua con đường du học, đi làm, đầu tư kinh doanh… Xứ sở chuột túi bao gồm những thành phố lớn như: Sydney, Melbourne, Brisbane… và những vùng regional như: Perth, Adelaide, Gold Coast… Tại thành phố lớn, bạn sẽ phải liên tục cạnh tranh và không ngừng nỗ lực để có được PR (Permanent Resident). Ngược lại, bạn có thể dễ thở hơn nhiều nếu quyết định an cư lạc nghiệp ở những vùng regional.

Tuy nhiên, để được tiểu bang bảo lãnh, bạn cần thỏa mãn đầy đủ điều kiện về ngành học, thời gian sinh sống… Các tiêu chí đánh giá phụ thuộc vào từng vùng cụ thể với những luật lệ khác nhau. Bạn hãy tham khảo website chính thức của từng vùng để nắm vững thông tin cần thiết nhé!

Việc định cư tại một quốc gia nào đó trong suốt quãng đời còn lại luôn là một trong những quyết định quan trọng nhất cuộc đời mỗi người. Thế nên, bạn cần nghiên cứu cẩn thận và xây dựng kế hoạch rõ ràng trước khi lên đường.

GIÁ TRỊ CỦA GIẤC MƠ DU HỌC

Mỗi lựa chọn của chúng ta đều gắn liền với những ý nghĩa khác nhau. Câu chuyện du học cũng vậy. Cuộc đời này ngắn lắm. Cứ nghĩ to, ước lớn bởi không ai đánh thuế ước cả, đúng không nào?

Hình: Freepik
  • Du học tạo ra cơ hội cho chúng ta tiếp xúc với những điều mới mẻ, hòa nhập vào một nền văn hóa khác, học tập – làm việc hoàn toàn độc lập và kết giao với bạn bè thế giới. Những trải nghiệm thú vị ấy sẽ ghi tạc những dấu ấn đậm nét trong hồi ức của mỗi du học sinh.
  • Du học là một hành trình dài đằng đẵng và đầy cam go. Bạn buộc phải xoay sở mọi thứ khi chỉ còn lại một mình trên đất khách quê người, không có gia đình hỗ trợ, không có bạn bè kề bên. Hân hoan có, tự hào có nhưng đâu đó vẫn phảng phất nỗi trống vắng, nhớ nhà trong một vài khoảnh khắc bất chợt. Thế nhưng, đồng thời, bạn cũng được tôi luyện mỗi ngày để trở nên mạnh mẽ, kiên cường, có thể đứng vững trên đôi chân của mình và ghi điểm một cách thuyết phục với gia đình và xã hội.
  • Du học có thể biến bạn trở thành một cá nhân đột phá. Sự đột phá của bản thân dần dần hình thành và bộc lộc thông qua những năm tháng miệt mài học tập ở nước ngoài. Nếu tập trung và nỗ lực, bạn sẽ vượt xa kỳ vọng của chính mình. Khi chính thức bước vào thế giới rộng lớn ngoài kia, chúng ta bắt đầu thay đổi tư duy học tập – làm việc, từ đó điều chỉnh cách nhìn nhận cuộc sống và xử lý vấn đề. Trong tương lai, mỗi người sẽ dấn thân vào một lối đi riêng. Và việc đắm mình trong một nền giáo dục chất lượng chính là chất xúc tác diệu kỳ góp phần định hình phong cách của chính ta.

Hy vọng, thông qua bài viết này, bạn đã có thêm một góc nhìn mới mẻ về con đường du học phía trước, cũng như hiểu rõ tầm quan trọng của việc xác định mục tiêu và xây dựng chiến lược phát triển tương lai. Chúc bạn luôn thành công, may mắn trên con đường theo đuổi ước mơ của mình!

Bài: BÍCH HẰNG

Bài trước

Bài tiếp