Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
tuvan@oisp.edu.vn

Chuyến thực tập hè tại Nhật đáng giá của SV Bách khoa Nhật ngữ

Trở về sau chuyến đi hai tháng tại Niigata và Tokyo (Nhật Bản), hành trang đem về của mỗi sinh viên Định hướng Nhật Bản K2020 là những kinh nghiệm và kỷ niệm vô giá.

Bảy sinh viên K2020 chương trình Định hướng Nhật Bản, ngành Khoa học Máy tính (đeo thẻ) tham gia thực tập hè tại Nhật cùng chụp hình lưu niệm với ông Isoda Tatsunobu (mặc vest) – Thị trưởng TP. Nagaoka, tỉnh Niigata.

TRAU DỒI KIẾN THỨC CHUYÊN MÔN VÀ RÈN LUYỆN TÍNH TỰ LẬP, CHỦ ĐỘNG

Là một trong những sinh viên có thành tích GPA xuất sắc nhất K2020 chương trình Định hướng Nhật Bản, Bùi Tiến Trường Sơn cho biết mình đã trải qua những ngày thực tập đáng nhớ tại công ty IBSystem (TP. Niigata, tỉnh Niigata). Đáng nhớ vì cậu bạn được làm việc cùng những kỹ sư người Nhật giàu kinh nghiệm và chuyên nghiệp, tận tình cầm tay dẫn bước các bạn hoàn thành từng dự án được giao. 

Trường Sơn (thứ ba từ phải qua) rạng rỡ bên các bạn đồng khóa.

Dự án tiêu biểu nhất mà nhóm Sơn đảm nhận là thiết kế hai ứng dụng trên robot Temi (robot thông minh có khả năng di chuyển, giao tiếp và tương tác với con người), một là ứng dụng đặt món ăn trong nhà hàng (sử dụng màn hình cảm ứng trên robot và thiết bị di động), hai là chatbot để giao tiếp và điều khiển robot Temi bằng giọng nói. Niềm tự hào của nhóm không chỉ nằm ở những kiến thức và kỹ năng mới về lập trình, thiết kế, quản lý và giao tiếp, mà còn ở những phản hồi tích cực từ công ty, các thầy cô tại Đại học Công nghệ Nagaoka (NUT) về thành quả mà các bạn đạt được.

Bên cạnh đó, Trường Sơn còn được trải nghiệm cuộc sống và văn hóa bản xứ từ người thật, việc thật. Lần đầu tiên cậu bạn phải tự lập trong mọi việc từ nấu ăn, đi chợ đến giặt đồ, dọn dẹp… nhưng đây cũng là cơ hội để Sơn rèn luyện tính kỷ luật và chủ động sắp xếp cuộc sống của mình. Nhờ giao tiếp hàng ngày với người bản xứ, Sơn cũng cải thiện thêm khả năng tiếng Nhật, học hỏi những khía cạnh tích cực trong tính cách của người Nhật như sự lịch sự, tử tế, cẩn thận và chăm chỉ.

Tự bay tới Nhật, tự học cách tra tàu điện và shinkansen (tàu siêu tốc), tự sắp xếp cuộc sống của mình giúp nhóm Sơn trưởng thành hơn sau hai tháng thực tập ngắn ngủi.

Với Sơn, điều tuyệt vời nhất khi đến Niigata vào mùa hè là được chiêm ngưỡng lễ hội pháo hoa Nagaoka – một trong những lễ hội pháo hoa hoành tráng nhất Nhật Bản. Các bạn cũng không quên tranh thủ tham quan các địa điểm nổi tiếng ở Niigata lẫn Tokyo như Asakusa, Shibuya hay Akihabara – thánh địa của fan anime, nơi có nhiều cửa hàng bán đồ chơi, game, manga và cosplay.

Những chuyến dã ngoại vào dịp cuối tuần là cơ hội để Sơn (thứ ba từ phải qua) khám phá thêm từng ngóc ngách của nước Nhật xinh đẹp.

“Mình thật sự rất biết ơn Bách khoa, NUT cùng công ty IBSystem đã cho mình cơ hội thực hiện ước mơ ấp ủ từ lâu. Cảm ơn Toàn – bạn cùng nhóm thực tập của mình, cũng như tất cả những người đã đồng hành và giúp đỡ mình trong suốt thời gian qua. Mình tin rằng những kinh nghiệm và kỷ niệm này sẽ mãi là một phần quan trọng trong cuộc đời mình. Hy vọng một ngày nào đó mình có thể quay lại Nhật Bản để tiếp tục khám phá và học hỏi thêm nhiều điều mới” – Trường Sơn bộc bạch.

TỪ MƠ HỒ VỀ TƯƠNG LAI ĐẾN TIN TƯỞNG BẢN THÂN, CÓ THÊM NHỮNG NGƯỜI BẠN MỚI 

Còn đối với Nguyễn Duy Tuấn Phong, khoảng thời gian ở Nhật vừa qua là dịp để cậu bạn suy ngẫm và nhìn nhận về bản thân mình. 

Lần đầu tiên đặt chân đến Nhật, không ít lần Tuấn Phong phải đối mặt với những khó khăn từ khách quan tới chủ quan. Khởi đầu của cả nhóm không mấy suôn sẻ khi chuyến bay gặp thời tiết xấu nên hạ cánh trễ, cộng thêm việc các bạn không nắm rõ quy định về nhập cảnh, lạc đường, mua nhầm vé tàu… khiến cho lịch trình buổi chiều sau đó cũng bị đảo lộn. Tiếp đến là sự khác biệt về văn hóa, thời tiết và lối sống ở Nhật khiến đôi lúc Phong cảm thấy không hợp, chỉ muốn quay về Việt Nam – nơi có gia đình và bạn bè chờ. Có những đêm cậu bạn không ngủ được vì nỗi nhớ nhà và những suy nghĩ tiêu cực xâm chiếm. Nhưng khi mọi thứ đi vào quỹ đạo, Phong tự nhủ mình phải cố gắng vượt qua, sẵn sàng cho tâm thế chinh phục những thử thách mới. 

Tuấn Phong (hàng đầu, thứ ba từ trái qua) và các bạn cùng khóa tham gia buổi gặp gỡ Thị trưởng TP. Nagaoka tại City Hall Plaza Aore Nagaoka.

Thông qua việc học hỏi từ những đàn anh đàn chị trong công ty, từ cuộc sống của người dân Nagaoka, Phong càng thêm yêu thích tiếng Nhật, mong muốn có thể đi nhiều hơn, hiểu nhiều hơn về đất nước Mặt trời mọc. Cậu bạn tâm sự: “Trước khi đến Nhật, mình chưa thật sự tự tin vào con đường tương lai, nhưng giờ mình đã có cái nhìn cụ thể về ngành nghề cũng như định hướng trong thời gian tới. Chuyến thực tập này thật sự là cơ hội phát triển bản thân tuyệt vời mà mình may mắn có được trong mùa hè này. Cảm ơn vì tất cả”.

Những chuyến đi và trải nghiệm cùng bạn bè, sinh viên bản xứ, du học sinh tại NUT đã làm phong phú thêm mùa hè của Phong (ngồi).
Thành quả mà Tuấn Phong (thứ ba từ trái qua) đạt được sau chuyến đi là những trải nghiệm tuyệt vời, sự tự tin và những người bạn mới.

LÀM VIỆC BẰNG ĐAM MÊ, ĐI VÀ KHÁM PHÁ HẾT MÌNH

Khác với các bạn cùng khóa, Hồ Thuận Khang là sinh viên duy nhất trải qua kỳ thực tập tại Tokyo. Lịch trình tuần đầu tiên không có gì khác biệt vì cậu bạn vẫn phải tham gia các hoạt động chung do NUT tổ chức như tham quan phòng nghiên cứu, giao lưu với sinh viên bản xứ và du học sinh của trường, gặp gỡ thị trưởng TP. Nagaoka… Từ tuần thứ hai trở đi, Khang bắt đầu thực tập ở công ty Almex (tập đoàn USEN-NEXT) – tọa lạc ở khu Asakusa, Tokyo. Thời tiết Tokyo vào mùa hè không khác mấy với Việt Nam nên Thuận Khang không cảm thấy quá bỡ ngỡ. Công ty cũng bố trí chỗ ở gần nơi làm việc, cung cấp đầy đủ thiết bị cá nhân để Khang tiện bề làm việc và trao đổi thông tin với đồng nghiệp cùng công ty.

Với Khang, điều thuận lợi nhất trong kỳ thực tập này là cậu bạn luôn được các anh chị đồng nghiệp tận tình giúp đỡ. Từ những lời khuyên cho vấn đề phát sinh mà Khang không thể tự giải quyết cho tới những cuộc họp báo cáo tiến độ mỗi sáng, cách tổ chức công việc đầy chuyên nghiệp và sự chu đáo của đồng nghiệp khiến Khang cảm thấy an tâm hơn khi thực tập xa xứ một mình. 

Thuận Khang (ngồi, đeo kính) cùng đồng nghiệp tham gia workshop về công nghệ QML do công ty Almex tổ chức.
May mắn của Khang (hàng đứng, thứ hai từ phải qua) là được các anh chị đồng nghiệp bảo ban và giúp đỡ trong suốt thời gian thực tập.

Không những vậy, cậu bạn còn được công ty ưu ái cho đi công tác ở chi nhánh TP. Sapporo (Hokkaido). Vậy là chỉ trong một mùa hè, Khang đã có cơ hội khám phá ít nhất ba tỉnh thành khác nhau của Nhật, tiếp xúc với con người và văn hóa đặc trưng của từng địa phương.

Ngoài tỉnh Niigata và Tokyo, Khang còn có dịp ghé thăm Hokkaido, núi Phú Sĩ (tỉnh Yamanashi). Thưởng lãm núi Phú Sĩ từ cáp treo và dạo quanh hồ Kawaguchi là một trong những trải nghiệm đặc biệt khó quên.

Song song với đó là những khó khăn khó tránh khỏi trong việc nghe hiểu tiếng Nhật của người bản xứ, nhất là khi có nhiều cuộc họp diễn ra trên Google Meet hay Zoom. Cậu bạn phải “chữa cháy” bằng cách hỏi lại hoặc nhờ đồng nghiệp giải thích những từ vựng chuyên ngành mà mình không biết.

Ngoài ra, Khang cho biết việc mua SIM dữ liệu di động khá quan trọng khi sống ở Tokyo, vì Wi-Fi công cộng ở Tokyo thường có tốc độ thấp, gây ảnh hưởng đến việc liên lạc với giáo viên ở Việt Nam, NUT hoặc đồng nghiệp cùng công ty.

Bài viết liên quan
SV Định hướng Nht Bản K2020 hoàn tất phỏng vấn thực tập với DN Nhật ở Nhật
Có một Nhật Bản thu nhỏ trong lòng Bách khoa
Hành trình 9 ngày vun vén giấc mơ du học Nhật của SV Bách khoa Quốc tế

Thực hiện: INAKO Hình: Nhân vật cung cấp

Bài trước

Bài tiếp