Dầu khí Bách khoa: đẩy mạnh hoạt động phân khúc hạ nguồn và năng lượng bền vững

Những năm gần đây, để mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên cũng như đáp ứng nhu cầu năng lượng của đất nước, ngành Kỹ thuật Dầu khí của Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) đã liên tục cập nhật kiến thức mới về hoạt động hạ nguồn (xử lý, chế biến, phân phối) và khai thác năng lượng bền vững.

Bài viết liên quan
Dầu khí – Khát nguồn nhân lực chất lượng cao
Cơ hội nghề nghiệp đa dạng cho kỹ sư dầu khí

Ngày nay, nhu cầu tiêu thụ năng lượng của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng luôn ở mức cao. Các doanh nghiệp nước ngoài và tập đoàn đa quốc gia hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, tài nguyên, dầu khí đang liên tục mở rộng quy mô. Vì vậy, ngành công nghiệp này luôn cần đến đội ngũ nhân sự vững chuyên môn, giàu kinh nghiệm.

XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH DẦU KHÍ VIỆT NAM

Giữa bối cảnh giá dầu đi xuống trong suốt năm qua, Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KB Securities) dự báo lợi nhuận của các công ty khai thác chỉ thực sự phục hồi vào cuối năm 2021.

Một số chuyên gia nhận định, sắp tới, điểm sáng của ngành năng lượng nước nhà chủ yếu đến từ nhu cầu tiêu thụ của các khu công nghiệp ở phân khúc hạ nguồn. Hơn nữa, Việt Nam đã và đang đối mặt với tình trạng thiếu điện tương đối nghiêm trọng. Do đó, khí tự nhiên hóa lỏng (liquefied natural gas – LNG) được kỳ vọng nắm giữ vai trò quan trọng trong quá trình đáp ứng nhu cầu năng lượng của cả nước. 

Trong tương lai, các hình thức bán lẻ xăng dầu cũng có thể hưởng lợi trực tiếp từ xu hướng công nghiệp hóa của nền kinh tế và sự gia tăng nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Điều này trở thành tiền đề xúc tiến ngành năng lượng Việt Nam tăng trưởng ổn định hơn, nhất là trong mảng hóa lỏng khí thiên nhiên, truyền tải năng lượng (ở phân khúc trung nguồn) và bán lẻ xăng dầu (ở phân khúc hạ nguồn).

Gần đây, với sự đầu tư mạnh mẽ từ các doanh nghiệp lớn đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, ngành nhiệt điện khí hóa lỏng của Việt Nam đang sở hữu tiềm năng phát triển đột phá trong trung hạn. Từ những động thái tích cực trên, rất có thể, các tập đoàn dầu khí đa quốc gia đang tiếp tục lựa chọn Việt Nam trở thành điểm đến mới trong chiến lược dịch chuyển chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc. 

HOẠT ĐỘNG HẠ NGUỒN VÀ NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO – HƯỚNG ĐI MỚI CỦA NGÀNH KỸ THUẬT DẦU KHÍ

Ngành Kỹ thuật Dầu khí, thuộc Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí của Trường Đại học Bách khoa liên quan đến mọi hoạt động sản xuất dầu mỏ, từ thăm dò, phát triển, khai thác, đến lưu trữ, vận chuyển, chế biến và phân phối dầu khí. Chương trình đào tạo trang bị cho sinh viên kiến thức nền tảng về khoa học địa chất dầu khí, bồi dưỡng năng lực nghiên cứu, dự đoán trữ lượng dầu khí tối ưu, nắm vững nguyên tắc kỹ thuật, hiệu suất thu hồi dầu khí tối ưu…

TS. Bùi Trọng Vinh (Trưởng Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí, Trường Đại học Bách khoa) cho biết, trước đây, khoa tập trung vào lĩnh vực thăm dò và khai thác (exploration and production – E&P) thuộc phân khúc thượng nguồn. 

Tuy nhiên, để đa dạng hóa nội dung đào tạo và hội nhập xu hướng phát triển của toàn thế giới, hiện tại, khoa bắt đầu tăng cường giảng dạy, nghiên cứu phân khúc trung nguồn (gồm lưu trữ, vận chuyển dầu khí đến các nhà máy lọc hóa dầu thông qua đường thủy, đường ống). Bên cạnh đó, khoa đang chú trọng hướng dẫn sinh viên mọi công đoạn còn lại, từ xử lý, chế biến, vận tải đến tiếp thị và buôn bán sản phẩm cuối cùng ở hạ nguồn.

Như vậy, ngành Kỹ thuật Dầu khí của Trường Đại học Bách khoa không chỉ dành cho những bạn nam có sức khỏe tốt, sẵn sàng ra giàn khai thác dầu khí mà còn phù hợp với những bạn nữ yêu thích công tác quản lý, công nghệ và đam mê lĩnh vực đầy triển vọng này. 

Song song đó, khoa cũng lồng ghép nhiều kiến thức chuyên sâu xoay quanh nguồn tài nguyên năng lượng sạch/ năng lượng tái tạo (chẳng hạn năng lượng địa nhiệt, năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sóng biển, năng lượng sinh khối, phương pháp thu hồi và lưu trữ carbon…).

Hiện nay, Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí đang tiến hành nhiều dự án quy mô rất lớn. Đặc biệt, đơn vị này còn chủ động triển khai một số môn học theo mô hình subject-based (mời doanh nghiệp đến trường chia sẻ, hướng dẫn cho sinh viên) thú vị và hữu ích. Đây chính là những điểm mới nổi bật trong nội dung đào tạo góp phần gia tăng cơ hội tìm việc cho sinh viên ngành Kỹ thuật Dầu khí, Trường Đại học Bách khoa.

Từ năm 2013, Trường Đại học Bách khoa triển khai chương trình đào tạo quốc tế ngành Kỹ thuật Dầu khí, nhằm cung ứng nhân lực chất lượng cao cho các công ty dầu khí trong và ngoài nước. Chương trình được vận hành theo hai mô hình:
Chương trình Chất lượng cao ngành Kỹ thuật Dầu khí: được giảng dạy xuyên suốt bằng tiếng Anh. Sinh viên sẽ được tiếp xúc thường xuyên với các tài liệu chuyên ngành mới nhất của nước ngoài cũng như thực tiễn thăm dò khai thác thu gom chế biến, phân phối của Việt Nam. Số lượng môn học – tín chỉ, nội dung môn học được tham khảo, điều chỉnh từ chương trình đào tạo tương đương các trường đại học uy tín Mỹ, Úc như University of California San Diego, Texas Tech University (Mỹ), The University of Adelaide (Úc)…
Chương trình Chuyển tiếp Quốc tế ngành Kỹ thuật Dầu khí: hợp tác cùng The University of Adelaide. Chương trình là sự kết hợp hài hòa giữa khoa học quản lý với khoa học địa chất (mô hình vỉa, vỉa tích hợp, mô hình địa chất, kỹ thuật khoan và khai thác…) thông qua sự tham gia vào nhiều dự án nghiên cứu quốc tế.
Thời gian đào tạo kéo dài 4 năm, bao gồm 8 học kỳ chính khóa (chưa tính chương trình Pre-University) với hai giai đoạn sau:
  • Giai đoạn 1 (2-2,5 năm đầu): Sinh viên học tập tại cơ sở quận 10 dưới sự giảng dạy của đội ngũ giảng viên giỏi thuộc Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí.
  • Giai đoạn 2 (2 năm cuối): Sinh viên được chuyển tiếp sang trường đại học đối tác nếu thỏa mãn điều kiện về tiếng Anh, tài chính và kết quả học tập.

Bài viết liên quan
Từ rớt đài Pre-Uni đến top sinh viên Dầu khí xuất sắc nhất trường
Nguyễn Hoài Tân – Sinh viên ưu tú ngành Kỹ thuật Dầu khí, chương trình Chất lượng cao K2016

XUÂN MAI thực hiện

XUÂN MAI thực hiện

Bài trước

Bài tiếp