Kiến trúc bách khoa có gì khác biệt?

Từ trước đến nay, Vẽ luôn là một trong những tiêu chí xét trúng tuyển ngành Kiến trúc. Tuy nhiên, từ năm 2020, Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) quyết định không yêu cầu thí sinh thi Vẽ đầu tượng. Năm 2021, nhà trường vẫn giữ nguyên tiêu chí này.

Bài viết liên quan
 Kiến trúc – kiến tạo không gian xanh bền vững
 Ngành Kiến trúc: Trường ĐH Bách khoa tiên phong đổi mới mô hình tuyển sinh, đào tạo
▶ Kiến trúc Bách khoa: 5 lý do không thể khước từ lựa chọn

CHƯƠNG TRÌNH CHẤT LƯỢNG CAO NGÀNH KIẾN TRÚC BÁCH KHOA CÓ ĐIỂM GÌ KHÁC BIỆT?

Không xét tuyển ngành Kiến trúc bằng kết quả môn thi Vẽ đầu tượng là quyết định khiến nhiều thí sinh vừa mừng vừa lo. Mừng vì những bạn ở tỉnh có đam mê với ngành Kiến trúc vẫn có tấm vé theo đuổi ngành học mơ ước. Lo vì nhiều bạn đã dày công luyện môn vẽ từ nhiều năm trước để lấy đó làm ưu thế xét tuyển.

Căn cứ vào tình hình thực tế, Trường Đại học Bách khoa luôn lựa chọn phương án có lợi và công bằng cho tất cả thí sinh. Nhà trường đưa ra quyết định này vì hai lý do. Thứ nhất, trường mong muốn tạo ra sự công bằng cho những thí sinh học chương trình THPT không dạy luyện thi Vẽ đầu tượng. Thứ hai, quan trọng hơn hết, sinh viên sẽ được học vẽ và thực hành rèn luyện các kỹ năng trở thành kiến trúc sư trong suốt bốn năm đại học.

Do đó, kết quả thi Vẽ đầu tượng không phải thước đo đầu vào quan trọng hàng đầu nữa. Nếu thật sự yêu thích ngành Kiến trúc, bạn sẽ có nhiều cơ hội học hỏi và thử thách khả năng thông qua hàng loạt bài tập lớn nhỏ. Sinh viên sẽ học đủ môn từ ký hoạ bằng tay đến vẽ trên máy tính, từ làm mô hình bìa giấy đến mô phỏng 3D trên không gian ảo. Mọi bài tập đều đảm bảo sự thuần thục về mặt kỹ năng của người học.

Với chương trình đào tạo theo hệ thống tín chỉ, bao gồm những môn học gắn liền thực tế ngành nghề như: Quy hoạch đô thị, Thiết kế đô thị, Di sản đô thị, Kiến trúc công trình, Kiến trúc cảnh quan, Nội thất… Thời gian vừa qua, Trường Đại học Bách khoa tiên phong triển khai chương trình đào tạo ngành Kiến trúc bằng tiếng Anh. Tốt nghiệp từ những đại học danh tiếng thế giới, đội ngũ giảng viên ngành Kiến trúc của nhà trường kế thừa các quy chuẩn xây dựng quốc tế, từ đó hứa hẹn đào tạo đội ngũ kiến trúc sư vững chuyên môn, giỏi ngoại ngữ.

Sự khác biệt lớn nhất của chương trình Chất lượng cao ngành Kiến trúc Bách khoa so với các chương trình khác là định hướng đào tạo hướng đến tính ứng dụng kỹ thuật vào thực tiễn công việc. Vì vây, sau khi ra trường, sinh viên có khả năng thích ứng cao với thị trường lao động đầy cạnh tranh. Đặc biệt, người học có thể nắm vững các tiêu chí cơ bản của ngành kiến trúc theo tư duy hiện đại cũng như thường xuyên cập nhật xu hướng thế giới. Không chỉ dừng lại ở đó, bạn sẽ được đi thực tế để hoàn thành các bản vẽ ký hoạ ngay từ năm Nhất, năm Hai cũng như tham gia tối thiểu hai kỳ thực tập trước khi tốt nghiệp.

BẠN CÓ HỢP VỚI NGÀNH KIẾN TRÚC?

Kiến trúc là sự phối hợp hài hòa giữa yếu tố nghệ thuật và kỹ thuật, là sự tổng hòa của tính thẩm mỹ và thông số. Kiến trúc sư phải đề cao tính kỹ thuật, an toàn, khả năng ứng dụng trong thực tế và đường nét cho công trình. Nếu sở hữu một trong các tố chất sau, bạn nên cân nhắc theo đuổi ngành học nhiều đất diễn này.

Thứ nhất, bạn học tốt Toán, Lý. Với ngành kiến trúc, bạn cần am hiểu các thông số kỹ thuật trong công trình xây dựng, sản phẩm thiết kế hay đơn giản là hiểu rõ cách thức đo đạc và tính chất của vật liệu. Vậy Toán và Lý là hay môn học cơ bản để xác định liệu bạn phù hợp với ngành này không. Đây đồng thời hai tiêu chí xét tuyển quan trọng. Việc học tốt hai môn này đồng nghĩa với việc bạn có một tư duy nhạy bén, đủ để hệ thống những tiêu chí cần thiết để công trình đạt hiệu quả tối ưu.

Thứ hai, bạn có gu thẩm mỹ. Bên cạnh các thông số kỹ thuật, độ bền, an toàn thì sản phẩm dưới bàn tay của kiến trúc sư phải thực sự đẹp mắt. Cái đẹp được nhắc đến không phải là cái đẹp đơn lẻ mà là sự hài hòa với mỹ quan đô thị. Vậy nên, người học luôn phải trau dồi cái gu của mình. Tuy nhiên, kiến trúc hay thẩm mỹ không hẳn là năng khiếu. Tất cả đều cần luyện tập đúng cách và đầy đam mê.

Thứ ba, bạn là người sáng tạo không ngừng. Những người làm việc trong bất kỳ ngành nghề nào liên quan đến yếu tố mỹ thuật phải liên tục đưa ra những ý tưởng mới lạ. Thật không quá khó để biết mình có sáng tạo hay không. Cách bạn học bài, làm việc, giải quyết vấn đề, sắp xếp đồ đạc có thể là tín hiệu dự báo chính xác về tiềm năng của bạn đấy!

Hãy dành một chút thời gian ngẫm lại và kiểm tra xem mình có tố chất để làm nghề không nhé!

Năm 2021, Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) tuyển sinh chương trình Chất lượng cao ngành Kiến trúc, giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, cụ thể:
  • Mã ngành: 217, mã trường: QSB
  • Chỉ tiêu: 45 sinh viên
  • Tổ hợp môn xét tuyển: A01, C01
Chương trình đào tạo bốn năm tại Trường Đại học Bách khoa. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên nhận bằng do nhà trường cấp và có nhiều cơ hội học lên bậc Sau Đại học trong, ngoài nước.

Bài: GIA NGHI – Hình: OISP

Bài trước

Bài tiếp