Kỳ thi này là một phần của chương trình liên kết đào tạo giữa Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) với Đại học Công nghệ Nagaoka (Nhật Bản) từ 2006.
Bài viết liên quan
► “Thần dân” Bách khoa đón Tết ở Nhật như thế nào?
► Những cái “đã” khi du học tại Niigata (Nhật Bản)
► Những nét văn hóa “cộp mác” doanh nghiệp Nhật
► SVBK chạm tới giấc mơ du học nhờ chương trình Tăng cường Tiếng Nhật
Năm nay, có bảy SV K2020 chương trình Chuyển tiếp Quốc tế (sang Nhật) (tiền thân là chương trình Tăng cường Tiếng Nhật) ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử và hai SV K2020 chương trình Định hướng Nhật Bản (tiền thân là chương trình Chất lượng cao Tăng cường Tiếng Nhật) ngành Khoa học Máy tính tham gia kỳ thi chuyển tiếp. Cột mốc này đánh dấu việc SV đã hoàn thành chặng đường hai năm rưỡi đầu học ở Bách khoa, chuẩn bị bước sang hai năm cuối học tại đại học đối tác Nhật.
Để đạt được suất tham dự kỳ thi này, SV cả hai chương trình cần đáp ứng đủ điều kiện về điểm trung bình tích lũy (GPA), tiếng Anh và tiếng Nhật, đảm bảo trình độ tương đương với SV bản xứ. Kỳ thi được chia làm hai phiên, diễn ra vào buổi sáng và chiều. Ở từng phiên, mỗi SV có khoảng 15 phút để sát hạch các kiến thức về Toán, chuyên môn và năng lực tiếng Nhật.
Bạn Hồ Hoàng Phát – SV K2020 chương trình Chuyển tiếp Quốc tế chia sẻ: “Trước kỳ thi, bên cạnh khả năng Nhật ngữ cùng kiến thức chuyên môn, tụi mình được thầy cô hướng dẫn cặn kẽ về trang phục, tác phong khi phỏng vấn như cách gõ cửa phòng, đi đứng, chào hỏi… Do đó mình dễ dàng thích ứng với không khí phòng thi và tự tin hoàn thành bài thi một cách tốt nhất.
Theo mình, bài thi năm nay không quá khó so với mọi năm. Các kiến thức trong đề thi đều khá căn bản, mình chỉ dành khoảng một tháng trước khi thi để ôn tập là có thể làm bài tốt. Đối với phiên thi vấn đáp tiếng Nhật chiều nay, mình cũng không lo lắng lắm vì giao tiếp tiếng Nhật vốn là thế mạnh của mình.
Nếu được chuyển tiếp qua Đại học Công nghệ Nagaoka, mình mong muốn có thể theo học phân ngành Tái tạo năng lượng điện, liên quan tới năng lượng xanh như mặt trời, gió… Do trung bình mỗi năm Việt Nam thiếu nguồn điện khoảng 7% nên mình hy vọng bản thân sau này có thể tham gia vào những dự án hợp tác giữa Nhật và Việt Nam, ứng dụng những công nghệ tân tiến của Nhật để giải quyết vấn đề mà nước ta đang gặp phải. Trước đó, mình sẽ cố gắng hoàn thành thật tốt chương trình bậc Đại học và Thạc sỹ tại Nhật để tích lũy thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm cho bản thân”.
Bạn Lâm Đạo Khang – SV K2020 chương trình Định hướng Nhật Bản tâm sự: “Vì là lứa SV đầu tiên của chương trình Định hướng Nhật Bản tham gia kỳ thi chuyển tiếp nên tụi mình chưa có nhiều kinh nghiệm giải đề lắm. Thú thật là mình bị ‘trật tủ’ vì trước kỳ thi mình chỉ ôn Giải tích mạch và Từ trường điện, nhưng lúc vào phòng thi mình lại thấy đề môn Thông tin dễ nhất nên đã chọn thi môn này. Mình nhắm bản thân hoàn thành được khoảng 75% bài thi.
Không chỉ làm bài trên giấy, tụi mình có một phút để giới thiệu bản thân với giáo sư Nhật. Thử thách đối với tụi mình là làm sao trong một phút ngắn ngủi đó có thể gây ấn tượng với giáo sư, giải thích cho họ hiểu tụi mình muốn gì, tại sao lại chọn đi du học… Cũng như nhiều bạn khác, mình khá là lo lắng khi bước vào phòng thi vì trước mặt mình là những giáo sư có học vấn cao, khiến mình thấy bản thân quá nhỏ bé. Nhưng mình vẫn tự nhủ rằng chắc chắn bản thân có những điều mà người khác không có, cũng như mình sẽ làm được những gì mà các giáo sư đã làm.
Nếu được chuyển tiếp qua Nhật, điều mình muốn làm nhất chính là đi thực tập tại doanh nghiệp. Những trải nghiệm thực tế sẽ giúp mình hiểu hơn về môi trường làm việc để xác định rõ hướng đi trong tương lai. Dự định của mình là theo học phân ngành Xử lý ảnh, cụ thể là ứng dụng AI để quản lý các dữ liệu ảnh, giúp con người tiết kiệm tối đa thời gian làm việc của mình”.
Dự kiến, kết quả kỳ thi chuyển tiếp sẽ được công bố vào ngày 20/1/2023. Những SV đạt yêu cầu sẽ nhập học tại Nhật vào tháng Tư tới, tiếp tục nửa cuối chặng đường Đại học để tiến tới những dự định xa hơn.
Năm 2023, Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM) (mã trường: QSB) tuyển sinh các chương trình đại học chính quy tăng cường đào tạo ngôn ngữ Nhật Bản cho những bạn trẻ yêu thích khối ngành kỹ thuật và có định hướng phát triển sự nghiệp tại xứ mặt trời mọc. – Chương trình Định hướng Nhật Bản: Là chương trình đào tạo chính quy kết hợp giữa giảng dạy chuyên môn bằng tiếng Việt với đào tạo ngôn ngữ Nhật Bản (1.200 giờ) và văn hóa Nhật. Vào năm thứ Ba và Tư sẽ có bốn – sáu môn học do các giáo sư đại học đối tác Nhật sang giảng dạy bằng tiếng Nhật. Ngoài ra, sinh viên sẽ có ít nhất một chuyến sang Nhật thực tập ngắn hạn. Chuẩn đầu ra tiếng Nhật tương đương JLPT N3. Chương trình đang tuyển sinh cho hai ngành Khoa học Máy tính (mã ngành: 266) và Cơ Kỹ thuật (mã ngành: 268). – Chương trình Chuyển tiếp Quốc tế (sang Nhật): Được triển khai cho duy nhất ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử với thời lượng đào tạo theo kế hoạch trong bốn năm rưỡi theo hình thức bán du học. Trong hai năm rưỡi đầu học tập tại Trường Đại học Bách khoa, sinh viên sẽ học theo chuyên môn theo chương trình Đại trà, đồng thời được đào tạo ngôn ngữ Nhật để đạt chuẩn tương đương JLPT N2. Hai năm cuối sinh viên sẽ chuyển tiếp học sang Đại học Công nghệ Nagaoka với chương trình giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Nhật. Bằng tốt nghiệp do Đại học Công nghệ Nagaoka, tạo nền tảng để sinh viên có thể tìm kiếm công việc phù hợp tại Nhật khi ra trường. |
INAKO thực hiện