Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

Phạm Minh Ngọc Thảo: từ chối 4 ĐH lớn để về đội Bách khoa

Với phong thái năng động, tự tin, Phạm Minh Ngọc Thảo (SV K2021 chương trình Tiên tiến ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử) là gương mặt MC sáng giá, nổi rần rần của Khoa Điện – Điện tử. Năm lớp 12, dù đậu cùng lúc năm ĐH uy tín nhưng cô bạn vẫn kiên định “đầu quân” vô team áo xanh Bách khoa.

Phạm Minh Ngọc Thảo - Từ chối 4 đại học lớn để về đội Bách khoa
PHẠM MINH NGỌC THẢO (biệt danh: Bé Thỏ)

THỬ SỨC VỚI ĐỦ MÓN VÌ HIẾM KHI TỰ HÀI LÒNG

Mình là Phạm Minh Ngọc Thảo, SV K2021 chương trình Tiên tiến ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử. Mình vừa hoàn thành năm thứ Nhất của Trường ĐH Bách khoa và đang ở giai đoạn gần cuối của học kỳ Hè 213. 

Mình thích chụp hình, hát hò, làm bánh, vi vu du lịch, tụ tập bạn bè, dẫn chương trình và tham gia CLB, hoạt động ngoại khóa. Mình khoái chinh phục thử thách và ghiền trải nghiệm những điều mới mẻ. Vì vậy, bên cạnh vai trò trợ giảng ở ba trung tâm tiếng Anh, mình cũng học thêm tiếng Đức và tập lái xe hơi.

Nói về sở đoản thì mình hơi í ẹ ở mảng văn chương, nghệ thuật và may vá một xíu, hic hic.

Hết năm lớp 12, mình trúng tuyển năm đại học, đó là: Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM), ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Y Dược Cần Thơ và ĐH Fulbright Việt Nam. Sau khi cân nhắc, mình chọn ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử của Bách khoa vì đam mê môn Vật lý và mong muốn nối nghiệp ba (ba mình đang công tác trong ngành điện). 

Để thuận lợi trao đổi hoặc chuyển tiếp qua ĐH đối tác vào hai năm cuối, mình đã xét tuyển vô chương trình Tiên tiến. Ba mẹ nhận thấy mình có tính cách sôi nổi và học khá tiếng Anh nên đã sớm định hướng mình học tập ở môi trường Bách khoa Quốc tế. Tính tới thời điểm điểm hiện tại, mình cực kỳ hài lòng với quyết định này.

Gia nhập Bách khoa, mình xung phong đảm nhận vai trò Trưởng Ban Văn nghệ OISP Camp; dẫn dắt Vòng Chung kết & trao giải OISP Camp 2021, Vòng Chung kết OISP Presentation Contest 2021, chương trình OSA Gala 2021, Ngày hội Tư vấn tuyển sinh Bách khoa Quốc tế 2022; tham gia cuộc thi làm video TikTok Bach khoa Challenge 2021, Nhật ký Quân sự 2021

Đặc biệt, mình may mắn được lớp TTDTT01 tin tưởng bầu làm lớp trưởng. Với chức vụ này, mình đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ thầy cô, bạn bè. Mình đang cố gắng duy trì thành tích học tập ổn định và chuẩn bị thử sức tại một số sân chơi sáng tạo – khởi nghiệp.

Điều gì thôi thúc mình có mặt ở nhiều “mặt trận” như vậy? Có lẽ bởi mình hiếm khi hài lòng về bản thân. Lên đại học, mình có dịp gặp gỡ nhiều anh chị, bạn học xuất sắc và đa tài. Mình luôn cảm thấy cần nỗ lực hoàn thiện bản thân. Học giỏi thôi chưa đủ. Kinh nghiệm, kỹ năng mềm cùng tinh thần chủ động là yếu tố quan trọng giúp SV ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng. Vì vậy, mình đề ra mục tiêu cân bằng ba nhiệm vụ: học tập, làm thêm và tham gia hoạt động ngoại khóa. Tất nhiên, mình vẫn ưu tiên việc học hàng đầu.

Bài viết liên quan
Nguyễn Lê Hoàng Vương: “lén” thi Bách khoa, thành “sắn lùi” của Khoa Điện
Bùi Đức Minh: chủ động học hỏi và đồng hành với những gã khổng lồ
Tự sự của một con nghiện bug chân chính
Trần Lê Hiển: theo đuổi ngành Điện – Điện tử để thỏa mãn trí tò mò

BÁCH KHOA GIĂNG ĐẦY THỬ THÁCH CÂN NÃO…

Deadline Bách khoa’s never die. Mùa deadline hay rơi vô thời điểm giữa và cuối kỳ. Có lần, để vượt “vũ môn” Giải tích 1, mình và bạn thân đã cùng nhau Google Meet liên tục từ 8 giờ tối tới 3 giờ sáng lúc nào hổng hay. Tụi mình giải bài thầy cho, nghiên cứu tài liệu và luyện 50 câu trên Myopenmath[1], từ đó khám phá ra những công thức mang dấu ấn cá nhân. Kết quả là mình và bạn lần lượt đạt điểm 9,0 và 8,5. Cảm giác vui mừng khó tả vì bước đầu gặt hái thành quả sau bao cố gắng.

Nhập môn Kỹ thuật Điện & Máy tính (Introduction to Electrical & Computer Engineer) là môn học khó nhằn nhất với mình. SV năm thứ Nhất phải học hàng loạt khái niệm trừu tượng như: Kirchhoff’s Laws, Node Method, Diode, BJT, NAND, AND, OR… Muốn bắt kịp bài vở, cả lớp cần tăng cường giải đề và đọc thêm giáo trình.

Hơn nữa, con gái học Bách khoa sẽ gặp một chút khó khăn vì chương trình hơi nặng với nhiều kiến thức chuyên sâu, đòi hỏi người học dành nhiều thời gian tự mày mò, nghiền ngẫm. Thể lực của nam, nữ khác nhau. Tụi mình khó có thể đạt tới trình độ cày cuốc đỉnh cao như các bạn trai. Tuy nhiên, mình cho rằng nếu thực sự đam mê khối ngành kỹ thuật, giới tính sẽ không còn là rào cản nữa. 

Bí quyết của mình là tận dụng công cụ Google Calendar và Bullet Journal để phân chia nhiệm vụ hàng ngày, xây dựng kế hoạch từng tuần, từ đó quản lý thời gian hiệu quả. Mình cũng tranh thủ giờ rảnh để refresh bản thân bằng cách đi chơi, ăn uống, tập gym với các bạn. Nhờ vậy, cuộc sống SV của mình quá xá tuyệt vời.

… NHƯNG VẪN ĐÁNG YÊU VÔ ĐỐI!

Lớp Kỹ thuật Điện – Điện tử hơi nhiều đầu đinh. Nên con gái được “cưng như trứng, hứng như hoa”. Các bạn trai trong lớp rất lịch sự, vui vẻ. Mọi người thân thiện và đối xử với mình cực tốt luôn. 

Nói có sách, mách có chứng luôn nè: con trai lớp mình mở tiệc mừng ngày Quốc tế Phụ nữ cho “hàng hiếm” của lớp.

Đặc biệt, mình rất vui vì có hội bạn thân toàn bạn bè cùng lớp. Lần đầu tiên tụi mình gặp mặt là lúc đi quân sự. Tụi mình cùng tần số cảm xúc và hợp cạ vô cùng. Sau khi tan học ở Trung tâm Giáo dục Quốc phòng, nhóm thường dạo quanh làng ĐHQG, ăn uống, đi chơi, qua đó ngày càng trở nên thân thiết.

Mình (hàng đứng, bìa trái) bên hội bạn thân trong mùa quân sự.

Bên cạnh đó, các bạn hỗ trợ mình rất nhiều trong học tập, bằng cách học nhóm qua Google Meet, đi cafe chạy deadline hay cày cuốc ở nhà A2. Ngoài ra, những ngày đầu mình “chân ướt chân ráo” lên Sài Gòn nhập học, cả hội đã cho mình đi ké nhiều lần để quen đường, cũng như nhiệt tình truyền lại bí kíp coi Google Maps.

Trải qua năm học đầu tiên, phải nói là Bách khoa dễ thương chứ không hề đáng sợ như lời đồn. Giảng viên siêu giỏi, tâm lý và nhiệt tình. Do đó, mình có thể dễ dàng hòa nhập với môi trường đại học. Cơ sở vật chất tiện nghi, hiện đại với đầy đủ trang thiết bị phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu, tập luyện, giải trí: thư viện, phòng thí nghiệm, khu tự học, Circle K, BK Food Court, sân banh, sân bóng rổ… Trong khuôn viên trường, mình “kết” nhất tòa tự học A2. Đây là không gian lý tưởng để nhóm làm bài tập lớn và viết báo cáo.

Môi trường học tập ổn áp lắm. Bách khoa không chỉ toàn học, học và học thôi đâu mà còn có nhiều CLB “xịn sò” cùng các hoạt động ngoại khóa phong phú. Những điều thú vị đón đợi mình và các bạn phía trước. Vậy nên, nếu đã mong muốn trở thành “tân binh” Bách khoa Quốc tế, bạn ngại gì mà không đặt nguyện vọng liền tay vô chương trình Chất lượng cao, Tiên tiến nè. Bé Thỏ đang chờ bạn ở Bách khoa để cùng nhau trải nghiệm cuộc sống SV đáng nhớ nghen ^^.

PHẠM MINH NGỌC THẢO

Chương trình Tiên tiến ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử của Trường ĐH Bách khoa (mã trường: QSB, mã ngành: 208) được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Nội dung đào tạo được tham khảo từ chương trình Điện – Điện tử đang vận hành của Khoa Điện & Kỹ thuật Máy tính (ECE) thuộc ĐH Illinois Urbana-Champaign (UIUC), Hoa Kỳ. Trong quá trình học tập, SV được tiếp cận nguồn học liệu chất lượng cao từ ECE-UIUC và Học viện Công nghệ Massachusetts, Hoa Kỳ.

Nếu dự tính du học, thí sinh có thể tìm hiểu chương trình Chuyển tiếp Quốc tế ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử. Với chương trình này, sau hai năm học tập ở Bách khoa, SV sẽ chuyển tiếp qua một trong các trường đối tác (ĐH Adelaide, ĐH Griffith – tất cả đều tại Úc) theo nguyện vọng để hoàn tất chương trình đào tạo giai đoạn hai và nhận bằng tốt nghiệp do ĐH đối tác Úc cấp.


[1] MyOpenMath là hệ thống quản lý khóa học trực tuyến, chủ yếu cung cấp các bài đánh giá và hỗ trợ sử dụng giáo trình mở, miễn phí.

Bài trước

Bài tiếp