Đó là thông điệp mà Đại sứ New Zealand tại Việt Nam nhắn gởi đến sinh viên Bách khoa.
Bài viết liên quan
► New Zealand – đất nước tiềm năng để du học ngành Công nghệ Thực phẩm
► Trường ĐH Bách khoa ký kết thỏa thuận hợp tác với ĐH Auckland
► Chương trình thực tập trực tuyến ENZ-UOA Virtual Micro-internship 2022
MÁCH BẠN TIPS TRỞ THÀNH KỸ SƯ TOÀN CẦU TRONG TẦM TAY
Hơn 100 sinh viên Bách khoa đã bỏ túi liền tay vô vàn mẹo hay trong buổi nói chuyện How To Be a Global Engineer – Hành trình trở thành kỹ sư toàn cầu. Chương trình có sự tham gia của đại diện Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam, đại diện Cơ quan giáo dục New Zealand (ENZ), đại diện Ban Giám hiệu Trường ĐH Bách khoa và các phòng ban liên quan.
Bà Đại sứ Tredene Dobson cho rằng, kỹ sư toàn cầu là người có hiểu biết về ngôn ngữ, văn hóa; hiểu được giá trị mang lại từ làm việc nhóm; có kiến thức không chỉ về chuyên môn kỹ thuật mà còn hiểu về những gì đang diễn ra trên thế giới.
Theo bà, trên thực tế, các ĐH và cơ sở giáo dục tại New Zealand không chỉ cung cấp một nền giáo dục tân tiến mà còn giúp các sinh viên của mình trang bị hành trang trở thành một công dân toàn cầu, người luôn sẵn sàng để giải quyết các vấn đề thế giới đang đối mặt. Bởi phát triển các công dân toàn cầu là một trong ba mục tiêu của chiến lược quốc tế hóa giáo dục New Zealand.
MẠNH DẠN BƯỚC RA THẾ GIỚI ĐỂ TOÀN CẦU HÓA
Là người đang trực tiếp trải nghiệm nền giáo dục hiện đại tại New Zealand, nữ nghiên cứu sinh tiến sỹ ngành Kỹ thuật Cơ khí Hàng không, ĐH Auckland – người Việt Nam duy nhất nhận học bổng danh giá Zontal International Amelia Earhart Fellowship 2021 (trị giá 10,000 USD) – truyền động lực cho sinh viên Bách khoa mạnh dạn bước ra thế giới, chăm chỉ phát huy kiến thức, kỹ năng sống và không ngại thay đổi môi trường.
NEW ZEALAND – ĐIỂM ĐẾN THÚ VỊ CHO CÁC KỸ SƯ TƯƠNG LAI
Để sinh viên Bách khoa hiểu rõ thêm về đất nước yên bình này, thông qua minigame, Chị Bành Phạm Ngọc Vân và Chị Ngô Thanh Tâm (cùng đại diện ENZ) cung cấp nhiều thông tin hấp dẫn như cơ hội nhận thị thực hai năm làm việc sau ra trường (post-study work visa), sự hỗ trợ đặc biệt từ tổ chức dành riêng cho các kỹ sư quốc tế (Special Interest Group for Immigrant Engineers), nền văn hóa Māori (Manakitanga – yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, ngay cả người xa lạ; Kotahitanga – tinh thần đoàn kết, chia sẻ, đùm bọc; Kaitiaki – tôn trọng và bảo vệ thiên nhiên)…
Song song đó, năm sinh viên Bách khoa Quốc tế cũng đã có cơ hội được trải nghiệm nền văn hóa này khi được nhận học bổng thực tập trực tuyến với các doanh nghiệp “xịn, mịn” trong chương trình học bổng Virtual Micro-internship do ĐH Auckland và ENZ trao tặng, bao gồm (từ phải sang):
- Phạm Đức Hải, khóa 2020, chương trình CLC, ngành Kỹ thuật Máy tính
- Lương Duy Hưng, khóa 2019, chương trình CLC, ngành Khoa học Máy tính
- Lâm Ngọc Mai, khóa 2019, chương trình CLC, ngành Quản lý Công nghiệp
- Huỳnh Nhật Huy, khóa 2020, chương trình CLC, ngành Logistics và Quản lý Chuỗi cung ứng
- Lý Giới An, khóa 2018, chương trình CLC, ngành Khoa học Máy tính
Học bổng Virtual Micro-internship 2022 cấp năm suất cho sinh viên Việt Nam – cơ hội được cọ sát, thực chiến môi trường làm việc quốc tế và tất cả được trao cho năm sinh viên chương trình Chất lượng cao của Trường ĐH Bách khoa.
New Zealand là một trong những điểm đến của sinh viên chương trình Chuyển tiếp Quốc tế – Trường ĐH Bách khoa ngành Công nghệ Thực phẩm. Sinh viên học 2 năm đầu tại Trường ĐH Bách khoa và 2 cuối chuyển tiếp học tập sang ĐH Otago, bằng do phía New Zealand cấp. Song song đó, Trường ĐH Bách khoa cũng đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) với ĐH Auckland trong chương trình chuyển tiếp tín chỉ bậc ĐH và Sau ĐH ngành Khoa học Máy tính và Kỹ thuật Máy tính, dự kiến sẽ triển khai vào tháng 9/2022. |
Bài: CẨM TÚ, Hình: MAI KHUYÊN