Bách khoa thêm chuẩn sơ tuyển tiếng Anh, hướng tới quốc tế hóa

Năm 2022, Trường ĐH Bách khoa dự kiến áp dụng chuẩn sơ tuyển tiếng Anh và mở thêm 2 ngành mới, tất cả đều áp dụng cho chương trình Chất lượng cao (giảng dạy bằng tiếng Anh).

Muốn dự tuyển Bách khoa, phải đạt IELTS tối thiểu 4.5

Đây là một trong những điểm mới trong tuyển sinh ĐH chính quy năm 2022 của Trường ĐH Bách khoa. Theo đó, điều kiện cần để thí sinh có thể dự tuyển các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh (Chất lượng cao, Tiên tiến, Chuyển tiếp quốc tế) là phải đạt IELTS ít nhất 4.5 hoặc tương đương.

Nếu chưa đạt, thí sinh phải vượt qua kỳ thi sơ tuyển tiếng Anh Duolingo English Test (DET) với điểm số từ 65 trở lên. ThS. Nguyễn Thị Huyền Trân – đại diện ban biên soạn đề án sơ tuyển tiếng Anh, cho biết: nhà trường dự kiến chọn DET vì mức độ uy tín, tính linh hoạt trong việc đăng ký thi và làm bài thi, thời gian nhận kết quả, độ tin cậy và tính chính xác của kết quả thi.

Cụ thể, DET được hơn 3.000 học viện và ĐH lớn ở Mỹ, Úc, châu Á công nhận có giá trị tương đương với IELTS và TOEFL iBT. “Điểm đặc biệt của DET là sự ứng dụng của trí tuệ nhân tạo vào việc tổ chức thi trực tuyến và chấm điểm tự động. Điều này giúp thí sinh tiếp cận bài thi thuận lợi, đảm bảo tính chính xác trong việc đánh giá năng lực tiếng Anh của thí sinh, đồng thời ngăn chặn và phát hiện gian lận”, ThS. Trân lý giải.

Dự kiến thời gian đăng ký sơ tuyển tiếng Anh dự kiến sẽ diễn ra từ tháng 1/2022 và thí sinh có thể chủ động sắp xếp thời gian thi phù hợp (từ tháng 3/2022).

Bên cạnh đó, chuẩn tiếng Anh chính thức để vào học chương trình chính khóa của các chương trình này là IELTS ≥ 6.0 hoặc tương đương.

Thêm hai ngành mới cho chương trình chất lượng cao

PGS.TS. Bùi Hoài Thắng, Trưởng Phòng Đào tạo nhà trường, cho hay hai ngành mới bao gồm: ngành Kỹ thuật Vật liệu Công nghệ cao nhằm phục vụ chiến lược phát triển ngành vật liệu hiện đại, tiên tiến, đạt chuẩn mực quốc tế của đất nước; và ngành Công nghệ Sinh học, góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu, bào chế các sinh phẩm phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và chăm sóc sức khỏe người dân Việt Nam (đặc biệt là các sinh phẩm hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19).

Sinh viên các chương trình đào tạo quốc tế của Trường ĐH Bách khoa. – Hình: KHUYÊN TRẦN

Hướng tới quốc tế hóa giáo dục ĐH

Theo chiến lược của Trường ĐH Bách khoa giai đoạn 2021-2025, quốc tế hóa giáo dục ĐH là một trong sáu trụ cột nòng cốt. Để thực hiện được điều đó, nhà trường phải nâng cao năng lực hội nhập quốc tế cho người học thông qua việc đổi mới tuyển sinh theo hướng đánh giá năng lực toàn diện.

Cụ thể, Trường ĐH Bách khoa sẽ tuyển sinh theo hình thức kết hợp các tiêu chí để đánh giá toàn diện năng lực thí sinh ở nhiều lĩnh vực như: học tập, hoạt động xã hội, văn – thể – mỹ, bài luận, thư giới thiệu, phỏng vấn với hội đồng tuyển sinh. Năng lực học tập bao gồm kết quả học tập ở bậc THPT, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi đánh giá năng lực… cũng như các chứng chỉ tuyển sinh quốc tế, chứng chỉ ngoại ngữ.

PGS.TS. Bùi Hoài Thắng thông tin thêm: “Kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực là một thành tố quan trọng của phương thức kết hợp này, vì qua khảo sát thực tế từ năm 2018 (năm đầu tiên kỳ thi Đánh giá năng lực được ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức), những sinh viên trúng tuyển bằng kết quả kỳ thi này hầu hết đều thể hiện tốt năng lực học tập tại trường.

Năng lực hoạt động xã hội, văn – thể – mỹ được thể hiện qua những hoạt động nằm ngoài chương trình học tập bắt buộc như: các sự kiện tại câu lạc bộ, các dự án nghiên cứu, các khóa học, các chức vụ đảm nhiệm trong lớp, trường hay thành tích thể thao, văn hóa, nghệ thuật”.

Cũng theo ông Thắng, đối với các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến như Úc, New Zealand, Mỹ, hoạt động ngoại khóa là một trong những mảng hoạt động quan trọng góp phần phát triển và hoàn thiện nhân cách, bồi dưỡng năng khiếu và tài năng sáng tạo, rèn luyện các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống cho học sinh – sinh viên. Thông qua hoạt động xã hội, các trường ĐH hiểu rõ thí sinh là ai, quan tâm điều gì và có thể đem tới những giá trị gì cho ngôi trường mà thí sinh dự tuyển.

“Đây sẽ là phương thức tuyển sinh chủ đạo của trường từ năm 2022” – ông Thắng nhấn mạnh.

Tuyển sinh Bách khoa 2022: thêm chuẩn sơ tuyển tiếng Anh, hướng tới quốc tế hóa
Sinh viên ngành kỹ thuật ô tô – chương trình Chất lượng cao, Trường ĐH Bách khoa đang thực hành tại xưởng. – Hình: KHUYÊN TRẦN
Liên hệ tư vấn chương trình Chất lượng cao, Tiên tiến, Chuyển tiếp Quốc tế
Văn phòng Đào tạo Quốc tế (OISP) – Trường ĐH Bách khoa
• Địa chỉ: Kiosk OISP, Khu B2, Trường ĐH Bách khoa, 268 Lý Thường Kiệt, Quận 10, TP.HCM
• Điện thoại: (028) 3865 4183 – 03 9798 9798 | E-mail: tuvan@oisp.edu.vn

Để được cập nhật thông tin tuyển sinh mới nhất về các chương trình Chất lượng cao, Tiên tiến, Chuyển tiếp Quốc tế, Chất lượng cao Tăng cường Tiếng Nhật, Tăng cường Tiếng Nhật của Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), quý Phụ huynh/ Thí sinh vui lòng để lại thông tin liên hệ bên dưới (có dấu * là thông tin bắt buộc).

Văn phòng Đào tạo Quốc tế – Trường ĐH Bách khoa

Bài trước

Bài tiếp