Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

Đam mê robot, SV Bách khoa Quốc tế tự tin bước ra đấu trường lớn

Khởi nghiệp thành công với tiệm in 3D từ năm Nhất, khi chuyển tiếp sang Úc, Lê Long Thịnh (K2018 chương trình Chuyển tiếp Quốc tế, ngành Kỹ thuật Cơ Điện tử) tiếp tục tỏa sáng khi trở thành đại diện của Đại học Công nghệ Sydney tham gia giải đấu robot châu lục.

Bài viết liên quan
SV Bách khoa Quốc tế khởi nghiệp với công nghệ in 3D
Giải được bài toán Bin Picking, SV OISP có bài báo được đăng tải ANZCC 2022
SV OISP thiết kế hệ thống quét 3D 

chinh phục THỬ THÁCH, mang tiền về cho mẹ

* Chào Thịnh, bạn hãy giới thiệu đôi nét về bản thân nha.

Hi! Mình là Lê Long Thịnh, mọi người hay gọi mình với cái tên thân thương là Cá Ngừ. Sở thích của mình là xem YouTube về công nghệ in 3D, thiết kế 3D Solidworks và… đương nhiên không thể thiếu chơi game òi (ahihi). Mọi người nhận xét mình khá là thân thiện và hòa đồng, luôn luôn lắng nghe, lâu… à không, luôn luôn thấu hiểu. Châm ngôn sống của mình là “Bạn trượt 100% phát súng mà bạn không bắn”. Với mình, châm ngôn này tạo cho bản thân động lực để bắt tay vào làm dù bản thân có phần sợ thất bại. Nhưng nếu không bắt tay vào làm thì tất nhiên tỷ lệ thành công của mình luôn luôn là 0%.

* Được biết, Thịnh là một trong các thành viên đại diện cho Đại học Công nghệ Sydney (UTS) tham dự cuộc thi robot 35th Warman Design & Build Competition. Kể cho tụi mình về hành trình này đi.

Vào học kỳ mùa Xuân (tháng 2/2022), mình được học môn Mechanical Design Fundamental 1 (Nền tảng thiết kế cơ khí 1) do TS. Marc Carmichael phụ trách. Đợt đó, nhờ học môn này, mình biết đến cuộc thi và cũng có tìm hiểu sơ sơ. May mắn thay, mình và một số bạn đạt điểm cao nhất nên được chọn là đại diện trường tham gia cuộc thi 35th Warman Design & Build Competition trải dài trong ba ngày 7-9/10/2022: (1) chạy thử robot, (2) thi đấu chính thức, (3) trao giải. Bật mí là giải thưởng cực kỳ hấp dẫn luôn nha, giải Nhất – Nhì – Ba tương ứng với 3.000 – 2.000 – 1.000 AUD). Mỗi đội đại diện cho trường đại học thi đấu đã được thưởng 200 AUD rồi. 

Nhóm robot của Long Thịnh
Thịnh (đội nón) và các thành viên đồng hành trong cuộc thi 35th Warman Design and Build.

Ba trên năm thành viên của đội thi đều là sinh viên Bách khoa Quốc tế thuộc chương trình Chuyển tiếp Quốc tế, bao gồm: Vũ Minh Quân (K2018), Nguyễn Anh Tùng (K2020) và mình; còn lại là hai thành viên đến từ Trung Quốc. Cả đội đã cùng nhau trải qua những thất bại trong nhiều lần thử và sai (trial and error) cho robot này. Tuy vậy, ai nấy đều vui vẻ, hăng hái và hòa đồng nên chưa hề có mâu thuẫn nào xảy ra trong nhóm. Mỗi người làm thật tốt một phần việc và kết quả là được chọn để đại diện trường ra sánh vai với 15 đội thi còn lại đến từ các đại học khác trên toàn nước Úc. 

Động lực để mình dốc hết sức lực tham gia cuộc thi này là vì niềm đam mê và yêu thích thử thách. Thiết kế 3D trên SolidWorks và lập trình cho máy móc vận hành là thế mạnh của mình và mình muốn chấp nhận tất cả thử thách từ lĩnh vực này bao gồm cả in 3D. Làm cái gì đó vì đam mê nghe có vẻ triết lý hen, nên mách nhỏ bạn nghe là mình còn cố gắng vì ước mơ mang tiền về cho mẹ và người yêu nữa đó :”>.  

“chỉ muốn đến lab hoài”

* Đến với cuộc thi lần này, Thịnh và cả đội đã “độ” cho robot như thế nào? Bạn có thể bật mí chút xíu về đặc điểm, công dụng của robot được không?

Mô hình mô phỏng hệ thống trong 35th Warman Design & Build Competition

Nhiệm vụ của các đội thi là phải thiết kế và xây dựng hệ thống vận chuyển nguyên mẫu (scaled prototype transporter system). Trước khi bắt đầu, vật phẩm sẽ được đặt tại nhà kho (warehouse) và robot sẽ nằm trong ranh giới của vạch xuất phát (start zone). Giám khảo ghi nhận điểm khi robot vận chuyển vật phẩm qua các khu vực yêu cầu đến vị trí đích (deposite zone) và quay trở lại vị trí ban đầu. Robot không được chạm vào vùng trũng (chasm zone) và phải di chuyển dọc theo lề trái (nhìn từ điểm bắt đầu). Để đạt điểm tối đa, robot phải thả vật phẩm vào đúng hố mục tiêu D (target recess D) và di chuyển dọc theo lề phải (nhìn từ điểm bắt đầu) của vùng trũng. Điểm trừ sẽ tính nếu robot chạm mặt phẳng tại vùng trũng hoặc vật phẩm bị rơi khỏi đường đi. Mỗi đội có tối đa 120 giây để thực hiện vận chuyển vật phẩm đến và đi. (Xem hình minh họa bên trái.)

Đặc điểm nổi bật của “con ngựa chiến” đội Long Thịnh là khả năng vươn tay gắp chắc chắn kết hợp với khung chứa khi nhấc lên không trung giúp không làm rơi vật phẩm. Bên cạnh đó, robot còn có khả năng bám dây khỏe, chắc chắn và có thể trượt nhanh đến điểm cuối. Tất cả đều được lập trình kỹ càng, đảm bảo tính chính xác cao và có khả năng bù trừ sai số trong khung cho phép. Thậm chí, đội thi cũng đã ăn dằm, nằm dề để chạy thử robot và liên tục chỉnh sửa phiên bản tốt hơn. Hình bên phải là một trong các khoảnh khắc Thịnh (ngồi bên phải) cùng “cạ cứng Vũ Minh Quân” lập trình và set up cho robot.

Long Thịnh và Vũ Minh Quân lập trình và setup cho robot tham gia 35th Warman Design & Build Competition

Cận cảnh thao tác gắp thả mạnh mẽ và khả năng đu dây chắc chắn của “con ngựa chiến” đội Lê Long Thịnh.

* Môi trường học tập tiên tiến tại UTS đã hỗ trợ Thịnh như thế nào trong hành trình nghiên cứu và sáng chế robot?

Để mình sản sinh được nhiều đứa con tinh thần như vậy thì môi trường học tập tại UTS là một yếu tố tác động rất lớn trong việc hỗ trợ mình và các sinh viên khác. Thực sự phải nói rằng mọi thứ ở đây cực kỳ tốt và có sức hút với những bạn cùng đam mê nghiên cứu, khiến tụi mình ai cũng muốn đến lab hoài hoài. Bởi phòng thí nghiệm tại đây trang bị không thiếu bất kỳ thiết bị nào dành cho sinh viên chuyên ngành Kỹ thuật Cơ Điện tử. Thêm nữa, đội ngũ chuyên môn (giáo sư và nghiên cứu sinh) luôn sẵn sàng hướng dẫn nhiệt tình. Nhờ vậy, những khúc mắc của mình cũng nhanh chóng được tháo gỡ. 

Cơ hội tham gia các cuộc thi quốc tế cũng rộng mở hơn vì mình thích được thử thách ở lĩnh vực mà mình có thế mạnh. Ngoài ra, từ sau khi chuyển tiếp, vốn liếng tiếng Anh của mình cũng được trau dồi đáng kể vì phải sống và làm việc với ngôn ngữ này hàng ngày. 

chương trình chuyển tiếp quốc tế là bệ phóng cho đam mê

* Có thể thấy việc học tập tại UTS đã giúp Thịnh phát triển chuyên môn rất tốt. Có phải đó là lý do mà Thịnh đã chọn chương trình Chuyển tiếp Quốc tế của Trường Đại học Bách khoa cho hành trình khai phá bản thân cũng như niềm đam mê robot?

Từ lâu, du học đã là nguyện vọng mình luôn hằng mong ước. Vì được trải nghiệm trong môi trường cởi mở, thân thiện, tiến bộ và sẵn sàng hỗ trợ nhau là điều khiến mình thích nhất. Đổi lại, cuộc sống tự lập xa nhà là một trong những khó khăn của du học sinh vì phải cân bằng giữa học và làm để có thể trang trải sinh hoạt phí. Từ khi biết đến chương trình Chuyển tiếp Quốc tế, mình nhận ra rằng đây cũng là một lựa chọn có thể tiết kiệm chi phí và thời gian làm quen trước với các bạn cùng lứa, cùng chuyển tiếp. Bên cạnh đó, các thủ tục khi chuyển tiếp cũng được các anh chị trong Văn phòng Đào tạo Quốc tế hỗ trợ hết mình. Nhờ vậy, con đường du học lại càng đến gần với mình. 

Đến Úc, mình may mắn khi được cô chú chủ nhà giúp đỡ tận tình. Thậm chí, đàn anh – Vũ Trọng Hải Nam (K2016) – còn đưa mình vào đời và làm quen với lối sống, sinh hoạt tại Úc. Chính vì thế, cuộc sống nơi xa lạ trở nên dễ dàng hơn. Mình đã sắp xếp được và biết cân bằng giữa học và làm nên đã có thể tự chi trả được phần sinh hoạt phí.

* Vài lời nhắn nhủ cho dân mê nghiên cứu robot?

Nếu bạn cũng đam mê robot như mình, hãy bắt tay vào làm khi bạn có ý tưởng, chớ nên chần chừ. Bởi vì khi làm, dù là thất bại hay thành công, ai cũng rút ra được bài học quý giá và đó là sợi dây kinh nghiệm. Kinh nghiệm và trải nghiệm sẽ đưa bạn đến thành công dễ dàng hơn.

Ngoài ra, khi muốn hiểu sâu vấn đề nào đó, bạn nên có thói quen tra cứu tài liệu, bắt đầu từ “How to… (việc các bạn muốn biết)” hoặc “… tutorial”. Đừng quên đọc tài liệu tiếng Anh nhiều và phải nghiên cứu sâu cho bằng được một vấn đề duy nhất trước khi qua cái mới. Dù ít hay nhiều, chắc chắn bạn sẽ xây được nền tảng vững chắc và bước lên từng bậc thang cao hơn mỗi ngày. Không chỉ vậy, muốn trau dồi kỹ năng, bạn hãy chăm thực hành và xem các video clip hướng dẫn trên YouTube. Đây cũng là bệ phóng giúp mình vững vàng hơn trong hành trình tìm tòi về robot cũng như xây dựng thương hiệu Long 3D Printing

Chương trình Chuyển tiếp Quốc tế, ngành Kỹ thuật Cơ Điện tử (mã ngành: 310, mã trường: QSB) là lựa chọn dành cho thí sinh đam mê lĩnh vực cơ điện tử, robot, điều khiển tự động, đồng thời có nguyện vọng du học. Chương trình giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, đào tạo theo mô hình bán du học: 2-2,5 năm đầu tại Trường Đại học Bách khoa, 2-2,5 năm cuối tại Đại học Công nghệ Sydney (Úc), giúp tiết kiệm chi phí lên đến 50%. Bằng tốt nghiệp do đại học đối tác cấp.
Ngành Kỹ thuật Cơ Điện tử là sự kết hợp giữa cơ khí, điện tử và lập trình. Người học trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn ở ba lĩnh vực này và có thể thiết kế, vận hành các hệ thống, chế tạo máy móc trong sản xuất công nghiệp.

Đối với các thí sinh có cùng đam mê và mong muốn học toàn thời gian (bốn năm) tại Trường Đại học Bách khoa thì chương trình Chất lượng cao là một lựa chọn đáng cân nhắc.

TÚ TÚ thực hiện – Hình: Nhân vật cung cấp

Bài trước

Bài tiếp