Từ rơm, rạ đến sản phẩm hóa học hữu ích

SV Bách Khoa tạo ra một sản phẩm độc đáo để kháng nấm, mốc từ nguyên liệu tự nhiên và rẻ tiền như rơm, rạ. Sản phẩm được đánh giá cao về chất lượng và tiềm năng thương mại hóa.

Nhóm sinh viên tạo ra sản phẩm kháng nấm, mốc từ rơm, rạ là bạn Trần Linh Chi đến từ Trường ĐH Bách Khoa và sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên. Tình cờ các bạn tham gia chung lớp học ngắn ngày về điều chế hương liệu, sau đó trở thành đồng đội trong cuộc thi Bach Khoa Innovation 2020 với tên nhóm là UST.

MIẾNG THỊT TRÂU GÁC BẾP

Dự án Mộc đạt giải Nhì cuộc thi Bach Khoa Innovation

Câu chuyện bắt đầu từ thắc mắc của bạn Trần Linh Chi “Làm sao miếng thịt trâu chỉ để trên gác bếp mà có thể để rất lâu lại không bị hư?”. Bật ra câu hỏi với cô sinh viên ngành Hóa học: chỉ có khói bếp hun khô mà có thể giúp cho thời gian giữ thịt khá dài, chất gì trong đó đã giúp bảo quản thịt?

Từ đây, ý tưởng nghiên cứu thôi thúc bạn tìm tòi nghiên cứu và tìm đến giáo viên hướng dẫn – PGS.TS. Lê Thị Kim Phụng, giảng viên khoa Kỹ thuật Hóa học, Trường ĐH Bách Khoa. Sự thắc mắc, tò mò của Linh Chi nêu ra ngay lập tức trở thành mục tiêu nghiên cứu cho cả nhóm. Chuỗi ngày ăn ngủ với phòng thí nghiệm bắt đầu. “May mắn là các thầy cô thương và giúp hết mình chứ sinh viên nghèo tiền đâu mua vật liệu, thuê phòng thí nghiệm” – Chi cười. Tuy nhiên, cái khó của nhóm là ngoài việc lo bài vở trên lớp các bạn học hai trường khác nhau nên chỉ gặp nhau sau giờ học. “Hầu như ngày nào tụi mình cũng rời phòng thí nghiệm lúc 21h, là mốc thời gian cuối ngày phải ra khỏi đó theo quy định, chứ nếu cho ở lại chắc cũng ở rồi” – Khang – một thành viên của nhóm cho biết.

Nhóm phân chia cho các thành viên từng công việc, nghiên cứu tài liệu từ trong nước đến ngoài nước. Phần lớn kết quả nghiên cứu từ nước ngoài, đáp án dần hé mở khi cả nhóm nhận ra nguồn nguyên liệu để thực hiện nghiên cứu trong nước khá dồi dào. Các phế phẩm nông nghiệp như rơm rạ, vỏ trấu, bã mía, bã cà phê… rất lớn nhưng nhiều nơi chỉ vứt bỏ. Đây là nguồn nguyên liệu không những dễ tìm mà còn ít tốn kém.

RA ĐỜI SẢN PHẨM KHÁNG NẤM, MỐC

Mộc – Sản phẩm kháng nấm, mốc từ rơm, rạ

Quá trình khí hóa các phế phụ phẩm nông nghiệp để chuyển hóa thành năng lượng như dùng cho máy phát điện lại tạo ra sản phẩm phụ là dầu sinh học. Thế nhưng, phụ phẩm này lại là nguồn nguyên liệu đặc biệt mà nhóm nghiên cứu dùng để chiết xuất và tách các hợp chất có nguồn gốc thiên nhiên này qua các quá trình lắng, lọc, ly tâm và sử dụng dung môi xanh để trích ly, trao đổi dung môi và pha loãng. Chính các hợp chất này được pha loãng với nồng độ phù hợp đã trở thành sản phẩm có tính năng kháng nấm, mốc và ố màu trên các vật liệu có nguồn gốc từ cellulose.

Quá trình thử nghiệm với điều kiện nuôi cấy nấm ở phòng thí nghiệm và trên bề mặt gỗ trong môi trường tự nhiên, kết quả nhận lại vỡ òa khi khả năng kháng nấm, mốc lên đến hơn 90%. Nhóm đặt tên sản phẩm là Mộc, vừa là nguyên liệu chế tạo mộc mạc, vừa là sản phẩm dùng cho đồ vật có nguồn gốc từ mộc, gỗ.

Nhóm vẫn tiếp tục nghiên cứu vì dù đã thử nghiệm nhiều tỉ lệ, dung dịch để pha tinh dầu tạo nhiều mùi khác nhau song “mùi khói đặc trưng” của sản phẩm còn nặng mà không phải người dùng nào cũng thích và cần cải tiến để đạt độ thẩm mỹ hơn. Nhóm khá tự tin với sản phẩm kháng nấm mốc của mình khi nghiên cứu các sản phẩm khác trên thị trường.

Với những gì tìm được, các bạn nói có thể dùng các chất chiết xuất được trộn vào bột gỗ cho quá trình sản xuất gỗ công nghiệp dùng phổ biến hiện nay sẽ giúp kháng nấm, mốc cho gỗ thành phẩm. Linh Chi cho biết vì pha với cồn nên khi xịt lên bề mặt sản phẩm, cồn sẽ bay hơi nhanh mà vẫn đảm bảo tính năng kháng nấm, mốc cho đồ vật.

“Dùng nguồn dầu có giá trị thấp để tạo nên sản phẩm có giá trị cao hơn. Ngay cả lượng chất thải rắn còn lại sau quá trình khí hóa cũng có thể dùng cải tạo đất nông nghiệp, hoàn toàn không bỏ phí bất cứ thứ gì. Tụi mình sẽ nghiên cứu tiếp, kiểm nghiệm và hoàn thiện để có thể đưa sản phẩm ra thị trường sớm nhất.” – Linh Chi cho biết.

BẮT ĐẦU HÀNH TRÌNH NGHIÊN CỨU

Giáo viên hướng dẫn đánh giá thành quả bước đầu như thế rất đáng khích lệ khi các bạn đang là sinh viên năm Hai và Ba. “Ý tưởng từ chính các bạn, tôi chỉ đứng phía sau dõi theo, hỗ trợ và kịp thời cùng tháo gỡ khi các bạn gặp vướng mắc. Tôi hài lòng vì các bạn rất ý thức, chủ động tìm tòi trong quá trình nghiên cứu để có kết quả như hôm nay” – TS Kim Phụng chia sẻ.

Giải Nhì cuộc thi “Bach khoa Innovation” 2020 mới đây như một sự ghi nhận, cũng là niềm khích lệ lớn với những bạn trẻ mê nghiên cứu.

Bach Khoa Innovation là cuộc thi về đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp do Trường Đại học Bách Khoa – ĐHQG HCM tổ chức. Cuộc thi nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng tạo và triển khai ứng dụng của sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên toàn TP.HCM.
Bach Khoa Innovation giúp sinh viên hiện thực hóa các ý tưởng để tạo ra các mô hình, sản phẩm phục vụ cho nhu cầu của xã hội.

Bài & Hình: GIA NGHI tổng hợp

Bài trước

Bài tiếp