Ở ngày thứ tám được làm cha, Trình Quốc Tuấn – cựu thành viên nhóm Robocon BKPRO, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nhóm sinh viên nổi tiếng với các thiết bị điện tử sáng chế “made in VN” – phải đối diện với một thực tế khắc nghiệt: vợ anh tai biến hậu sản, nguy kịch…
Ở ngày thứ tám được làm cha, Trình Quốc Tuấn – cựu thành viên nhóm Robocon BKPRO, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nhóm sinh viên nổi tiếng với các thiết bị điện tử sáng chế “made in VN” – phải đối diện với một thực tế khắc nghiệt: vợ anh tai biến hậu sản, nguy kịch…
► Người cha đơn thân và hành trình sáng tạo babyMe
Từ đây số phận “gà trống nuôi con” đã đưa cuộc đời Tuấn sang một ngã rẽ khác: anh khởi động lại cuộc đời mình với câu chuyện về Ngân hàng Sữa mẹ và giải pháp ứng dụng công nghệ chăm sóc y tế, sức khỏe cho bà mẹ mang thai, nuôi con nhỏ mang tên babyMe.
Trình Tuấn – người cha đơn thân và hành trình xin sữa mẹ cho con (bé Ủn).
* Đâu là nguyên nhân phát triển của babyMe?
– Trong quá trình làm một người cha đơn thân tôi gặp những khó khăn và thử thách vì chưa bao giờ tìm hiểu và trang bị kiến thức để làm cha. Tôi lao vào một hành trình học hỏi không ngừng để có thể làm điều tốt nhất cho con.
Trong quá trình chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức của mình trong hội sữa mẹ Betibuti (Bé tí bú ti) do tôi và bốn người mẹ khác sáng lập. Tôi nhận thấy có hàng ngàn người mẹ cũng phải đối mặt với việc nuôi dạy con dân gian truyền miệng thiếu cơ sở khoa học hoặc ngập lụt trong mớ thông tin nhiễu loạn trên internet mà không biết điều gì tốt cho con mình.
Từ đó tôi mới có ý tưởng làm một ứng dụng giúp các mẹ nuôi con theo khoa học. Đúng lúc đó thì UNICEF có tổ chức cuộc thi tìm kiếm sáng kiến công nghệ để giảm thiểu tỉ lệ tử vong ở trẻ em vì những nguyên nhân thiếu hiểu biết. Tôi đem ý tưởng đó đi dự thi và giành giải thưởng chung cuộc, và phát triển babyMe từ đó cho đến nay.
* Nuôi một đứa con và nuôi một công ty, giống và khác nhau ở điểm nào?
– Điểm giống nhau là đều là một quá trình học hỏi cần dồn hết tâm huyết và cần tiền. Điểm khác nhau là nuôi con thì “phi lợi nhuận” nhưng không được phép thất bại. Còn nuôi công ty thì vì mục tiêu lợi nhuận, nhưng có thể được phép thất bại.
* Khởi nghiệp là cày cuốc và nhịn ăn nhịn mặc, còn Tuấn thì sao?
BabyMe là ứng dụng dành cho bà mẹ mang thai và nuôi con nhỏ giúp giải đáp thắc mắc trong hành trình 1.000 ngày đầu tiên của bé. Hành trình 1.000 ngày bắt đầu từ khi mang thai cho tới hai tuổi là giai đoạn hết sức quan trọng cho sự phát triển về mặt trí não và thể chất của trẻ em. BabyMe sử dụng nội dung từ các tài liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), UNICEF và các bác sĩ, chuyên gia uy tín trong các lĩnh vực liên quan. |
– Nhịn mặc thì có, chứ không đến nỗi phải nhịn ăn, đã cày cuốc mà nhịn ăn nữa lấy sức đâu chiến đấu. Còn về ăn mặc thì thú thực hơn hai năm qua tôi chỉ có đúng hai bộ đồ tây để mặc đi làm. Vừa rồi đi Hàn Quốc, người đồng sáng lập của tôi thấy thảm quá tặng cho bộ mới nên giờ có ba bộ đồ.
Tôi làm gì thường là bị cuốn hết tâm trí vào thứ đó nên không thể làm khởi nghiệp kiểu chân trong chân ngoài được. Vì vậy mà chủ yếu sống bằng khoản lương vừa đủ trang trải tối thiểu cho cuộc sống.
Khoảng thời gian khó khăn nhất là hơn một năm sau khi bà xã tôi qua đời, phải nghỉ ở nhà chăm con. Tưởng chừng như phải bỏ con đường khởi nghiệp, phải đấu tranh giữa áp lực cơm áo gạo tiền từ gia đình và sống với đam mê của mình. Căng thẳng và mệt mỏi, tôi phải ra khỏi nhà hàng ngày giả như đi làm thuê cho một công ty nào đó để giải toả cái không khí lo lắng bao trùm trong nhà. Có lúc đuối quá cũng nghĩ đến chuyện đi làm thuê nuôi con cho khoẻ. Nhưng nghĩ tới sau này sẽ dạy con dám sống với ước mơ như thế nào trong khi ba nó không dám sống tiếp với ước mơ và đam mê.
Nuôi con hay nuôi công ty đều giống nhau ở chỗ, đó là quá trình học hỏi cần dồn hết tâm huyết và cần tiền.
* Tuấn có phàn nàn gì về hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam không?
– Nếu nói là phàn nàn thì chắc là không. Chỉ là nhìn thấy được những điểm yếu, những bất cập về hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam so với các nước khác trong khu vực. Mà các điểm này thì ai ở trong cộng đồng cũng đều thấy, đó là sự liên kết giữa các thành tố trong hệ sinh thái không đủ mạnh. Thiếu nền tảng hạ tầng công nghệ và pháp lý cũng như sự hỗ trợ thiết thực từ chính phủ. Nhưng nhìn một khía cạnh tích cực khác thì xã hội chúng ta quá nhiều vấn đề cần giải quyết. Và đó chính là cơ hội cho các dự án khởi nghiệp.
* Cảm ơn Tuấn và chúc con gái riêng và đứa con chung babyMe luôn khoẻ!
(Tổng hợp từ Thế Giới Tiếp Thị, Tuổi Trẻ)
Vào lúc 8g Chủ Nhựt 29/11/2015, tại Hội trường A5, ĐH Bách khoa TP.HCM, kỹ sư – nhà khởi nghiệp Trình Tuấn sẽ xuất hiện tại Hội thảo chuyên đề “Kỹ sư & tinh thần doanh nhân” trên cương vị diễn giả chính. Chương trình do Văn phòng Đào tạo Quốc tế (OISP) – Trường ĐH Bách khoa TP.HCM tổ chức nhằm: • Tạo cơ hội cho sinh viên chương trình chính quy Chất lượng cao, Tiên tiến, Liên kết Quốc tế K2015 trao đổi, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ các nhà khởi nghiệp thành đạt • Truyền cảm hứng về tinh thần doanh nhân và khởi nghiệp cho sinh viên kỹ thuật |