Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

Ngôi nhà âm nhạc – hỗ trợ điều trị tự kỷ nhờ âm nhạc

Ba sinh viên chương trình Chất lượng cao gồm Ngô Nhật Minh (K2021, Kỹ thuật Robot), Trần Hoài Phúc và Vũ Minh Phương (K2020, Logistics & Quản lý Chuỗi Cung ứng) cùng các đồng môn chương trình Đại trà đã đạt giải Nhì Dự án Âm nhạc hạnh phúc[1] với mô hình trị liệu âm nhạc tích hợp trí tuệ nhân tạo dành cho trẻ tự kỷ.

Bài viết liên quan
▶ Mơ về con đường năng lượng, sinh viên Bách khoa chế tạo máy phát điện từ bước chân
▶ Ciel – nhóm bạn thân đồng tâm hiệp lực giảnh giải Quý quân BKI 2021
▶ Edifilm – giải pháp xanh thay thế màng bọc thực phẩm bằng nhựa
▶ Sinh viên Bách khoa phát triển ứng dụng chẩn đoán bất thường ở phổi

MÔ HÌNH THÔNG MINH TÍCH HỢP ÂM NHẠC VÀ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO 

Tình cờ biết tới kết quả tích cực của liệu pháp âm nhạc đối với trẻ em mắc chứng tự kỷ, nhóm bạn đã nảy ra ý tưởng triển khai mô hình Ngôi nhà hạnh phúc, kết hợp yếu tố âm nhạc và kỹ thuật để nuôi dưỡng tinh thần của nhóm đối tượng này. 

Các thành viên bắt tay triển khai dự án từ hai tháng trước. “Trong mô hình này, camera và micro ghi nhận âm thanh và hình ảnh về trạng thái cảm xúc của trẻ. Tiếp đó, nhóm tổng hợp đặc điểm khuôn mặt để lập trình hệ thống trí tuệ nhân tạo. Thiết bị sau khi hoàn thiện có thể lựa chọn bài hát phù hợp với cảm xúc của trẻ” – Nhật Minh chia sẻ. 

Trong quá trình phát triển đề tài, nhóm bạn đã nhận được sự dẫn dắt tận tình từ TS. Ngô Hà Quang Thịnh và TS. Phan Thị Mai Hà (cùng là giảng viên Khoa Cơ khí, Trường ĐH Bách khoa). Hoài Phúc cho biết: “Hai thầy cô đã hỗ trợ tụi mình rất nhiều. Thầy Thịnh hướng dẫn chi tiết các mảng kiến thức kỹ thuật – công nghệ. Cô Hà cho nhóm nhiều góp ý xác đáng về cách thuyết trình và sáng tạo nội dung”.

Ban Giám khảo Dự án Âm nhạc hạnh phúc nhận xét đây là mô hình gần gũi, mang tính thực tế và có giá trị nhân văn cao. Sau khi hoàn thiện, nhóm có thể nhân rộng trong cộng đồng, đặc biệt là ở các trường học dành cho trẻ tự kỷ.

Với giải thưởng 50 triệu đồng, nhóm dự định triển khai mô hình trong thời gian sắp tới, chia thành nhiều giai đoạn nhỏ, bao gồm cả thử nghiệm phần cứng lẫn phần mềm, sau đó chuyển giao công nghệ cho một tổ chức xã hội uy tín nhằm đóng góp cho cộng đồng.

HỢP TÁC VÀ THẤU HIỂU LÀ “VŨ KHÍ LỢI HẠI”

Các thành viên tuy thuộc hai nhóm tính cách trái ngược nhưng lại rất hòa thuận và phối hợp nhịp nhàng. Nếu các bạn có thiên hướng kỹ thuật thường trầm tính, chịu khó lắng nghe và cố gắng hoàn thiện sản phẩm thì những nhân tố hướng ngoại còn lại nhìn nhận vấn đề khách quan và luôn ngập tràn ý tưởng mới lạ. 

Nhóm bạn tâm sự, “vũ khí lợi hại” của họ là tinh thần quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau mọi lúc suốt quá trình thực hiện dự án. Bất cứ khi nào đồng đội gặp phải khó khăn, những thành viên khác sẽ hợp sức xử trí liền tay. Hoài Phúc bộc bạch: “Tất nhiên, những lần tụ tập ăn uống, chuyện trò về chuyện học hành hoặc trải nghiệm hay hay lúc chạy deadline đã giúp tụi mình gắn bó hơn nhiều”.

Từ trái qua: Hoài Phúc (thứ hai), Minh Phương (thứ ba), Nhật Minh (thứ tư) và TS. Quang Thịnh (thứ năm) nhận giải Nhì từ ban tổ chức

Bên cạnh đó, để cân bằng việc học và đảm bảo tiến độ dự án, mỗi sinh viên luôn chủ động, tập trung và kỷ luật, cùng hướng tới mục tiêu chung. Ngoài ra, sự hướng dẫn nhiệt tình của thầy Thịnh và cô Hà cũng là nguồn động lực tinh thần mạnh mẽ, thôi thúc nhóm bạn phấn đấu bền bỉ để đạt được thành quả hiện tại.

Bài: XUÂN MAI – Hình: HOÀI PHÚC


[1] Dự án Âm nhạc hạnh phúc thuộc khuôn khổ Acecook Happiness Concert nhằm hỗ trợ hiện thực hóa các dự án âm nhạc cộng đồng, góp phần lan tỏa giá trị nhân văn thông qua âm nhạc.

Bài trước

Bài tiếp