Phạm Đức Hải: Tối ưu tự động hóa nhờ hiểu quy luật cuộc sống

Đó là chia sẻ của anh bạn SV ngành Kỹ thuật Máy tính, chương trình Giảng dạy bằng tiếng Anh, K2020, khi nói về khả năng ứng dụng vô biên của máy tính vào đời sống hàng ngày.

Mê máy tính và các hệ thống điều khiển tự động từ hồi phổ thông, cho tới khi lựa chọn Bách khoa làm bến đậu vun đắp hành trình nghề nghiệp tương lai, Phạm Đức Hải như cá gặp nước khi được thỏa sức ngụp lặn giữa bể tri thức. “Vạn vật trong cuộc sống đều tuân theo những quy luật nhất định. Chính vì vậy, để có thể tối ưu cuộc sống theo hướng tự động hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống con người, máy tính phải hiểu và vận dụng tối ưu các quy luật này. Và làm sao để máy tính có thể thấu hiểu con người chúng ta thì đó là trách nhiệm của một kỹ sư máy tính” – Hải mở đầu câu chuyện với OISP đầy chất “triết”.

“Nếu quan tâm chủ đề máy tính và những tác động làm thay đổi sâu sắc tới quyết định của con người, bạn có thể tìm đọc cuốn sách Algorithms to Live By: The Computer Science of Human Decisions của Brian. Cuốn sách giúp độc giả có thêm hiểu biết sâu sắc từ các thuật toán máy tính để áp dụng vào cuộc sống hàng ngày, làm sáng tỏ hoạt động tâm trí của con người và hỗ trợ chúng ta đưa ra các quyết định hợp lý” – Hải nói.

Bài viết liên quan
Tăng trưởng mạnh lĩnh vực bán dẫn, Việt Nam cần nhiều kỹ sư vi mạch
SV Bách khoa làm trạm quan trắc thông minh đo ô nhiễm nước

Thành tích danh dự
• GPA: 8,55/10,00; IELTS: 8.0/9.0
• Thành viên câu lạc bộ OISP Student Ambassadors (OSA)
• Giải Nhì cuộc thi Bách Khoa Innovation 2021
• Sinh viên 5 Tốt cấp Thành phố năm 2022
• Học bổng tham dự Trường hè Khoa học Việt Nam lần thứ IX tại Quy Nhơn (Vietnam Summer School of Science)
• Học bổng Pony Chung 2022
• Học bổng thực tập hè trực tuyến Virtual Micro-internship do ĐH Auckland và tổ chức ENZ trao tặng
• Top 4 Intel Expert Challenge 2021 Vòng Loại Trường ĐH Bách khoa

Chào các bạn, mình là Phạm Đức Hải và hiện là một sinh viên CE (cách sinh viên gọi tắt với nhau – Computer Engineering – Kỹ thuật Máy tính). Hiện tại, mình đang là thực tập sinh AI (Artificial Intelligence – Trí tuệ Nhân tạo) ở VinAI Research. Tại VinAI, mình đang tập trung nghiên cứu lĩnh vực thị giác máy tính (computer vision), cụ thể phân tích hình ảnh đầu vào từ đó hiểu được nội dung, ý nghĩa của cảnh có trong ảnh (scene understanding) dành cho xe tự lái. Tuy chủ đề cũng đã xuất hiện từ lâu, nhưng vẫn tồn đọng nhiều vấn đề để giải quyết và là một trong những ưu tiên trong công cuộc số hóa của TP. Hồ Chí Minh. Với sự hướng dẫn từ các anh mentor, mình đang cố giảm sự phụ thuộc của các cảm biến 3D bằng cách ứng dụng học sâu (deep learning) để trực tiếp xây dựng không gian 3D từ camera mà không cần thêm các cảm biến khác.

Hải chụp hình lưu niệm tại buổi Lễ dâng hoa trước tượng đài Bác Hồ, tuyên dương danh hiệu SV 5 Tốt cấp Thành phố năm 2022.

Ngoài học và nghiên cứu, skateboarding (trượt ván) và boxing (đấm bốc) là hai thứ mình thích nhất. “Eh, why not! Cứ thử đi có mất gì đâu” cũng là châm ngôn sống của mình. Mong rằng với những tích lũy tại VinAI và quá trình học tập tại Trường ĐH Bách khoa, mình có cơ hội được học tiếp bậc PhD tại các trường đại học top 20 của Mỹ.

THÍCH LẬP TRÌNH, MÊ LINH KIỆN ĐIỆN TỬ TỪ NĂM CẤP BA

Phạm Đức Hải ở những năm cấp ba tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai
Hải năng nổ tham gia các hoạt động từ thời cấp Ba tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai.

Hồi cấp Ba, mình thích lập trình và cũng mê vọc linh kiện điện tử nữa nên hơi rối không biết ngành nào là phù hợp. Nhờ anh chị khóa trên, mình mới biết ngành Kỹ thuật Máy tính bao gồm kiến thức liên ngành giữa máy tính và điện tử. Tụi mình được học lý thuyết quan trọng của máy tính như cấu trúc dữ liệu và giải thuật, hệ điều hành và cộng thêm về điện tử như vi xử lý, mạch điện – điện tử. Bằng khối kiến thức đó, dưới sự hướng dẫn tận tâm của PGS. TS. Phạm Quốc Cường, mình đã áp dụng phép tính tích chập vào đề tài: “An FPGA-based Solution for Convolution Operation Acceleration” (tên tiếng Việt: Nghiên cứu thiết kế và xây dựng lõi mềm tính toán tính chập trên phần cứng tái cấu hình). Đề tài cũng được đăng trên hội nghị khoa học International Conference on Intelligence of Things 2022

KỶ LUẬT VÀ TUÂN THỦ – KỸ NĂNG QUAN TRỌNG TRONG ĐỜI SINH VIÊN

Mình nghĩ là ai đã chọn học nhóm ngành về máy tính thì hơi khó ngủ ngon. Để cân bằng năng lượng, việc tham gia các hoạt động ngoại khóa là một thứ rất đáng trải nghiệm, giúp bạn lấy lại tinh thần sau nhiều giờ học căng thẳng. Riêng mình, mình chọn tham gia câu lạc bộ OSA ngay từ năm nhất và có cơ hội tổ chức các hoạt động thú vị như OISP International Festival 2021 với vai trò là thành viên ban Media (thiết kế và chụp hình sự kiện). 

Phạm Đức Hải tham gia OISP International Festival 2021
Hải (bìa phải hàng đứng, giơ ngón trỏ) chụp hình lưu niệm cùng ban tổ chức OISP International Festival 2021.

Đương nhiên, như vậy, mình cần phải biết quản lý hiệu quả quỹ thời gian của mình để làm tốt cả ba việc: học, nghiên cứu và sinh hoạt CLB. Mình chọn theo cơ chế Round Robin Scheduling, nghĩa là vạch rõ các khung giờ, cứ đúng giờ thì làm một việc theo kế hoạch. Đây cũng là cách mà máy tính sắp xếp tài nguyên của mình. Tính kỷ luật trong sắp xếp và tuân thủ thời gian biểu là một kỹ năng cực kỳ quan trọng mà môi trường đại học sẽ rèn sinh viên để chuẩn bị hành trang bước vào sự nghiệp nghiêm túc. Đôi lúc, mình còn dành cả bốn đến năm tiếng hơn để ngồi code liên tục cho kịp deadline nộp bài. Tuy vậy, mình nghĩ nếu bạn thực sự đam mê con đường đã chọn, những trải nghiệm này vô cùng đáng nhớ. Và sẽ càng ý nghĩa hơn nếu quãng thời gian đó bạn được trải đời chung với những người bạn thân.

LUÔN TRONG THẾ CHỦ ĐỘNG ĐỂ HỌC HỎI VÀ SĂN HỌC BỔNG

Điều cơ bản nhất để duy trì việc học hiệu quả là hãy dành thời gian để đọc giáo trình và kiếm hội bạn học chung. Bởi các tiết học trên lớp rất ngắn nên thầy cô chỉ có thể cung cấp các nội dung chính, còn chuyên sâu hơn nữa, sinh viên phải tự đọc sách. Ngoài ra, mình cũng thường tận dụng quỹ thời gian của mình vào những buổi la cà cà phê với anh em chung ngành, dù đôi lúc cũng không thực sự học mấy (hihi), nhưng điều này giúp tụi mình đỡ nản hơn khi gặp các bài toán khó trong quá trình học.

Thậm chí, sinh viên cần chủ động trao đổi trực tiếp với giảng viên để làm rõ các vấn đề mình chưa hiểu. Thật may mắn khi mình được biết và học hỏi nhiều từ các thầy trong khoa như TS. Nguyễn Đức Dũng, TS. Lê Trọng Nhân… vì các thầy luôn sẵn sàng hướng dẫn và gợi ý các đề tài nghiên cứu hay ho và cách vận dụng kiến thức vào nghiên cứu thực tiễn. Nhờ được trao đổi với các thầy, mình mới có cơ hội biết tới các học bổng cao quý và chuẩn bị hồ sơ. Bên phải là hình chụp Hải (bìa phải) cùng các bạn tại buổi lễ trao học bổng chương trình Virtual Micro-internship do ĐH Auckland và tổ chức ENZ trao tặng.

Lễ nhận học bổng Virtual Micro-Internship của New Zealand

Phạm Đức Hải tham dự Trường Khoa học VN tại Quy Nhơn

Nói về săn học bổng, mình thấy có một tiểu tiết không kém phần quan trọng mà mọi người thường không để ý tới chính là dành thời gian để tìm hiểu kỹ tất tần tật về học bổng mình dự tính ứng tuyển. Nôm na có thể hiểu rằng, đó là nắm rõ về mục tiêu, định hướng, các thay đổi qua từng năm, những cái tên đạt được học bổng để biết cách thể hiện nguyện vọng ứng tuyển – một yếu tố chiếm trọng số lớn trong quá trình săn học bổng. Điều này giúp ban giám khảo thấy rằng bạn là một nhân tố sáng khi để tâm và tìm hiểu kỹ, biết lý do mình phù hợp. Hình bên là các bạn tham gia cùng Hải (hàng quỳ, thứ hai từ trái qua) trong chương trình Trường hè Khoa học Việt Nam lần thứ IX tại Quy Nhơn.

Ngành Kỹ thuật Máy tính, chương trình Giảng dạy bằng tiếng Anh, Trường ĐH Bách khoa (mã trường: QSB, mã ngành: 207) hướng đến đào tạo bạn trẻ thích lập trình phần nhúng và thiết kế vi mạch điện tử dùng cho các thiết bị điều khiển tự động, robot công nghiệp. Mục tiêu đào tạo của chương trình nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh trong lĩnh vực bán dẫn trước làn sóng các tập đoàn lớn đang đầu tư mạnh vào Việt Nam như Synopsys, Marvell, Renesas hay thậm chí chuỗi cung ứng chip hàng đầu thế giới ASML cũng đang xem xét, nhắm đến đặt nhà máy tại nước ta.
Hiện Việt Nam đang đứng thứ chín trên toàn cầu ở lĩnh vực xuất khẩu hàng điện tử (2022). Theo Technavio, thị trường chất bán dẫn của nước ta dự kiến tăng thêm 1,65 tỷ USD giai đoạn 2021-2025, với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) khoảng 6,52%/năm. Với thế mạnh đó, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội trở thành sản xuất chip của thế giới. Từ đó, nhu cầu kỹ sư vi mạch giỏi chuyên môn, thạo ngoại ngữ là vô cùng cần thiết.

TÚ TÚ thực hiện – Hình: Nhân vật cung cấp – Đồ họa: HUY PHAN

Bài trước

Bài tiếp