Bắt đầu từ niềm say mê công nghệ in 3D, Lê Long Thịnh (sinh viên K2018 chương trình Chuyển tiếp Quốc tế ngành Kỹ thuật Cơ Điện tử) đã tự thân gây dựng thương hiệu Long 3D Printing. Đó là hành trình gian nan và đầy thách thức. Cùng OISP lắng nghe anh chàng trải lòng về câu chuyện khởi nghiệp độc đáo này nghen!
Bài viết liên quan
▶ Bùi Đức Minh: Chủ động học hỏi và đồng hành với những “gã khổng lồ”
▶ Phan Châu Dung: Khi bước khỏi vùng an toàn, bạn sẽ ngạc nhiên về bản thân
▶ Mơ về con đường năng lượng, sinh viên Bách khoa máy phát điện từ bước chân
▶ Thiết kế hệ thống quét 3D linh hoạt, sinh viên Bách khoa Quốc tế công bố bài báo khoa học
BÉN DUYÊN VỚI CÔNG NGHỆ IN 3D NHỜ MÔN NHẬP MÔN KỸ THUẬT
Cuối học kỳ I năm Nhất, giảng viên môn Nhập môn Kỹ thuật yêu cầu lớp mình làm dự án. Lúc đó mình lên YouTube tìm kiếm ý tưởng và tìm thấy máy vẽ 2D. Vì quá thích thú nên mình tự làm máy từ A tới Z. Máy có thể vẽ hầu như mọi thứ bằng mực viết bi và hoạt động trơn tru ngoài sự mong đợi của mình. Tuy nhiên, mình bị cho rớt do không thể hiện được tính sáng tạo.
Mình hông quá buồn vì vụ này đâu. Vốn yêu thích các loại máy móc tự động, mình đã bước vô vũ trụ in 3D sau đó vài tuần, khi nhìn thấy đề xuất máy in 3D trên YouTube. Mình cực kỳ hào hứng, bởi công nghệ in 3D có thể tạo ra nhiều thứ cầm nắm được và hoạt động tốt (thay vì chỉ dừng lại ở dạng bản vẽ). Máy in 3D mình đang để ý có giá khá mắc (khoảng 5,5 triệu đồng vào cuối năm 2018). Mình phải năn nỉ, thuyết phục ba mẹ rất nhiều.
Cuối cùng, nhị vị phụ huynh cũng đồng ý mua cho mình máy in 3D đầu tiên. Mình vô cùng phấn khích do đã biết thiết kế 3D sơ sơ trên AutoCAD (phần mềm chuyên vẽ kỹ thuật bằng vector 2D hay bề mặt 3D, thường dùng cho bản vẽ nhà cửa).
Quá trình tự học in 3D của mình thực sự gian nan. Ở thời điểm đó, công nghệ này quá mới mẻ, chưa được nhiều người biết tới. Tài liệu hướng dẫn tiếng Việt hiếm hoi. Tất cả mọi thứ mình đều tự tìm hiểu trên mạng. May là nhờ khá ngoại ngữ, mình có thể học từ video và tra cứu tài liệu tiếng Anh.
Khi gặp phải mấy lỗi mà Google hoặc YouTube không hướng dẫn, mình phải kiếm trong các diễn đàn nước ngoài, đọc tất cả bình luận coi có ai gặp vấn đề tương tự không. Giai đoạn đó mình rất stress, lo lắng từ chuyện học hành tới chuyện tiền nong, rồi thêm máy hay gặp lỗi lặt vặt nữa. Có lúc, mình thức tới 2 giờ sáng liên tục nửa tháng. Có vẻ những kiến thức đại cương hai năm đầu đại học hổng liên quan lắm tới công nghệ in 3D. Thế nhưng, qua đó, mình học được cách tư duy đa chiều, cũng như biết cách sắp xếp thời gian hợp lý để vừa học vừa làm.
Hơn nữa, hồi năm Nhất, năm Hai, việc học với mình không quá khó khăn. Chỉ cần ngẫm nghĩ một chút, mình có thể giải được bài tập. Trước các bài khó, mình sẽ chú tâm hơn một chút. Kết quả là mình có kha khá thời gian rảnh để nghiên cứu kỹ thuật in 3D. Ngoài ra, mình hay tranh thủ giờ ăn để coi các video về toán học, công nghệ, máy móc… trên YouTube.
TỪ CHÀNG SINH VIÊN NĂM NHẤT TỚI CẬU CHỦ TIỆM IN 3D
Một tháng trôi qua kể từ ngày mình mua được máy in đầu tiên, chú mình đã nhận thấy tiềm năng của công nghệ in 3D. Chú lập fanpage cho mình vào tháng 4/2019. Tất nhiên, lúc đó người mới như mình đâu có khách hàng, không ai biết đến. Mình đành mặt dày tham gia các nhóm cộng đồng in 3D trên Facebook và nhắn riêng với người lạ khi họ ngỏ ý quan tâm.
Rồi những đơn hàng nho nhỏ bắt đầu tìm tới. Mình kiếm được 400.000 đồng đầu tiên bằng chính thời gian và công sức của bản thân. Mình quý số tiền này lắm, nhét liền vô ống heo. Tuy nhiên, sau đó, mình phải lấy ẻm ra để nhập nguyên liệu mới. Khi tích cóp khoảng 1 triệu đồng, mình nhận được 6,6 triệu đồng học bổng. Đúng lúc bạn rủ làm thử một cái máy in 3D, mình quyết định đầu tư luôn với số vốn vỏn vẹn 7,6 triệu đồng (trong khi làm máy hết 13 triệu đồng). Vậy là mình mượn thêm tiền từ mẹ, bạn thân và chị họ để bù vô phần thiếu hụt.
Hên là thầy mình đang công tác tại một công ty chuyên cung cấp phụ kiện xe máy. Thầy giới thiệu mình với cấp trên ở công ty. Họ đồng ý chạy thử máy in và rồi mình chốt được đơn hàng máy in khổ công nghiệp đầu tiên (600 x 600 x 600 mm). Mình thực sự không ngờ tới chuyện này luôn.
Nhờ phi vụ này, mình thu về 10 triệu đồng tiền lời, rồi tiếp tục tái đầu tư, ráp thêm nhiều máy khác và lên các nhóm Facebook rao bán sản phẩm. Những đơn hàng tăng lên từ từ. Bên cạnh việc lắp ráp máy in 3D và cung cấp dịch vụ in ấn – thiết kế, mình còn nhận ráp máy vẽ(1), máy phay CNC(2) và máy khắc laser(3) bằng cách tận dụng công nghệ in 3D sẵn có để sản xuất nhiều chi tiết lắp ghép cho các loại máy trên.
Nhớ lại những ngày đầu tiên, ba mẹ thường xuyên la mắng khi thấy mình bày bừa và mua sắm thiết bị. Mãi tới ba tháng trước khi lên đường du học, ba mẹ mới thấu hiểu cho mình. À mà trong cái rủi có cái may. Hồi mới “khởi nghiệp”, mình hay bị thiếu vốn. Biết vậy, bạn Ngô Hồ Minh Quang (sinh viên K2018 chương trình Chuyển tiếp Quốc tế ngành Kỹ thuật Cơ Điện tử, cậu bạn thân kiêm bạn chung phòng ở Úc) đã nhiệt tình giúp đỡ mình. Đợt đó, hai đứa quen biết nhau chỉ mới sáu tháng mà bạn đã vui vẻ cho mình mượn 3 triệu đồng ngay và luôn. Đối với mình, Minh Quang là một quý nhân.
CHI TIÊU TIẾT KIỆM VÌ KIẾM TIỀN KHÔNG DỄ
Sau khi bán được máy in 3D khổ lớn đầu tiên, mình đã có thêm kiến thức và vốn liếng để xây dựng thương hiệu Long 3D Printing. Kể từ đây, mình luôn tự thân vận động, từ bước lùng mua linh kiện tới khâu lắp ráp, lập trình, test máy, sửa lỗi, tinh chỉnh thông số phần mềm, đóng gói, bàn giao, chăm sóc khách hàng.
Hai năm qua, mình để dành được hơn 200 triệu đồng. Do đó, trước khi qua Úc, mình tự thưởng cho bản thân iPhone 13 Pro 128GB và iPad Pro M1 2021 11 inch 128GB, hihi. Mình khá ưng ý vì hai ẻm có thể hỗ trợ tốt việc học tập và giải trí. Hiện tại, mình đủ sức tự lo toàn bộ sinh hoạt phí tại Úc. Tuy nhiên, ba mẹ vẫn cần đóng học phí cho mình, he he.
Theo thời gian, mình ngày càng nhận thức sâu sắc giá trị của đồng tiền. Kiếm tiền thực sự là một công việc gian nan. Nếu không đủ kiên trì, có lẽ mình đã bỏ cuộc giữa chừng. Rất nhiều lần, mình định đầu hàng trước hàng tá rắc rối. Thế nhưng, cuối cùng, mình vượt qua tất cả và ngày càng có nhiều nếp nhăn trên não riêng ở lĩnh vực này.
Vì kiếm tiền khó khăn, cực khổ nên mình học được cách tiết kiệm và chi tiêu hợp lý. Mình chỉ mua đồ khi thực sự cần tới và thường đầu tư vô những thứ giúp bản thân kiếm tiền. Tất nhiên, cũng có trường hợp ngoại lệ, mình chi cho những món đồ giải trí, ha ha.
Sắp tới, mình dự định thiết lập cánh tay robot lấy mẫu tự động lúc in xong, đồng thời xây dựng phần mềm giúp người dùng đưa ra yêu cầu, sau đó máy vận hành tự động rồi gởi mọi thông báo về điện thoại của mình. Khi mọi thứ trở nên tự động, mình chỉ cần giám sát toàn bộ quy trình thông qua điện thoại thông minh. Lâu lâu, mình sẽ ghé thăm máy in một chút. Mình cũng tính mở rộng kinh doanh ra thị trường nước ngoài, chẳng hạn như xứ sở chuột túi (nơi mình đang du học) nè.
—
(1) Máy vẽ: Máy vẽ là một máy in điện toán có chức năng in hoặc cắt đồ họa vector. Vì có thể vẽ hình ảnh trên giấy theo tọa độ cho trước bằng viết, dao nên máy còn được gọi là máy vẽ XY.
(2) Máy phay CNC: Đây là một loại máy gia công cơ khí áp dụng công nghệ CNC (Computer Numerical Control), được điều khiển tự động bằng máy tính thông minh và rất phổ biến trong các công xưởng trên cả nước.
(3) Máy khắc laser: Máy khắc laser sử dụng chùm tia laser để điêu khắc/ khắc dấu lên bề mặt sản phẩm, không cần tới mục in và không gây thay đổi tính chất vật lý của vật liệu gia công.
XUÂN MAI thực hiện – Hình: LONG THỊNH