Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
tuvan@oisp.edu.vn

Trở thành chuyên gia môi trường với bí quyết từ người trong cuộc

Từ Thái Lan, anh Phạm Tiến Mạnh (cựu SV Bách khoa K2014 chương trình Chất lượng cao ngành Quản lý Tài nguyên & Môi trường) chia sẻ những phương châm đã giúp bản thân gặt hái thành công trong nghề nghiệp. Cùng OISP khám phá ngay thôi!

Phạm Tiến Mạnh: Trở thành chuyên gia môi trường với bí quyết từ người trong cuộc
Phạm Tiến Mạnh tại Công viên Khoa học Đông Bắc (Thái Lan).
LÝ LỊCH TRÍCH “XÉO”
Phạm Tiến Mạnh, cựu SV Bách khoa K2014 chương trình Chất lượng Quản lý Tài nguyên & Môi trường, chương trình Chất lượng cao
  • Giải Nhất OISP Presentation Contest 2014
  • Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Khối OISP 2015-2017
  • Giải Ba “Poster khoa học ấn tượng” tại Ngày hội Kỹ thuật Khoa Môi trường & Tài nguyên 2016
  • Giải “Công trình khoa học có poster ấn tượng” tại Hội nghị Nghiên cứu khoa học SV OISP 2016
  • Tình nguyện viên hỗ trợ Chương trình Trao đổi SV Newcastle University 2016 (Úc)
  • Top 50 ứng viên xuất sắc của cuộc thi SCG Young Leader Program 2016
  • Thành viên chương trình Asian Undergraduate Summit 2017 (Singapore)
  • Học bổng trao đổi Erasmus+ 2017 với Masaryk University (Séc)
  • Hiện là chuyên viên phát triển bền vững (Sustainability Development) cho Tập đoàn Nước giải khát Thái Lan (ThaiBev) và đang theo học chương trình thạc sỹ ngành Đổi mới Kinh doanh tại ĐH Bangkok (Thái Lan)
  • BÍ QUYẾT THỨ 1: SỰ CHỦ ĐỘNG

    Sự chủ động luôn là yếu tố tiên quyết giúp SV bất kể chuyên ngành nào nắm bắt nhiều cơ hội trong cuộc sống. Riêng đối với SV nhóm ngành Môi trường (Quản lý Tài nguyên & Môi trường, Kỹ thuật Môi trường), đức tính này cực kỳ quan trọng. Ngành Môi trường cung cấp cho bạn những hiểu biết trải rộng ở hầu hết lĩnh vực; bù lại, ngành này sẽ không mang đến những mảng kiến thức quá chuyên sâu. Do đó, bạn cần chủ động tìm kiếm cơ hội nhằm tích lũy kiến thức, kinh nghiệm trong ngách hẹp mà bạn quan tâm. 

    Ví dụ, hồi còn học Pre-University, mình đã rất may mắn khi được xếp vào lớp Soft Skills của TS. Võ Thanh Hằng. Khi biết cô là một nữ giảng viên tâm huyết và tràn đầy năng lượng của Khoa Môi trường & Tài nguyên, mình đã “mặt dày” lẽo đẽo theo cô để tự giới thiệu bản thân và bày tỏ nguyện vọng học hỏi thêm nhiều điều về ngành trước khi bắt đầu vào học kỳ chính khóa.

    Do đó, cô có ấn tượng tốt về mình. Sau này, mỗi khi có hội thảo, thông tin học bổng, dự án nghiên cứu mới, cô luôn hỏi mình có quan tâm không. Cũng nhờ những lời giới thiệu của cô, mình đã giành được nhiều học bổng giá trị (nền tảng vững chắc để mình phát triển sau này).

    Phạm Tiến Mạnh: Trở thành chuyên gia môi trường với bí quyết từ người trong cuộc
    TS. Võ Thanh Hằng (trái) chia sẻ niềm vui tốt nghiệp với Tiến Mạnh.

    BÍ QUYẾT THỨ 2: MỐI QUAN HỆ

    Trong những năm tháng ĐH, mình may mắn được học với những giáo sư, giảng viên hàng đầu trong và ngoài nước trong lĩnh vực môi trường. Có thể kể đến PGS. TS. Đào Thanh Sơn, một người thầy vừa có tâm, có tầm vừa cực kỳ gần gũi với SV. Thầy luôn là một người bạn thấu hiểu, một người thầy dẫn đường chỉ lối cho SV trong quá trình học tập.

    Ngoài ra, khi SV muốn đăng ký học bổng, thầy luôn dành thời gian để tự tay viết thư giới thiệu. Đây là điều vô cùng quan trọng khi xin học bổng, bởi hội đồng xét duyệt sẽ dựa trên những thông tin mà thầy cung cấp để đánh giá xem một ứng viên có tiềm năng và phù hợp không. Nếu không có những bức thư giới thiệu của thầy, có lẽ, chặng đường bước ra thế giới của mình sẽ khó khăn gấp vạn lần.

    Mặt khác, Trường ĐH Bách khoa nói chung và Khoa Môi trường & Tài nguyên nói riêng thường xuyên mời giáo sư quốc tế từ Thái Lan, Đài Loan, Philippines đến thỉnh giảng. Bên cạnh năng lực nghiên cứu khoa học, những chuyên gia này còn tích lũy nhiều kinh nghiệm thực tế khi làm việc cho những dự án quy mô lớn của các doanh nghiệp tư nhân. Họ có cách dạy tiên tiến và luôn sẵn sàng chia sẻ mọi kiến thức, kinh nghiệm với SV. Sau khi tốt nghiệp đi làm, mình mới nhận ra rằng những bài học kinh nghiệm quý giá ấy đã giúp mình tránh được không ít thất bại khi khởi đầu sự nghiệp.

    Chưa hết, những mối quan hệ trong quá trình học tập cũng cực kỳ hữu ích sau khi bạn ra trường vì biết đâu, chúng ta sẽ gặp lại và giúp đỡ lẫn nhau. Ví dụ, hiện tại, mình đảm nhận vị trí chuyên về môi trường ở một tập đoàn đa quốc gia. Bạn mình đang làm tư vấn viên cho một công ty tư vấn môi trường. 

    Chỉ bằng vài tin nhắn hay cuộc gọi, tụi mình có thể trao đổi với nhau những thông tin giá trị, từ đó mở ra nhiều cơ hội chia sẻ, bổ sung kiến thức và phát triển cho cả hai. Nói chung, để tồn tại và thành công trong một thế giới rộng lớn và phức tạp, đôi khi chúng ta cần đi cùng nhau.

    PGS. TS. Đào Thanh Sơn (trái) cùng tác giả trong ngày vui tốt nghiệp.

    BÍ QUYẾT THỨ 3: KHẢ NĂNG TỰ HỌC

    Nếu phải thực hiện một phép so sánh, có lẽ mình sẽ so sánh ngành Môi trường với ngành Truyền thông vì SV cả hai ngành luôn phải tìm tòi, học hỏi những kiến thức, trào lưu mới, từ đó kết hợp kiến thức đã học vào thực tế một cách dễ dàng. 

    Bạn có thể học được những kiến thức này thông qua các kênh Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum), hội thảo về chủ đề Phát triển Bền vững (Sustainable Development), Kinh tế Tuần toàn (Circular Economy) hay Net-zero

    Tại sao bạn cần cập nhật những xu hướng ấy? Câu trả lời là bạn sẽ biết được đâu là thứ mà mọi người quan tâm. Những vấn đề nào phải được giải quyết và giải quyết ra sao. Nhờ đó, bạn có được lý do không thể thuyết phục hơn để kêu gọi người khác đi theo mình. 

    Điều này vô cùng hữu ích khi bạn tham gia những cuộc thi khởi nghiệp hay nghiên cứu khoa học. Có thể nói, học ngành Môi trường là học cách trở thành một người lãnh đạo, mang đến những điều tốt đẹp cho thế giới xung quanh. Để hiểu rõ hơn, hãy xem K-drama Start-up, đoạn mọi người phải liệt kê tất cả từ khóa liên quan đến những xu hướng hiện nay để giành lấy vị trí CEO. 

    BÍ QUYẾT THỨ 4: TƯ DUY HỢP TÁC THAY VÌ CẠNH TRANH

    Chắc hẳn, những người học ngành Môi trường đều biết đến cụm từ “phát triển bền vững”, đại khái là làm thế nào để sử dụng nguồn tài nguyên hiệu quả sao cho các thế hệ tương lai cũng có thể sử dụng nguồn tài nguyên y như vậy. Hay nói cách khác, phát triển bền vững là phát triển kinh tế (làm ra tiền) nhưng không gây ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên và đời sống của người dân. 

    Để đạt được mục tiêu này, không một cá nhân, một tổ chức nào có thể thực hiện đơn độc mà chúng ta cần phải phối hợp nhiều bên (stakeholder collaboration). Do đó, sự hợp tác để đôi bên cùng có lợi (win-win) luôn là giá trị cốt lõi của những người làm việc trong lĩnh vực môi trường. Và điều này là một sự khác biệt cực kỳ đặc biệt trong xã hội hiện đại. Bạn có thể đạt được thành công và giành được lòng tin từ những người xung quanh khi mang tư duy hợp tác này vào công việc hay bất cứ lĩnh vực nào trong cuộc sống.

    Trên đây là những kinh nghiệm mình đúc kết được suốt bốn năm học ngành Môi trường ở Bách khoa. Mình không khẳng định rằng những bí quyết trên có thể giúp bạn đạt được 100% điều bạn mong muốn nhưng ít nhất, mình hy vọng những chia sẻ này sẽ phần nào hữu ích cho bạn.

    Ngoài ra, mình còn tạo một nhóm mang tên Sustainability & Entrepreneur Center trên facebook dành cho những bạn trẻ quan tâm đến lĩnh vực Môi trường. Rất mong chúng ta có thể cùng nhau hợp tác để giúp đất nước ngày càng tốt đẹp hơn. Hãy điền link khảo sát này và tham gia nhóm nhé!


    Tiến Mạnh (hàng đứng, thứ hai từ trái qua) cùng bạn bè quốc tế trong học kỳ trao đổi tại CH Séc.

    Bài, hình: PHẠM TIẾN MẠNH

    Đáp ứng nhu cầu nhân lực trình độ cao của lĩnh vực môi trường tại Việt Nam và trên thế giới, từ 2014, Trường ĐH Bách khoa triển khai chương trình Chất lượng cao ngành Quản lý Tài nguyên & Môi trườngKỹ thuật Môi trường (mã trường: QSB, mã ngành: 225). Nếu yêu thích lĩnh vực thú vị này cũng như mong muốn làm việc trong các công ty/ tập đoàn đa quốc gia liên quan đến môi trường, bạn hãy cân nhắc lựa chọn một trong hai chương trình này nhé!

    LIÊN HỆ TƯ VẤN
    Văn phòng Đào tạo Quốc tế (OISP) – Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM)
    ⓐ Kiosk OISP, Trường ĐHBK, 268 Lý Thường Kiệt, Q.10
    ⓟ (028) 7300.4183 – 03.9798.9798
    ⓔ tuvan@oisp.edu.vn

    Bài viết liên quan
    Kỹ sư môi trường – Lựa chọn nghề nghiệp “đi trước đón đầu” trong thời đại mới
    Thời đại “cô-vít”, càng kích thích vai trò của kỹ sư môi trường
    Bạn biết gì về ngành Môi trường tại Bách khoa?
    Nên chọn Quản lý Tài nguyên Môi trường hay Kỹ thuật Môi trường

    Bài trước

    Bài tiếp