Theo chuyên gia dầu khí Ngô Viết Nghĩa và TS. Mai Cao Lân, nếu muốn thăng tiến trong ngành dầu khí, sinh viên cần nắm chắc chuyên môn và thành thạo ngoại ngữ.
Bài viết liên quan
► Kỳ 1 Cuối tuần cùng chuyên gia: Kỹ thuật Vật liệu – ngành học đón đầu xu thế
► QS Subjects 2022: Ngành Kỹ thuật Dầu khí Bách khoa lọt vô top 50-100 thế giới
► Gọi tên 5 điểm sáng của chương trình Chất lượng cao ngành Kỹ thuật Dầu khí
► Lê Văn Sĩ: từ mái nhà Bách khoa, tự tin bay xa trong ngành Dầu khí
Kỳ 2 với chủ đề “Vi vu biển cả, khám phá tiềm năng ngành dầu khí” vừa diễn ra vào sáng Chủ Nhật tại P.510A4. Đây là buổi trò chuyện gần gũi giữa chuyên gia, giảng viên, sinh viên Bách khoa ngành Kỹ thuật Dầu khí với những thí sinh, phụ huynh quan tâm lĩnh vực này.
TRIỂN VỌNG TƯƠI SÁNG CỦA NGÀNH DẦU KHÍ VIỆT NAM
Theo báo cáo của chính phủ Úc năm 2017, Việt Nam có trữ lượng dầu mỏ là 4,4 tỷ thùng (đứng đầu khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 26 trong tổng số 52 quốc gia có mỏ dầu) và trữ lượng khí là 704 tỷ m3 (thuộc top 3 ở Đông Nam Á, chỉ sau Malaysia và Indonesia). Các chuyên gia dự báo, nước ta có thể khai thác dầu khí trong vòng trên 100 năm từ các mỏ dầu khí đã và đang thăm dò.
Ngành dầu khí đang chú trọng phát triển nhiều công nghệ tiên tiến như: tăng cường thu hồi, thu hồi và lưu trữ carbon, tự động hóa trong công nghệ khoan… nhằm nâng cao năng suất thu hồi dầu (các phương pháp truyền thống chỉ mới lấy được khoảng 30% lượng dầu từ mỏ). Tin vui là các kỹ sư Việt Nam đã thu dầu thành công từ tầng đá móng. Đây là cú hích quan trọng trong lịch sử dầu khí thế giới, chứng minh trình độ phát triển của nền khoa học – kỹ thuật nước nhà.
Song song đó, năng lượng tái tạo cùng năng lượng phi truyền thống sẽ lên ngôi trong tương lai. Sắp tới, ngoài việc tăng cường tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí ở vùng nước xa bờ, các công ty, tập đoàn dầu khí Việt Nam sẽ đẩy mạnh nghiên cứu về địa nhiệt, dầu/ khí đá phiến, dầu/ khí sét, khí than, khí cháy, băng cháy, bitum… Vì vậy, cơ hội nghề nghiệp dành cho sinh viên ngành dầu khí càng thêm rộng mở, phong phú.
học ngành dầu khí phải giỏi tiếng anh
Chuyên gia Nghĩa và TS. Lân nhấn mạnh, với tính chất đặc thù, lĩnh vực dầu khí luôn đòi hỏi nguồn nhân lực trình độ cao. Tài liệu chuyên môn chủ yếu bằng tiếng Anh. Những người làm việc trong ngành cần liên tục trau dồi năng lực, cộng tác với chuyên gia ngoại quốc và vận hành trang thiết bị của nước ngoài. Không chỉ dừng lại ở đó, các kỹ sư dầu khí thường được cơ quan khuyến khích tu nghiệp, du học ở nước ngoài để cập nhật công nghệ hiện đại nhất.
Nhằm chủ động đào tạo đội ngũ cử nhân/ kỹ sư vững chuyên môn, giỏi ngoại ngữ và có kỹ năng mềm tốt, Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM) đã tiên phong vận hành chương trình Chất lượng cao và Chuyển tiếp Quốc tế ngành Kỹ thuật Dầu khí (mã trường: QSB, mã ngành: 220) từ nhiều năm qua.
Bên cạnh mảng thăm dò và khai thác (thượng nguồn) truyền thống, Khoa Kỹ thuật Địa chất & Dầu khí đang chú trọng giảng dạy phân khúc trung nguồn (gồm lưu trữ, vận chuyển dầu khí đến các nhà máy lọc hóa dầu thông qua đường thủy, đường ống) cũng như hướng dẫn sinh viên mọi công đoạn còn lại, từ xử lý, chế biến, vận tải đến tiếp thị và buôn bán sản phẩm cuối cùng ở hạ nguồn.
Theo QS Subjects 2022, ngành Kỹ thuật Dầu khí Bách khoa lọt vô top 50-100 thế giới và xếp hạng Nhất Việt Nam. Tốt nghiệp từ hai chương trình này, người học có thể trở thành công dân toàn cầu, tự tin hòa nhập trong môi trường quốc tế và làm việc ở các công ty, tập đoàn dầu khí hàng đầu.
Xem thêm hình ảnh về Kỳ 2 “Vi vu biển cả, khám phá tiềm năng ngành Dầu khí” của chương trình Cuối tuần cùng chuyên gia tại đây.
Chương trình Cuối tuần cùng chuyên gia do Văn phòng Đào tạo Quốc tế (Trường ĐH Bách khoa) tổ chức nhằm hỗ trợ học sinh THPT tìm hiểu ngành nghề thông qua góc nhìn của chuyên gia.
+ Kỳ 4 (19/6/2022): Cơ Kỹ thuật – Lựa chọn cho bạn thích lập trình, máy tính |
Tin: XUÂN MAI – Hình: OISP