Lê Văn Sĩ: từ bệ phóng Bách khoa, tự tin bay xa trong ngành Dầu khí

“Lựa chọn hành trình tiếp theo sau khi nhận được tấm bằng đại học là bước đi cần thiết giúp mình thành công trên con đường theo đuổi hoài bão”. Đó là tâm sự của Lê Văn Sĩ – cựu sinh viên Bách khoa K2008 ngành Kỹ thuật Dầu khí, khi nhìn lại quá trình chinh phục môi trường nghiên cứu đầy cạnh tranh ở Mỹ, Hàn.

Bài viết liên quan
Gọi tên 5 điểm sáng của chương trình Chất lượng cao ngành Dầu khí
5 lý do không trật vào đâu được để theo đuổi Dầu khí Bách khoa
Dầu khí Bách khoa: Đẩy mạnh hoạt động phân khúc hạ nguồn và năng lượng bền vững

Mình là Lê Văn Sĩ, hiện đang làm nghiên cứu sinh tiến sỹ tại Phòng Thí nghiệm Thu hồi dầu tăng cường High Bay, một trong những khu thí nghiệm về công nghệ thu hồi dầu hiện đại nhất thế giới, thuộc Đại học Wyoming, tiểu bang Wyoming, Mỹ. 

Cách đây 13 năm, mình chọn theo học ngành Kỹ thuật Dầu khí thuộc Khoa Kỹ thuật Địa chất & Dầu khí của Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) vì độ hot của ngành cùng cơ hội làm việc ở môi trường đa quốc gia. 

BÁCH KHOA là bệ phóng ước mơ

Với mình, mọi kiến thức trên giảng đường đều vô cùng quý giá. Các môn học ở Bách khoa không hề đơn giản, nhẹ nhàng. Vì vậy, mình đã nghiêm túc học tập ngay từ năm Nhất. Đến nay, mình vẫn nhớ rõ khoảng thời gian tự học và rèn luyện ở Bách khoa nhằm đạt được kết quả tốt nhất.

Ngoài giờ học chính khóa, mình tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích của khoa và trường. Mình từng là chiến sỹ chiến dịch Mùa Hè Xanh, là thành viên Ban Chấp hành Hội Sinh viên của khoa, đạt danh hiệu “Sinh Viên Ba Tốt” (bây giờ là “Sinh Viên Năm Tốt”) và trở thành chủ nhân của vài kỷ lục trong Ngày hội Sinh viên khỏe.

Đặc biệt, năm cuối đại học, nhờ cơ hội làm việc cho một dự án nghiên cứu do thầy Tạ Quốc Dũng hướng dẫn, lần đầu tiên mình rời Việt Nam qua Úc để tham dự hội nghị thường niên của Hiệp hội Dầu khí Thế giới (Society of Petroleum Engineers – SPE). Chuyến đi giúp mình mở mang tầm mắt, cũng như cảm nhận rõ hơn về quy mô của ngành công nghiệp dầu khí toàn cầu. Đó chính là tiền đề thúc đẩy mình theo đuổi con đường học thuật.

Sau khi tốt nghiệp với tấm bằng loại Giỏi, mình cố gắng cải thiện trình độ tiếng Anh và tìm kiếm học bổng du học. Ngoại ngữ là điều kiện bắt buộc đối với bất kỳ ai mong muốn làm việc và nghiên cứu trong ngành dầu khí. Nếu không giỏi tiếng Anh, bạn sẽ khó ra trường và tìm được việc làm.

May mắn mỉm cười khi một giáo sư Hàn Quốc chọn mình làm nghiên cứu sinh và cấp học bổng thạc sỹ toàn phần tại ĐH Inha. Sinh viên Việt Nam nói chung và sinh viên Bách khoa nói riêng thường nhận được những suất học bổng toàn phần chương trình cao học khối ngành kỹ thuật ở các trường Hàn Quốc.

Ở xứ sở kim chi, nghiên cứu sinh phải tự tìm tòi và giải quyết những vấn đề học thuật dưới sự dẫn dắt của giáo sư hướng dẫn. Các môn học bên này không quá khó. Áp lực duy nhất đối với nghiên cứu sinh cao học chính là đảm bảo chất lượng và số lượng bài báo khoa học. Chỉ sau ba tháng, mình đã bắt kịp tiến độ, đồng thời tiếp cận đề tài một cách hiệu quả. Việc tìm kiếm ý tưởng và tiến hành nghiên cứu không còn là vấn đề quá lớn với mình nữa.

Trong khoảng thời gian đó, mình công bố 13 bài báo ISI(1) trên nhiều tạp chí khác nhau (trong đó mình là tác giả chính của 10 bài) và báo cáo đề tài tại một số hội nghị chuyên ngành tại Mỹ và Hàn.

Tới Mỹ để thỏa sức nghiên cứu công nghệ dầu khí

Sau Hàn, Mỹ là điểm đến tiếp theo trong hành trình nghiên cứu dầu khí của mình. Với học bổng tiến sĩ toàn phần, mình được nhận vào làm việc ở Phòng Thí nghiệm Thu hồi dầu tăng cường High Bay – một trong những khu phức hợp thí nghiệm hiện đại bậc nhất thế giới về công nghệ thu hồi dầu và dòng chảy trong môi trường rỗng(2)

Tất cả nhà khoa học và nghiên cứu sinh đều cùng nhau làm việc trong môi trường cực kỳ chuyên nghiệp. Giờ giấc làm việc tại đây rất rõ ràng. Do đó, sau khi tan làm, mọi người có thể dành thời gian cho gia đình và các hoạt động thư giãn – giải trí.

Người Mỹ chú trọng hướng nghiên cứu thực dụng, nghĩa là phát hiện khoa học xuất phát từ nhu cầu thực tế và phần lớn được ứng dụng để giải quyết những vấn đề cấp bách. Lúc này, khách hàng chính là nhà tài trợ cho khoa học. Tất nhiên, khoa học là khoa học, vẫn có rất nhiều phát hiện mang tính học thuật cao và có giá trị lớn đối với tất cả người làm khoa học trong lĩnh vực dầu khí, chứ không đơn thuần chỉ có ích trong các công trình thực tiễn.

Mình đang đảm nhận một dự án lớn do Hiệp hội Năng lượng Hoa Kỳ (United States Department of Energy – DOE) tài trợ. Bên cạnh đó, mình còn đứng tên chính năm bài báo khoa học đang chờ tài trợ cùng một bản quyền sáng chế liên quan đến việc xây dựng hệ thống phân tích thí nghiệm (mình làm chủ biên). Ngoài ra, mình cũng là đồng tác giả của một bản quyền sáng chế khác trong việc tìm kiếm công thức chất lưu(3) áp dụng trong quá trình thu hồi dầu.

Những kiến thức lý thuyết (bao gồm các môn đại cương) mà mình tích lũy được ở Bách khoa là nền tảng vững chắc giúp bản thân tự tin theo đuổi các nghiên cứu cao cấp ở Mỹ. Mặt khác, khả năng tự học, tự nghiên cứu cùng kỹ năng giải quyết vấn đề vẫn luôn là yêu cầu chung ở mọi môi trường học thuật. Ngoài ra, thái độ làm việc nghiêm túc là phẩm chất quan trọng giúp các nghiên cứu sinh trụ vững và hoàn thành chương trình tiến sỹ.

Bài viết liên quan
Thủ khoa Địa chất Dầu khí K2006: Luôn đặt tính chính xác lên hàng đầu
Bùi Nguyễn Bảo Trâm: Đậu Y, học Bách, thích thử thách tới cùng
Thư từ Adelaide: Chúng tôi sắp trở thành kỹ sư dầu khí rồi!!!

NGÀNH DẦU KHÍ LUÔN CẦN NGUỒN NHÂN LỰC TRÌNH ĐỘ CAO

Mình khá lạc quan về tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp dầu khí ở hiện tại và trong tương lai. Trên thực tế, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ dầu mỏ ngày càng gia tăng. Nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này sẽ bắt đầu tăng nhiệt trở lại. 

Hiện tại, xung đột Nga – Ukraine cùng sự phân chia thị trường sản xuất – cung cấp dầu mỏ đang thúc đẩy giá dầu leo thang. Công tác tìm kiếm và khai thác dầu khí sẽ kéo theo xu hướng phát triển về khoa học – công nghệ trong toàn ngành. Nguồn nhân lực được dự đoán sẽ chuyển dịch về các mỏ dầu, khí đốt ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Trung Đông (nơi có thể trở thành nguồn cung dầu thô chủ yếu cho châu Âu).

Tình trạng sụt giảm sản lượng khai thác và trữ lượng dầu mỏ trên thế giới đã góp phần nâng cao tầm quan trọng của các quá trình/ công nghệ tăng cường thu hồi dầu(4). Đây cũng chính là một trong những xu hướng chủ đạo của ngành công nghiệp dầu mỏ ở tương lai.

Một số phương pháp thường được áp dụng cho các mỏ dầu truyền thống là bơm ép hóa chất, bơm ép nước, bơm ép khí (CO2, N2, CH4…), bơm ép kết hợp hoặc dùng nhiệt đốt nóng (đối với các mỏ dầu nặng). 

Bên cạnh đó, thiết bị và công nghệ ở các lĩnh vực khác (chẳng hạn khoan, hoàn thiện giếng, nứt vỉa thủy lực, phương pháp nâng nhân tạo, tách và xử lý dầu thô trên bề mặt giếng khai thác…) luôn được cải tiến nhằm nâng cao hiệu suất công việc. Tự động hóa trong công nghệ khoan, các thiết kế thông minh trong giếng khoan ngang và giếng đa nhánh, sự phát triển về độ sâu hoạt động và sức bơm cũng như hiệu suất của những thiết bị nâng nhân tạo… là một số ví dụ về xu hướng ứng dụng công nghệ tiên tiến trong ngành dầu khí. 

Ngoài ra, các chuyên gia cũng đang tập trung khai thác những mỏ dầu khí có cấu trúc đặc biệt hay mỏ không truyền thống (unconventional reservoir) bằng công nghệ mới. Mỏ dầu khí có cấu trúc đặc biệt được xem là nguồn cung cấp dầu mỏ dồi dào với trữ lượng khổng lồ trên toàn cầu trong tương lai gần. Và tất nhiên, sự phát triển khoa học, công nghệ cùng sự điều chỉnh xu hướng của các ngành công nghiệp luôn đi kèm nhu cầu lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao thuộc mọi lĩnh vực.

—–

(1) ISI: Đây là cơ sở dữ liệu uy tín của Mỹ với hơn 10.000 tạp chí đa lĩnh vực, do các chuyên gia xét chọn một cách kỹ lưỡng và khắt khe.

(2) Môi trường rỗng: Môi trường rỗng là tất cả môi trường, vật liệu mà chất lưu có thể chảy qua.

(3) Chất lưu: Chất lưu là chất có thể chảy được. Trong lĩnh vực dầu khí, chất lưu bao gồm: chất khí, lỏng, các vật liệu rắn có kích thước nhỏ.

(4) Công nghệ tăng cường thu hồi dầu: Công nghệ này bao gồm nhiều kỹ thuật khác nhằm tăng cường số lượng dầu thô có thể chiết xuất được từ một mỏ dầu. Theo Bộ Năng lượng Mỹ, có ba kỹ thuật tăng cường thu hồi dầu cơ bản là bơm khí, bơm hóa chất và thu hồi nhiệt.

Bài, hình: LÊ VĂN SĨ

Để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng nhân sự trình độ cao trong ngành dầu khí, Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM) đã triển khai chương trình Chất lượng cao ngành Kỹ thuật Dầu khí, giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Đội ngũ giảng viên gồm các giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ và thạc sỹ được đào tạo bài bản ở các ĐH tiên tiến trên thế giới, có bề dày kinh nghiệm giảng dạy và thành tích nghiên cứu khoa học.
  • Mã trường: QSB
  • Mã ngành: 220
Kính mời quý vị phụ huynh và các thí sinh tìm hiểu về chương trình tại đây.

Bài trước

Bài tiếp