Học sinh Trường Đinh Thiện Lý tham quan trải nghiệm tại Bách khoa

Vào 6/1/2023, các bạn học sinh Trường THCS – THPT Đinh Thiện Lý đã có chuyến tham quan học tập và trải nghiệm một ngày làm sinh viên Bách khoa bổ ích.

Bài viết liên quan
Học sinh THPT trải nghiệm một ngày làm sinh viên Bách khoa
Trường ĐH Bách khoa hỗ trợ học sinh THPT nghiên cứu khoa học

Với tầm nhìn trở thành ngôi trường hàng đầu tại Việt Nam có thể hội nhập quốc tế thông qua việc đào tạo ra những công dân có năng lực cạnh tranh toàn cầu, Ban Giám hiệu Trường THCS – THPT Đinh Thiện Lý luôn mong muốn mang đến cho học sinh một chương trình giáo dục toàn diện. Bên cạnh những giờ học kiến thức trên lớp là những chuyến tham quan học tập, tư vấn hướng nghiệp từ sớm. Trường THCS – THPT Đinh Thiện Lý đào tạo theo mô hình quốc tế dựa trên khung chuẩn của Bộ GD&ĐT nên các bạn học sinh rất quan tâm đến các chương trình đào tạo quốc tế ở bậc Đại học trong đó có Trường ĐH Bách khoa.

Đáp ứng yêu cầu đó, Văn phòng Đào tạo Quốc tế (OISP) tổ chức chương trình Một ngày làm sinh viên Bách khoa nhằm tạo điều kiện giúp các bạn học sinh có cơ hội đến tham quan trải nghiệm phòng thí nghiệm – xưởng thực hành của Trường ĐH Bách khoa, đồng thời lắng nghe chia sẻ và tư vấn, định hướng nghề nghiệp tương lai. Hằng năm, nhiều học sinh Trường Đinh Thiện Lý đã đăng ký xét tuyển và trở thành sinh viên Bách khoa.

HIỂU MÌNH ĐỂ HIỂU NGÀNH

Trong đợt này, đa phần học sinh Trường THCS – THPT Đinh Thiện Lý đều học lớp 10, lớp 11 thậm chí có cả một số bạn học sinh lớp 9 đều đã bắt đầu quan tâm đến ngành học và định hướng nghề nghiệp tương lai. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra cho Ban Tư vấn như “Làm thế nào để xác định được ngành học phù hợp?”, “Triển vọng phát triển của ngành trong tương lai sẽ như thế nào?”, “Chương trình đào tạo và điểm sơ tuyển Anh văn khi muốn xét duyệt vào trường?”

ThS. Lê Mỹ Ngọc Trâm, Phó Bộ phận Tuyển sinh & Quan hệ Doanh nghiệp, Văn phòng Đào tạo Quốc tế chia sẻ: “Để xác định được ngành học phù hợp thì trước hết các bạn phải hiểu chính bản thân mình. Biết được thế mạnh của bản thân sẽ giúp chúng ta xác định được ngành nghề phù hợp và có kế hoạch phấn đấu học tập rõ ràng”.

Theo khảo sát nguyện vọng, các bạn học sinh quan tâm đến một số ngành như Kỹ thuật Hóa học, Công nghệ Sinh học, Kỹ thuật Điện – Điện tử, Kỹ thuật Cơ khí, Kỹ thuật Robot. Đây đều là những ngành đào tạo thế mạnh của Trường ĐH Bách khoa trong nhiều năm liền. Hơn nữa, tính ứng dụng đa ngành và khả năng đáp ứng được nhu cầu xã hội giúp các ngành này có lợi thế phát triển lớn trong tương lai.

TRẢI NGHIỆM THỰC TẾ Ở PHÒNG THÍ NGHIỆM

Trong chuyến tham quan học tập, phần để lại nhiều ấn tượng và được các bạn mong chờ nhất chính là những trải nghiệm thực tế tại phòng thí nghiệm (PTN) – xưởng thực hành (XTH). Đây là nơi được nhà trường và doanh nghiệp, cựu sinh viên cùng đầu tư để tạo nên không gian nghiên cứu khoa học, thực hành và sáng chế cho thầy trò Bách khoa.

Các bạn học sinh được tới tham quan và trải nghiệm thực tế ở các PTN – XTH thuộc những ngành mà các bạn quan tâm.

Đến với XTH Cơ khí, các bạn học sinh sẽ được tận mắt thấy những loại máy móc thường dùng trong ngành cơ khí như máy phay, máy nén, máy tiện… để hình dung ra công việc thực tế của một kỹ sư cơ khí sau này.

ThS. Đặng Quang Kỳ giới thiệu về máy móc ở Xưởng Cơ khí, PTN Kỹ thuật khí nén.
ThS. Đặng Quang Kỳ (áo xanh) giới thiệu về máy móc ở Xưởng Cơ khí, PTN Kỹ thuật khí nén.

XTH Ô tô, PTN Công nghệ Ô tô cũng dành được nhiều sự quan tâm của các bạn. Thầy Phạm Trần Đăng Quang giới thiệu tổng quan về XTH Ô tô, chức năng của một số thiết bị chính và những môn học liên quan đến thực hành tại Xưởng/ PTN, một vài mô hình thí nghiệm…

ThS. Phạm Trần Đăng Quang giới thiệu về những mô hình ở PTN Công nghệ Ô tô.
ThS. Phạm Trần Đăng Quang (áo đen) giới thiệu về những mô hình ở PTN Công nghệ Ô tô.

Đến với PTN Polymer – Composite, các bạn học sinh được giới thiệu về các loại vật liệu, công dụng và các thiết bị thường dùng trong phòng thí nghiệm. Đây là một lĩnh vực mới lạ nên các bạn rất chăm chú lắng nghe.

TS. Phan Quốc Phú giới thiệu về PTN Polymer-Composite.
TS. Phan Quốc Phú (áo sọc) giới thiệu về PTN Polymer-Composite.

Thăm quan PTN Vật lý Đại cương, các bạn được giới thiệu tổng quan về vật lý đại cương, các thiết bị thí nghiệm thường dùng và những chia sẻ của TS. Trần Anh Tú về định hướng phát triển ngành sau này.

TS. Trần Anh Tú giới thiệu về PTN Khoa Kỹ thuật Xây dựng
TS. Trần Anh Tú (áo xanh, bìa phải) giới thiệu về PTN Vật lý Đại cương

Các bạn học sinh được ThS. Nguyễn Phước Thiên giới thiệu về PTN Khoa Kỹ thuật Hóa học thông qua những thí nghiệm trực tiếp với các dung dịch và thiết bị hóa học. Được hướng dẫn và trực tiếp làm các thí nghiệm hóa học khiến các bạn học sinh vô cùng thích thú.

PTN Nhiên liệu sinh học và Biomass tập trung nghiên cứu các loại nguyên liệu tái tạo từ sinh khối giúp con người hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch, gây ảnh hưởng xấu tới biến đổi khí hậu.

ThS. Lê Tẩn Nhân Từ hướng dẫn đoàn học sinh tham quan PTN Nhiên liệu Sinh học và Biomass
ThS. Lê Tẩn Nhân Từ (bìa trái) hướng dẫn đoàn học sinh tham quan PTN Nhiên liệu Sinh học và Biomass

Sau chuyến đi, các bạn học sinh đã thu thập được những kiến thức, lời khuyên bổ ích từ chuyên gia để có cái nhìn thực tế và tổng quát hơn về ngành nghề sẽ theo học. Việc xác định được mục tiêu sẽ giúp các bạn vạch ra được lộ trình học tập rõ ràng để biến giấc mơ thành sự thật.

Tin: NGUYỆT LƯU – Hình: KHUYÊN TRẦN

Bài trước

Bài tiếp