Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

HCV tốt nghiệp K18: chuẩn bị kỹ lưỡng cho bốn năm hoành tráng ở Bách khoa

Biết trước “lựa chọn Bách khoa là đâm đầu vào bể khổ”, Ngô Hoàng Bảo Trân (Huy chương Vàng tốt nghiệp K2018 chương trình Chất lượng cao, ngành Kỹ thuật Hóa học) đã lên “kế hoạch hành động” cực kỳ chi tiết cho hành trình bốn năm ở Bách khoa.

Bài viết liên quan
Chạm mặt SV Bách khoa Quốc tế K2018 tốt nghiệp thành tích cao 
SV Bách khoa Quốc tế nhận giải thưởng Nữ sinh Khoa học Công nghệ Việt Nam 2022

Từng học tập tại ngôi trường Phổ thông Năng khiếu (ĐHQG-HCM), mình được truyền cảm hứng nhiều cho hai môn Hóa và tiếng Anh. Vì vậy, khi lựa chọn ngành học, mình chỉ tìm các ngành liên quan đến hai môn học này và may mắn đã bén duyên với ngành Kỹ thuật Hóa học, chương trình Chất lượng cao. Nhiều người cũng thắc mắc vì sao mình không theo ngành Hóa học của những trường khác nhưng phải nói là các hướng đi này rất khác nhau. Mình chưa bao giờ hối hận đã lựa chọn Kỹ thuật Hóa học của Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM). Mình thích được làm việc với máy móc trong nhà máy nên việc lựa chọn Bách khoa vốn thiên về kỹ thuật là hoàn toàn phù hợp. Bên cạnh đó, chương trình Chất lượng cao còn cho mình cơ hội học tập bằng tiếng Anh cùng với các giảng viên Bách khoa và các giáo sư từ các ĐH trên thế giới, tham gia các hoạt động trao đổi sinh viên, v.v. Mình không ngần ngại đặt liền nguyện vọng 1 vô chương trình Giảng dạy bằng tiếng Anh của Bách khoa và đã trúng tuyển.

LÊN KẾ HOẠCH KỸ LƯỠNG CHO BỐN NĂM HOÀNH TRÁNG

Khoảng thời gian bốn năm ĐH vừa qua, trở ngại lớn nhất của mình chính là cân đối thời gian và sức lực để chu toàn cho việc học, nghiên cứu và hoạt động ngoại khóa sinh viên. Chương trình học ở Bách khoa thực sự rất nặng, đặc biệt là giai đoạn ôn thi giữa và cuối kỳ. Bản thân mình cũng muốn tận dụng triệt để quãng đời sinh viên để có thể làm được những việc mà mình đã vô tình bỏ lỡ ở cấp Ba. Vì lẽ đó, mình đã đặt ra các mục tiêu, lên kế hoạch, chia nhỏ thành các cột mốc cần hoàn thành theo từng năm học và chuẩn bị từ sớm. Học ĐH khác xa so với cấp Ba nên mình nghĩ học nhóm chính là yếu tố quan trọng nhất để qua môn. Mình cũng may mắn lắm khi sở hữu nhóm bạn xịn sò – vừa giỏi, vừa chăm nữa nên tụi mình cùng nhau tạo động lực, thúc đẩy nhau tiến bộ hơn. Hơn nữa, rèn luyện tính kỷ luật là một yếu tố không thể thiếu đối với mình. 

Ngô Hoàng Bảo Trân tham gia hoạt động sinh viên
Trân (có biểu tượng vương miện trên đầu ^^) năng nổ tham gia các hoạt động sinh viên từ năm Nhất.

Khi học hành quá căng thẳng, mình thường tìm đến các hoạt động sinh viên và đây cũng chính là phao cứu sinh của mình trong ngần ấy năm ĐH. Hoạt động đầu tiên mình tham gia chính là OISP Camp – cơ hội gián tiếp giúp mình đạt được những mục tiêu sau này. Tổng kết lại bốn năm qua, dù có những giây phút mình rất muốn bỏ cuộc và những thất bại mà mình không dám kể ai, mình tin chắc rằng mình đã có một quyết định đúng đắn khi lựa chọn trở thành thần dân của Bách khoa Quốc tế, ngành Kỹ thuật Hoá học. Và bây giờ mình rất tự hào vì là một BK-OISP Alumni!

GIỮ LỬA ĐAM MÊ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Trong số các đề tài nghiên cứu mình đã thực hiện, “Máy sấy nhà kính năng lượng mặt trời thông minh” (Smart Greenhouse Solar Dryer) – dự thi Cuộc thi EPICS và S&IP là đề tài mình tâm đắc nhất. Nhóm cho ra đời đề tài này nhằm giải quyết các vấn đề của sấy tự nhiên (phơi nắng) như không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tốn kém thời gian, nhân công; chất lượng sản phẩm phụ thuộc vào thời tiết. Máy gồm ba bộ phận chính là (1) buồng sấy, (2) hệ thống quạt đối lưu và (3) hệ thống điều khiển. Để có thể tạo hiệu ứng nhà kính, giúp hấp thụ ánh nắng và duy trì nhiệt độ trong buồng, nhóm thiết kế buồng sấy với vật liệu là tấm polycarbonate. Hệ thống quạt đối lưu sẽ giúp đưa hơi nước từ vật liệu sấy (cá, mực, trái cây…) ra khỏi buồng và tạo nhiệt độ đồng đều trong buồng sấy. Hệ thống điều khiển sẽ gồm các cảm biến để đo nhiệt độ, độ ẩm và vi điều khiển để điều khiển lưu lượng quạt cho hợp lý. Vi điều khiển còn cho phép tải dữ liệu các mẻ sấy lên hệ thống cơ sở dữ liệu và người dùng sẽ thông qua ứng dụng để điều khiển, giám sát hệ thống từ xa.

Ngoài ra, máy còn tích hợp thêm tấm pin năng lượng mặt trời giúp máy hoàn toàn dùng năng lượng xanh mà không sử dụng điện. Máy đang được nghiên cứu và phát triển để trở thành một hệ thống không dây, có thể sử dụng được bất kỳ đâu mà không cần nguồn điện. Trong tương lai, máy sẽ được buồng khí đốt biomass để cung cấp thêm năng lượng cho quá trình sấy trong điều kiện thời tiết không thuận lợi hoặc sử dụng vào ban đêm. 

Trong phòng lab tại Thụy Sỹ

Bên cạnh đó, một dự án đáng nhớ khác mà mình tham gia nghiên cứu chính là “Hệ thống điều chỉnh nhiệt độ của nước đầu ra sử dụng CO2” (CO2 heating and cooling energy network) trong chuyến thực tập tại Thụy Sỹ. Hệ thống sử dụng CO2 như một môi chất làm lạnh và tận dụng ẩn nhiệt hóa hơi cũng như các tính chất của CO2 để điều chỉnh nhiệt độ của nước đầu ra. Bằng việc sử dụng CO2, nhóm có thể giảm đường kính của các đường ống, nhỏ gọn hơn và tăng hiệu suất truyền nhiệt hơn so với hệ thống sử dụng nước thông thường. Mạng lưới năng lượng gồm nhiều hộ dân cư có thể tích hợp các tiện ích như sưởi ấm, làm nóng nước nóng sử dụng trong gia đình, hệ thống làm lạnh của siêu thị, ứng dụng vào hệ thống phát điện, v.v. Trong hình là mình và giáo sư trong một phòng thí nghiệm tại Thụy Sỹ.

Trong quá trình nghiên cứu, nhóm mình đã gặp nhiều khó khăn đến từ việc thiếu kiến thức thực tiễn cũng như chưa biết cách áp dụng lý thuyết đã học. Để khắc phục, tụi mình đã nhờ đến sự giúp đỡ của rất nhiều thầy cô từ Khoa Kỹ thuật Hóa học, Cơ khí, Khoa học & Kỹ thuật Máy tính, đọc thêm rất nhiều tài liệu tham khảo. Nhìn chung, tụi mình đã có rất nhiều kỷ niệm lúc làm việc chung và nhờ dự án này, tụi mình đã trở thành một nhóm rất thân thiết.

hiểu mình để hội nhập quốc tế

Trời ơi, mình chưa bao giờ nghĩ bản thân giỏi tiếng Anh. Thậm chí, mình còn khá tự ti về kỹ năng speaking của mình. Nhưng không vì vậy mà mình chùn bước. Mình luôn cố gắng tìm kiếm cơ hội để thử thách bản thân với kỹ năng này như tham gia các hoạt động giao lưu sinh viên, đón đoàn sinh viên quốc tế, tham gia các cuộc thi thuyết trình bằng tiếng Anh… Dần dần, dù vẫn còn nhiều khuyết điểm, mình cảm thấy sau bốn năm rèn luyện thì khả năng tiếng Anh của mình cũng cải thiện một chút so với thời cấp Ba. 

Năm 2016, mình từng nhận học bổng đi Đức trong hai tuần nên mình hiểu rằng việc được học tập tại nước ngoài dù chỉ trong thời gian ngắn có thể mang lại lợi ích gì. Từ đó, mình luôn tìm kiếm các cơ hội khác để được gặp gỡ bạn bè nước ngoài, học hỏi từ các nền văn hoá khác nhau để mở rộng góc nhìn. Nhờ các chương trình này, mình quen được nhiều bạn từ các nước khác như Thụy Sỹ, Pháp, Ý, Morocco, Anh, Đài Loan… Trong chuyến trao đổi tại Đài Loan, mình được trải nghiệm thêm một ngôn ngữ khác là tiếng Trung và quen được các anh chị cực giỏi từ các khoa khác của Bách khoa. Khi thực tập tại Thụy Sỹ, mình đã được thử món pasta đúng điệu của một bạn người Ý, được cô bạn người Morocco mời ăn món bánh hạnh nhân rất lạ, được leo núi ngắm cảnh cùng một bạn người Thuỵ Sỹ và chơi beer pong cùng các bạn Pháp…

Nhìn chung, mình nghĩ điều quan trọng nhất trong việc hội nhập khi đi học tại nước ngoài chính là tự tin và không ngại giao tiếp. Trước khi tham gia, mình rất ngại việc mình có accent không tốt thì sẽ khó giao tiếp với các bạn nước ngoài. Nhờ tham gia các chương trình này giúp mình nhận ra mỗi nước có đặc trưng accent riêng nên mình chỉ cần tôn trọng sự khác biệt văn hóa, hoà đồng, chủ động và sẵn sàng đón nhận những điều mới thì sẽ dễ dàng hòa nhập và kết bạn.

Để mình có thêm động lực đi đây đi đó, mình đã được truyền cảm hứng rất nhiều từ tiền bối mình ngưỡng mộ nhất – chị Nguyễn Lê Hoàng Vương (K2016 chương trình Tiên tiến, ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử). Vượt qua các định kiến về con gái học kỹ thuật, lại còn học Điện nữa, chị Vương là tấm gương điển hình của nữ sinh kỹ thuật giỏi giang trong việc học tập, tham gia nghiên cứu và chinh chiến các suất trao đổi sinh viên tại nước ngoài. Trước đó, mình chưa từng có cơ hội tiếp xúc với chị Vương ngoài đời nhưng chị lúc nào cũng nhiệt tình và cho mình nhiều lời khuyên cực kỳ có tâm. Từ đó, hai chị em thường nhắn tin trao đổi với nhau. Dù chị đã đi du học thạc sỹ, mình đã kịp xin vía với tấm hình trong Lễ Tốt nghiệp của chị. Chị Vương là hình ảnh tiêu biểu cho “woman in tech” chánh hiệu trong mắt mình.

TRẢI NGHIỆM HẾT NHỮNG GÌ MÌNH THÍCH ĐỂ KHÔNG HỐI TIẾC

Hiện tại, mình đang tạm nghỉ xả hơi sau quãng thời gian dài học tập và làm việc phải nói là rất mệt. Mình có mong muốn đi làm chừng một đến hai năm để lấy kinh nghiệm, sau đó sẽ tiếp tục học thạc sỹ tại Úc hoặc Châu Âu. 

Những gì mình làm được cho đến giờ thật ra rất bình thường so với các bạn, anh chị mà mình biết. Mình chỉ muốn nhắn gửi một chút đến các em vừa gia nhập hoặc có dự định gia nhập Bách khoa Quốc tế rằng hãy cứ trải nghiệm tất cả các hoạt động, chương trình mà các em muốn thử và dồn mọi tâm huyết của mình vào đó. Chắc chắn dù kết quả có như thế nào, các em cũng không hối hận. Tất nhiên, quan trọng nhất vẫn là việc học nên các em cần biết cân đối thời gian và nên ưu tiên làm việc gì ở thời điểm nào thì sẽ đem lại kết quả tốt nhất. Chúc các em có một quãng thời gian học đại học đáng nhớ và gặt hái được nhiều thành công!

Bảo Trân xinh đẹp vi vu trời Âu.

Hóa học là một trong bốn mũi nhọn được nhà nước chú trọng quan tâm và phát triển trong chiến lược công nghệ hóa đất nước. Ngành Kỹ thuật Hóa học bao gồm các mảng hoạt động: sản xuất hóa chất cơ bản, tổng hợp các hợp chất thiên nhiên phục vụ cho y dược, mỹ phẩm, nghiên cứu các quy trình công nghệ, thiết bị chuyên ngành, công nghệ dầu khí, v.v.
Chương trình Chất lượng cao ngành Kỹ thuật Hóa học của Trường Đại học Bách khoa được giảng dạy 100% bằng tiếng Anh. Sinh viên có thể chuyển tiếp sang đại học đối tác tại Úc sau khi hoàn thành hai năm đầu tiên nếu đạt điều kiện học tập, ngoại ngữ và tài chính.

TÚ TÚ thực hiện – Hình: Nhân vật cung cấp – Đồ họa: HUY PHAN

Bài trước

Bài tiếp