Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
tuvan@oisp.edu.vn

Phạm Minh Ngọc Thảo: Du học Đức để hiểu mình hơn

Là “bông hoa” hiếm hoi giữa “rừng gươm” Khoa Điện, Phạm Minh Ngọc Thảo luôn tỏa sáng rực rỡ nhờ loạt thành tích ấn tượng. Học kỳ này, cô bạn vừa cặm cụi học tập tại Đức vừa tranh thủ du ngoạn châu Âu. Những câu chuyện thú vị nào sẽ được kể lại? Cùng lắng nghe nàng “sắn lùi” khả ái trải lòng nha.

PHẠM MINH NGỌC THẢO

  • Học bổng trao đổi toàn phần SEED trị giá 10,200CAD(1) (Canada), học bổng Thạc sỹ ĐHQG Singapore(2) (Singapore) và học bổng TL-Stiftung(3) (Đức) trị giá 5200e học kỳ mùa Đông 2023
  • Học bổng toàn phần các khóa học ngắn hạn về Trao đổi văn hoá và Khả năng lãnh đạo tại Nhật, Singapore, Indonesia và Đài Loan (2022-2023)
  • Học bổng Khuyến khích học tập học kỳ 211 và danh hiệu “Outstanding Academic Performance” học kỳ 212
  • Thành viên xuất sắc nhất khóa học Building Autonomous Ship tại Viện ITS, Indonesia (2023)
  • Giải Ba (đồng đội) cuộc thi PBL International Workshop 2023 tại ĐH Công nghệ Đài Loan
  • Học bổng Sunflower Mission 2023 dành cho SV nhóm ngành kỹ thuật
  • Học bổng Tài năng Marvell 2022
  • Học bổng Nữ sinh Kỹ thuật 2022 của công ty Renesas
  • Giải thưởng Gương mặt tiềm năng 2021 của Văn phòng Đào tạo Quốc tế (Trường ĐH Bách khoa)
  • Giải thưởng Học sinh xuất sắc trúng tuyển 5 trường ĐH do Phó Bí thư huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp trao tặng (2021)

Bài viết liên quan

Phạm Minh Ngọc Thảo: từ chối 4 ĐH lớn để về đội Bách khoa
Bùi Đức Minh: chủ động học hỏi và đồng hành với những “gã khổng lồ”
Tự sự của một con nghiện bug chân chính
Nguyễn Đào Anh Nhật: vô tình chạm ngõ Bách khoa nhờ “mối duyên bi hài”

Mình là Phạm Minh Ngọc Thảo, sinh viên K2021 chương trình Tiên tiến ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử. Hiện tại, mình đang đi trao đổi tại Khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính, ĐH Khoa học Ứng dụng Regensburg (OTH Regensburg).

Năm ngoái, mình may mắn cùng lúc nhận được ba học bổng trao đổi toàn phần học kỳ mùa Đông là học bổng SEED (Canada), học bổng Thạc sỹ ĐHQG Singapore (Singapore) và học bổng TL-Stiftung (Đức). 

Tuy nhiên, mình chọn học bổng TL-Stiftung vì thứ nhất, ngành công nghệ – kỹ thuật của Đức (nhất là nền công nghiệp ô tô) cực kỳ phát triển. Điều đó đem tới nhiều lợi thế cho sinh viên khối kỹ thuật như mình. Thứ hai, từ niềm đam mê mãnh liệt dành cho ô tô, mình tất nhiên không thể bỏ qua cơ hội quý giá này. Cuối cùng, nước Đức thuộc khu vực Schengen. Vậy nên khi tới đây học tập, mình có thể tự do vi vu trải nghiệm cuộc sống ở 27 quốc gia trong khối. Mọi thứ dễ dàng hơn vì sinh viên quốc tế không cần xin thêm bất kỳ visa nào nữa.

Dựa trên danh sách môn học đăng ký, mình được OTH Regensburg phân bổ về Khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính và sẽ hoàn thành bốn môn chuyên ngành (20 tín chỉ) cùng ba khóa tiếng Đức (16 tín chỉ) trong học kỳ đầu tiên và 6 môn chuyên ngành (30 tín chỉ) trong học kỳ thứ hai.. Trong đó, mình ghiền nhất môn Lập trình Người máy vì được tự tay lập trình một con robot đúng nghĩa ngoài đời thực.

Tương tự Bách khoa, trường OTH Regensburg cũng yêu cầu người học tự nghiên cứu rất nhiều. Mỗi tuần, sinh viên chỉ cần lên lớp 15-20 tiếng (3 tiếng/môn).

Có một điểm khác biệt là ở Đức, tụi mình thi cuối kỳ tự luận 90 phút và nộp một project lớn (nếu môn học đó có thí nghiệm) hoặc viết bài báo nghiên cứu dài khoảng 5-20 trang. 

Giáo sư của trường siêu nhiệt tình với sinh viên quốc tế. Các thầy luôn khuyến khích tụi mình chủ động đặt câu hỏi và phản biện ngay trên lớp. Ai phát hiện lỗi sai trong tài liệu, thầy sẽ thưởng chocolate liền. Nói nhỏ là mình nhận chocolate hai lần rồi đó. ^^

Cơ sở vật chất tại OTH Regensburg rất khang trang và đầy đủ tiện nghi. Thư viện rộng rãi, ghi điểm nhờ thiết kế độc đáo. Nơi đây lưu giữ nguồn tài liệu khổng lồ cả bản cứng lẫn bản mềm. Hầm sách siêu bự và toát ra vẻ huyền bí. 

Hệ thống phòng Lab hoành tráng, hiện đại. Tuy nhiên, sinh viên không được tự do ra vào ngoài giờ học mà phải xin phép giảng viên xếp lịch nếu cần ở lại thực hành.

Mình là người thích nghi khá nhanh với môi trường mới nên cuộc sống du học tương đối thuận lợi. 

Mình làm quen với nhiều sinh viên trao đổi từ Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Cộng hòa Séc… Các bạn thân thiện, nhiệt tình và có tinh thần làm việc nhóm cực cao. Tất cả đều hướng tới mục tiêu chung là hoàn thành dự án một cách tốt nhất. Tụi mình hay lên thư viện thảo luận bài học, giải đề thi mẫu, thỉnh thoảng lập hội đi chơi xả stress.

Hồi mới qua Đức, do chưa quen với các phương tiện công cộng bên này (tàu nhanh ICE, ECE, EC; tàu chậm RE RB; tàu U-bahn; tàu S-Bahn; xe bus) nên mình bị lỡ chuyến cả chục lần. Trộm vía sau hai tháng trầy trật, mình cũng dần thành thạo cách di chuyển mới.

Tận dụng thời gian rảnh rỗi, mình hăm hở lên đường du lịch đó đây với visa Schengen “vạn năng”. Tới nay, mình đã khám phá thêm sáu quốc gia khác trong khu vực này là Pháp, Áo, Thụy Sỹ và Cộng hòa Séc, Ý và Tây Ban Nha. Mỗi đất nước gây thương nhớ bởi một vẻ đẹp độc đáo. Tuy nhiên, mình “kết” nhất vẫn là Thụy Sỹ. 

Thụy Sỹ – trái tim của châu Âu – chào đón mình bằng cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ, hữu tình. Mình mê mẩn chiêm ngưỡng nhiều ngôi làng trứ danh như: Interlaken, Lauterbrunnen, Grindelwald, Iseltwald… 

Vốn là fan cứng của phim Hàn nói chung và bộ phim Hạ Cánh Nơi Anh (Crash Landing on You) nói riêng, mình nhất định không thể lỡ hẹn với điểm tới diễm lệ trong truyền thuyết – hồ Brienz. Đặc biệt, giữa cái lạnh -120C tê tái, mình đã chinh phục đỉnh Jungfraujoch (ngọn núi cao nhất châu Âu). Siêu phấn khích và tự hào. Phải công nhận đó là trải nghiệm tuyệt vời nhất tuổi 20 của mình.

Chuyến trao đổi giúp mình trở nên độc lập hơn hẳn. Ngoài đảm bảo việc học trên lớp, mình phải tự “cân” mọi thứ từ chuyện nấu ăn, làm việc nhà cho tới chuẩn bị hồ sơ, lo liệu giấy tờ. Cơ hội lần này cũng mở rộng thế giới quan của mình, cho phép bản thân tích lũy trải nghiệm sống đa dạng. Mình cảm thấy còn nhỏ bé và cần liên tục bứt phá khỏi vùng an toàn cũng như không ngừng phấn đấu biến ước mơ trở thành sự thật. 

Một câu nói viral gần đây của MC Khánh Vy đã truyền cho mình rất nhiều cảm hứng: “Mình leo lên đỉnh núi không phải để cả thế giới ngước nhìn mình, mà là để mình được chiêm ngưỡng cả thế giới”. 

Từ bệ phóng Bách khoa, mình có cơ hội vươn xa học tập tại nhiều quốc gia, từ châu Á tới châu Âu. Chương trình Tiên tiến giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh và được cập nhật liên tục đã trang bị cho mình nền tảng kiến thức vững chắc. Các hoạt động ngoại khóa do Văn phòng Đào tạo Quốc tế tổ chức tạo ra sân chơi bổ ích để mình rèn giũa kỹ năng giao tiếp cùng năng lực lãnh đạo.

Bên cạnh đó, sự định hướng rõ ràng ngay từ đầu đã dẫn dắt mình từng bước gặt hái thành quả ngọt ngào. Mình dành một năm rưỡi tập trung phát triển bản thân. Cụ thể, mình làm trợ giảng tại trung tâm IELTS hồi năm Nhất hay hợp tác kinh doanh với một tiền bối ở năm Hai. Tất cả là hành trang quý báu để mình tự tin ứng tuyển nhiều loại học bổng.

Kinh nghiệm “chinh chiến” của mình chỉ vỏn vẹn trong vòng hai từ “Be yourself!” – thấu hiểu chính mình và thể hiện bản thân một cách trọn vẹn. Ban giám khảo sẽ dễ dàng phát hiện các ứng viên cố gắng gồng lên để trở thành một ai khác. Vì vậy, không nên học thuộc bài mẫu của các anh chị đi trước rồi trả lời y chang. Thay vào đó, lúc bước vào vòng phỏng vấn, bạn hãy bình tĩnh nhủ thầm câu thần chú “Hiểu rõ bản thân và luôn là chính mình” nè.

Ngoài ra, mình cũng mong muốn bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới Ban Chủ nhiệm Khoa Điện – Điện tử, thầy chủ nhiệm cùng các thầy cô Bộ môn Điện tử đã giúp đỡ, tư vấn cho mình hết sức tận tình suốt thời gian vừa qua. Mình vô cùng tự hào là một nữ sinh Khoa Điện của Trường ĐH Bách khoa.

Bài, hình: PHẠM MINH NGỌC THẢO

Chương trình Tiên tiến ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử của Trường ĐH Bách khoa (mã trường: QSB, mã ngành: 208) được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Nội dung đào tạo được tham khảo từ chương trình Điện – Điện tử đang vận hành của Khoa Điện & Kỹ thuật Máy tính (ECE) thuộc ĐH Illinois Urbana-Champaign (UIUC), Hoa Kỳ. Trong quá trình học tập, SV được tiếp cận nguồn học liệu chất lượng cao từ ECE-UIUC và Học viện Công nghệ Massachusetts, Hoa Kỳ.
Nếu dự tính du học, thí sinh có thể tìm hiểu chương trình Chuyển tiếp Quốc tế ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử. Với chương trình này, sau hai năm học tập ở Bách khoa, SV sẽ chuyển tiếp qua một trong các trường đối tác (ĐH Adelaide, ĐH Griffith – tất cả đều tại Úc) theo nguyện vọng để hoàn tất chương trình đào tạo giai đoạn hai và nhận bằng tốt nghiệp do ĐH đối tác Úc cấp.

—–

(1) Học bổng SEED do chính phủ Canada cấp, hướng tới sinh viên các trường ĐH ở khu vực Đông Nam Á có nguyện vọng học tập – nghiên cứu ngắn hạn tại Canada. 

(2) Học bổng Thạc sỹ ĐHQG Singapore dành cho sinh viên xuất sắc, có năng lực lãnh đạo từ các trường đối tác của ĐHQG Singapore. Sinh viên trúng tuyển học tập tại Singapore trong 1-2 học kỳ hoàn toàn miễn phí. Kết thúc đợt trao đổi, những ứng viên ưu tú nhất sẽ nhận được học bổng Thạc sỹ từ ĐHQG Singapore sau khi hoàn thành chương trình cử nhân tại Việt Nam.

(3) Học bổng TL-Stiftung do quỹ khuyến học của doanh nghiệp TL-Stiftung (Đức) trao tặng, bao gồm nhiều suất học bổng ngoại ngữ, học bổng khuyến học và học bổng trao đổi ngắn hạn dành cho học sinh, sinh viên Việt Nam.

Bài trước

Bài tiếp