Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

Thương Quốc Thịnh: Bạn sẽ tiến rất xa trong ngành nếu có khả năng tự học

Thương Quốc Thịnh (cựu sinh viên K2016 chương trình Chất lượng cao ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường) vừa là cậu bạn lớp trưởng năng động, chịu chơi vừa là sinh viên tốt nghiệp đầu ngành khóa 2016. Anh chàng điển trai này đã chia sẻ rất nhiều câu chuyện tâm huyết sau khi đi làm một năm. Cùng OISP khám phá nhé!

Bài viết liên quan
Gặp anh bạn “trùm” trao đổi quốc tế của OISP
Nguyễn Ngọc Thiên Trang: Học bổng Môi trường không khó, chỉ có chịu khó săn hay không?
Lê Thiên Trọng Nguyễn: Lúc phát triển rồi mới quan tâm môi trường thì đã muộn

CHƠI CĂNG HỌC GIỎI

* Chào Quốc Thịnh, bạn hãy giới thiệu đôi nét về bản thân nhé!

Mình tên là Thương Quốc Thịnh, là tân kỹ sư tốt nghiệp từ chương trình Chất lượng cao ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường. Vào năm Hai, mình đã đảm nhận vị trí “osin cấp cao” hay nói cho sang là chức “lớp trưởng” khóa K16 Khoa Môi trường. Sau những giờ học căng thẳng, thỉnh thoảng mình cũng chơi thể thao. Tuy nhiên, các sở thích thay đổi dần theo năm tháng, chuyển từ esports sang sports. À, bật mí nhỏ là thật ra, việc học ở Bách khoa cũng không đến nỗi quá não nề. Do đó, nếu đã là sinh viên trường mình, bạn hãy cứ tận hưởng đi nhé!

* Bạn “bén duyên” với chương trình Chất lượng cao ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường Bách khoa như thế nào?

Mình theo đuổi Môi trường vì vào thời điểm đó, lĩnh vực này được đánh giá là giàu tiềm năng, đang phát triển mạnh mẽ và thu hút nhiều sự quan tâm trong, ngoài nước. Mình lựa chọn chuyên ngành Quản lý với mong muốn nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện dưới nhiều khía cạnh khác nhau, từ đó phân tích, nhận định chính xác và đề xuất những giải pháp mang tính khách quan, bao quát hơn.

* Hãy bật mí một chút về những thành tích học tập và hoạt động nổi bật của bạn khi còn ngồi trên ghế nhà trường đi nào. Đâu là bí quyết giúp bạn vừa “ẵm” học bổng đều đều vừa hoạt động vô cùng năng nổ?

Trong quá trình học tập, mình đã lọt vào top 50 cuộc thi Bách khoa Innovation và nhận được học bổng khuyến khích học tập của OISP qua các học kỳ. Bên cạnh đó, mình cũng tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa do OISP tổ chức để cải thiện kỹ năng mềm và khám phá môi trường đại học.

Bí quyết của mình là chơi căng học giỏi, luôn cố gắng hết mình trong mọi việc từ học tới chơi. Tuy nhiên, mình vẫn cảm thấy bản thân chưa thực sự đạt đến cảnh giới đó khi còn là sinh viên (cười). Lời khuyên của mình dàng cho các đàn em khóa sau là hãy tự tin làm những điều bạn thích trong những năm tháng đại học ngắn ngủi nha.

Quốc Thịnh (hàng đầu, thứ ba từ trái qua) tham gia cuộc thi văn nghệ với lớp Soft Skills 12 vào năm Nhất.
Quốc Thịnh (hàng đầu, chính giữa, áo tím) tham gia OISP Camp 2018 với vai trò trợ giảng lớp SK25.

* Thời đại học, kỷ niệm đáng nhớ nhất của bạn ở Bách khoa nói chung và OISP nói riêng là gì?

Một trong những khoảnh khắc khiến mình nhớ mãi là lúc mình đại diện nhóm thuyết trình trong cuộc thi Bách khoa Innovation. Vì từng có kinh nghiệm thi Speaking và tham dự Presentation Contest trong học kỳ Pre-University nên mình cảm thấy khá tự tin. 

Thế nhưng, sự chủ quan đã làm mình cứng người khi đứng trước ban giám khảo (những thầy cô làm rất tốt công việc đánh giá, phân tích khả năng thương mại và tính ứng dụng thực tế của dự án). Sau này, mình rút được kinh nghiệm “xương máu” là phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng trước khi thuyết trình và luôn làm chủ bản thân trong lúc trình bày, hiểu rõ mình đang nói gì, đồng thời dự đoán ban giám khảo, khán giả mong muốn lắng nghe điều gì, từ đó tập trung vào trọng tâm vấn đề, nhấn mạnh cao trào của bài thuyết trình.

* Bạn đã nhận được giá trị gì từ chương trình Chất lượng cao ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường?

Mình sẽ chẳng bao giờ đi thi IELTS nếu không có ý định du học. Tuy nhiên, chính áp lực trang bị cho bản thân tấm bằng IELTS tối thiểu 6.0 trước năm Ba theo quy định của chương trình Chất lượng cao đã trở thành nguồn động lực để mình cố gắng học tập và nâng cao trình độ ngoại ngữ. 

Bên cạnh đó, chương trình Chất lượng cao cũng nhận được nhiều sự quan tâm của bạn bè quốc tế. Do đó, sẽ không hề bất ngờ khi bạn thỉnh thoảng bắt gặp một số sinh viên nước ngoài trên giảng đường. 

Vậy nên, nếu bạn mong muốn tìm hiểu về văn hóa các quốc gia khác thì chương trình đã tạo cho bạn mọi điều kiện thuận lợi rồi đó. “Ủa đang trong lớp học, tự nhiên lại đi bắt chuyện về văn hóa của người ta chi vậy, có lạc đề không đó?” Với những bạn hay “ngụy biện” kiểu này, OISP đã tổ chức hẳn nhiều festival để họ giao lưu, kết nối với sinh viên quốc tế rồi nha. ^^

Hiện nay, Việt Nam đang là điểm đến đầu tư của nhiều doanh nghiệp quốc tế thông qua những dự án, công trình mang tính chất bền vững. Với vốn kiến thức về quy trình sản xuất sạch, quản lý môi trường đô thị, các kỹ sư môi trường sẽ có được lợi thế cạnh tranh rất lớn. Vì vậy, cơ hội làm việc cho các tập đoàn đa quốc gia hay du học nước ngoài vô cùng rộng mở. 

Nếu đó là một trong những mục tiêu của bạn thì coi như bạn đã đặt một chân đến đích rồi. Hơn nữa, khi theo học chương trình Chất lượng cao, chắc chắn bạn đã nhấc được chân còn lại. Điều quan trọng chính là bạn có muốn tiến tới mục tiêu đó hay không. 

Quốc Thịnh (ngồi, hàng đầu, áo xanh) cùng bạn bè chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

HĂNG HÁI THEO ĐUỔI HƯỚNG ĐI NGHIÊN CỨU

* Trước đây, bạn có tham gia nghiên cứu khoa học không? Bạn đã học hỏi được điều gì thông qua hoạt động bổ ích này?

Mình tham gia nghiên cứu khoa học từ khá sớm. Đầu năm Ba, mình xin vào làm ở một dự án nghiên cứu về vi nhựa ở Trung tâm châu Á nghiên cứu về nước (CARE) của Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM). Đây là một trong những dự án nghiên cứu vi nhựa đầu tiên tại Việt Nam. Thật ra, mình đến với dự án này rất tình cờ, nhờ sự giới thiệu từ một anh trợ giảng môn học. 

Về mặt kiến thức, phải công nhận rằng mình sẽ không có cơ hội ứng dụng kiến thức đã học nếu không bắt tay làm đồ án, đặc biệt là nghiên cứu khoa học. Khi tham gia các dự án khoa học này, mình đã phải wow rất nhiều lần trước những kiến thức mới lạ. 

Chẳng hạn, (1) rác thải nhựa lớn trong môi trường có thể bị phân hủy thành vi nhựa thứ cấp (loại vi nhựa có kích thước rất nhỏ, khoảng 1 micromet, thậm chí 1 nanomet) hay (2) những loại vi nhựa sơ cấp có thể tạo ra sản phẩm thứ cấp để phục vụ nhu cầu con người như: kem đánh răng, sữa rửa mặt, mỹ phẩm tẩy tế bào chết… Vì loại vi nhựa này có thể ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái nên hiện nay, các sản phẩm đó đã bị cấm sản xuất ở nhiều nước phát triển.

Nghiêm trọng hơn, trong quá trình nghiên cứu khoa học, mình nhận ra rằng vi nhựa có mặt khắp nơi từ không khí, nước mặt đến trầm tích. Theo kết quả luận văn tốt nghiệp của mình hồi cuối năm Tư, các món ăn từ hải sản (ốc, nghêu, hàu, sò lông…) đều tồn tại vi nhựa. 

Đối với mình, nghiên cứu khoa học không chỉ mang tính chất học thuật hàn lâm mà còn phản ánh thực trạng ô nhiễm vi nhựa ở Việt Nam hiện nay. Từ kết quả nghiên cứu, các chuyên gia sẽ phân tích nguyên nhân, sau đó đề xuất giải pháp giúp nhà quản lý hoạch định chính sách hiệu quả hơn.

Về mặt kỹ năng, nếu đã xác định đam mê của bản thân là theo đuổi con đường nghiên cứu thì bạn không cần đắn đo, ngần ngại bất cứ điều gì khi tham gia nghiên cứu khoa học. Còn nếu không, đây vẫn là cơ hội tốt để bạn mài giũa nhiều kỹ năng cần thiết. Nếu nắm chắc kỹ năng tự học, bạn có thể tiến rất xa ở mọi lĩnh vực. Trong nghiên cứu khoa học, những bậc tiền bối hay các chuyên gia sẽ không có đủ thời gian để giảng giải tường tận cho mình mọi kiến thức cần thiết như khi lên lớp. Thậm chí, đôi khi, mình phải chủ động cập nhật kiến thức mới trước cả họ thông qua các bài báo khoa học trên những tạp chí chuyên ngành uy tín. Nhờ đó, kỹ năng đọc hiểu, phân tích tài liệu của mình cũng tiến bộ đáng kể. 

Khi đã có đủ thông tin và kiến thức thì hãy thinking out loud nhé! Môi trường nghiên cứu luôn cởi mở với những ý tưởng mới lạ. Đôi khi, ý tưởng của bạn không khả thi ở hiện tại nhưng có thể áp dụng trong tương lai hoặc có thể triển khai tại các quốc gia phát triển. 

Ngoài ra, trong quá trình nghiên cứu, để thuyết phục các anh chị tiền bối, chuyên gia, giáo sư, bạn cần trau dồi combo kỹ năng thuyết trình, tư duy phản biện, kỹ năng nói chuyện trước đám đông… Chỉ nghe qua thôi là mình đã cảm thấy mình nhận được nhiều hơn mất rồi đó. Mà thực sự mình cũng chẳng mất gì ngoài những lần ấp úng hay vài cái gãi đầu cả.

Quốc Thịnh trong một giờ thực hành ở phòng thí nghiệm.

* Hãy chia sẻ về công việc hiện tại của bạn nào.

Hiện tại, mình làm việc tại Trung tâm châu Á nghiên cứu về nước CARE của Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM). Mình đang tham gia dự án nghiên cứu hợp tác với Đại học Bách khoa Quốc gia Grenoble (Grenoble INP) và Viện Nghiên cứu vì sự phát triển (Institut de recherche pour le développement – IRD) của Pháp.

Dự án tập trung đánh giá nguy cơ ngập úng và ô nhiễm nước mặt dưới sự tác động của nước mưa và triều cường ở khu vực TP.HCM, từ đó nghiên cứu tính khả thi của việc ứng dụng các giải pháp bền vững để khắc phục tình trạng này như mái xanh  (green roof), đất ngập nước (wetland).

Dự án chủ yếu chú trọng khâu chế tạo mô hình để cho ra những kết quả có thể xảy ra ở khu vực nghiên cứu. Hiện tại, mình đang trong giai đoạn thiết lập mô hình nhằm chắc chắn rằng mô hình thể hiện đúng tính chất, đặc điểm khu vực nghiên cứu (hệ thống thoát nước, thủy văn, địa hình…). Vì từng được học môn Mô hình hóa nên khi bắt tay vào dự án, mình đã có một số kiến thức nền tảng cho công việc rồi. Ngoài ra, dự án hướng tới một khía cạnh chuyên sâu của môi trường nên đây vừa là thách thức vừa là cơ hội để mình học hỏi và phát triển.

* Sau khi đi làm một năm, bạn cảm thấy tiếng Anh có tầm quan trọng như thế nào đối với công việc của mình?

Trước đây, ngoại ngữ từng được xem là bức tường cản lối nhiều kỹ sư Bách khoa bước qua cánh cửa cơ hội. Giờ đây, trình độ tiếng Anh tốt chính là tấm vé bay thẳng đến nơi chúng ta mong muốn. 

Ngành Môi trường thực sự rất rộng. Bạn không thể hoàn toàn am hiểu mọi lĩnh vực của ngành, nhất là khi mới ra trường. Dự án mình đang tham gia đi theo hướng nghiên cứu rất mới và mình hầu như không có kiến thức đủ sâu để đảm nhận. Tuy nhiên, các chuyên gia nước ngoài luôn sẵn sàng trao đổi, giúp đỡ. Vấn đề mấu chốt là mình có đủ giỏi ngoại ngữ để giao tiếp tốt với họ và nắm bắt cơ hội hay không.

Quốc Thịnh tự tin thuyết trình trước lớp bằng tiếng Anh.

tầm nhìn về tƯƠNG LAI NGÀNH MÔI TRƯỜNG

* Theo bạn, xu hướng phát triển của ngành Môi trường hiện nay là gì?

Mình nhận thấy rằng, ngành Môi trường đã, đang và sẽ luôn phát triển theo hướng giải quyết vấn đề một cách thân thiện nhất với môi trường bằng cách cố gắng tạo ra một chu kỳ sản xuất khép kín, tái sử dụng những chất thải vẫn còn giá trị và biến đổi chúng thành sản phẩm thứ cấp. 

Việt Nam chúng ta đang dần chuyển đổi từ mô hình khu công nghiệp bình thường sang khu công nghiệp sinh thái. Khi đó, chất thải từ một nhà máy sẽ là nguyên liệu đầu vào cho một nhà máy khác, hướng đến Zero-Emission.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng internet vạn vật, hệ thống thông tin địa lý và viễn thám cũng sẽ phát triển mạnh mẽ nhằm đáp ứng nhu cầu theo dõi diễn biến chất lượng môi trường một cách nhanh chóng thay thế các phương pháp truyền thống. Ngoài ra, trong thời điểm hiện tại, những nghiên cứu ứng dụng cảm biến tự động hoặc công nghệ không người lái vào quá trình theo dõi chất lượng thực vật/ dòng sông cũng đang được đẩy mạnh.

* Những vị trí nào sẽ được các công ty săn đón trong tương lai?

Mình nghĩ thị trường sẽ luôn có nhu cầu tuyển dụng nhất định đối với nhân viên an toàn môi trường. Việt Nam đang cần nguồn nhân lực chất lượng trong lĩnh vực môi trường để tham gia vào quá trình xây dựng và quản lý các nhà máy sản xuất trong thời gian tới.

Chúng ta dễ dàng nhận thấy, cơ sở hạ tầng ở các nước phát triển được quy hoạch hợp lý, thi công bài bản và có thể đáp ứng tốt nhu cầu phát triển trong hiện tại lẫn tương lai. Thế nhưng, đa số dự án kiểu này đều do các tập đoàn nước ngoài phụ trách. Vì vậy, nếu được định hướng ngay từ đầu, các kỹ sư môi trường chuyên ngành phát triển đô thị bền vững sẽ là lực lượng lao động trình độ cao đủ sức cạnh tranh với các công ty quốc tế.

Quốc Thịnh (ngồi) tươi tắn chụp hình cùng bạn bè trong ngày lễ tốt nghiệp.

Bài viết liên quan
Kỹ sư môi trường – Lựa chọn nghề nghiệp “đi trước đón đầu” trong thời đại mới
Thời đại “cô-vít”, càng kích thích vai trò của kỹ sư môi trường
Bạn biết gì về ngành Môi trường tại Bách khoa?

* Lời khuyên của bạn dành cho các thí sinh yêu thích ngành môi trường đang phân vân về lựa chọn của mình.

Ngành Môi trường thực sự rất rộng, đặc biệt là đối với những bạn theo đuổi chuyên ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường. Ngành Môi trường Bách khoa gồm hai chuyên ngành là Quản lý Môi trường và Kỹ thuật Môi trường. Có một hiểu lầm trầm trọng rằng những ai học Quản lý thì sau này sẽ làm quản lý, cấp trên của các bạn theo Kỹ thuật. 

Trên thực tế, chương trình Kỹ thuật Môi trường sẽ tinh gọn hơn, hướng đến mục tiêu đào tạo đội ngũ kỹ sư thiết kế các công trình xử lý chất thải (nước thải, khí thải) theo điều kiện của môi trường cho trước.

Trong khi đó, sau khi tốt nghiệp ngành Quản lý Môi trường, sinh viên có khả năng quản lý, đánh giá sự tác động đối với môi trường. Nói nôm na, nếu muốn xây dựng một công trình nào đó, ví dụ nhà máy sản xuất kẹo, thì theo pháp luật Việt Nam, bạn cần một bản báo cáo đánh giá tác động môi trường để xem xét mức độ ảnh hưởng của dự án (nước thải, khí thải từ công trình trước và sau khi triển khai) có vượt mức cho phép hay không. 

Nếu vượt mức, các em cần đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động, giới hạn ở mức cho phép. Muốn làm được điều này, các em cần nắm vững kiến thức chuyên môn về nhiều mặt. Cụ thể, nếu chất lượng nước thải của nhà máy ô nhiễm vượt mức cho phép thì chúng ta cần xây thêm trạm xử lý nước thải với công suất A, quy trình B, công nghệ C. 

Các em sẽ được tiếp cận rất nhiều môn học để có thêm cái nhìn tổng quát về những vấn đề môi trường. Mỗi môn học đều có thể phát triển thành một ngành nghề về sau, chẳng hạn môn an toàn lao động, quá trình hóa lý, quá trình sinh học, kỹ thuật môi trường, ứng dụng hệ thống thông tin địa lý và viễn thám…

Vì vậy, sau khi biết được bản thân yêu thích lĩnh vực môi trường, các em cần xác định cụ thể bản thân đam mê làm về kỹ thuật thiết kế công trình xử lý nước thải, xây dựng mô hình dự báo một viển cảnh nào đó trong tương lai hay phân tích chính sách môi trường, tham gia quản lý trong các cơ quan nhà nước.

* Bạn muốn nhắn nhủ điều gì đến các tân sinh viên ngành Môi trường Bách khoa?

Trước hết, chúc mừng các em đã trở thành tân sinh viên Khoa Môi trường và Tài nguyên. Vì chuyên ngành của anh là Quản lý Tài nguyên và Môi trường nên lời chia sẻ này phần lớn dành cho các em ngành Quản lý. Tuy nhiên, hy vọng các em theo Kỹ thuật Môi trường vẫn sẽ tìm thấy những thông tin hữu ích. 

Theo anh, các môn học của ngành Quản lý tương đối nhẹ nhàng hơn so với các môn học của ngành Kỹ thuật. Đa số lý thuyết không cần tính toán phức tạp nhưng các em phải tiếp nhận một khối lượng thông tin rất lớn. Do đó, để chắc chắn rằng các em không trả lại kiến thức cho thầy cô sau khi tốt nghiệp thì ngay từ bây giờ, hãy tìm kiếm lĩnh vực cụ thể mà bản thân mong muốn nghiên cứu và theo đuổi. Nhờ đó, các em có thể ghi nhớ kiến thức dễ dàng và lâu dài hơn. 

Nếu băn khoăn liệu một môn học nào đó có cung cấp những kiến thức mà bản thân đang cần hay không thì hãy lắng nghe thật kỹ phần giới thiệu nội dung giáo trình trong buổi học đầu tiên. Đồng thời, đánh dấu những nội dung quan trọng để chủ động trao đổi với giảng viên khi học đến bài đó.

Cơ hội vận dụng kiến thức của các bạn ngành Quản lý không nhiều, bởi trong khi sinh viên ngành Kỹ thuật thực hiện 3-4 đồ án thì sinh viên ngành Quản lý chỉ làm một đồ án bắt buộc (phần còn lại là tự chọn). Vì vậy, tự học luôn là kỹ năng cần có trong suốt quá trình học tập. Đây cũng chính là yếu tố quyết định tương lai của các em sau này. 

Sau khi biết cách học rồi thì các bạn cũng nên biết cách chơi. Chương trình Chất lượng cao của Bách khoa có rất nhiều sân chơi bổ ích cùng những câu lạc bộ hay ho để sinh viên phát triển tài lẻ (hát, nhảy, MC, tổ chức sự kiện…). Nếu yêu thích trải nghiệm văn hóa thế giới, hãy cố gắng học tập thật tốt và tích cực hoạt động ngoại khóa, từ đó giành lấy cơ hội trở thành sinh viên trao đổi ở các quốc gia tiên tiến.

Mình chỉ biết được điều này mãi đến cuối năm Ba, lúc trò chuyện với một anh bạn khóa trên. Nếu kết thân với các tiền bối, bạn sẽ dễ dàng thu thập được nhiều thông hữu ích. Cuối cùng, hãy luôn ở trong tâm thế sẵn sàng tiến bước nhằm đạt được mục tiêu của mình nhé!

* Cảm ơn Quốc Thịnh về buổi trò chuyện chân tình, thú vị vừa qua. Chúc bạn luôn thành công trên con đường sự nghiệp nhé!

Bài: XUÂN MAI – Hình: Nhân vật cung cấp

Chương trình Chất lượng cao ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường của Trường Đại học Bách khoa ra đời với mục tiêu cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động trong lĩnh vực Môi trường trong thời gian tới. Chương trình được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh với nội dung giáo trình tiên tiến, được điều chỉnh và cập nhật liên tục.
  • Mã trường: QSB
  • Mã ngành: 225
  • Tìm hiểu thêm thông tin chi tiết tại đây.

    LIÊN HỆ TƯ VẤN
    VP Đào tạo Quốc tế (OISP) – Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM)
    ⓐ Kiosk OISP, Trường ĐHBK, 268 Lý Thường Kiệt, Q.10
    ⓟ (028) 7300.4183 – 03.9798.9798
    ⓔ tuvan@oisp.edu.vn

    Bài trước

    Bài tiếp